PDA

View Full Version : Miếu Âm hồn



giavui
10-20-2010, 03:56 AM
Tác giả: Lê Huy Oanh


o0o

Ngọn miếu ngồi chênh vênh trên gò đất giữa những bụi cây rậm, bao quát mươi nấm mả rải rác chung quanh. Đó là một tòa miếu nhỏ hoang phế tục gọi miếu Âm hồn. Cơ sở ma quái này cũng có phong độ riêng: tường gạch, mái ngói và nền xi măng. Không biết miếu được dựng lên tự bao giờ; chỉ biết nó đã già cũ lắm rồi. Dăm vạch nứt nẻ bò loanh quanh trên dải tường phía trái. Rêu phong bẩn thỉu sùi ra từ đỉnh xuống chân nền. Vài hòn ngói buột rơi mất, để lại những lỗ hổng méo mó trên hai cánh mái thiếu thăng bằng. Cửa miếu không có gì che đậy, há hốc về phía một thân cây đa cổ thụ. Bên trong miếu, bóng tối quấn vào bóng sáng, tạo thành một màu nhợt nhạt, lạnh lẽo. Vẻ âm u toát ra, yểm vào cảnh sắc chung quanh cái cô tịch, ảo não của sự hoang tàn gần như phai lợt hết sinh khí.

Thực ra ngọn miếu vẫn còn sống. Mỗi khi gió lùa vào bên trong từ họng miếu phát ra những tiếng thở dài.

Tòa miếu cổ chỉ rên rỉ, thầm thĩ chứ không giãy giụa, không quằn quại. Nó nằm lịm trong sự tê liệt bất động, vầng trán nhăn nhúm hướng lên, chiếu mấy tròng mắt sâu hoắm vào những chùm đa lả lay. Cỏ dại mọc leo lên bờ nền, ngả những thân gầy tong teo vào mặt vữa loang lổ. Thứ cỏ ở đây hút không đủ nước bởi lẽ mặt gò quá khô khan, lại thiếu ánh mặt trời vì bị chòm đa rậm án ngữ. Màu cỏ chỗ xanh chỗ lợt. Sắc cỏ hòa thuận với sắc rêu, vì chúng cùng một dáng dấp đau yếu, cùng một vẻ lầm lì lười biếng. Chúng chỉ là loài xú thảo hành khất: rêu bẩn ăn bám vách miếu, cỏ xơ nằm dài trên mặt đất mốc.

Cửa miếu thấp lè tè đối thẳng với bệ gạch bên trong. Không bao giờ có hương khói nhưng vẫn có chiếc bát đàn sứt mẻ chỏng chơ trên bệ. Lòng bát chứa đầy cáu bẩn với một bộ xương lá đa. Chiếc lá rớt khỏi cành tự mùa nảo mùa nao và chắc có trận cuồng vũ vô tình đã cuốn xác nó tới bệ miếu, quấn nó vào lòng bát hương. Cả ruột miếu toát ra hơi ẩm nhớp nháp. Xú khí phảng phất đầu độc những lớp khí trời từ ngoài chuyển vào. Đây là quê hương của lũ nhện câm lặng nhưng tinh quái. Tơ nhện chằng chịt khắp ngả. Hệ thống cạm bẫy này chắc đã sát hại nhiều giống côn trùng khác. Chả thế mà lũ nhện trông con nào cũng mập mạp, thoải mái. Bọn mắt đen ăn thịt uống máu đó lúc nào dáng điệu cũng vô tư, chỉ ăn ngủ rồi đua nhau đặt thêm những ổ sát sinh.

Bốn mặt tường phía trong khô ráo rắn chắc hơn phía ngoài. Tự bao giờ có những bàn tay nào đó tô lên lớp da dẻ chốc lở ấy những vạch than đen sì hoặc những nét gạch đỏ úa. Đấy là những dòng chữ to nhỏ ngoằn ngoèo, những hình ảnh thô kệch; nhưng đám ký hiệu giả dáng ngờ nghệch ấy có một ý nghĩa sâu sắc vì chúng phô bày những dục vọng cần được thỏa mãn của một loài động vật. Ở mặt tường bên trái, nét than uốn thành những hình ảnh dâm ô, khêu gợi.

Vào những ngày nắng ráo, yên tĩnh, ngọn miếu bệnh tật già cả hình như bớt được đôi phần đau đớn. Nó cù rù lặng thinh, để mặc những chùm cây xao xao đú đởn trên đầu. Vài tia mặt trời tò mò cố luồn qua khe lá xanh, chọc xuống đám ngói khấp khểnh. Vào những lúc hoàng hôn, màu đỏ khè của cả vùng trời phía tây đổ loang vào vạn vật một sắc tím sẫm pha lẫn ánh vàng lợt, khiến cho bộ diện tòa miếu cổ trở nên âm thầm hơn. Vốn đã già nua nó càng già nua thêm. Nó nằm chình ình như một kẻ quá chán chường đến không biết gì là chua xót đắng cay nữa. Có lẽ nó không chờ đợi mơ ước chi hết. Cái vẻ bình thản nhẫn nại ấy đã vô tỉnh chửi rủa, khinh khi những hoạt động chung quanh. Màu trời trở mặt, chuyển từ vùng ảnh hưởng vào cõi tối tăm. Các loài thảo mộc thầm thì run rẩy. Từng cánh chim hôm bay sải trong không gian, tiếng kêu buồn bã xoáy vào lòng gió yếu. Riêng tòa miếu lãnh đạm vẫn trầm mặc như một đạo sĩ đang mải mê suy tư về những điều bí mật nào. Sự tàn tạ của ngày tháng không làm nó động lòng. Vào những lúc xấu trời, dải miếu có vẻ đau đớn hơn. Từng đợt gió hung hăng chở nước mưa lao vào nền gạch ẩm mục, đập xuống hai tấm mái ẽo ợt hay quẩn trong lòng miếu. Đống gạch ngói xiêu vẹo nhầy nhua vừa rùng mình vừa thở hào hển hoặc khẽ hú lên rầu rĩ. Hơi thở lúc dài lúc ngắn, tiếng hú khi nổi khi chìm, nhưng những cử chỉ ấy hoàn toàn miễn cưỡng và thất thường. Tựa như ngọn miếu bị gió mưa ép uổng bắt phải nức nở than van.

giavui
10-20-2010, 03:57 AM
Ở bên miếu, trong một khoảng đất thấp hơn rộng chừng hai mẫu, mươi nấm mộ nằm ngổn ngang. Bãi tha ma bé nhỏ này được dành riêng cho những xác chết vô thừa nhận. Dăm ba đứa hành khất chết ở góc đường, một người đàn bà không căn cước đến trầm mình ở vực nước gần đấy. Chỉ có thể biết mong manh như vậy thôi vì có những nấm mộ cũ kỹ không biết được đắp lên tự lúc nào. Mặt chúng bị mưa gió cào liếm tới gần sát mặt đất. Không một ngôi mộ nào có bia, bởi chưng ai thèm khắc tên khắc tuổi cho những kẻ khốn nạn không bà con thân thích ấy. Đặt bia cắm nọc để làm gì mới được chứ! Ở cái bãi tha ma heo hút này, chẳng bao giờ có hương vị của một cái lễ thanh minh. Những kẻ chết đường chết chợ được người đồng chủng đem xác mình vùi nông cho một nấm giữa đám thảo mộc hoang dại như vậy là may rồi. Mong gì có những nào đến nhỏ vài giọt nước mắt hay ngồi vuốt ve vào đống đất bên trên lỗ huyệt của mình.

Tại cái bãi hoang khuất nẻo này thường hay có những cơn gió quẩn. Đôi khi từ trên thinh không, gió đột ngột nhào xuống xoáy quyện vào các đống chôn người làm bốc lên những mảnh lá khô úa lẫn trong đám bụi mờ đục. Cái thứ gió vũ phu giận dữ ấy như muốn khiêu khích nạt nộ trước cử chỉ bất động của đám mồ mả. Vào những dịp mưa phùn rỉ rả, trên mặt tha ma thường khi phảng phất những làn hơi mờ loãng. Có thể bảo rằng tử khí bốc lên được chăng? Cũng có nhiều cặp mắt mê tín coi đó như oan hồn những kẻ bất hạnh kết lại thành khí thể. Những lớp khói lơ mơ ấy chỉ lởn vởn một chỗ mà không bay đi xa. Nếu có đợt nào thoát ra khỏi sào huyệt, tất nó sẽ tan biến ngay trong khi trời ẩm ướt. Cũng có khi, sau những trận mưa xối xả, bãi tha ma xâm xấp nước. Từ một vài lỗ nẻ trên mặt những ngôi mả chưa cũ lắm, bong bóng trắng sùi lên làm phát ra những tiếng lép bép kỳ dị.

Bên tòa miếu Âm hồn và quanh bãi tha ma có nhiều bụi cây hoang dại. Phần lớn chỉ là những giống thảo mộc thấp bé. Trừ ngọn đa bên miếu, ở khu vực này không có mấy thân gỗ đáng kể là cao lớn đồ sộ. Những đám màu xanh chỗ thẫm chỗ nhạt chỉ lan rộng trên mặt đất chứ không chịu vươn lên nhiều. Thường thường ở những bụi lá đó vẫn có hoa nở. Thứ hoa ở mộ địa nở ít nhưng đẹp và bền. Từ những cái thối rữa, mục nát vốn vẫn hay nảy ra những tinh thể óng muốt. Giống hoa mọc bên thân người chết có đôi ba loại kỳ lạ. Có thứ xuất hiện vào mùa đông, lúc đất trời đang độ tê buốt hơn cả. Từng đợt cánh trắng muốt rập rờn trước gió lạnh. Cử chỉ lửng lơ õng ẹo trông đầy vẻ ngạo mạn, ý chừng giống hoa ấy ra đời cốt để trêu cợt thời tiết. Còn có một vài thứ khác không bao giờ chịu mọc trong những khu vườn được bàn tay người sống vun quén. Phải kể tới một thứ hoa tím nhạt có những cánh mỏng nổi và uốn cong queo, thường nở vào đầu mùa thu. Giống này trông nhỏ nhoi yếu ớt nhưng gan lì. Vào lúc tàn, nó cứ héo quắt đi chứ nhất định không chịu rụng ngay. Đến khi rớt xuống đất nó chỉ còn là vỏ đã khô hết nhựa sống. Còn phải kể đến một giống hoa khác cũng mọc vào tiết thu. Mỗi chiếc chỉ có ba, bốn cánh dày xòe ra đỡ lấy chút nhị vàng. Cuống hoa to và cứng cáp. Mùi hoa là một thứ hương thơm dịu dàng dễ làm say mê khứu giác. Nhưng xin đừng hái thứ này, vì một khi bị ngắt đứt lúc còn non yểu, cuống hoa sẽ nhỉ ra một giọt nhựa màu nâu nhạt tanh tanh, mùi hoa dễ thương bao nhiêu thì nhựa cuống hoa khiến mũi khó chịu bao nhiêu.

giavui
10-20-2010, 03:57 AM
Bưa kia, có một con rắn lục cườm từ trong bụi ruối gần đấy ngoi ra và mệt mỏi trườn lên phía miếu. Con rắn đi qua bãi tha ma. Nó không bò trong các ngách mộ nhưng leo tắt qua các nấm long lở. Cái thân thể dài đườn ấy quằn quài trên mặt người chết, lớp da xanh bóng chuyển màu dưới ánh hoàng hôn; đôi mạng bạnh ra, thoi thóp đẩy phụt qua ống miệng đỏ khé những tiếng phì phì giận dữ. Sự cáu kỉnh của loài rắn toát ra một sắc thái dã man, độc ác vô chừng.

Con vật bò sát lết một vòng quanh miếu rồi luồn vào bên trong. Nó không dùng lối cửa chính, nhưng ngóc đầu vuột mạnh thân thể lên mái rồi lao qua lỗ ngói vỡ. Mấy khúc thịt nhũn gieo bịch xuống nền xi măng. Mẩu đuôi hung hãn vuốt qua mặt bệ. Chiếc bát đàn lăn đi một vòng rơi xoảng xuống đất. Bộ xương lá đa văng ra ngoài, gãy giập thành nhiều mảnh.

Bên ngoài bóng tối bắt đầu xua đuổi vài đợt ánh sáng cuối cùng khỏi đường ranh giới phía tây giữa mặt đất với chân trời. Ánh hoàng hôn chỉ còn thoi thóp rồi vụt tan biến trong màu đêm. Sau lúc giao hợp, dương tách biệt khỏi âm, với cái thái độ chia ly nhạt nhẽo và thầm lặng. Trong suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ, không lúc nào đất trời bẩn thỉu nhơm nhếch bằng lúc ngày và đêm đứt đoạn giữa hoàng hôn. Cảnh vật bị liệm sống trong những lúc màu đen nhờ nhờ đầy vẻ lừa lọc phản bội. Ở dãy núi xa xa, từng ngọn đá nhập vào một khối rồi mất dạng. Các bụi cây quanh tha ma co rút lại với dáng dấp bí ẩn vật vờ. Tiếng dế rên rỉ đẫm giọng đau buồn chán nản toát ra từ những chân cỏ.

Trong ruột miếu, con rắn lục cườm quật mình dữ dội; những vòng thịt nhèo nhẽo vật lên vật xuống trong đám mạng nhện chằng chịt. Trăm ngàn sợi tơ mỏng mảnh đứt tung khiến cho cả một làng nhện hoảng hồn chạy tới tấp. Chưa bao giờ có sự tàn phá ghê gớm phũ phàng đến như thế. Cái sào huyệt trù phú lợi hại của chúng đột nhiên bị đảo lộn tan hoang. Con rắn rít lên và giãy đành đạch, mẩu đuôi vụt xé vào không khí nhiễm độc. Hơi thở hộc khỏi miệng nó, pha đặc thêm mùi tanh tưởi hôi hám bao bọc chung quanh. Những tiếng khè khè hình như chọc thủng cổ họng con vật bò sát để vuột ra ngoài. Bao tiếng thất thanh đứt đoạn ấy liễm kết một cái gì đau đớn, tê nhức vô chừng. Mà con lục cườm đang lúc đau đớn thật vì nó đến đây tối hôm nay để đẻ con. Sự sinh nở của giống động vật dài đườn này hiện hình trong sự vất vả, hung bạo. Cả một khối sống phồng lên ở thân thể nó đang chuyển động tìm lối ra. Đống bào thai húc vào tạng phủ mẹ để tìm sự giải thoát khỏi ô ngục lầy nhầy tăm tối. Trạng thái đau đẻ của giống rắn có vẻ mãnh liệt, tàn khốc hơn tất cả mọi sinh vật khác chăng? Có thế thì con rắn cái mới vật vã, mới lồng lộn dữ dội đến như vậy. Rồi trong màu đêm, một búi rắn lục cườm con ra đời. Giống rắn lục thuộc loại noãn thai sinh, nên cái màng trứng đã nở toác ngay từ trong bụng mẹ. Bầy trẻ sơ sinh thoát khỏi hầm tối này lại sa vào hầm tối khác. Có chăng ở đây rộng rãi, khoáng đãng hơn nhiều, nên những chiếc đầu nhỏ bé có thể tự do nhoi ra khỏi búi. Một khi rời khỏi bụng mẹ, chúng nó phải từ bỏ nhau ngay. Mỗi đứa hài nhi nhoai về một ngả. Phút chốc cả sàn miếu vụt biến thành nơi chia tay của bầy trẻ nít không có một chút óc hợp quần nào. Sẽ không bao giờ chúng biết bọn chúng là con cùng mẹ. Và mẹ chúng cũng vô tình lắm. Rất có thể mụ rắn cái tàn nhẫn không thèm biết y vừa sinh hạ được một đàn con. Nếu biết sao mụ đành lòng để mặc lũ trẻ nhỏ nhít dấn thân vào những nơi xa lạ hiểm nghèo. Cơn đau đẻ đã qua, mụ không chuyển mình nữa, cuốn khúc nằm im trong xó miếu. Đầu mụ ghệch lên một mảnh bát hương. Thóp cổ phập phồng những hơi thở yếu ớt. Tự mấy vết xây xát trên cái dây thịt mệt nhão ấy máu tím ứa ra. Vô phước thay, cái loài rắn lục cườm: mang nặng đẻ đau đến thế để rồi không biết hưởng chút hạnh phúc nào của tình mẫu tử. Cái nòi giống độc địa này ắt hẳn không thể có tình mẹ con. Nếu chúng thương xót nhau chắc nọc chúng không ghê gớm như vậy. Cho nên bà mẹ mệt thản nhiên nằm ngủ để lấy lại sức. Lũ con bắt đầu tung tăng kiếp sống lưu lạc. Vừa được đẻ ra đã dám tự lập rồi. Chỉ có loài máu lạnh ngang tàng bạo ngược này mới dám liều lĩnh can trường đến thế.

Khoảng quá nửa đêm con lục cườm cái chợt tỉnh thức, rồi uể oải rời bỏ miếu Âm hồn. Nó vào bằng lỗ ngói vỡ nhưng ra bằng cửa chính. Đất trời không còn tăm tối nữa vì một vầng trăng gầy úng bủng beo vừa nhú lên khỏi rặng tre xa tắp tít. Con rắn mệt mỏi trườn đi dưới ánh trăng bềnh bệch màu vàng bệnh hoạn. Nó vẫn có vẻ tức tối hậm hực thế nào, đôi mang cănh bạnh phì rớt rãi trên lối đi. Lúc tối nó hoảng hốt điên dại vì đau đẻ, nhưng bây giờ nói bực bõ vì cô độc chăng? Kể ra mụ này cô độc thật: mụ rắn đến miếu một mình rồi lủi thủi ra đi một mình. Nếu trong loài rắn giống đực và giống cái sống với nhau thành từng đôi thì đây đích thực một ả rắn chửa hoang.

giavui
10-20-2010, 03:58 AM
Con lục cườm chỉ tới miếu một lần rồi không bao giờ trở lại nữa. Nhưng có hai sinh vật loại bốn cẵng thường hay lai vãng bên miếu. Chúng là đôi chó hoang, một đực một cái. Buổi đầu tiên con cái đến một mình. Không biết nó tự nơi nào tới, chạy quanh quất trong bãi tha ma rồi đi ngược lên đỉnh gò đất. Sự đói khát hiện hình trên khóm thân thể xương xẩu. Khung bụng hóp vào quá đỗi làm nổi bật cần xương sống lởm chởm như lưỡi răng cưa cùn. Vài đám lông bẩn thỉu, thưa thớt, phờ phạc mọc lan trên lớp da lợt. Nhiều khoảng rụng hết lông trở thành xám ngoét. Nếu lấy gai chọc vào những đám thịt trần trụi ấy, chắc sẽ không thấy máu đỏ ứa ra. Ắt hẳn chẳng còn mấy tí huyết tươi luân chuyển trong cơ thể mỏng mảnh, tàn lụi này. Con vật gầy gò đang cố tìm chút gì có thể nhấm nháp cho đỡ đói lòng. Ống mõm vêu vao sục vào các hốc cây và các hõm, khe quanh miếu; dưới vành mu nhăn nhíu, đôi tròng mắt trắng đã lờ đờ nằm im gần như không buồn chuyển động.

Sau một hồi nhọc công vô ích, con chó cái tuyệt vọng đứng ngơ ngẩn bên nách miếu, cái đầu khẽ lắc lư, nghiêng nghé. Cái đói đã khiến nó có những cử chỉ khắc khoải bồn chồn. Ánh mặt trời ban mai đổ ngang qua đỉnh gò kéo bóng nó ra xa. Và nó lững thững xuống gò. Dáng đi tuy ọp ẹp, lảo đảo nhưng vẫn có vẻ kiên nhẫn bền bĩ lắm. Chịu đựng được khổ nhọc hơn cả, là loài chó đi hoang. Nó cắm cúi tiến về phía làng mạc lờ mờ bên kia những cánh đồng. Ở đấy mới có thức ăn…

Mấy hôm sau, con chó cái lại tới miếu Âm hồn. Trông thân thể, hình thù nó có vẻ thiểu não xác xơ hơn. Tại những nơi có người, thức ăn dễ tìm kiếm nhưng không có tình thương. Ai thèm ái ngại đến con vật bẩn thỉu, rúm ró ấy. Người ta đánh đập, người ta chửi rủa, người ta liệng gạch đá. Cho nên nó phải trở lại miếu Âm hồn để hưởng sự yên tĩnh. Khi nào đói quá lén về các làng mạc kiếm miếng để sống rồi lại đi rong. Những chỗ dung thân là những nơi hiu quạnh thanh vắng.

Lần này ả chó cái không tới miếu Âm hồn một mình mà có một gã chó đực đi theo. Chàng định tán tỉnh ve vãn nàng nhưng xem chừng thời cơ chưa thuận tiện nên chàng vẫn còn lảng vảng gần bên chứ chưa dám có thái độ sấn sổ. Thật ra, khi mới gặp cô ả, thằng ấy định dở ngón ngay nhưng đã bị gái tặng cho một bài học đích đáng. Bài học ấy là vết răng nanh hằn trên cổ gã. Chó đực dành đấu dịu chờ cho con bé bớt cơn ngúng nguẩy. Trong loài chó đi hoang, con cái thường vẫn có uy thế đối với con đực. Cô độc thật đấy, thiếu thốn thật đấy, nhưng bao giờ cử chỉ, thái độ con cái cũng có vẻ nghiêm nghị hách dịch. Khác hẳn với loại chó nhà.

Tới bên miếu, con chó cái đứng lại, vẻ mặt vẫn lầm lì, khắc khổ, cau có. Nó không thèm ngó con chó đực trong khi thằng đa tình khẽ nhảy cỡn chung quanh và phe phẩy đuôi để lấy cảm tình. Trông chàng cũng chẳng béo tốt gì hơn nàng cả. Rồi gã đánh liều tiến sát bên cô ả để bày tỏ nhiều cử chỉ âu yếm lẳng lơ. Con cái nhe răng dọa nạt nhưng gã mặc kệ. Thằng ấy phong trần già dặn trong tình trường lắm rồi nên gã am hiểu tính tình dớ dẩn của bọn chó cái. Có hung hăng, kiêu kỳ đến đâu thì cũng chỉ đợp nhau một miếng là cùng, rồi đâu sẽ vào đấy cả. Lúc nãy cô ả cắn vào cổ gã để tự nâng cao giá trị. Nhưng tất rồi cô ả sẽ bằng lòng dần.

giavui
10-20-2010, 03:58 AM
Quả nhiên, con chó cái giờ đây bớt hẳn vẻ hung dữ, chỉ còn khẽ gào gừ trong cuống họng hoặc sủa gần một đôi tiếng. Giọng gào gừ thui chột và xanh lét. Tiếng sủa nghe gượng gạo, sần sượng thế nào. Rồi cuối cùng nàng im lặng hẳn tỏ dấu thuận tình. Trong loài chó hoang, những pha ân ái bao giờ cũng mở đầu bằng cử chỉ, ngôn ngữ thù hằn của con cái. Và hai con chó đói dẫu gầy đói đến trơ xương như vậy nhưng vẫn cứ phải yêu nhau.

Từ đấy trở đi, cuộc tình duyên khiến anh này chỉ bớt được đôi phần chua xót. Anh chị không chung tình với nhau nhưng thỉnh thoảng gặp nhau trên đường lang thang lại đưa nhau tới thẩn thơ trên gò miếu.

Đôi chó này, dầu là đi hoang, cũng vẫn còn có cái lối ầm ả của loài chó. Con cái thường giữ điệu bộ thầm lặng nhưng con đực vốn dĩ hay làm ồn. Những khi hứng chí nó vừa sủa rỡn vừa nhảy quẫng chung quanh tình nương; theo tập quán, lúc thấy bạn động tình như vậy, con cái cũng gừ đôi ba tiếng hiền lành để trả lời. Và những tiếng yêu đương ấy thường làm giật mình một gã cò trắng đậu trong vũng đầm dưới chân gò. Gã đứng co ro suốt ngày, đôi mắt lim dim như buồn ngủ. Chỉ có kẻ nào chán đời mới có những cử chỉ dáng dấp thiểu não như vậy thôi. Gã dầm đôi cẳng khẳng khiu dài lêu đêu xuống làn nước. Bộ cánh trắng hơi xõa ra và ngọn cổ khòm xuống. Đứng từ xa, trông gã như một anh nghiện đói thuốc: cổ rụt, vai so, dáng đi đứng khoeo khư, co quắp. Đôi lúc cặp giò gầy yếu khẽ rung rẩy như muốn khuỵu. Những anh nghiện thiếu thuốc hút thường khi chân tay vẫn lẩy bẩy như thế. Đứng gần, trông gã lại như một nhà khổ tu đang trầm ngâm suy tính lối vào cõi cực lạc. Gã này ắt sẽ đạt được chánh quả để nhập nát bàn vì mặt gã lạnh lẽo, dửng dưng, dường như lông gã không còn chút dục vọng nào hết. Mà gã chẳng thiết gì thật: không vợ con, không bầu bạn, chỉ sống heo hút đơn độc thế thôi. Gã cũng chẳng bao giờ đi đâu xa, chỉ hết quanh quẩn bên bờ đầm lại vào bụi cây gần đấy ngủ. Đôi cánh vô ích quá; giá có nhổ hết lông cánh đi chắc gã cũng chẳng tiếc hận gì. Hay gã quên mất là mình thuộc loại biết bay? Chẳng có lẽ nào. Đồng ruộng bao la thế, bầu trời lồng lộng thế mà chẳng thể quyến rũ nổi con chim thiếu máu giang hồ này. Cánh vẫn còn nguyên vẹn, lông vẫn mọc dài, nhưng nhu cầu bay nhảy không thấy phát hiện. Tại sao thế, hỡi con quái điểu câm lặng kia?

Cuộc đời bã bí mật thật nhỉ. Gã từ đâu đến? Gã suy tính chuyện gì? Gã mong muốn gì? Đố ai hiểu nổi.

Mùa đông nhường chỗ cho mùa xuân, rồi mùa xuân tàn lụi khi những tia nắng hạ đầu tiên vụt lóe. Đôi ba mùa đã qua đi, thời gian thêm tuổi, nhưng gã cò vẫn chỉ sống lảng vảng bên miếu Âm hồn. Càng ngày gã càng già yếu, đôi chân chùng xuống, cần cổ hạ dần; loài cò có thể mau cằn cỗi đến thế hay sao? Gã nghiêng mặt, đăm đắm nhìn bóng gã in trên mặt nước phẳng lặng, thỉnh thoảng khẽ lao ngọn mỏ dài vào lòng chất lỏng. Ý chừng gã chỉ mổ vu vơ chứ không phải bắt mồi; vì nếu thường kiếm được mồi, cớ sao gã lại đến nỗi bệ rạc, xác xơ như vậy.

Cho đến một ngày kia, có một cơn biến động ghê gớm đã xảy ra. Đất trời oi bức như lò lửa. Ánh nắng gay gắt lan tràn trên bãi tha ma khiến cho các ngôi mả đất nứt nẻ thêm. Từ đám mộ địa ấy bốc lên một thứ hơi lanh tanh, nhạt nhạt. Tòa miếu Âm hồn nằm im như vừa tắt thở. Rồi đột nhiên gió nổi dậy, mới đầu chỉ khẽ hắt hiu nhưng mạnh dần, đẩy những đám mây đen đặc sệt từ chân trời lên đỉnh trời. Vầng thái dương bị nuốt trửng. Tòa miếu Âm hồn dần dần hồi sinh lại và cứ thở nấc mãi lên. Giông tố bắt đầu nổi dậy khi mưa đột ngột nhào xuống và những đợt cuồng phong lồng lộn, gào thét trong không gian. Trận bão tàn khốc tung hoành suốt nửa ngày một đêm. Chớp loằng ngoằng đâm chém những đám mây dày đặc khiến cho cả bầu trời vang động những tiếng kêu la hốt hoảng. Một tiếng sét vụt nổ trên bãi tha ma, ánh điện quang khét lẹt chặt khuyết một góc mả. Cây đa cổ thụ ngả nghiêng, oằn oại. Gió tàn ác giật đứt rời một cành đa lớn và khối gỗ đầy lông lá rùng rùng lao xuống nện mạnh vào nóc miếu.

Sáng hôm sau, giông tố rút đi hết. Dưới chòm đa xác xơ, tòa miếu Âm hồn bị tử thương nằm gục đầu xuống đất. Một bên mái vỡ tan tành và nửa mảnh tường bên trái dập nát thành từng mảnh vụn. Những lớp mây đến đêm qua đã đi mất để lộ hẳn cả một dải trời xanh biếc. Đầm nước đục ngầu im lặng như tờ. Gã cò áo trắng gầy còm không còn đấy nữa. Gã đã biến đâu mất dạng để không bao giờ trở lại.

1960