Trả đũa Mỹ, ĐCSTQ tuyên bố điều tra công ty mẹ của Tommy Hilfiger và CK






Cuộc đối đầu thương mại Mỹ – Trung lại leo thang. Một ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố kế hoạch cấm phần cứng và phần mềm mạng trên ô tô do Trung Quốc sản xuất, Bộ Thương mại của Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra xem liệu tập đoàn thời trang khổng lồ PVH của Mỹ có liên quan đến tẩy chay bông Tân Cương hay không, và có thể liệt kê công ty này vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy”.



Cửa hàng Calvin Klein. (Ảnh: Shutterstock)

Bà Vương Tú Văn (Wang Xiuwen), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Đài Loan, nói với tờ Epoch Times rằng động thái này của ĐCSTQ liệu có phải cho thấy họ cũng có thể điều tra thương mại hoặc trả đũa các thương hiệu lớn của châu Âu và Mỹ hay không: “Các bạn điều tra ô tô điện của tôi, và tôi sẽ điều tra việc sản xuất hàng may mặc của các bạn. Điều này cho thấy Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tạo đòn bẩy cho các cuộc chiến thương mại tiếp theo với châu Âu và Mỹ là rất hạn chế”.


Ông Davy Huang, một nhà kinh tế học người Hoa sống ở Mỹ, tin rằng “cách tiếp cận của ĐCSTQ được gọi là vạch lằn ranh đỏ trong quan hệ quốc tế, họ (ĐCSTQ) đặt kinh tế và chính trị cùng với nhau để xử lý.”



Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Hoa Davy Jun Huang. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nâng cấp việc sử dụng “Danh sách thực thể không đáng tin cậy”, ĐCSTQ có muốn vạch ranh giới đỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài?

Ngày 24/9, Bộ Thương mại ĐCSTQ ra thông báo đang điều tra PVH, công ty mẹ của các thương hiệu thời trang Mỹ Tommy Hilfiger và Calvin Klein (CK). Mục đích là để đánh giá xem liệu họ có áp dụng “các biện pháp phân biệt đối xử” để tránh mua nguyên liệu bông từ khu vực Tân Cương vì né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không. PVH có thể được đưa vào “Danh sách thực thể không đáng tin cậy”. Khi bị đưa vào danh sách này, đồng nghĩa với việc công ty sẽ bị cấm bán sản phẩm sang Trung Quốc, mua sản phẩm từ Trung Quốc và đầu tư vào Trung Quốc.

PVH Group là công ty quần áo có trụ sở chính tại New York, Mỹ, có lịch sử hơn 140 năm. Calvin Klein và Tommy Hilfiger của tập đoàn là những thương hiệu quốc tế sớm bước vào thị trường Trung Quốc và tương đối nổi tiếng ở cả Mỹ và Trung Quốc.

Thông tin công khai cho thấy, hệ thống “Danh sách thực thể không đáng tin cậy” của ĐCSTQ nhằm chỉ định những tổ chức pháp nhân nước ngoài hoặc cá nhân có hành vi phong tỏa, ngừng cung cấp hàng hóa hoặc các biện pháp khác không vì mục đích thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp hoặc ngành liên quan của Trung Quốc, cũng như đe dọa hoặc có khả năng đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Cuộc điều tra này của chính quyền ĐCSTQ đã làm gia tăng việc sử dụng “danh sách thực thể không đáng tin cậy” làm công cụ chính sách. Danh sách này trước đây được sử dụng để nhắm vào các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ như Lockheed Martin và Raytheon, thường vì các hoạt động của họ tại Đài Loan.

Về lý do tại sao ĐCSTQ nhắm vào hai thương hiệu quần áo nổi tiếng lần này, ông Davy Huang nói với tờ Epoch Times rằng ĐCSTQ muốn đặt ra ranh giới đỏ mà các công ty nước ngoài đầu tư hoặc kinh doanh tại Trung Quốc không thể chạm tới.

Ông nói rằng do suy thoái kinh tế của Trung Quốc, nó có thể có tác động rộng hơn đến sự ổn định xã hội. Sau khi bà Yellen và ông Blinken đến thăm Trung Quốc, ĐCSTQ đã có dấu hiệu thỏa hiệp trong ngoại thương dưới áp lực. “Có lẽ nên nói là thái độ và tư thế hiện tại của ĐCSTQ ở mọi phương diện cũng giống như trong thương mại quốc tế, đã thay đổi đáng kể so với trước đây, nhưng nó vẫn có ranh giới đỏ, đặc biệt là đối với Bắc Kinh mà nói, vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và các vấn đề chính trị khác không thể động tới”.

“Cái tôi đang mở ra cho bạn bây giờ là trong lằn ranh đỏ (trong giới hạn cho phép), và việc tiếp tục hoạt động trong không gian đó chính là một tín hiệu rõ ràng cho các doanh nghiệp này,” ông nói.

Chuyên gia: ĐCSTQ có thể tự làm tổn thương chính mình

Do sự đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Chính phủ Mỹ luôn tin rằng ĐCSTQ phạm tội “diệt chủng và tội ác chống lại loài người”. Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Mỹ có hiệu lực vào tháng 6/2022. Đại luật này cấm nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ Tân Cương.

Vào ngày 25/9, ông John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Trung Quốc, tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu của ủy ban là lập pháp để hạn chế đối với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc: “Chúng ta không nên ủng hộ nạn diệt chủng”.

Trước khi Trung Quốc công bố điều tra PVH, PVH đã cảnh báo các nhà đầu tư trong báo cáo thường niên rằng chiến lược Tân Cương của họ có thể gây ra rủi ro về lợi nhuận và danh tiếng.

Tập đoàn PVH cũng tuyên bố trong “Tuyên bố tuân thủ toàn cầu của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương” trên trang web chính thức của mình, rằng tập đoàn tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành tại các khu vực nơi họ tiến hành kinh doanh, bao gồm cả các chính sách của Chính phủ Mỹ về Tân Cương.

Không chỉ PVH, thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M cũng bị truyền thông ĐCSTQ chỉ trích vì từ chối sử dụng bông Tân Cương. Sau đó, nhiều thương hiệu quốc tế như Adidas, New Balance, UNIQLO đều tuyên bố sẽ ngừng sử dụng bông Tân Cương.

Đối với việc PVH bị điều tra mang tính nhắm mục tiêu, bà Vương Tú Văn cho rằng ĐCSTQ tự gây tổn hại cho bản thân, nhưng ĐCSTQ coi trọng “thể diện” hơn lợi ích kinh tế.

Phân tích: Triệt tiêu một phần ảnh hưởng do sự thay đổi của ĐCSTQ trong chính sách ngoại thương

Thông báo của Trung Quốc về cuộc điều tra PVH được đưa ra khi ngày càng nhiều công ty phương Tây rút khỏi Trung Quốc. Số liệu do Bộ Thương mại ĐCSTQ công bố cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc giảm 29,6% so với năm ngoái. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài chứng kiến ​​dòng vốn ròng 22 tỷ USD chảy ra khỏi Trung Quốc, với tỷ lệ rút vốn đạt mức cao kỷ lục.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, ĐCSTQ đã đưa ra một loạt biện pháp, thậm chí cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mở bệnh viện 100% vốn ở một số khu vực phát triển như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải, đồng thời mở cửa lĩnh vực viễn thông.

Ông Davy Huang cho rằng ĐCSTQ đã nới lỏng rất nhiều trong việc xúc tiến đầu tư ở Liên minh Châu Âu và Mỹ, và đã bắt đầu thỏa hiệp trở lại. “Họ biết rằng chiêu trò trước đây không còn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, họ mở bệnh viện và ngành viễn thông, đây đều là những ngành mang lại lợi nhuận rất cao và (ĐCSTQ) đã mở ra hai thị trường cho đầu tư nước ngoài,” ông nói. “Họ muốn nhấn mạnh an toàn chính trị ở vị trí đầu tiên, nhưng sẵn sàng sử dụng một số lĩnh vực không nhạy cảm để hợp tác kinh tế và thương mại.”


Trong bối cảnh đó, ĐCSTQ đang điều tra CK và Tommy, ông Davy Huang cho rằng “tất nhiên điều này sẽ tương đối tiêu cực đối với hình ảnh quốc tế tổng thể và thương mại quốc tế của ĐCSTQ, đồng thời sẽ triệt tiêu một phần tác động chính sách tích cực của họ trong việc thay đổi ngoại thương.”

Bà Vương Tú Văn nói rằng ĐCSTQ có lẽ không quan tâm đến việc nền kinh tế có tốt hay không. “Họ (ĐCSTQ) chỉ quan tâm rằng quyền lực chính trị không thể bị lung lay, nếu các vấn đề kinh tế không gây ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, có lẽ nó vẫn không nằm trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách.”

Theo Chương Hồng, Lạc Á / Epoch Times