“Hội chứng ra tù”

Tác Giả : Lại thị Mơ






Gặp ổng trong đám bạn tù mới được tự do. Lại nghe nói ổng có “thành tích” bị nhốt trong “chuồng cọp”. Tôi cứ ngỡ chuồng cọp thì nhốt cọp. Ai dè không phải, ổng chỉ là thỏ đội lốt cọp.

Sau khi được “trả quyền công dân”, hết bị quản chế, tức là mỗi tháng không phải lên đồn công an trình diện. Ổng được cấp chứng minh nhân dân (CMND), từ nay tha hồ “bay nhảy”.

Đối với ổng, tấm CMND là bùa hộ mạng. Đã coi như “bùa“ thì phải giữ kỹ. Nhưng không. Hôm đưa thằng nhóc con đi xem đốt pháo bông ở công viên trước dinh Độc Lập (cũ), thay vì nhét trong túi quần, ổng lại bỏ ví vào túi áo sơ mi.
Bởi vậy khi về tới nhà mới biết mất hồi nào. Nhà xa, đêm đã khuya.

- Lúc đầu tôi tưởng mất nguyên cái ví (có tiền ở trỏng). Ai dè chỉ mất cái thẻ CMND, ổng nói.

- Sao kỳ vậy?

Ổng nói sợ công an xét giấy, nên lấy ra bỏ túi áo trên, cho tiện.

Thiệt là dở hơi. Giấy tờ quan trọng phải để trong ví, nhét túi quần (sâu) chứ bỏ túi áo, cái thẻ nhẹ hều, rớt là phải rồi.

Xem đốt pháo bông đen ngẹt người chen chúc. Mặc dù có CMND, đâu ai biết ổng gốc tù. Nhưng nỗi sợ hãi cứ ám ảnh lúc nào cũng bị hạch hỏi xét giấy tờ. Nên mới để sẵn tấm CMND trong túi áo. Thật tội nghiệp.

Vừa thương cảm, vừa bực mình, tôi chỉ nói ngắn gọn:

- Thôi đi ngủ, mai tính.

Ai dè ổng hoảng quá, lén lén khi tôi ngủ say, quay lại công viên, dùng đèn pin lần mò trên bãi cỏ tìm suốt đêm. Tấm thẻ cũng nhẹ như chiếc lá vàng rơi, bãi cỏ mênh mông, làm sao thấy ?

Gần sáng ổng mới về nhà, mệt nhoài, nói không ra hơi. Lúc đó tôi vừa thức dậy, ngỡ ngàng hỏi:

- Ủa? Mất thì xin lại cái khác, chứ ai mà (khùng) đi tìm suốt đêm thế!

Lúc đó ổng mới bừng tỉnh, thoát cơn “mộng du”. Đi xin phó bản (đóng 15 ngàn tiền Hồ, chưa tới 1 đô la!).

Lần khác ổng về nhà khi đã nhậu sương sương. Tôi nhờ ngồi đưa võng giùm, vì mắc nấu cơm.

Bỗng dưng nghe cái “bịch”, giật mình chạy ra, thấy thằng nhỏ bay cái vèo từ trên võng (để trên đi văng) xuống đất.

Cái võng cho em bé ở VN thấp chủn, đặt trên đi văng cũng thấp chủn. Thằng nhỏ rớt cái bịch xuống đất, kéo theo tấm đắp quấn quanh người.
Thằng nhỏ không khóc, nhưng ổng hết hồn, khóc bù lu bù loa.

- Tôi giết con tôi rồi! Tôi giết con tôi rồi. Hu hu.

Nghe ổng gào như cháy nhà, tôi phải nén cười, quát lên:

- Nó có làm sao đâu ? Con không khóc mà bố khóc om sòm.

“Dở hơi” chẳng phải một lần. Khi qua Mỹ, mua được căn nhà cũ, máy rửa chén hư mang bỏ, nhưng quên chưa khoá ống nước.
Thẳng với sink và máy rửa chén ở bếp là máy giặt dưới hầm.

Tôi đi ngủ lúc 10pm, nào biết nước chảy ở bếp (từ máy rửa chén) ổng lui cui thấm khô, sau đó xuống hầm, lại thấy nước tràn đầy. Ổng lau tiếp.
Cứ thế đi tới đi lui lau khô trên bếp, dưới hầm. Cho tới khi mệt lả, không đi nổi nữa, ổng vừa bò vừa lết vô phòng.
Lúc đó tôi chưa ngủ hẳn, còn mơ mơ màng màng.

Hình như ổng gục đầu vào thành giường. Tôi nghe loáng thoáng, giọng hổn hển:

- Em ơi! Nước chảy, lau hoài mệt quá.

Nghe nước chảy, tôi vẫn không mở mắt, chỉ làu nhàu:

- Nước chảy, thì khóa van nước lại. Lau sao nổi.

Sáng dậy, thấy cảnh tượng thiệt hỡi ôi. Quýnh quá, ổng lôi nguyên tủ khăn lông ra thấm nước, chất một đống như cái mả Đạm Tiên. Chịu thua luôn.

Người ta thường nói những người lính lăn lộn nơi trận mạc thấy cảnh chém giết nhiều quá, khi giải ngũ thường bị ám ảnh về những hình ảnh chết chóc. Còn ông chồng tôi ở tù lâu quá, bây giờ vẫn chưa tin mình có tự do, vẫn phản ứng như người chưa hoàn hồn, cũng là điều không tránh khỏi.

Có một lần tôi bận việc, nhờ ổng đi chợ. Buổi chiều về nhà mở mâm cơm, nhìn mà muốn khóc. Một tô rau dền luộc, lấy nước làm canh và một ảng cá kho trông thật bắt mắt.

Có điều tôi nghẹn ngào ăn trong im lặng, nghe ổng kể chuyện đi chợ vui quá. Ổng nào có biết ở hàng cá thát lát, thịt cá được nạo ra bán, còn da xương sống đầu để ụ một bên.

Dĩ nhiên cá rất tươi, chỉ có điều khi ổng hỏi, cô bán hàng nói 10 ngàn một lạng thịt cá. Đối với ổng mười ngàn là con số lớn, nên ổng chỉ đống da để kế bên. Cô bán hàng đâu biết ổng mua làm gì? Nên vui vẻ nói:

- Hết chỗ này, tính chú 5 ngàn.

Tưởng gặp may, ổng mang về cặm cụi kho một nồi thật bự thơm phức.

Khi ăn xong, tôi nói cá thát lát chỉ ăn phần thịt, còn đầu da xương để nấu cháo heo.

Ổng cứ lẩm bẩm sao uổng vậy !

Hơn 30 năm lưu lạc xứ người, các ông bạn tù may mắn còn sống vẫn ngỡ chuyện ở tù như “Tái ông mất ngựa”. Nếu không có chương trình HO chắc giờ này các con ông vẫn còn lao đao kiếm sống. Chứ làm gì được ngồi ung dung làm việc trong phòng máy lạnh, chẳng ai quát tháo nạt nộ.

Tôi không thể mường tượng mỗi ngày chỉ có vài củ khoai nhỏ như nắm tay con nít, mà sao vẫn sống.

Trại tù gần biên giới phía Bắc, gió lạnh thấu xương, cả tấm đắp lẫn áo quần tơi tả mà không chết, đúng là phép lạ.

Hầu như những người tù HO như ông chồng tôi và đám bạn của ổng, không ai kêu ca than phiền cuộc sống nơi xứ tạm dung. Chỉ có CA tập trung nhiều người Việt, nhưng 50 tiểu bang khác vẫn có các bạn tù của ổng tới định cư.

Lạnh cắt da hay nóng đổ lửa, bưng bê bốc vác cực nhọc cỡ nào, cũng chẳng thấm gì với những ngày sống trong tù. Thật sự ở tiểu bang nào cũng có quyền lợi giống nhau, tất cả trường học đều miễn phí, lại còn có xe bus đưa đón, từ mẫu giáo tới hết trung học. Lương thấp thì học sinh được lunch miễn phí, lên đại học được giúp tiền học. Chứ ở VN làm sao chạy cho ra tiền để đóng cho trường, lại còn cảnh đưa đón mưa gió lụt lội thấy ớn.

Ngoài giáo dục miễn phí, khám bệnh cũng tuỳ theo mức lương. Khi đi làm chủ phải lo bảo hiểm sức khỏe, chỉ đóng copay. Khi già, tiền hưu thấp chính phủ sẽ giúp thêm cho bảo hiểm miễn phí và phiếu mua thực phẩm.

Sống đàng hoàng ngay thẳng, không cần phải tìm cách “mánh mung”, chẳng cần phải luồn lách, bợ đỡ mới sống được.

Những người tù năm xưa, như được hồi sinh nơi xứ tạm dung. Mấy ổng rỉ tai nhau, mấy ông ham về VN cũng vì chán đời, tan đàn xẻ nghé, nhưng vẫn “thủ” quốc tịch, lỡ bệnh hoạn lại quay về nắm áo chú Sam.

Chỉ lác đác vài ông HO trở về chốn cũ, chứ ông chồng tôi và đám bạn tù như con chim bị tên, thấy cây cong nào cũng sợ. Những năm tháng tù đày đã là nỗi kinh hoàng in hằn trong tâm khảm.

Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.

Giờ này mà lại vô tù, không có đường ra.


Lại thị Mơ