>>Suy Ngẫm: “ * Người ta chỉ tạo nên hạnh phúc của mình do việc săn sóc đến hạnh phúc của người khác.
Bernardin De Saint Pierre
„
-
Những vũ khí khiến thế giới ngỡ ngàng tại triển lãm hàng không Trung Quốc 2024
Những vũ khí khiến thế giới ngỡ ngàng tại triển lãm hàng không Trung Quốc 2024
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 tại thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông vào ngày 12/11/2024
Từ tiêm kích tàng hình J-35 cho đến trực thăng Z-20 nâng cấp, hàng loạt vũ khí hiện đại của Trung Quốc đang được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc năm 2024 khai mạc ngày 12/11 tại thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông.
Sự kiện này được tổ chức ngay sau khi Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) kỷ niệm 75 năm thành lập vào hôm 11/11. Triển lãm kéo dài 6 ngày.
Diễn ra hai năm một lần, đây là triển lãm vũ khí lớn nhất của Trung Quốc và được ghi nhận là một trong những triển lãm quốc phòng quan trọng nhất thế giới.
Đây cũng là lần đầu tiên triển lãm hàng không được tổ chức từ khi các hạn chế nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19 được Trung Quốc dỡ bỏ vào năm 2023, mang đến cho khách tham quan cái nhìn về sự phát triển của ngành hàng không Trung Quốc và những tiến bộ quân sự của nước này.
Dưới đây là những vũ khí được chú ý trong Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2024:
Tiêm kích tàng hình J-35
Tâm điểm của Triển lãm Hàng không Châu Hải là máy bay chiến đấu J-35 được mô tả là “chiến đấu cơ đa năng tàng hình cỡ trung”. Chiến đấu cơ này đã được chế tạo trong hơn một thập niên.
Tờ South China Morning Post cho biết với mẫu chiến đấu cơ này, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ hai sau Mỹ có hai loại máy bay chiến đấu tàng hình đang hoạt động.
Chiến đấu cơ J-35 được phát triển dựa trên mẫu máy bay tàng hình J-31 và có điểm giống với tiêm kích F-35 của Mỹ, trong đó mẫu J-35A được thiết kế cho các chiến dịch xuất kích từ đường băng thay vì sử dụng trên tàu sân bay, mở rộng khả năng không chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Một biến thể khác của mẫu tiêm kích này sẽ được thiết kế để sử dụng trên tàu sân bay.
Ngay cả khi đã hơn 10 năm kể từ tiền thân J-31 thực hiện chuyến bay đầu tiên, hiện có rất ít thông tin về năng lực hoặc khả năng tàng hình của J-35A, hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích quân sự.
“Trung Quốc có thói quen giữ mọi chương trình quân sự của nước này trong hộp đen, rất khó để đánh giá năng lực của J-35 nếu chỉ nhìn từ thiết kế bên ngoài,” Tiến sĩ Collin Koh từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore nói.
"Các nhà khoa học của Trung Quốc đã thực hiện nhiều nghiên cứu STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) và nghiên cứu nâng cao liên quan đến công nghệ máy bay chiến đấu trong nhiều năm qua, bao gồm cả công nghệ tàng hình, vì vậy tôi khuyên bạn không nên tham gia vào danh sách những người hoài nghi để bác bỏ hoàn toàn khả năng của loại chiến đấu cơ này," ông Koh nói thêm.
Chiến đấu cơ tàng hình J-35A bay tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ngày 12/11/2024
Hai phiên bản J-35 và J-35A được thiết kế và chế tạo bởi Tập đoàn hàng không vũ trụ Thẩm Dương, một đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc do nhà nước sở hữu.
Tờ Nhân dân Nhật báo do nhà nước kiểm soát cho biết trước cuộc triển lãm hàng không rằng J-35A "chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giành và duy trì ưu thế trên không".
Cả hai biến thể J-35 đều nhỏ hơn đáng kể so với mẫu máy bay tàng hình J-20 chủ lực hiện tại của không quân Trung Quốc. Ước tính có khoảng 200 chiếc J-20 đang hoạt động trong PLAAF.
Chiếc J-35A có bề ngoài giống với mẫu F-35 của Mỹ do Lockheed Martin sản xuất, với hình dạng - từ thân máy bay đến các bề mặt điều khiển - được thiết kế để giảm thiểu bị radar phát hiện.
Hiện không rõ các mẫu J-35 có lớp phủ hấp thụ radar đặc biệt như F-35 hay các hệ thống liên lạc và radar khó phát hiện hay không.
Mô hình máy bay chiến đấu tàng hình J-35A được trưng bày trong Triển lãm Hàng không tại Châu Hải hôm 12/11
Trung Quốc đã phải vật lộn với bài toán thiết kế động cơ phản lực cánh quạt có hiệu suất cao, họ chủ yếu dựa vào công nghệ của Nga cho các mẫu máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên.
Nhưng dòng chiến đấu cơ J-31 sử dụng động cơ WS-13 do Trung Quốc sản xuất và chiến đấu cơ J-35A có thể được gắn động cơ WS-19 tân tiến hơn, mạnh mẽ hơn 10%, theo các nhà phân tích.
Công nghệ động cơ rất quan trọng đối với máy bay chiến đấu tiên tiến vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến tầm hoạt động, khả năng mang theo vũ khí và thiết bị của máy bay.
"Không có gì chắc chắn về thiết kế và hiệu suất của J-35 nếu chỉ dựa vào các buổi bay trình diễn ở Châu Hải," Peter Layton, một chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith châu Á, nhận xét.
Ngoài động cơ, một vấn khác được các nhà phân tích quan tâm nhất lúc này là J-35 có tham gia vào chương trình tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc hay không. Mặc dù Bắc Kinh có đến ba tàu sân bay nhưng chúng vẫn bị giới hạn bởi phạm vi tác chiến.
Sự xuất hiện của một tiêm kích tàng hình cho tàu sân bay có thể giúp hải quân Trung Quốc vươn tầm ra khỏi khu vực Đông Á trong những năm tới.
Trực thăng Z-20 nâng cấp
Với vẻ ngoài bóng lộn giống trực thăng UH-60 Black Hawk của Mỹ, trực thăng Z-20 tối tân của quân đội Trung Quốc rất đa nhiệm, nhưng có thể phát huy tối đa sức mạnh trên biển, các nhà phân tích đánh giá.
Tiềm năng của máy bay Z-20 trên biển, vốn có thể giúp Trung Quốc lấp khoảng trống trong việc phòng thủ trước mối đe dọa tàu ngầm, đang thu hút sự chú ý của các tùy viên quốc phòng khu vực và các học giả an ninh theo dõi sát quá trình phát triển của nó sau một thập niên.
Các kênh truyền thông Trung Quốc gần đây đã đưa tin rầm rộ giới thiệu về phiên bản tấn công vũ trang của dòng máy bay này, và quân đội đã trưng bày mẫu Z-20J - một bước tiến quan trọng hướng tới biến thể chống tàu ngầm hoàn chỉnh, Z-20F.
Mặc dù Trung Quốc đang triển khai các tàu chiến ngày càng tiên tiến như một phần của quá trình hiện đại hóa quân sự lâu dài, nhưng nước này vẫn gặp khó khăn trong việc bảo vệ chúng, bao gồm cả hạm đội tàu sân bay mới nổi, khỏi các cuộc tấn công dưới nước - một năng lực đã được nhiều đối thủ của Trung Quốc hoàn thiện.
Các báo cáo của Lầu Năm Góc và các nhà phân tích phương Tây từ lâu đã lưu ý rằng điểm yếu trong khả năng chống tàu ngầm của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) có thể gây tổn hại đến các đợt triển khai hải quân tầm xa trong một cuộc xung đột.
Báo cáo công khai mới nhất của Lầu Năm Góc về quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, được công bố vào tháng 10/2023, tiết lộ rằng một phiên bản hải quân của Z-20 đang được phát triển.
"Máy bay Z-20F tương tự như SH-60 của Hải quân Mỹ và sẽ có những cải tiến đáng kể về khả năng ASW (tác chiến chống tàu ngầm) so với các loại trực thăng nhỏ hơn mà PLAN hiện đang vận hành," vẫn theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Một chiếc trực thăng Z-20 được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc (Airshow China), tại thành Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 12/11/2024
Tiến sĩ Collin Koh đánh giá trực thăng Z-8 quá nặng còn Z-9 thì quá nhẹ, do đó hạn chế loại tàu mà chúng có thể được triển khai, cũng như hạn chế phạm vi hoạt động, khối lượng cảm biến và vũ khí mà chúng có thể mang theo.
Hai mẫu Z-8 và Z-9 cũng dựa trên các thiết kế của châu Âu vào những năm 1980 mà Trung Quốc có được trước khi các lệnh trừng phạt công nghệ quốc phòng có hiệu lực đối với Bắc Kinh sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
"Do đó, Z-20 chính là câu trả lời," ông Koh cho hay.
Chuyên gia này cũng kì vọng Z-20 sẽ sớm trở thành trực thăng hải quân và chống ngầm tiêu chuẩn, vì nó có khả năng hạ cánh trên các loại tàu từ tàu hộ tống, tàu khu trục đến tàu sân bay.
Trong đánh giá thường niên mới nhất về hoạt động triển khai quân sự quốc tế, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London lưu ý rằng cho đến nay, Trung Quốc đã triển khai 15 trực thăng Z-20 để thực hiện công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngồi trên trực thăng Z-20, tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ngày 12/11/2024
Tên lửa chống đạn đạo HQ-19
Một vũ khí khác lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại Triển lãm Hàng không Châu Hải là tên lửa chống đạn đạo HQ-19, hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ mới có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và phương tiện lướt siêu thanh.
HQ-19 có một bệ phóng sáu tên lửa, đặt trên xe tải cơ động cao 8x8, cho phép đánh chặn hiệu quả các tên lửa đạn đạo đang bay tới, theo South China Morning Post.
Điều này giúp HQ-19 khác biệt với các hệ thống phòng không khác của PLA như HQ-9 và HQ-22, chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ bắn máy bay.
Dù thông tin chi tiết được bảo mật, nhưng theo một số nhà phân tích quân sự, tầm bắn của HQ-19 có thể trong khoảng 1.000 đến 3.000 km, vượt xa đáng kể khả năng của hệ thống tên lửa phòng không S-500 của Nga. Nhiều khả năng hệ thống này được trang bị công nghệ “hit-to-kill” (va chạm trực tiếp với mục tiêu) - công nghệ điển hình cho tên lửa đánh chặn của Mỹ và khiến các nhà phân tích quân sự xem HQ-19 như một lựa chọn thay thế cho hệ thống THAAD của Mỹ.
Các chuyên gia đánh giá, với những đặc điểm nổi bật trên, HQ-19 đã cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa. Đặc biệt, tầm bắn mở rộng và công nghệ tiên tiến khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc.
Máy bay không người lái trinh sát tấn công Cửu Thiên
Được mệnh danh là “Cửu Thiên” – có nghĩa là “trời cao” – SS-UAV là một loại máy bay không người lái mới, nặng 10 tấn, chạy bằng động cơ phản lực, có thể nhanh chóng phóng ra các thiết bị máy bay không người lái (drone) nhỏ hơn để thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như tác chiến điện tử và tấn công động lực.
Nó cũng có các đặc điểm giống với mẫu A-10 Warthog của Mỹ và OV-10 Bronco thời Chiến tranh Việt Nam, và đã được trông thấy thấy gần các điểm nóng trong khu vực, bao gồm Biển Đông, Eo biển Đài Loan và dọc biên giới Trung Quốc với Ấn Độ.
Theo các báo cáo, Cửu Thiên có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 10 tấn.
Để so sánh, máy bay không người lái vũ trang CH-6, xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Châu Hải năm 2021 chạy bằng động cơ phản lực tương đối lớn, được cho là có trọng lượng cất cánh tối đa 7,8 tấn.
Một năm sau, công ty con Chengdu Aircraft Industry Group (CAIG) của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cũng ra mắt mẫu máy bay không người lái vũ trang Wing Loong 3 (Dực Long) với động cơ đẩy cánh quạt, mẫu nhất của dòng Wing Loong cho đến nay, với trọng lượng cất cánh tối đa công bố là 6 tấn.
Để tham chiếu, trọng lượng cất cánh tối đa của các phiên bản tầm xa mới của MQ-9 Reaper của Mỹ là dưới 6 tấn.
Vào tháng 8/2024, một máy bay không người lái dòng Wing Loong được phát hiện bay vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hai lần.
Máy bay này được xác định là loại Wing Loong WZ -10, cất cánh từ đảo Hải Nam của Trung Quốc và đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, bay dọc bờ biển khoảng 800 km và sau đó quay đầu ở địa điểm gần thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hôm 7/8.
Trước đó vào ngày 2/8, một máy bay WZ-10 xuất phát từ đảo Hải Nam đã bay cách bờ biển Việt Nam khoảng 100km đến thành phố Nha Trang, theo Reuters.
Joseph Trevithick, biên tập viên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ, nhận định “Cửu Thiên cho thấy nỗ lực đầu tư đáng kể và không ngừng gia tăng của Trung Quốc nhằm bổ sung, tăng cường năng lực tác chiến UAV. Máy bay này không ứng dụng thiết kế tàng hình, nhưng có thể là sự bổ sung quan trọng vào kho vũ khí không người lái của Trung Quốc, giúp nước này sở hữu dòng UAV mẹ - con để phát động những đòn tấn công bằng bầy đàn drone".
Một chiếc SS-UAV tại một triển lãm ở Trung Quốc vào ngày 6/11/2024
Chiến đấu cơ tàu sân bay J-15T
Hải quân PLA sẽ ra mắt J-15T – dự kiến là máy bay thế hệ 4.5 – tại triển lãm Châu Hải. J-15T là máy bay chiến đấu khả dụng trên tàu sân bay được nâng cấp với radar AESA (hay mảng quét điện tử chủ động) tiên tiến và vũ khí trên không mới nhất.
Nó có thể được phóng từ các tàu sân bay được trang bị máy phóng như tàu sân bay Phúc Kiến, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển.
J-15T cũng tham gia các cuộc tập trận do hai tàu sân bay đang hoạt động của nước này là Liêu Ninh và Sơn Đông tiến hành tại Biển Đông vào tháng 10/2024.
J-15T, một máy bay chiến đấu khả dụng trên tàu sân bay do Trung Quốc sản xuất, được trưng bày tại triển lãm ở Châu Hải hôm 12/11
Máy bay chiến đấu tác chiến điện tử J-16D
Ra mắt vào năm 2021, máy bay chiến đấu J-16D, được trang bị nhiều thiết bị gây nhiễu, giúp tăng cường khả năng kiểm soát điện từ trong chiến đấu.
Nó được thiết kế để phối hợp với các máy bay chiến đấu J-20, J-16 và J-10C để đạt được ưu thế trên không, đặc biệt là trên eo biển Đài Loan.
Máy bay chiến đấu J-16D
Còn gì nữa?
Công chúng cũng sẽ có cơ hội lần đầu tiên được chiêm ngưỡng khoang hàng của máy bay vận tải hạng nặng Y-20.
Và Y-20, cùng với máy bay vận tải hạng nặng IL-76 và máy bay tiếp dầu trên không YY-20A, sẽ thực hiện các màn trình diễn trên không và được trưng bày tĩnh tại Triển lãm Hàng không Châu Hải.
Các máy bay chiến đấu khác có mặt tại triển lãm năm nay bao gồm máy bay ném bom H-6K và máy bay cảnh báo sớm KJ-500A.
Ngoài máy bay không người lái tiên tiến, hệ thống vũ khí và công nghệ tác chiến điện tử, tham vọng hàng không thương mại của Trung Quốc cũng được thể hiện thông qua nhà sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Comac.
Máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không Châu Hải
BBC
Hãy luôn đặt mình vào vị trí người khác . Nếu điều đó tổn thương bạn thì nó cũng sẽ làm buồn người khác
-
Chủ Đề Tương Tự
-
By duyanh in forum Sự Kiện Đời Sống
Trả Lời: 0
Bài Viết Cuối: 04-09-2024, 01:27 PM
-
By duyanh in forum Tin tức
Trả Lời: 0
Bài Viết Cuối: 10-16-2021, 01:04 PM
-
By duyanh in forum Tin tức
Trả Lời: 0
Bài Viết Cuối: 04-03-2021, 12:40 PM
-
By sophienguyen in forum Sự Kiện Đời Sống
Trả Lời: 0
Bài Viết Cuối: 03-21-2019, 01:28 AM
-
By sophienguyen in forum Phong Cảnh
Trả Lời: 0
Bài Viết Cuối: 01-26-2019, 02:24 AM
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules