Iran có Tổng thống mới, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, thẻ gắn ‘Rạp xiếc Bầu cử’ được lan truyền trên mạng xã hội





Vào ngày 6/7/2024, ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian đã được bầu làm Tổng thống thứ 9 của Iran. (Ảnh: Hossein Sepahvand/Office of the Iranian President via Getty Images)

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Iran đã được công bố vào thứ Bảy (ngày 6/7). Ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian đã được bầu làm tổng thống tiếp theo của Iran, đánh bại ứng cử viên Saïd Jalili của phái cánh hữu cực đoan.

Bộ Nội vụ Iran hôm thứ Bảy (ngày 6/7) thông báo rằng, trong vòng bỏ phiếu thứ hai của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 5/7, ông Pezeshkian đã giành chiến thắng với hơn 16 triệu phiếu bầu trong tổng số khoảng 30 triệu phiếu bầu. Đối thủ của ông Pezeshkian là ông Jalili đã nhận được hơn 13 triệu phiếu bầu.

Cuộc bầu cử tổng thống Iran ban đầu dự kiến ​​được tổ chức vào năm 2025. Nhưng vào tháng 5 năm nay, Tổng thống khi đó là ông Ebrahim Raïssi đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng, khiến Iran phải tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sớm.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 28/6, có khoảng 40% cử tri ở Iran đã đi bỏ phiếu và lập tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Vì không ai trong số 4 ứng cử viên tổng thống nhận được hơn một nửa số phiếu bầu nên ông Pezeshkian và ông Jalili, những người nhận được số phiếu cao nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, đã bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai.

Ông Pezeshkian, 69 tuổi, là bác sĩ khoa ngoại tim, từng là Bộ trưởng Y tế Iran từ năm 2001-2005 và từng là thành viên quốc hội của khu vực tuyển cử Tabriz ở phía Tây Bắc của Iran từ năm 2008. Ông Pezeshkian đã giành được sự ủng hộ của liên minh những người theo chủ nghĩa cải cách của Iran; những cựu tổng thống Iran theo chủ nghĩa cải cách là ông Mohammad Khatami và ông Hassan Rouhani đều tuyên bố ủng hộ ông Pezeshkian ra tranh cử.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm

Theo Reuters, tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử ở Iran đã giảm mạnh trong 4 năm qua. Các nhà quan sát cho rằng, điều này đã làm nổi bật sự suy yếu của chính quyền cai trị bằng tôn giáo ở Iran, vào thời điểm mà người dân ngày càng bất bình với những khó khăn về kinh tế và những hạn chế đối với các quyền tự do chính trị và xã hội.

Trong cuộc bầu cử năm 2021 khi ông Ebrahim Raïssi lên nắm quyền, chỉ có 48% cử tri tham gia bỏ phiếu, và trong cuộc bầu cử Quốc hội Iran vào tháng 3 năm nay, tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ là 41%.

Các nhà phân tích dự đoán rằng, tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ​​sẽ không thực hiện những điều chỉnh chính sách lớn trong vấn đề chương trình hạt nhân của Iran, cũng như sẽ không thay đổi lập trường ủng hộ của Iran đối với các nhóm vũ trang ở Trung Đông. Tuy nhiên, ông Pezeshkian chịu trách nhiệm về các công việc hàng ngày của chính quyền, cho nên việc ông này lên nắm quyền có thể sẽ ảnh hưởng đến quan điểm cơ bản của Iran về chính sách đối ngoại và đối nội.

Chiến thắng của ông Pezeshkian có thể sẽ thúc đẩy Iran áp dụng một chính sách đối ngoại thiết thực, nhằm giảm bớt sự bế tắc với các nền dân chủ phương Tây để khôi phục cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và cải thiện triển vọng tự do hóa xã hội.

Tuy nhiên, có nhiều cử tri cũng nghi ngờ về khả năng ông Pezeshkian thực hiện những lời hứa khi tranh cử của mình, vì ông Pezeshkian từng công khai tuyên bố rằng ông không có ý định đối đầu với hệ thống tôn giáo và những người theo phái diều hâu về vấn đề an ninh quốc gia của Iran.

Thẻ gắn 'Rạp xiếc Bầu cử' lan truyền trên mạng xã hội

Thẻ gắn (hashtag) #ElectionCircus (Rạp xiếc Bầu cử) đã được lan truyền rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội X (tên cũ là Twitter). Các nhà hoạt động ở trong và ngoài Iran đã kêu gọi tẩy chay các cuộc bầu cử ở Iran, họ cho rằng tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao sẽ giúp nước Cộng hòa Hồi giáo được hợp pháp hóa.

Kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, phụ nữ và những người kêu gọi tiến hành thay đổi sâu rộng thể chế hiện hành ở Iran đã bị cấm tranh cử tổng thống. Bản thân cuộc bỏ phiếu của Iran cũng không được giám sát bởi bất cứ tổ chức nào được cộng đồng quốc tế công nhận.

Cô Afarin, chủ một thẩm mỹ viện ở thành phố Isfahan, miền Trung Iran, nói với Reuters:“Tuần trước tôi đã không bỏ phiếu, nhưng hôm nay tôi đã bỏ phiếu cho ông Pezeshkian. Tôi biết ông Pezeshkian là một tổng thống vịt què (lame duck), nhưng ông ấy vẫn tốt hơn một người theo đường lối cứng rắn".

Năm 2022, cô Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ người Kurd (một dân tộc tại vùng Trung Đông) gốc Iran, đã chết trong khi bị giam giữ. Sự việc này khi đó đã gây ra làn sóng phản đối trên toàn Iran. Chính quyền Iran đã tiến hành một cuộc trấn áp bạo lực đối với những người tham gia phản đối, bao gồm cả việc giam giữ hàng loạt và thậm chí là tử hình. Nhiều người Iran hiện vẫn còn ký ức đau buồn về sự kiện này.

Sepideh, một sinh viên đại học ở Tehran, nói: "Vì sự việc của Mahsa, tôi sẽ không bỏ phiếu. Tôi nói 'không' với Cộng hòa Hồi giáo. Tôi muốn một đất nước tự do, tôi muốn một cuộc sống tự do".

Hamidzadegan, một cử tri ở thành phố Sari nằm ở phía Bắc Iran, cho biết: "Tôi bỏ phiếu cho Jalili. Ông ấy tin vào các giá trị quan của Hồi giáo. Ông ấy hứa sẽ chấm dứt những khó khăn về kinh tế cho chúng tôi".

Các nhân vật của phái đối lập ở cả trong và ngoài Iran đều kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này vì cho rằng phái cánh hữu và phái cải cách chỉ là "hai mặt của một đồng xu". Quyền lực tối cao của nước này vẫn nằm trong tay Lãnh đạo tối cao của Iran là ông Ali Khamenei.


Theo The Epoch Times tiếng Trung
Minh Lý biên dịch