Lao động đi Nhật sẽ được giới chủ chia sẻ phí xuất cảnh




Nhật Bản sẽ áp dụng luật mới, trong đó doanh nghiệp và người lao động sẽ cùng chia sẻ chi phí xuất cảnh. Việc này được cho biết là nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người sang nước này làm việc.



Người Việt Nam sang Nhật lao động phải tốn phí gần 200 triệu đồng. (Ảnh minh họa: Nguyễn Trọng/Facebook)

Báo VnExpress và báo Dân trí dẫn lời ông Ishii Chikahisa – đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết thông tin trên tại Hội chợ việc làm cho lao động Chương trình EPS và IM Japan ngày 8/11. Quốc hội Nhật Bản hồi tháng 6 đã sửa luật, thiết lập chế độ việc làm để phát triển kỹ năng thay thế dần cho chương trình thực tập sinh kỹ năng nhằm giữ chân lao động nhập cư.

Theo luật mới, lao động có thể chuyển việc nếu đáp ứng một số điều kiện thay vì bó buộc 3 năm với công ty tiếp nhận ban đầu. Chế độ việc làm mới cũng tạo nguồn nhân lực cho chương trình kỹ năng đặc định, giúp lao động có sự chuẩn bị tốt cho công việc đòi hỏi tay nghề cao và thời gian cư trú tại Nhật dài hơn.

Theo VnExpress, thực tập sinh kỹ năng là chương trình được Nhật Bản triển khai từ 1992, bộc lộc bất cập sau nhiều năm. Thời gian làm việc từ một đến 5 năm coi như “học việc”, lao động chỉ nhận lương tối thiểu, không thưởng, không phụ cấp như người bản địa. Thực tập sinh cũng không được chuyển nơi khác khi công việc không phù hợp, chủ đối xử không tốt.

Chương trình bị chỉ trích là nhập khẩu lao động giá rẻ, coi thực tập sinh như công nhân làm việc chân tay do nước này thiếu nhân lực trầm trọng. Do đó, tháng 4/2023, Hội đồng gồm 15 chuyên gia, học giả và quan chức đứng đầu các tỉnh ở Nhật Bản đã đề xuất loại bỏ.

Người Việt Nam sang Nhật lao động phải tốn phí gần 200 triệu đồng
Hồi đầu tháng 4/2023, ông Shishido Kenichi – cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết số lao động Việt sang Nhật Bản làm việc đang gia tăng nhanh chóng với trung bình mỗi năm khoảng 100.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ 2 tại nước này, theo báo Tiền Phong.

Cũng theo ông Shishido Kenichi, vấn đề lớn lao động Việt Nam gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao (gần 200 triệu đồng). Điều này khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

Còn theo ông Phạm Viết Hương – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết phía Việt Nam đã không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh, theo Tuổi Trẻ.

Bên cạnh đó, ông Hương nhìn nhận có tình trạng thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định. Thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian hoặc môi giới.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 nêu rõ doanh nghiệp không được thu tiền môi giới, dịch vụ của người lao động trái phép.

Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam qua thống kê cho thấy số lao động Việt Nam tại Nhật Bản rất lớn, chiếm tới 1/4 trên tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Qua đó, Việt Nam hưởng lợi từ kiều hối tương đương 3 tỷ USD/năm.

Tuy vậy, bà Christensen nêu rõ chi phí một lao động đi Nhật Bản lên tới 192 triệu đồng (khoảng 8.000 USD).

Qua khảo sát tại Hà Tĩnh, Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản (JIFA) cho rằng thực tập sinh đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An chiếm tới 1/5 tổng số thực tập sinh kỹ năng tại Nhật nhưng trả chi phí thực tập rất cao.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch VAMAS, chi phí của thực tập sinh Việt Nam cao nhất, cao hơn cả Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: thiếu thông tin nên phụ thuộc môi giới, tồn tại tình trạng thỏa thuậ ngầm với người giới thiệu, có ít cơ sở dạy tiếng Nhật tại địa phương, v.v…

Để giảm gánh nặng chi phí, bà Ikeda Setsuko, Chủ tịch JIFA cho biết cần phải thực hiện xóa bỏ các hành vi gian lận trong chương trình thực tập sinh. Trong đó có việc từ chối tiền lại quả hoặc thiết đãi quá mức, từ chối hợp đồng “cửa sau” và không cung cấp tài liệu giả mạo.

Khánh Vy (t/h)