CEO chi nhánh Trung Quốc của Adidas bị cáo buộc tham ô



Hãng sản xuất đồ thể thao Adidas của Đức cho biết họ đang điều tra cáo buộc giám đốc điều hành (CEO) chi nhánh Trung Quốc của họ đã nhận hối lộ. Bị ảnh hưởng bởi tin tức này, giá cổ phiếu của Adidas đã giảm 4% vào thứ Hai (17/6), sau đó phục hồi nhẹ, đóng cửa giảm 2,6%.



(Nguồn: Shutterstock)

Theo Financial Times ngày 16/6, những người quen thuộc với vụ việc tiết lộ rằng Adidas – nhà sản xuất đồ thể thao lớn thứ hai thế giới, đã nhận được đơn tố cáo cáo buộc nhân viên cấp cao của họ tham ô “hàng triệu euro”. Công ty đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc hối lộ lớn đối với nhân sự của họ ở Trung Quốc.

Bức thư tố cáo ẩn danh được viết bởi một người tự xưng là “nhân viên của Chi nhánh Adidas Trung Quốc”, đã đề cập đến tên của một số nhân viên của Adidas Trung Quốc, bao gồm cả một quản lý cấp cao liên quan đến ngân sách tiếp thị của Adidas tại Trung Quốc. Thư tố giác cho biết số ngân sách này lên tới 250 triệu euro mỗi năm.

Người tố cáo ẩn danh còn tố cáo cáo buộc rằng nhân viên Adidas đã nhận tiền lại quả từ các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài mà công ty ký hợp đồng. Một quản lý cấp cao khác làm việc cho một đơn vị khác của Adidas ở Trung Quốc, bị cáo buộc “lấy hàng triệu USD tiền mặt từ các nhà cung cấp cũng như các mặt hàng hiện vật như bất động sản”.

Adidas xác nhận rằng họ đã nhận được thư tố cáo vào ngày 7/6 nhắc nhở về “những vi phạm tồn tại ở Trung Quốc”. Công ty cho biết họ đang kết hợp cùng với cố vấn pháp lý bên ngoài để điều tra thêm vấn đề.

Công ty cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ “rất coi trọng các tố cáo về khả năng vi phạm quy định, công ty sẽ nỗ lực làm sáng tỏ mọi vấn đề liên quan, tuân thủ các quy định pháp lý cũng như các tiêu chuẩn đạo đức ở tất cả các thị trường mà chúng tôi hoạt động”. Thông tin cho biết thêm, công ty không thể cung cấp thêm thông tin cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất.

Reuters dẫn lời ông Jacques Roizen – tổng giám đốc tư vấn Trung Quốc tại Digital Luxury Group ở Thượng Hải, nói rằng những cáo buộc “nêu bật những thách thức mà nhiều công ty phải đối mặt trong việc duy trì sự giám sát và kiểm soát liên tục đối với các hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của họ tại thị trường Trung Quốc”.

Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Financial Times rằng đến nay chưa có cá nhân nào liên quan trong cáo buộc bị đình chỉ công việc. Những người trong nội bộ Adidas cho biết, mặc dù người tố cáo ẩn danh không cung cấp bằng chứng thuyết phục cho cáo buộc về vấn đề tham nhũng đó, nhưng họ dường như nắm rõ về các vấn đề nội bộ bí mật và rất nhạy cảm.

AFP cho biết lá thư tố cáo trong tháng này đã xuất hiện trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc nhưng vào Chủ nhật đã không còn xuất hiện trên trang này, mặc dù một số tài khoản đã đăng các bản sao liên quan nhưng chưa thể xác minh tính xác thực.

Đây là đòn giáng mới nhất vào Adidas – hãng đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong vài năm qua. Năm 2021, Adidas và một số thương hiệu may mặc lớn khác của phương Tây (như H&M, Nike) đối mặt với làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc, do họ có lập trường không sử dụng loại vải cotton Tân Cương bị nghi là do lao động cưỡng bức.

Adidas trong 18 tháng qua đã nỗ lực để tăng doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Được biết từ trước đại dịch COVID-19, công ty đã đánh mất đáng kể thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Reuters dẫn lời Juergen Molnar của công ty môi giới RoboMarkets cho biết, thông tin này có thể ảnh hưởng mạnh đối với mục tiêu của Adidas muốn tái lập vị thế ở Trung Quốc sau 4 năm trượt dốc.

Theo Trương Đình, Epoch Times