Sắt trong thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2




Một nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật có thể hiệu quả trong việc giảm khả năng phát triển các bệnh mãn tính.



Các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan phát hiện ra rằng tiêu thụ nhiều sắt heme hơn từ thịt đỏ và các thực phẩm động vật khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lên 26%. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Có hai dạng sắt: Sắt heme trong thực phẩm động vật và sắt không heme trong thực phẩm thực vật. Theo một nghiên cứu trên động vật được công bố vào tháng 8 trên Tạp chí Nature Metabolism (NM), sắt là một chất dinh dưỡng thiết yếu với tác dụng phụ thuộc vào tùy loại thức ăn.

Các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan phát hiện ra rằng tiêu thụ nhiều sắt heme hơn từ thịt đỏ và các thực phẩm động vật khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lên 26%. Ngược lại, lượng sắt không heme từ thực phẩm thực vật không làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tuân theo chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm khả năng phát triển bệnh mạn tính hiệu quả.

Mặc dù nghiên cứu dịch tễ học trước đó đã cho thấy lượng sắt heme từ thịt đỏ có liên quan với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn, nghiên cứu của NM đã giải thích các yếu tố căn bản của mối liên quan một cách rõ ràng hơn với bằng chứng sâu sắc hơn.

Tác giả chính Fenglei Wang, cộng tác viên nghiên cứu tại Khoa Dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cho biết trong một thông cáo báo chí. Nghiên cứu này cung cấp một “sự hiểu biết toàn diện hơn” về mối liên quan này.

Bằng chứng khoa học

Dữ liệu được đánh giá từ nghiên cứu đoàn hệ bao gồm 204.615 cá nhân. Sử dụng các báo cáo về chế độ ăn uống trong 36 năm, lượng thức ăn chứa heme, không heme và tổng lượng sắt, cũng như lượng sắt bổ sung đã được ghi nhận và so sánh với tình trạng bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, bằng cách sử dụng các tập hợp con nhỏ hơn của các cá nhân, các dấu ấn sinh học huyết tương liên quan đến insulin, lượng đường trong máu và lipid máu, cùng với những dấu hiệu liên quan đến tình trạng viêm và chuyển hóa sắt đã được kiểm tra. Các chất chuyển hóa phân tử nhỏ, chẳng hạn như các chất chuyển hóa từ sự phân hủy hóa học hoặc thực phẩm, cũng được đo lường.

Kết quả nghiên cứu


  1. Những người tiêu thụ lượng sắt heme cao nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 26% so với những người tiêu thụ ít sắt heme nhất.
  2. Sắt heme chiếm 50% nguy cơ gây ra tiểu đường loại 2 liên quan đến thịt đỏ và chế độ ăn kiêng dành cho bệnh tiểu đường loại 2 có thể bao gồm một phần vừa phải lượng sắt heme.
  3. Không có mối liên quan nào được quan sát giữa lượng sắt không heme và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.



Lượng sắt heme cao hơn cũng liên quan đến mức độ bất thường của dấu ấn sinh học và chất chuyển hóa trong bệnh tiểu đường loại 2, bao gồm:

  1. Tăng nồng độ leptin, triglycerid, C-peptide, protein phản ứng C và các dấu hiệu của tình trạng quá tải sắt
  2. Giảm mức độ của các dấu ấn sinh học lành mạnh, chẳng hạn như adiponectin và cholesterol lipoprotein mật độ cao
  3. Sự hiện diện của hàng chục chất chuyển hóa trong máu, bao gồm L-lysine, L-valine, axit uric và một số chất chuyển hóa lipid



Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với các hướng dẫn về chế độ ăn uống nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Giảm lượng sắt heme, đặc biệt là từ thịt đỏ và áp dụng chế độ ăn nhiều thực vật hơn có thể là chiến lược hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu này cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc bổ sung sắt heme vào các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật nhằm tạo ra hương vị và hình thức giống thịt. Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định những ảnh hưởng sức khỏe của việc bổ sung này.

Những ý kiến ​​khác nhau

Tờ The Epoch Times đã liên hệ với Hiệp hội Khoa học về Thịt của Hoa Kỳ cũng như các thành viên khác của ngành công nghiệp thịt, những người đã từ chối bình luận về nghiên cứu này. Các nghiên cứu khác đã tìm thấy nhiều lợi ích khác nhau khi đưa thịt vào chế độ ăn uống.

Các nhà khoa học trong nghiên cứu ủng hộ việc tuân theo ‘chế độ ăn nhiều thực vật hơn’, nhưng không giải thích rõ về khuyến nghị giảm lượng thịt đỏ tiêu thụ là bao nhiêu.

Các chuyên gia dinh dưỡng có thể có quan điểm khác nhau về chủ đề này. Quan điểm của Viện Hàn lâm Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ là chế độ ăn chay và thuần chay được thiết kế tỉ mỉ giúp cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu, có thể giúp ngăn ngừa và điều trị một số bệnh nhất định. Những bữa ăn đó cũng phù hợp với mọi giai đoạn của cơ thể, bao gồm cả thời thơ ấu và thai kỳ.

Ngược lại, một số chuyên gia dinh dưỡng tin rằng việc đưa một lượng thịt hợp lý vào chế độ ăn uống lành mạnh có thể có lợi hoặc thậm chí là cần thiết. Chuyên gia dinh dưỡng Amie Alexander đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng những phát hiện từ nghiên cứu này làm nổi bật vai trò của thịt đỏ trong chế độ ăn uống lành mạnh và nên được lan rộng. Bà cho biết: “Ngoài sắt, thịt đỏ còn là nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, các axit amin thiết yếu và nhiều vi chất dinh dưỡng khác như kẽm và vitamin B”.

Bà Alexander thường khuyến khích khách hàng của mình ăn thịt đỏ nạc ở mức độ vừa phải, kết hợp với nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật cung cấp chất xơ và chất chống oxy hóa. Những thực phẩm này có khả năng bù đắp một số rủi ro liên quan đến việc tiêu thụ thịt đỏ.

“Hãy chú ý đến chất lượng thịt, hãy chọn thịt từ động vật ăn cỏ hoặc hữu cơ nếu có thể vì chúng có hàm lượng axit béo lý tưởng với ít chất phụ gia độc hại hơn”, bà khuyên.

Bà Alexander cho biết thêm rằng những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên làm thêm các chỉ số dự đoán. Điều này bao gồm việc kiểm tra các dấu ấn sinh học thường xuyên, chẳng hạn như đường máu, mỡ máu và các dấu hiệu viêm để có thể điều chỉnh chế độ ăn uống.

Các rủi ro khác liên quan đến sắt heme

Nghiên cứu NM là nghiên cứu mới nhất cho rằng sắt heme là một rủi ro sức khỏe, trong khi các nghiên cứu trước đó đã liên kết sắt hem với các bệnh mạn tính khác.

Một phân tích gộp được công bố trên Tạp chí Dinh Dưỡng, Chuyển hóa và Bệnh Tim mạch khám phá tác động của sắt heme và sắt không heme đối với nguy cơ tim mạch đã tìm thấy kết quả tương tự như các nghiên cứu về bệnh tiểu đường. Sau khi xem xét 13 bài báo nghiên cứu liên quan đến 252,164 người, họ phát hiện ra rằng lượng sắt heme cao hơn làm gia tăng nguy cơ, nhưng sắt không heme lại không có tác động nào đến sức khỏe.

Các nghiên cứu khác đã tìm thấy mối tương quan giữa lượng sắt heme cao và nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú, thực quản và đặc biệt là ung thư đại tràng. Sắt heme cũng liên quan đến hội chứng chuyển hóa, bao gồm sự kết hợp giữa béo bụng, tăng huyết áp, tăng mỡ máu không lành mạnh và tăng đường máu.

Nguồn sắt heme và sắt không heme

Cơ thể sẽ tạo ra các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến tất cả các mô cơ thể từ bất kể nguồn sắt nào trong thực phẩm. Ngoài thịt đỏ, nguồn sắt heme bao gồm gia cầm và hải sản. Nguồn sắt không heme bao gồm đậu, cây họ đậu, các loại hạt, rau bina, sô cô la đen và ngũ cốc có thêm dưỡng chất.

Sắt heme có sinh khả dụng thấp hơn, tức là ít được cơ thể hấp thụ và sử dụng. Mặc dù sinh khả dụng không phải là yếu tố duy nhất quyết định hoạt tính sinh học, nhưng nó đóng vai trò quan trọng. Khoảng 25% sắt heme và 17% sắt không heme được hấp thụ, và ước tính có 14% – 18% sắt heme và 5% – 12% sắt không heme có khả dụng sinh học.

Cách tăng khả năng hấp thụ sắt không heme

Uống sắt không heme cùng với thực phẩm có vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ vì vitamin C giúp chuyển đổi sắt thành dạng dễ hòa tan hơn. Vitamin C cũng kháng lại các yếu tố trong một số loại thực phẩm gây tác dụng ức chế sự hấp thụ sắt, chẳng hạn như canxi trong các sản phẩm từ sữa và chất chống oxy hóa polyphenol trong cà phê và trà.

Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm:

  1. Dâu tây
  2. Trái cây họ cam quýt
  3. Súp lơ xanh
  4. Cà chua
  5. Ớt chuông ngọt


Kết luận

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những lo ngại về sức khỏe liên quan đến việc ăn quá nhiều thịt đỏ. Sau khi xem xét các nghiên cứu cho đến nay về chủ đề này, một tổng quan năm 2020 cho rằng phần lớn bằng chứng cho thấy giá trị của việc ăn nhiều thực phẩm từ thực vật và ít thịt đỏ hơn.

Tổng quan đã đánh giá bằng chứng liên hệ giữa thịt đỏ và thịt chế biến với bệnh tật và phát hiện ra rằng mặc dù cần có thêm bằng chứng, nhưng dữ liệu dịch tễ học cho thấy mối liên hệ chặt chẽ và rộng rãi với một số bệnh mạn tính nhất định, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2.

Mặc dù một số nhà khoa học cảm thấy cần phải nghiên cứu thêm để khám phá đầy đủ hơn về tác động của thịt đỏ đối với sức khỏe, nhưng có vẻ như có thể đạt được nhiều lợi ích khi áp dụng chế độ ăn nhiều thực vật hơn. Chế độ ăn đó có thể bao gồm các loại thịt ăn cỏ lành mạnh với lượng nhỏ hơn. Thịt nội tạng đặc biệt bổ dưỡng.

Tú Liên biên dịch – The Epoch Times