TP.HCM: Hơn 43% công chức sẽ bỏ việc khi có cơ hội phù hợp hơn
TP.HCM: Hơn 43% công chức sẽ bỏ việc khi có cơ hội phù hợp hơn
Theo kết quả khảo sát, 43% công chức ở TP.HCM muốn bỏ việc do thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến.
Cán bộ, công chức, viên chức TP. Thủ Đức giải quyết hồ sơ cho người dân. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)
UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030.
Đề án đã lấy 12.869 phiếu khảo sát công chức và 76.601 phiếu khảo sát viên chức về quan điểm, cảm nhận, thái độ với nền công vụ.
Đáng chú ý, hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều.
Khảo sát cũng cho biết nghịch lý dù 74% công chức cho rằng sẽ sẵn sàng thực hiện mọi việc để ở lại cơ quan, đơn vị mình, nhưng lại có tới hơn 43% công chức sẽ rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp hơn, gần 22% còn đang phân vân.
Ba nguyên nhân được nêu ra là thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến.
Gánh nặng quá tải công việc tập trung ở nhóm công chức tại phường, xã, thị trấn. Có đến 80,48% công chức ở nhóm này đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều và rất nhiều.
Từ kết quả khảo sát cho thấy, đây là cấp có mức thu nhập thấp nhất, khối lượng công việc nhiều, có tỷ lệ sẵn sàng thay đổi công việc cao nhất. Vấn đề về thiếu nhân lực cũng thể hiện rõ nét ở cấp cơ sở.
Theo đề án, chế độ tiền lương là một vấn đề lớn, mức thu nhập quá thấp là một trong những lý do hàng đầu cho việc sẵn sàng thay đổi công việc của công chức khi có cơ hội.
Kết quả khảo sát viên chức cũng cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu người. Việc thiếu nhân lực khiến viên chức phải làm việc quá sức, căng thẳng, góp phần làm cho họ không hài lòng hoặc có ý định bỏ việc, chuyển việc.
Thu nhập của viên chức phân bố chủ yếu ở mức trung bình. Chỉ khoảng 50% viên chức cho rằng thu nhập ở khu vực công là hợp lý trên các khía cạnh được xem xét.
11,8% người tham gia khảo sát cho rằng cơ quan, đơn vị đang thiếu kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí hạn chế, các hoạt động của cơ quan, đơn vị có thể phải cắt giảm hoặc thu hẹp lại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả triển khai nhiệm vụ.
Tuy nhiên, bức tranh về viên chức có gam màu sáng hơn công chức: 70% người trả lời là sẽ không rời bỏ đơn vị dù có nơi khác mời với thu nhập cao hơn, nguyên nhân là họ đang hài lòng với các mối quan hệ ở nơi làm việc hiện tại; 70% ý kiến đồng ý và hoàn toàn đồng ý cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc.
Giới chức TP.HCM đưa ra hàng loạt các giải pháp như: nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, thực thi công vụ theo từng vị trí, chức danh; sẽ đưa ra các chính sách cân bằng công việc – cuộc sống, nghiên cứu, đề xuất thí điểm các mô hình làm việc linh hoạt nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả hơn, tạo tâm lý thoải mái…;
Tập trung hỗ trợ nhà ở xã hội, nghiên cứu xây dựng kế hoạch về phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm, áp dụng cơ chế khoán trong sử dụng biên chế, số lượng người làm việc…
Với quy mô hơn 10 triệu dân và trên 300.000 doanh nghiệp, khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức ở TP.HCM nằm trong tốp cao nhất nước. Kết quả khảo sát cho thấy một công chức thành phố phục vụ bình quân 346 người (tính cả biên chế phường, xã, thị trấn), hơn gấp 2 lần so với cả nước (152 người).
TP.HCM đề xuất chi hàng chục tỷ đồng bồi dưỡng cán bộ, công chức
UBND TP.HCM vừa gửi tờ trình đề nghị HĐND TP.HCM xem xét thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo các chương trình, đề án của Thành ủy và UBND TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, việc sử dụng ngân sách để chi trả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện gặp một số vướng mắc do quy định chưa cụ thể, chưa thống nhất.
Riêng đối với viên chức, kinh phí đào tạo lấy từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vì nguồn thu còn hạn chế trong khi phải cân đối cho nhiều nội dung nên việc chi trả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Trong tờ trình, UBND TP.HCM đề xuất đối tượng áp dụng khá rộng, gồm cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội cấp TP.HCM và cấp huyện, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.HCM.
Cụ thể, ngân sách sẽ hỗ trợ kinh phí cho cán bộ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo Đề án 01/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM; cán bộ được cử đi đào tạo trình độ đại học theo Đề án số 04/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và một số đề án khác. UBND TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù này kéo dài đến năm 2035.
Theo tính toán sơ bộ, trung bình mỗi năm ngân sách hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng để thực hiện chính sách trên.
Minh Long
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương