Bò sữa chết sau tiêm vắc-xin ở Lâm Đồng: Người dân chưa đồng ý mức giá bồi thường





Qua 2 lần làm việc vào ngày 28/9 và ngày 6/10, người dân ở Lâm Đồng vẫn chưa đồng thuận với mức giá bồi thường, hỗ trợ đối với bò bị chết và bệnh mà Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco đưa ra.



Người dân buồn bã bên cạnh con bò sắp chết, ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. (Ảnh: baolamdong.vn)

Ngày 6/10, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) có buổi làm việc lần thứ hai, đưa ra mức giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các gia đình nông dân nuôi bò sữa bị chết, bị bệnh do tiêm vắc-xin viêm da nổi cục Navet-LpVac do Công ty Navetco cung cấp.


Tuy nhiên, mức bồi thường từ phía công ty Navetco đưa ra vẫn chưa được người dân đồng ý, mặc dù công ty nâng tổng mức bồi thường, hỗ trợ lên 50 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với lần đầu (buổi làm việc lần thứ nhất, ngày 28/9).

Theo tính toán của người dân, nếu chỉ tính giá trị đàn bò bị chết, bệnh theo giá bò thịt bán trên thị trường, thì tổng thiệt hại đã lên tới mức 500 tỷ đồng, thế nhưng mức bồi thường, hỗ trợ mà công ty đưa ra chỉ bằng 1/10 so với thiệt hại thực tế.

Theo giá bồi thường, hỗ trợ mà Công ty Navetco đưa ra, mức hỗ trợ đối với bò sữa bị bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh là 1,5 triệu đồng/con, chi phí thiệt hại sản xuất là 3 triệu đồng/con, áp dụng với bò sữa đang khai thác sữa. Bò bệnh bị sẩy thai được bồi thường 7,5 triệu đồng/con, không áp dụng đối với bò chết.

Đối với bò thịt, chi phí hỗ trợ điều trị bệnh 1 triệu đồng/con, hỗ trợ bò bệnh sẩy thai là 5 triệu đồng/con.

Đối với bò sữa bị chết, mức bồi thường 60.000 đồng/kg bò hơi; 70.000 đồng/kg bò hậu bị (bò từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi – PV) mang thai; 80.000 đồng/kg bò sinh sản không mang thai và 85.000 đồng/kg đối với bò sinh sản mang thai.

Mức giá bồi thường, hỗ trợ lần này tăng từ 10 – 15.000 đồng/kg so với lần trước, nhưng theo đa số các hộ dân đánh giá là tăng không đáng kể.

Ông Phạm Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), cho biết theo thông báo của Công ty Sữa Đà Lạt vào tháng 3/2024, mỗi con bò sữa giống có giá từ 70 – 80 triệu đồng. Trong khi đó, nếu một con bò đang khai thác sữa có trọng lượng 500 kg bị chết, được đền bù với mức giá cao nhất mà công ty đưa ra thì được khoảng 40 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với giá bò giống.

Mức giá bồi thường, hỗ trợ như vậy là không đảm bảo chi phí để người dân tái đàn và chăm sóc đàn bò mới cho đến khi có thu nhập từ việc khai thác sữa. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người dân, ông Hiếu nói.

Còn theo ông Trần Quang Huy (thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), mức bồi thường, hỗ trợ do công ty đưa ra chỉ bằng khoảng 1/3 thiệt hại của người dân, như vậy là không thỏa đáng.

Theo ông Huy, tại gia đình ông, cùng số lượng bò cho thu sữa nhưng trước khi bò mắc bệnh thì sản lượng sữa thu được 600 kg, còn hiện tại thì chỉ thu được 300 kg, giảm 50% sản lượng. Đó là chưa kể đến chi phí về thuốc men để điều trị, hỗ trợ bò phục hồi mỗi ngày.

Với tình hình này, để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định lâu dài, gia đình bắt buộc phải loại thải những con bò bệnh, sức khỏe yếu, cho sản lượng sữa thấp để tái đàn mới, vì nếu cứ duy trì đàn cũ thì sản lượng sữa thấp mà chi phí chăm sóc sức khỏe cho bò vẫn phải duy trì.

Đa số các hộ dân chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại đều cho rằng sự việc bò bị bệnh, chết xảy ra là ngoài ý muốn, người dân vẫn sẵn sàng chia sẻ với Công ty Navetco. Tuy nhiên, mức bồi thường, hỗ trợ hiện tại là chưa thật sự thỏa đáng. Do đó, người dân mong muốn Công ty tính toán lại mức giá bồi thường, hỗ trợ để giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định chăn nuôi, khắc phục những thiệt hại nặng nề, bởi lẽ càng để lâu thì thiệt hại của người dân càng lớn, khó có thể bù đắp.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Trồng trọt tỉnh Lâm Đồng, lũy kế đến ngày 28/9, toàn tỉnh Lâm Đồng có 7.375 con bò bệnh; 550 con bị chết; 6.641 con hồi phục (gồm Đơn Dương 3.965 con, Đức Trọng 2.584 con, Lâm Hà 46 con, Di Linh 33 con và Bảo Lộc 13 con). Hiện, còn 184 con mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị.

Minh Long