Chủ biệt phủ ‘Đại Nội thu nhỏ’ là con trai giám đốc Sở Văn Hóa Thừa Thiên Huế





THỪA THIÊN HUẾ, Việt Nam (NV) – Liên quan đến vụ biệt phủ như “Đại Nội thu nhỏ” mang phong cách triều Nguyễn tọa lạc ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, được cho là của “gia đình vợ” ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn Hóa và Thể Thao Tỉnh Thừa Thiên Huế, thực ra là của con trai ông này.

Theo xác minh của báo Tuổi Trẻ hôm 18 Tháng Chín, chủ nhân của ngôi biệt phủ là ông Phan Thanh Nhật Minh, 26 tuổi, chuyên viên Sở Kế Hoạch-Đầu Tư Tỉnh Thừa Thiên Huế – con trai của ông Phan Thanh Hải.



Toàn cảnh vị trí ngôi biệt phủ “Đại Nội thu nhỏ” ở Huế của ông Phan Thanh Nhật Minh. (Hình: Lê Anh/Tuổi Trẻ)

Liên quan đến thông tin trên, ông Trần Trung, trưởng Phòng Quản Lý Đô Thị Thị Xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, xác nhận và cho biết thêm sau khi báo đài loan tin, mạng xã hội bàn tán về biệt phủ này, lãnh đạo thị xã Hương Thủy đã yêu cầu Phòng Quản Lý Đô Thị kiểm tra.

“Công trình này đã được cấp phép xây dựng vào năm 2021. Đội Quy Tắc Đô Thị Thị Xã Hương Thủy và Ủy Ban Nhân Dân Xã Thủy Thanh đã có cuộc làm việc với chủ nhà, để kiểm tra xem công trình xây dựng đúng giấy phép được cấp hay không,” ông Trung cho biết.

Nói với báo Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Phan Thanh Nhật Minh xác nhận mình là người đứng tên trên giấy phép xây dựng ngôi biệt phủ và cũng xác nhận là con trai ông Phan Thanh Hải.

Theo ông Minh, khu đất xây dựng biệt phủ là của ông bà ngoại (tức cha mẹ vợ của ông Phan Thanh Hải). Năm 2016, họ đã làm các thủ tục ủy quyền sử dụng khu đất cho ông Minh để ông xin giấy phép xây dựng công trình.

“Công trình nói trên là do ông bà ngoại của tôi xây. Đây là nhà riêng của ông bà và là nhà ở bình thường,” ông Minh nói.

“Bố tôi trong quá trình công tác cũng đã có báo cáo, giải trình về tài sản là khu đất và ngôi nhà nói trên cho cấp có thẩm quyền biết, và khẳng định đây không phải là tài sản của ông ấy. Đây cũng không phải là nhà đất của tôi, mà tôi chỉ đứng tên giùm cho ông bà ngoại,” ông Minh giãi bày thêm.

Theo ông Minh, trong lúc xây dựng, trên mạng xã hội dấy lên thông tin cho rằng toàn bộ cấu kiện gỗ ở ngôi nhà “đều là gỗ mới và rất quý hiếm.”

“Đây là thông tin đồn đoán sai sự thật. Số gỗ trong ngôi nhà nói trên phần lớn được ông bà ngoại tôi tận dụng lại từ căn nhà cũ đã được dỡ bỏ. Hiện nay, ngôi nhà này vẫn được xây dựng theo đúng giấy phép được cấp,” ông Minh giải thích.



Công trình biệt phủ nhìn từ trên cao. (Hình: Lê Anh/Tuổi Trẻ)

Trước đó, những hình ảnh công trình “Đại Nội thu nhỏ” rộng hơn 1,000 mét vuông, nằm cạnh tuyến đường dẫn từ trung tâm thành phố Huế về di tích cầu ngói Thanh Toàn lan truyền trên mạng xã hội được cho là của ông Phan Thanh Hải và được xây dựng không phép.

Từ trên cao nhìn xuống, tòa nhà như một phủ đệ tương tự các lâu đài, cung điện bên trong Đại Nội. Mỗi tầng của căn biệt thự được cho thuê để kinh doanh cà phê, khu vui chơi giải trí và nhà nghỉ khép kín.

Trong khi đó, một người nhà không được nêu danh tính của ông Phan Thanh Hải cho biết “Đại Nội thu nhỏ” thuộc sở hữu của một thành viên “gia đình bên vợ ông Hải.”

Trước vụ này, hôm 9 Tháng Chín, ông Hải gây tranh cãi khi đăng hình ảnh trên Zalo cho thấy ông tươi cười chụp trước cây đổ tại Hà Nội trong cơn bão Yagi.

Nụ cười của ông Hải gây tranh cãi vì công luận không hiểu vì sao một quan chức ngành văn hóa lại có biểu hiện vui vẻ trước cảnh cây cối ngổn ngang sau cơn bão.

Sau đó, báo Người Lao Động dẫn phản hồi của ông Hải rằng ông “khá xúc động” khi ra Hà Nội đúng dịp mưa bão nên muốn đăng hình để cho mọi người thấy “Hà Nội kiên cường.” (Tr.N)