‘Màn kịch’ của Tô Lâm tại đại học Columbia






Buổi đối thoại của nhà lãnh đạo Tô Lâm trước bàn dân thiên hạ ở trường Đại Học Columbia đã để lộ chân tướng, hoàn toàn khác với sự hùng hồn bóng bẩy đã được sắp đặt trước ở Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Mọi thứ không khác gì màn kịch hài với những nghệ sỹ ngồi trên sân khấu, diễn lại vụng về kịch bản đã được biên tập sẵn.

Ngồi trước sinh viên đại học Columbia, Tô Lâm cầm theo tờ giấy để đọc các câu trả lời đã được chuẩn bị trước. Chủ Tịch Nước, Tổng Bí Thư Lô Lâm cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng hai đầu gối thì chụm lại khép nép – theo ngôn ngữ cơ thể cho thấy sự thiếu tự tin khi nói chuyện trước sinh viên và chuyên gia nước ngoài. Đã vậy, người điều hợp đọc câu hỏi đã soạn sẵn, nhưng ông Lâm thì không nhớ nó nằm ở trang nào, đoạn nào, phải lật tới lật lui mới tìm ra đáp án. Chẳng khác nào đứa học sinh phải len lén xài “phao” vào giờ kiểm tra.


Tô Lâm diễn dở rồi, nhưng phía dưới, những con chim mồi còn dở hơn. Người trả lời đã xài “phao cứu sinh,” mà người hỏi cũng không thuộc bài, phải cầm điện thoại đọc các câu hỏi được ekip cộng sản soạn sẵn. Chắc đây là các con cái quan chức du học sinh Việt Nam tham gia buổi đối thoại, được cài cắm đọc những câu hỏi này để không làm khó cho đầu đảng Tô Lâm.

Thế là, buổi toạ đàm đúng ra là nhằm xây dựng hình ảnh ông tổng bí thư chủ tịch nước giáo sư tiến sỹ đại tướng Tô Lâm là người trí tuệ, bản lĩnh, dám đối thoại về chính sách ngoại giao, nội trị, dân chủ, nhân quyền… Nhưng cuối cùng lại bị lộ tẩy như một trò hề nhằm che đậy cái mớ lý luận xảo trá, thấp kém của chế độ vẫn quen nói theo ghi chép cho phép.


Cũng rất cần phải coi lại cái bằng tiến sỹ luật của ông Lâm, liệu nó có giống cái bằng của gã thợ tu Thích Chân Quang từng gây chấn động dư luận thời gian qua không. Dù CSVN không công khai nơi cấp bằng và thời gian nhận bằng tiến sỹ của ông Lâm, nhưng có ý kiến hỏi là từ năm 1988 tới nay, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ công an thì thời gian đâu mà đi học, nghiên cứu khoa học và bảo vệ luận văn tiến sỹ? Liệu có phải là mua bằng, hay mướn người học giùm không?

Ngoài bằng tiến sỹ luật, ông Lâm còn có bằng cao cấp lý luận chính trị nữa. Giỏi như vậy mà tại sao lại không tự tin lý luận với sinh viên, thì có thể hoặc là bằng giả, hoặc là trường lớp đào tạo bất minh. Cái thứ gọi là cao cấp lý luận chính trị kia chắc chỉ là những buổi nhậu kèm theo bao thư để được nhận bằng, chứ chẳng thấy một cán bộ cộng sản nào có cao cấp lý luận chính trị mà tự tin dám đối thoại công khai, công bằng với người dân.


Quay lại tâm lý sợ mắc sai lầm của quan chức cộng sản khi đi Mỹ, ông Lâm không phải người đầu tiên. Năm 2005 trong chuyến đi Mỹ gặp Tổng Thống George W. Bush, cố Thủ Tướng Phan Văn Khải cũng cầm theo tờ giấy. Mỗi lần muốn nói gì thì ông thủ tướng Việt Nam lại nhìn vô giấy rồi đọc.

Năm 2022, ông Phạm Minh Chính dẫn theo tuỳ tùng đi Mỹ, trong lúc chờ gặp ngoại trưởng Antony Blinken thì cả phái đoàn Việt Nam đều tỏ ra hoang mang lo sợ. Tới mức ông Chính phải trấn an các đồng chí bằng câu nói bất hủ: “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” Phải rất lo lắng thì mới trấn an như vậy. Lưu ý rằng ông Chính cũng không kém cạnh gì ông Lâm, có quân hàm trung tướng công an, tiến sỹ luật, phó giáo sư Khoa học An ninh, cao cấp lý luận chính trị.

Tức là ông nào cũng có bằng cấp dữ dằn, văn võ song toàn, hô mưa gọi gió trong quốc nội, tự hào là phe thắng cuộc, xây dựng thời đại rực rỡ chưa từng có, nhưng qua Mỹ, gặp phe thua cuộc thì run rẩy quên hết bài, hoang mang lo sợ chẳng khác gì chim sẻ gặp đại bàng.

Gặp Mỹ đã vậy, gặp Trung Cộng thì sao nữa, người dân có quyền lo lắng vì đi Mỹ thì hình ảnh được công khai, còn những chuyến đi Trung Quốc thì hầu như chỉ thấy qua thông tin báo chí lề đảng trình bày đẹp đẽ. Những lãnh đạo mang lý bạc nhược, tiểu quốc đó liệu có đủ bình tĩnh để giữ vững chủ quyền quốc gia không?


Người Việt