Tại Peru, Trung Quốc khánh thành siêu cảng Chancay, gia tăng ảnh hưởng ở Nam Mỹ
Ngày 14/11/2024, bên lề thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đồng nhiệm Peru, bà Dina Boluarte, đã khánh thành cảng biển Chancay do Trung Quốc đầu tư và khai thác. Hải cảng chiến lược lớn nhất Nam Mỹ này là một phần trong dự án « Những con đường Tơ lụa mới » của Bắc Kinh.
Hình ảnh từ drone cho thấy các cần cẩu và container tại siêu cảng mới Chancay, Peru, ngày 24/10/2024. REUTERS - Angela Ponce
Minh Anh
Theo AFP, lễ khánh thành được tổ chức từ xa, từ dinh tổng thống Peru ở Lima. Phát biểu qua màn ảnh, lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi dự án « Từ Chancay đến Thượng Hải », một hành lang đường bộ - hàng hải mới, nối hai bờ châu Á và châu Mỹ Latinh. Công trình này, theo ông, sẽ « mang lại nhiều lợi ích cho Peru và tạo ra nhiều việc làm », đồng thời ví cảng Chancay như là « điểm xuất phát mới cho Những con đường Incas trong thời đại mới ».
Cảng biển Chancay nằm cách thủ đô Peru 80 km về phía bắc, được tập đoàn Cosco Shipping Ports của Trung Quốc, nắm giữ đến 60% cổ phần, đầu tư và xây dựng với tổng trị giá công trình ước tính là 3,5 tỷ đô la. Theo kế hoạch, cảng nước sâu này một khi hoàn thành, sẽ có đến 15 kè cảng, và có thể tiếp nhận các loại tầu hàng lớn nhất, có khả năng chuyên chở đến 24 ngàn container. Hành trình vận chuyển cũng sẽ được rút ngắn từ khoảng 30 ngày xuống còn hơn 20 ngày.
Theo thỏa thuận, Cosco đã được nhượng quyền khai thác trong vòng 30 năm. Tập đoàn Trung Quốc dự trù trong năm đầu tiên khai thác, hải cảng Chancay có thể tiếp nhận hơn một triệu container. Các nước trong khu vực như Chilê, Colombia, Ecuador hay Brazil có thể tận dụng cảng biển này để vận chuyển hàng hóa sang châu Á mà không cần quá cảnh qua các cảng của Mỹ hay Mêhicô.
Công trình hải cảng khổng lồ này được hình thành trong khuôn khổ chương trình « Sáng kiến Vành Đai và Con Đường - BRI » do Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013, nhằm phát triển mạng lưới hạ tầng hàng hải, đường bộ và đường sắt nối các châu lục. Nhiều nước châu Mỹ Latinh khác như Achentina, Chilê, Bolivia, Ecuador hay Venezuela, đã tham gia dự án, tạo một trục chiến lược thiết yếu để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở bên ngoài.
RFI