Cụ bà 105 tuổi nhận bằng thạc sĩ Stanford sau 83 năm




Sau khi cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, cuối cùng cụ Virginia cũng được nhận bằng thạc sĩ ở tuổi 105. Trước đây, cụ kết hôn sớm nên chưa hoàn thành bài luận văn cuối cùng.



Virginia Hislop rạng rỡ tại lễ khai giảng năm 2024 của GSE sau khi nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật giáo dục vào Chủ nhật, ngày 16 tháng 6. (Ảnh: Stanford/Charles Russo)

Thật khó tin nhưng lớp học năm 1940 của Đại học Stanford đến tận hôm nay vẫn còn một sinh viên chưa tốt nghiệp. Sau 83 năm rời ghế nhà trường để lập gia đình, cuối cùng cụ Virginia “Ginger” Hislop cũng được cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ ở tuổi 105.

Cụ Virginia tốt nghiệp cử nhân giáo dục năm 1940 và đã hoàn thành tất cả các tín chỉ để lấy bằng thạc sĩ. Tuy vậy, cụ vẫn cần thực hiện bản luận án cuối cùng để hoàn tất việc học.

Người yêu của cụ – George Hislop, một sinh viên GSE trong Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị (ROTC) – bị gọi tham gia Thế chiến II nên cụ đã quyết định kết hôn và dành nhiều thời gian bên chồng hơn.

“Tôi có thể quay lại học bất cứ khi nào tôi thấy cần thiết. Hơn nữa, tôi rất thích học. Dù tôi học ở thời điểm nào thì việc học cũng không bao giờ là một gánh nặng. Lúc đó, học không phải là mối quan tâm lớn của tôi nhưng việc kết hôn thì có”, cụ cho biết.

Sau khi gia đình chuyển từ California đến Washington, cụ Virginia đã có một sự nghiệp giáo dục và chính trị huy hoàng mà không cần bằng cấp. Nhiệt huyết, đam mê và tham vọng đã giúp cụ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.

Khi con gái của Virginia, Anne, vào lớp một, nhà trường muốn xếp cô bé vào lớp kinh tế gia đình thay vì lớp tiếng Anh nâng cao. Virginia không đồng ý với điều này.

“Tôi nghĩ Anne có thể học nấu ăn ở nhà còn khi đến trường thì con bé nên được học các kỹ năng học tập quan trọng”, người mẹ nói.

Anne và chồng hiện tại của cô, Doug Jensen, đều tốt nghiệp thạc sĩ tại GSE vào năm 1968.

Sau khi đưa ra quan điểm không đồng tình với trường học của con gái, Virginia bắt đầu có động lực tham gia vào hội đồng nhà trường vì muốn tiếp tục vận động cho sự phát triển của trẻ em.

“Tôi cho rằng tất cả trẻ em đều nên được trao cơ hội để phát triển tiềm năng của chúng theo cách tốt nhất. Bất cứ ai cũng nên được trao cơ hội nếu họ mong muốn được tham gia các trình độ giáo dục cao hơn”, Virginia nói.

Sau đó, sự nghiệp của Virginia đã có nhiều bước ngoặt lớn khi cụ trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị trường Yakima, là thành viên sáng lập ban giám đốc của Trường Cao đẳng Cộng đồng Yakima và giúp thành lập Đại học Di sản ở Toppenish. Cụ đã phục vụ trong hội đồng quản trị của trường trong suốt 20 năm. Theo NBC News, cụ cũng từng quyên góp hàng triệu đô la học bổng để tạo điều kiện cho học sinh đến trường.

Sau khi GSE đã bỏ yêu cầu về luận án, cuối cùng thì cụ Virginia cũng được nhận bằng thạc sĩ trong năm nay.

“Tôi đã làm công việc này trong nhiều năm. Thật vui khi cuối cùng tôi cũng được công nhận bằng một tấm bằng chính thức”, cụ nói.

Cụ Virginia đã được vinh danh tại lễ tốt nghiệp vào ngày 16 tháng 6 của trường trước sự cổ vũ nhiệt liệt từ các sinh viên tốt nghiệp, con cháu và chắt của cụ.

Minh Minh/ Theo breitbart