Sụt lún bủa vây miền Tây, hàng trăm ngàn hécta đất biến mất mỗi năm




CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Ước tính mỗi năm khu vực đồng bằng sông Cửu Long mất từ 300 đến 500 hécta đất và theo đó là hàng chục ngàn gia đình có nguy cơ phải di tản khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.

Con số nêu trên được đưa ra tại hội nghị “Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4” hôm 1 Tháng Bảy, tổ chức ở Cà Mau.



Một khu vực sạt lở của tỉnh Cà Mau giáp tỉnh Kiên Giang được gia cố bằng kè rọ đá. (Hình: Chí Quốc/Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ dẫn thống kê cho biết trong 30 năm qua, tại đồng bằng sông Cửu Long có nhiều vùng bị sụt lún đất cao gấp 10 lần nước biển dâng, có nơi mực nước dưới đất hạ xuống hơn 5 mét, gây sụt lún đất cho toàn khu vực.

Chưa hết, ngoài sạt lở, vấn nạn xâm nhập mặn gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

“Sạt lở đang diễn ra quá nhanh, quá cấp bách, trong khi đó nguồn lực địa phương có hạn nên khó có thể khắc phục kịp,” ông Huỳnh Quốc Việt, chủ tịch tỉnh Cà Mau, cho biết.

Tại hội nghị, giới hữu trách tỉnh Cà Mau đã loan báo thực trạng địa phương này đang cần khoảng 2,000 tỷ đồng ($78.5 triệu) để khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông. Đồng thời đề nghị “các đơn vị trung ương ban hành những cơ chế đặc thù để Cà Mau có thể đuổi kịp sự phát triển như những tỉnh bạn.”

Tương tự, ông Lâm Minh Thành, chủ tịch tỉnh Kiên Giang, cũng cho biết: “Thời gian qua, tỉnh được đầu tư nhiều công trình trọng điểm hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở Kiên Giang ‘đang rất phức tạp.’ Tỉnh đang cần khoảng 500 tỷ đồng ($19.6 triệu) để đầu tư khép kín các công trình chống sạt lở.”



Kè bê tông ở bờ biển Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, bị sạt lở từ nhiều năm nay. (Hình: Mậu Trường/Tuổi Trẻ)

Ông Lê Công Thành, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, cho biết thêm, theo thống kê, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) đạt 6.37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế. Thế nhưng hiện nay khu vực này đang đứng trước thách thức về an ninh nguồn nước, bởi vì khai thác nguồn nước ngầm là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sụt lún của nơi này.

“Cần có các giải pháp ứng phó với các hoạt động chia sẻ nguồn nước tại thượng nguồn hoặc trữ nước,” ông Thành nêu. (Tr.N)