Tâm cảnh tốt nhất của đời người là sự an tĩnh trong linh hồn




Tâm linh của mỗi người đều cần một miền cực lạc, mà miền cực lạc đó chính là sự an tĩnh. Chỉ khi linh hồn an tĩnh, chúng ta mới có thể tiến gần nhất với bản thân mình, chúng ta mới có thể thăng hoa và tìm về với chốn tịnh thổ.

Sống trong xã hội ồn áo náo nhiệt, thân tâm con người thường xuyên cảm thấy mỏi mệt muốn tìm bến đỗ. Tuy nhiên khi hoàn cảnh xung quanh đã tạm thời ngơi nghỉ, chúng ta lại thường vì sự tĩnh lặng ấy mà cảm thấy tiêu cực, buồn phiền. Kỳ thực, những giờ khắc như vậy là cơ hội tuyệt vời để chúng ta làm cho linh hồn của mình an bình, tĩnh tại, nhìn lại bản thân, về với lương tri, trưởng thành hơn trong suy nghĩ.

Nếu có thể ngồi xuống nhìn lại, chúng ta hẳn sẽ thấy được rằng những gì mình cần không nhiều như những thứ mình vẫn truy cầu, đeo đuổi. Một người càng có tâm linh an tĩnh bao nhiêu, càng là bởi vì họ rời xa hấp dẫn của danh lợi bấy nhiêu. Linh hồn thăng hoa khi đã xả bỏ được hư vinh, ân sủng, quyền thế, xa hoa mà sống đạm bạc. Bởi vì đạm bạc cho nên mới được an tĩnh.

Nếu cuộc sống là một chén nước đầy, thì những khổ đau chính là hạt bụi rơi vào trong chén nước. Trên đời này không có cuộc sống nào là luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, ai ai cũng có những điều không vừa ý, những nỗi đau ẩn dấu trong tâm linh của mình. Nếu không để chén nước tĩnh lại, mà cứ khuấy động nó lên, thì cặn và bụi kia sẽ tràn ngập trong linh hồn của chúng ta. Bởi vậy, hãy học cách để hết thảy những phiền não chậm rãi lắng đọng. Hãy học cách tiếp nhận những yếu nhược và những điều bản thân không thể. Hãy cho bản thân mình một chút thời gian, chúng ta sẽ ở trong bất tri bất giác mà đạt được sự an tĩnh trong linh hồn.



(Ảnh minh họa: Anek.soowannaphoom, Shutterstock)

Trong hành trình ấy, điều cần thiết nhất không phải là để ý đến những điều sai trái và bất thiện của người khác, mà hãy tập trung vào bản thân mình, hiểu rõ chính mình, chấp nhận chỗ thiếu sót của bản thân và gieo trồng những mầm hy vọng tốt đẹp. Khi có thể nhìn vào bên trong rồi, hãy hồi tưởng lại mọi việc diễn ra trong quá khứ, hãy tìm kiếm những ác niệm mà chúng ta nhất thời xem nhẹ trong cuộc sống vội vã ồn ào. Với mỗi ác niệm ấy, hãy thay thế nó bằng một thiện niệm, bằng sự hối lỗi, biết ơn, mong muốn được tha thứ. Hãy tìm kiếm những vấn đề lớn lao, những khổ đau của những con người bất hạnh, những tội ác mà chúng ta cảm thấy bản thân bé nhỏ không biết giải quyết ra sao, và nguyện cầu rằng chính nghĩa và hạnh phúc sẽ đến. Khi không ngừng nuôi dưỡng thiện niệm cho bản thân, nuôi dưỡng mong muốn tốt đẹp cho người khác, nội tâm của chúng ta sẽ thật sự cảm thấy bình an trong một miền cựu lạc, thăng hoa và trưởng thành.

Một người an tĩnh sẽ luôn trưởng thành trong sự kiên cường lặng lẽ. Trong cuộc sống huyên náo này, mỗi chúng ta đều mong muốn có một nơi thích hợp cho chính mình để an định lại tâm linh. Nơi đó có thể là một căn phòng tĩnh lặng, hay một cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn, thậm chí có thể là một con đường nhỏ.

Hãy để ý và lưu giữ những điều lớn lao trong tâm linh, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, ngoài những huyên náo và bất an bên ngoài sinh mệnh ra, sự bình yên và tĩnh tại đang lớn dần trong tâm hồn, mang ấm áp và yêu thương tràn đến. Nó sẽ không vì sự biến đổi của thời gian mà tiêu tan, luôn ở trong tâm mà mở ra một miền tịnh thổ, không bị mưa gió làm ướt, không bị bụi bặm làm bẩn, bình thản chịu đựng, thong dong không sợ hãi. Góc an tĩnh này như một đóa hoa nở rộ, có hương vị riêng, đem đến cho con người sự thoải mái nhất để tìm về với chính bản thân mình.

Nhân sinh có gặp gỡ cũng có chia lìa, khi gặp hãy trân quý, khi chia lìa cũng đừng quá khổ đau, được cũng chớ mừng rỡ, mất cũng chớ sầu bi, bởi vì được hay mất, đoàn tụ hay chia phôi cũng chỉ là một loại trạng thái. Có một số việc đừng cưỡng cầu, có một số việc nên là xem nhẹ, kiên định bảo trì chính nghĩa và thiện tâm, bạn sẽ luôn có một khoảng trống an tĩnh để đem lại sự thuần khiết cho sinh mệnh.

Theo Vision Tímes tiếng Trung
An Hòa biên tập