PDA

View Full Version : Hạnh viễn ly là một trong những hạnh của Bồ tát



gioidinhhue
10-19-2010, 10:14 AM
(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 37 tại chùa Phổ Quang ngày 10-9-2008)

Hạnh viễn ly là một trong những hạnh của Bồ tát. Trước nhất
phải hiểu rõ ý nghĩa viễn ly là gì và hạnh viễn ly là thế nào. Dùng từ dễ hiểu, viễn ly là xa lìa. Mới bắt đầu tu, tất cả chúng ta đều có ý niệm từ bỏ gia đình, từ bỏ người thân, tránh xa miền thế tục, vào rừng sâu, lên núi cao để tu hành, mong được giải thoát, đắc đạo.

Đức Thế Tôn khởi đầu cũng lập hạnh viễn ly như vậy, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, xa lìa tất cả những gì mà người thế gian cho rằng đáng quý trên cuộc đời này. Trải qua sáu năm tu hành, Ngài hoàn toàn từ bỏ đời sống vật chất, hay nói đúng hơn, không bị đời sống vật chất chi phối, Ngài đã được an lạc, giải thoát ở bước đầu. Tổ Thiên Thai cũng dạy chúng ta phải từ bỏ vật chất mới phát huy được đời sống tâm linh và khi nhận ra được đời sống tâm linh mới phát hiện điều quan trọng hơn, đó là đời sống tâm linh có hai phần : vọng và chơn, hay chân linh và vọng thức.

Trong mỗi kiếp sống của con người, thân vật chất phải bỏ lại sau khi mãn tuổi thọ của nó, nhưng phần vật chất vi tế là vọng thức mà người đời thường gọi là linh hồn, tuy không thấy được bằng mắt, lại rất quan trọng; vì chính vọng thức là hạt nhân đóng vai trò quyết định trong việc dẫn con người đi tái sanh trong cảnh giới sanh tử luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu phần vật chất vi tế, tức vọng thức thuộc về thiện, chúng ta sẽ tái sanh vào cõi Trời, hay cõi người. Nếu vọng thức thuộc loại cực ác, tất yếu họ phải vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Vọng thức hay phần vật chất vi tế của ta dễ dàng tương quan với vi tế vật chất của người khác, hoặc dễ tương thông với vi tế vật chất của người đã chết, thường gọi là hồn ma. Thí dụ, ngồi trong phòng bình thường, nhưng ta cảm giác có ma, họ là người đã bỏ thân vật chất, mà vẫn còn chịu sự tác động của phần vi tế vật chất thuộc ác nghiệp. Trước kia, họ từng sống ở căn phòng này, nên tâm chấp trước căn phòng này, căn nhà này là của họ, vì vậy mà tâm thức họ vẫn thường gắn bó chặt chẽ với nơi này, không rời xa được. Người Việt Nam thường thờ thần tài thổ địa tiêu biểu cho người đã sống ở đây không còn thân tứ đại, nhưng họ còn thân vật chất vi tế mà người ở sau quý trọng họ, nhờ họ phò hộ cho được an lạc. Tuy nhiên, cần hiểu rằng thân vật chất vi tế này, tức trung ấm thân của người chết đến một lúc nào đó, tâm quyến luyến đời trước của họ không còn nữa, thì họ sẽ tái sanh ở cảnh giới khác. Người ngoại cảm hoặc người lên đồng dễ liên hệ với thế giới quỷ thần hơn chúng ta, nhưng họ phải ngồi yên mới quan hệ được.
Vì vậy, bước đầu chúng ta xa rời thế giới vật chất để lên núi cao ẩn dật, nhưng không từ bỏ được thế giới vi tế vật chất, rất dễ lạc vào cảnh giới của quỷ thần; đa số ngoại đạo tu hành thường đi lạc vào đường này là như vậy.
Thế giới vi tế vật chất này, Duy Thức học xếp vào một trăm pháp (bách pháp). Một trăm pháp chính yếu phát xuất từ sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và đó là căn bản của thế giới tâm thức. Chúng ta còn sống có đầy đủ năm phần của ngũ uẩn thân là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhưng người chết chỉ còn thế giới vật chất vi tế, tức họ mất sắc chất và còn thọ, tưởng, hành, thức. Bốn phần vi tế vật chất này không thấy bằng mắt, nhưng cảm tâm được.

Ngoài sáu căn bản phiền não còn có 20 tùy phiền não là phẫn, hận, phú, não, xan, tật, cuống, siễm, hại, kiêu, vô tàm, vô úy, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Tâm thức chúng ta thuộc loại nào thì sẽ tương ưng với những người có tâm thức như vậy. Thí dụ ta ghét người nào thì sẽ có người cũng ghét giống như vậy đến với ta. Ai cũng có bạn, nhưng là bạn ác hay bạn lành. Nếu tâm chúng ta lành sẽ có Phật, Bồ tát tới; tâm ác sẽ có bạn ác tìm đến. Vì vậy, nhìn thấy người xung quanh mình sẽ biết được tâm mình như thế nào. Khi chúng ta tập họp toàn là người ác, nghĩa là thế giới tâm thức của chúng ta toàn là ác, thì đến khi bỏ xác thân này, chúng ta liền có thế giới ác cho mình bước vào sống. Sáu căn bản phiền não và 20 tùy phiền não tác động để hiện ra con người tâm linh của chúng ta là ác ma. Nếu sáu căn bản phiền não mất và 20 tùy phiền não không theo thì hiện tượng ma này tự mất; vì nó chỉ là ảo, không thật.

http://www.huongdaoonline.com.au/giao-dc/112-02-2009/1519-sng-hnh-vin-ly-