giavui
11-30-2017, 12:40 AM
Bên Kia Sông - Tạ Cự Hải
Quê tôi ở gần cửa biển. Phần đông dân chúng trong vùng sống bằng nghề chài lưới. Một số người buôn bán lẻ tẻ. Vài gia đình giàu có, họ cũng có ruộng muối và ghe thuyền lớn như cha tôi. Trước nhà là một con sông rộng, nước trong xanh chảy từ các miền núi cao, quanh co qua các làng mạc. Khi đến gần cửa biển Sa-Kỳ, dòng sông lại mở thêm một nhánh nữa, chan hòa với sông Mỹ-Khê để chảy về cửa Cổ-Lũy. Hàng ngày từ sáng sớm, trên sông đã có bao nhiêu thuyền bè qua lại. Thuyền đánh cá từ cửa biển vào. Các bè rớ đánh cá trên sông. Một số thuyền nhỏ thả neo giữa dòng buông câu. Những thuyền buôn lớn nhỏ đậu ven bờ. Và những chuyến đò ngang đưa khách qua bên kia sông, phía bờ An-Vĩnh. Mỗi ngày là một hoạt cảnh. Tiếng người qua lại trên đường, tiếng sóng vỗ nhẹ khi con nước lớn, xen lẫn với tiếng reo hò của trẻ con bơi lội chỗ bờ cạn gần nhà. Bao nhiêu thứ ấy đã đem lại cho bến Sa-Kỳ sự sinh động rộn ràng và nhộn nhịp. Vào cuối ngày, những sinh hoạt của phố thị hầu như ngưng lại.
https://farm5.staticflickr.com/4541/37837701914_535a05e402_b.jpg
Bơi thúng ở Bến Sa-Kỳ
Thuở thiếu thời, tôi thường leo vào chiếc thúng nhỏ, dạu mái chèo bơi qua phía bên kia sông. Tôi thường cập chiếc thúng nhỏ sát bờ và trèo lên ngồi dựa vào bờ chuối, từ phía An-Vĩnh ngắm ngược bến Sa-Kỳ ở bên kia sông. Những buổi chiều như vậy thường trôi rất chậm, êm đềm và nên thơ qua tuổi nhỏ của đời tôi. Có lúc tôi nghiêng đầu ngắm về mạn ngược phía Mỹ-Khê. Những cơn ráng hồng ở cuối chân trời đỏ rực hơn cả những hàng phượng vĩ mùa hè ở cuối sân đình. Ðôi khi tôi lại quay nhìn về phía cửa biển. Dòng sông vẫn cứ lầm lì chảy mãi vào vùng nước quá mênh mômg, thăm thẳm. Lắm lúc tôi phân vân tự hỏi sau này lớn lên mình sẽ đi về hướng nào, phía chân trời ráng đỏ hay theo con nước xuôi thuyền về miền biển khơi. Khi cơn ráng hồng đã bắt đầu ngã sang màu tím, tôi lại leo xuống chiếc thúng, quạt nước bơi về phía bên kia. Dòng sông nước lợ về chiều thường thoáng hơi lạnh. Những giọt nước vội vã tấp vào mạng thúng, bắn vào mặt, lưu lại một cảm giác lạ kỳ, vừa mặn, vừa ngọt như nước chanh muối.
Ấy vậy mà thời gian qua nhanh như thoi đưa. Tôi theo chị tôi lên tỉnh đi học đã hơn bốn năm rồi. Tôi thật vô tình. Tôi đành đoạn bỏ lại đằng sau một con sông nước lợ, một chiếc thúng nhỏ, một bờ chuối, bao chuyến đò ngang về An-Vĩnh, cả một bến sông và những buổi trời chiều ráng đỏ ở phương tây. Tỉnh lỵ có sức quyến rũ lạ lùng. Nó cho tôi những thứ đồ vật và cảm xúc mà tôi chẳng thể nào tìm thấy được ở bến Sa-Kỳ. Những văn minh của một thành phố đang phát triển, những ngọn đèn điện trên đường phố đêm, tiếng nhạc tha thiết từ một quán nhỏ cuối đường, và nhất là những niềm hy vọng về một tương lai nào đó cho mình đã làm tôi không còn nghĩ gì đến miền quê yêu dấu.
Mùa hè năm ấy, vì công việc làm ăn bề bộn, cha mẹ tôi gọi tôi về quê phụ việc sổ sách. Tôi đã mười sáu và đã mơ mộng ít nhiêu. Tôi đã biết mê chuyện nàng Chimène và chàng Don Rodrigue trong kịch Le Cid. Tôi cũng đã đọc nhiều sách của Tự Lực Văn Ðoàn. Thôi thì về lại bến Sa-Kỳ giúp cha mẹ một mùa hè, thong thả ở miền quê một thời gian cũng là một điều hay.
https://farm5.staticflickr.com/4578/37666496025_381e722e35_b.jpg
Chùa Thiên Ấn
Con đường dẫn về làng kỳ này sao cũng có vẻ nên thơ hơn những mùa trước. Khi xe sắp qua cầu Trà-Khúc, tôi bỗng chú ý đến ngôi chùa trên đỉnh núi Thiên-Ấn, trông tựa như chùa Long-Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Tôi thả hồn theo trí tưởng tượng của mình và chiếc xe đò vẫn kiên nhẫn lăn trên con đường đất chạy dọc theo bờ sông với hàng phi lao gió thoảng rì rào.
https://farm5.staticflickr.com/4579/38522147122_567b83152b_b.jpg
Những tảng đá lớn ở Thôn Cổ Lũy
Ở lại bến Sa-Kỳ, thường ngày tôi lo phụ việc sổ sách với cha tôi. Thỉnh thoảng tôi theo cha ra thăm mấy khu ruộng muối cuả gia đình. Cũng lạ, hồi còn học trường làng, tôi không hề để ý đến phẩm chất của muối. Ðôi khi tôi lượm một viên muối bỏ vào miệng ngậm lại để có cái cảm giác vừa ấm áp vừa mặn nồng đến chảy nước bọt. Cái vị mặn nồng đó thường lưu luyến mãi đến cuối ngày. Bây giờ tôi nhìn xuống ruộng muối, hàng vạn hàng triệu tinh thể lấp lánh dưới ánh mặt trời gợi trong tôi một thứ cảm tưởng rất khó giải thích, vừa xao xuyến, vừa văn minh, vừa mầu nhiệm làm sao. Dường như là dù có lưu lạc bao lâu và xa cách đến bằng nào, một khi đã nhấm vào rồi, khó ai có thể quên được cái mùi vị đó của muối.
Chiều chiều sau khi xong việc, tôi thường nhảy vội lên chuyến đò ngang cuối ngày sang bên phía bờ An-Vĩnh. Tôi thường đến ngồi dựa vào hàng chuối ngày xưa, hết nhìn về chân trời tây, lại thả hồn theo mấy cánh buồm xuôi về cửa biển. Người ta đang làm gì ở cuối chân trời, đang nghĩ gì ở phía bên kia bờ đại dương, và sao tôi lại cảm thấy lẻ loi một cách êm ái như thế này. Tôi đứng dậy định đi về phía bến đò để kịp qua sông chuyến cuối cùng thì có tiếng hỏi phía sau lưng:
- Có phải anh Quang đó không? Anh về lâu lắc lâu lơ rồi phải hông?
Tôi quay lại đáp một cách dò hỏi, bàn tay chỉ bâng quơ về phía người con gái:
- Ừ, có phải..., mà sao?...
- Hường đây nè, còn nhớ Hường hông? Bộ quên người ta rồi hả? Hồi trước Hường với thằng Chánh cà thọt, tụi này hay chạy theo rình phá anh phía sau bờ chuối đây nè, nhớ ra chưa?
Tôi ầm ừ và nhìn cô gái từ đầu đến chân. Hường bây giờ có đôi mắt đen to và long lanh. Hàng răng khá đều. Tóc đã kẹp qua một bên, để lộ trái tai có đeo hột. Cổ tay trắng mướt có mang mấy sợi dây cườm nhiều màu. Chiếc quần nylon đen quấn quít phần trên, gợi cảm. Tôi buột miệng:
- Nhớ rồi. Hường con chú Bảy Thới đó mà. Mà chú thím ra sao? Còn Hường học lớp mấy rồi, trường nào?
Hường mân mê mấy ngón tay vào vạt áo và dịu giọng:
- Ba em ra biển và không thấy trở về. Ðã hai năm mấy rồi, không biết số phận ra sao. Em không thể đi học xa, phải ở đây giúp mẹ nuôi em.
Tôi đưa hai tay lên trời:
- Có nghe ai nói gì đâu. Tội cho thím, tội cho Hường quá.
Hường di mấy đầu ngón chân trên đất và nói như trách móc:
- Mà anh đi đâu biệt tích vậy? Mấy lần có chuyện qua bên kia sông, tấp lại bến Sa-Kỳ, ngang nhà anh, gặp bác Hương, em định hỏi thăm về anh, nhưng em ngại sao đó và cũng thấy kỳ kỳ nên lại thôi. Rốt cuộc em nói mấy câu lãng xẹt rồi dông mất. Có lần em nghe tiếng mẹ anh nói với theo: con nhỏ độ này lớn dẫu đa. Coi cũng ngộ. Em vừa sung sướng vừa bâng khuâng gì đâu. Em gạt chèo bơi thúng qua sông mà thấy nao nao trong lòng.
- Mà em hỏi mẹ anh để làm gì? Tôi hỏi giả ngu.
Hường bĩu môi như hờn mát:
- Khi cô đơn thì nghĩ đến anh vậy thôi. Em cũng không biết nữa. Tự nhiên nghĩ đến anh, kể cũng kỳ. Thôi nghỉ chơi anh đi.
Tôi nhìn ra dòng sông. Từng cơn gió thoảng mát mang theo hương vị mặn nồng và lành lạnh. Bên kia sông, khu nhà tôi đã lên đèn từ hồi nào. Tôi cảm thấy thương Hường rạt rào. Tôi quay lại nói nhỏ vào tai nàng:
- Anh thương em lắm. Tối quá rồi, anh phải về. Tối mai bảy giờ mình gặp lại ở đây được không?
Hường vừa nguýt vừa phụng phịu:
- Em hổng có đồng hồ, làm sao mà biết giờ. Mà gặp làm gì nữa đây. Dữ hông, đi cho cố. Thôi để em lấy thúng chèo anh qua bển.
Tôi gạt tay nói nhanh:
- Khỏi cần, anh đi một mình được rồi. Thôi em về đi kẻo lạnh. Mai gặp.
Hường đi rồi tôi mới thấy bối rối. Trời tối, không đò, không thúng, làm sao tôi qua sông đây? Một ý nghĩ chợt thoáng trong đầu và tôi bật cười khan. Tôi đến dựa vào thân cây chuối, tuột hết áo quần, buộc lại đội lên đầu, rồi tôi rủng rỉnh đi xuống phía bờ sông. Nước sông vừa lạnh vừa ấm. Tôi lần theo thềm sông đi ra khá xa cho đến khi gần hụt chân. Một tay giữ gói quần áo trên đầu, tay kia quạt nước, tôi bơi đứng về phía bên kia bờ. Thỉnh thoảng nước tạt vào miệng, vào mắt, vừa mặn vừa cay. Tôi ngoái cổ nhìn lại phía bờ An-Vĩnh, không thấy Hường, chỉ thấy bóng đêm.
Những đêm hè năm ấy, tôi đội áo quần bơi đứng qua bên kia sông gặp Hường nhiều lần. Một thứ tình cảm tuổi nhỏ nẩy nở theo những nụ hôn đầu, ngây thơ, vô tội. Rất nhiều hiếu kỳ, một chút xao xuyến, ít nhiều lưu luyến, chẳng hứa hẹn và cũng không dự định. Mùa hè rồi cũng qua đi và trôi vào quên lãng sau khi tôi khăn gói trở về lại tỉnh lỵ. Phần vì bận rộn với sách vở, phần vì bị lôi cuốn bởi ánh sáng thị thành, tôi không còn nghĩ gì về một mùa hè năm trước.
Tôi bắt đầu để ý đến nhửng dáng kiều của thành phố và tôi dần dà làm quen với một nữ sinh cùng trường, học sau tôi hai lớp. Người con gái tên Nguyễn Thị Trà-Khúc, mang tên của dòng sông quê hương ấy, trong phút chốc đã chiếm trọn đầu óc và tâm hồn tôi. Suối tóc ấy, vầng trán bình yên ấy, đôi mắt buồn thăm thẳm ấy, cánh mũi phảng phất nét tây phương ấy, đôi môi khiêu khích ấy, hai bàn tay ngọc ngà ấy, và nhất là dáng đi tha thướt ấy, tất cả như có một thứ ma lực lôi kéo tôi đi theo nàng trên nhiều quãng đường dài. Tôi yêu nàng. Phải nói là tôi si mê nàng. Tôi nhất quyết phải chiếm cho bằng được trái tim của nàng. Tôi theo nàng và đánh bạo tỏ tình cùng nàng. Nàng lạnh nhạt và hất hủi tôi rất nhiều. Nhưng tôi yêu nàng. Trời ơi, tôi yêu nàng đến điên cuồng. Tôi biếng ăn mất ngủ, lười học cũng vì nàng. Tôi muốn bịnh cũng vì nàng. Chị tôi cũng nhận ra điều ấy. Hậu quả tất nhiên là tôi trượt kỳ thi tú tài. Chị tôi an ủi tôi và hứa sẽ thu xếp việc này giúp tôi. Tôi là con trai út và duy nhất trong nhà nên cha mẹ tôi cũng muốn tôi lập gia đình sớm để có con trai nối dõi tông đường. Chị bảo hãy tin ở tài năng của chị. Tôi hoàn toàn phó thác tình tôi cho chị.
Quê của Trà-Khúc cách làng tôi khoảng nửa ngày đường về hướng bắc. Quê nàng cũng là một làng ven biển. Cha nàng là một phú hộ khá giả trong vùng, cũng tương tự như cha tôi ở Sa-Kỳ. Cha tôi chẳng những là một điền chủ có nhiều ruộng muối mà còn là một thương gia có thuyền buôn lớn theo ngã sông Hồng Hà ra tận Nam-Ðịnh ngoài bắc, hoặc xuôi về nam, ngược dòng Cửu Long lên tận Nam Vang xứ Chùa Tháp. Hai gia đình trông rất môn đăng hộ đối. Thành thử chẳng mấy chốc mà chị tôi đã thu xếp cho người mai mối đến nhà Trà-Khúc xin làm lễ cầu hôn. Ở thế hệ của tôi thuở ấy, việc cưới gả theo phép môn đăng hộ đối là chuyện bình thường. Do đó nhà gái nhận lời. Thế là mùa hè năm ấy tôi theo cha mẹ và chị tôi ra tận Bình-Châu rước dâu về và Trà-Khúc trở thành vợ tôi. Ngày cưới nàng không vui, nét mặt bình thảng đến lạnh lùng. Nàng vâng lời cha mẹ theo về nhà chồng. Nhưng tôi chẳng cần quan tâm đến. Tôi rất vui và mãn nguyện vì tôi đã đạt được điều tôi mong muốn từ bấy lâu.
Vợ chồng tôi ở một căn nhà biệt lập, cách khu tiền đường một khoảnh vườn. Chung quanh nhà có những khoảng tường gỗ có cửa sổ và chấn song bên trên nên đôi khi có ánh trăng lọt vào phòng rất nên thơ. Ðêm động phòng, Trà-Khúc nằm quay mặt vào tường. Tôi đưa tay sờ nhẹ vào lưng nàng. Tuyệt nhiên không một phản ứng. Tôi phấn khởi lần tay đến dải lưng rút, nàng bỗng ngồi bật dậy, tay trái giữ chặt lưng quần, tay phải giương cao với một chiếc kéo. Qua ánh trăng, mắt nàng long lên. Tôi thấy mình nhích lại phía sau, đợi chờ một sự bất hạnh. Nàng có thể đâm tôi chăng? Tôi nín thở. Nhưng nàng bỗng nói nhanh một hơi và quyết liệt:
- Không. Không. Tôi với ông không có tình nghĩa vợ chồng gì cả. Ông muốn cưới tôi. Cha mẹ tôi muốn tôi lấy ông, tôi vâng lời. Nhưng ông không được đụng vào người tôi. Tôi không thương ông, ông đã thừa biết từ đầu. Ông vẫn cố ép duyên tôi. Tôi đã có người thương. Ông phá tan nát tình yêu của tụi tôi. Tôi với ông chỉ như hai người dưng, ông rõ chưa? Ông mà đụng vào người tôi, tôi sẽ đâm cổ tôi tự tử. Ông độc ác lắm. Tôi thù ông, tôi thù ông cho đến chết.
Tôi thở phào, vừa mừng, vừa thất vọng, vừa giận, vừa xót xa. Tôi đưa tay về phía Trà-Khúc, muốn nói vài lời vỗ về nàng. Nhưng với chiếc kéo vẫn còn trên tay, nàng ngồi giật lùi lại sát tường và tôi rút tay về. Tôi đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Tôi bước ra khỏi phòng và cắm đầu chạy về phía bờ sông. Ðêm nay trăng cuối mùa treo lủng lẳng sau hàng phi lao gợi tình. Mặt sông lóng lánh như bạc. Vài cơn gió nhẹ làm mát da thịt, mà sao không khuây khỏa được tâm hồn. Tôi nhìn về phía bờ An-Vĩnh và tôi chợt nghĩ đến Hường. Dường như người ta chỉ biết mình có sau khi đã đánh mất. Người ta chỉ nghĩ đến chút tình quê sau khi đã bị vùi dập bởi phồn hoa. Tôi nghe nói Hường đã vào bưng. Không biết giờ này nàng luân lạc phương nào. Tôi ngả người nằm dài trên bờ cát, gối đầu lên cánh tay, nhìn trời cao thăm thẳm và tôi thở dài.
Ngày tháng cứ thế mà trôi đi. Buổi sáng Trà-Khúc thức dậy sớm, ăn bận gọn gàng, cùng tôi đi về khu nhà tiền đường của cha mẹ tôi. Chúng tôi xưng hô anh em ngọt ngào và ân cần với mọi người. Ban ngày chúng tôi là đôi vợ chồng son. Ðêm về chúng tôi là hai kẻ lạ, chung giường mà dị mộng. Chúng tôi như hai bóng ma bên nhau, đi giữa cuộc đời hư mộng. Tôi vẫn hằng mong ngày tháng sẽ giúp nàng nguôi ngoai và quên đi mối tình với anh Trung-sĩ tên Bình đồn trú ở tỉnh lỵ. Ngày tháng cũng sẽ dần dà giúp chúng tôi gần gũi nhau hơn và biết đâu có một ngày nào đó nàng sẽ thương tình tôi.
Dường như sự bình thường giả tạo của chúng tôi không qua được mắt của cha tôi. Cha tôi đang nghi ngờ và ưu tư về cái hạnh phúc lứa đôi của chúng tôi. Có những đêm trăng, trằn trọc không ngủ được, tôi nhìn ra song cửa, thấy bóng cha tôi lướt ngang , dường như đang nghe ngóng một điều gì. Tôi ngoảnh nhìn vào trong, lau nước mắt. Trà-Khúc nằm quay mặt vào tường, người co rút lại. Còn tôi nằm đâu lưng lại nàng, và theo ánh trăng thả hồn mình qua vuông cửa, khung trời. Tôi bỗng thấy thương cha tôi rạt rào và tôi để mặc cho những giọt nước mắt âm thầm chảy dài xuống mặn bờ môi.
https://farm5.staticflickr.com/4538/26777915059_b01edd9899_b.jpg
Những tảng đá khổng lồ được người dân Thôn Cổ Lũy dùng trữ nước
Quê tôi độ này sắp vào đông, trời không lạnh lắm nhưng có rất nhiều mưa. Những ngày mưa thường dài lê thê và thật buồn. Những cơn mưa bao vây thân xác và phong tỏa tâm hồn. Nó thường mang đến trong tôi một cảm giác lẻ loi cùng cực. Những ngày như vậy, tôi thường đội mưa ra tận bờ cát nhìn mưa trên bến sông. Những làn mưa đổi hướng theo từng cơn gió thổi làm tôi thấy xốn xang trong lòng. Sao mình còn ngồi đây cô đơn. Sao mình không thẳng thắn nói với Trà-Khúc nỗi uẩn ức và đau khổ của mình. Tôi chạy trở về nhà. Tôi không thấy nàng đâu cả. Tôi chạy lên khu tiền đường, chạy ra sau vườn, nàng vẫn biệt tăm. Tôi chạy qua nhà hàng xóm hỏi thăm thì được cho biết nàng có đi bộ ngang qua đây khi chiều. Tôi vội vàng phóng lên chiếc xe đạp chạy men theo con đường tư ích dẫn về quê vợ. Ðạp xe được hơn nửa giờ, đến quãng đường nằm giữa hai rặng tre già thì tôi bắt kịp nàng. Trà-Khúc của tôi đó. Cái dáng thon thon gợi cảm của tôi đó. Và mái tóc dài sũng nước chảy nhễ nhại trên khuôn mặt kiêu sa đó. Tôi bỗng thấy thương vợ lạ lùng. Tôi chỉ muốn được ôm nàng vào lòng và hôn nàng. Tôi xuống xe và nhẹ nhàng hỏi:
- Em đi đâu đó?
- Ði về nhà cha mẹ tôi. Nàng trả lời cộc lốc.
- Em ướt hết rồi. Em lên xe để anh chở em về.
Tôi vừa nói vừa vói cầm tay nàng. Nàng giật mạnh tay ra và lần tay vào lưng quần lôi ra chiếc kéo và quyết liệt nói:
- Không. Ông không được đụng vào người tôi. Tôi đi bộ được. Ông trở lại đi. Ðừng theo hoài công.
Tôi dắt chiếc xe đạp lẻo đẻo một bên và cứ thế chúng tôi lững thững đi bộ bên nhau về hướng quê vợ suốt một buổi chiều mưa, không ai nói nửa lời. Khi chúng tôi về đến Bình-Châu thì trời đã tạnh mưa. Cha mẹ vợ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi về thăm bất ngờ. Trà-Khúc nói chuyện rất tự nhiên:
- Lâu quá nên con muốn về thăm cha mẹ và các em. Con định ở lại nhà một thời gian, dường như con đang mang thai không chừng. Ảnh sẽ trở lại Sa-Kỳ tối nay. Con biết ảnh bận nên bảo ảnh đừng đưa mà ảnh không chịu. Ảnh thương vợ có bầu nên cứ nằng nặc đòi đi theo vợ cho được. Mà anh bị ướt cả người, có lạnh không, để em vào lấy khăn lau cho anh.
Nghe thế, tôi thấy vừa giận, vừa tức cười, vừa phục cái tài đóng kịch của nàng. Tôi lầm rầm trong miệng:
- Thôi con xin lạy bà. Con sợ bà lắm rồi.
Nàng quay sang hỏi nũng nịu:
- Anh nói gì? Mới qua bên vợ có chút xíu mà đã nhớ nhà rồi. Nói xong nàng cười mỉm chi và đưa tay xoa nhẹ vào lưng tôi. Tôi bỗng cảm thấy đau nhói trong lòng.
Tôi tìm đủ cớ nấn ná để được ở lại với Trà-Khúc ba ngày rồi cũng đành trở về lại bến Sa-Kỳ chờ đợi nàng. Tôi chờ đợi nàng từng giờ, từng ngày, từng đêm. Tôi ra bến sông nhìn dòng nước chảy, nhớ nàng xót xa và suy nghĩ về cuộc tình trôi nổi của mình. Từ chờ đợi này đến chờ đợi khác. Nàng vẫn chưa về, cũng như dòng sông chảy mãi không bao giờ trở lại. Dần dà đã hơn sáu tháng trôi qua. Nàng nhờ người nhắn cho tôi biết là nàng sẽ không trở lại. Nàng khuyên tôi hãy quên nàng và đi cưới vợ khác. Nàng đã thưa với cha mẹ nàng rồi. Nàng xin lỗi đã không ở đời được với tôi. Thế là tôi vĩnh viễn mất nàng. Cũng xong một cuộc tình.
Mùa xuân năm sau tôi đỗ tú tài và xin gia nhập vào binh chủng không quân. Sau khi được huấn luyện ở Hoa-Kỳ trở về, tôi nhận nhiệm sở mới ở phi-trường Ðà-Nẳng. Tôi đã trở thành một người khác. Tôi không còn rụt rè buồn khổ như xưa. Những chuyến bay đêm, những phi vụ săn giặc ban ngày cho tôi cơ hội nhìn thấy giải giang sơn gấm vóc, trù phú và tráng lệ này. Những tàn phá của chiến tranh trên những làng mạc thân yêu không bao giờ xóa nhòa được trong tâm trí tôi. Tôi tự ý thức được sứ mạng của một người trai thời loạn. Tôi biết phải đặt nợ nước lên trên tình nhà. Tôi hăng say với nhiệm vụ và quên đi cuộc tình éo le ngày nào. Rồi tôi lập gia đình, sinh con đẻ cái và sống cuộc đời bình thường như mọi gia đình quân nhân khác. Cho đến một sáng mùa hè, người Thượng sĩ cơ khí vào văn phòng chào tôi và nói:
- Thưa Ðại úy, trưa nay nhà em có người nhà đến thăm, có nấu mì Quảng thứ thiệt. Em biết Ðại úy là người Quảng nên muốn mời đến dùng cho vui.
Tôi vui vẻ nhận lời ngay. Tôi nhớ đến những tô mì Quảng thơm ngon miệt Sông Vệ, với những cộng bánh màu vàng, những con tôm chín đỏ rực, nào bánh phồng tôm, nào đậu phụng...Thuở còn đi học ở trường tỉnh, bọn tôi đã phải đạp xe hơn nửa tiếng đồng hồ mới đến nơi được. Buổi trưa tôi ngồi ở bàn ăn nhà Thượng sĩ Tường chờ mì Quảng mà nuốt nước bọt từng hồi. Thượng sĩ Tường ghé tai tôi nói nhỏ:
- Sẵn sàng rồi Ðại úy. Con nhỏ em vợ đang phụ nhà em bưng lên tới nơi rồi. Nóng hổi, nóng hổi. Dì nó là Hỏa Ðầu Quân bữa nay đó.
Khi nghe có tiếng đi nhẹ, tôi ngước nhìn lên thì chiếc mâm thau với hai tô mì Quảng đà vừa ngang tầm mắt. Tôi chợt nhìn thấy đôi bàn tay có ngón thon dài đó đang run rẩy nâng chiếc mâm. Nó trông rất quen thuộc. Tôi cảm thấy hồi họp lạ thường và tôi ngước nhìn lên. Trời ơi! Trà-Khúc của tôi ngày xưa! Sao lại có chuyện lạ lùng như thế này. Cùng lúc nàng nhìn tôi với đôi mắt mở to, hai bàn tay rung mạnh chiếc mâm. Tôi đưa tay lên đỡ chiếc mâm và nàng quay phắt lại, vụt chạy vào trong. Em trông xanh xao quá. Ðã gần bảy năm rồi đó em, từ ngày chiếc cầu gỗ trước nhà em làm chia lìa tình nghĩa vợ chồng. Ðã bao nhiêu dâu bể trong đời mỗi người. Ðã bao nhiêu lần nước chảy lặng lẽ dưới cầu. Sao trời bắt mình gặp lại nhau làm gì. Tôi ăn vội vã như ăn sỏi đá cho hết tô mì. Tôi phóng lên chiếc xe jeep và nói với lại:
- Mì Quảng ngon lắm. Xin cám ơn. Tôi có việc gấp phải chạy. Chiều gặp lại Thượng sĩ ở trại. Cho tôi gửi lời cám ơn người nấu.
Tôi phóng xe chạy như bay, bụi tung mù mịt như chẳng bao giờ muốn quay đầu nhìn lại đằng sau. Chiều hôm ấy, sau khi biết chuyện dĩ vãng của tôi và Trà-Khúc, Thượng sĩ Tường kể cho tôi nghe quãng đời về sau của nàng. Sau khi xa tôi, nàng về sống với Trung sĩ Bình, người tình cũ của nàng. Trong khi mang thai cháu thứ nhì, nàng mới phát giác ra rằng Bình đã có gia đình và có bốn con. Nàng thất vọng muốn tự vận. Nhưng cuối cùng nàng vẫn sống và không còn một lựa chọn nào khác hơn là tiếp tục làm vợ hờ của Bình. Thượng sĩ Tường nói hồi chiều nàng khóc đến sưng cả mắt. Nhưng tôi không hỏi thêm và cũng chẳng muốn biết thêm gì về nàng. Tôi muốn trốn chạy. Cuộc đời mỗi người đã lật sang một trang khác từ lâu rồi. Tôi biết mình bất lực và tôi thở dài.
Những tháng đầu năm 75 tình hình chiến sự thay đổi nhanh chóng và trầm trọng, càng ngày càng thêm bất lợi. Sau khi Huế thất thủ, địch quân cấp sư đoàn gây áp lực năng nề chung quanh Ðà Nẳng. Phi trường và căn cứ bị liên tục pháo kích ngày đêm. Cuối cùng không một chiếc phi cơ nào còn có thể cất cánh được nữa. Tôi đã gãy cánh rồi. Ðịch quân tràn ngập căn cứ và thành phố. Tôi len lỏi theo đoàn người chạy loạn, lần đi về bờ biển phía nam chờ tàu hải quân vớt. Ðêm ấy tôi bơi ra ngoài biển và ở ngoài khơi tới chiều tối hôm sau. Tôi ở dưới nước liên tục gần gần mười tám tiếng đồng hồ, đói, lạnh và vô vọng. Tôi góp tất cả tàn lực, đành xót xa bơi trở lại bờ.
Tôi trốn tránh gần được một ngày thì rơi vào tay địch. Thôi cũng đành theo số phận. Khi bơi ra biển, vì quá sợ và đột ngột, tôi quên tất cả. Bây giờ ngồi chòm hỏm dưới đất, tay bị còng, tôi lấy lại bình tĩnh và thấy phần nào thanh thản trong tâm hồn. Tôi nghĩ đến vợ con tôi đang ở Saigon có lẽ giờ này đang lo lắng cho số phận của tôi, không biết sống chết thế nào. Tôi bị đưa đến một trại tù ở vùng rừng núi phía tây. Chỗ này gần mấy ngọn đồi mà ngày trước tôi thường gọi đùa với mấy người bạn phi hành là khu đồi con gái vì nó trông tựa như bộ ngực của mấy nàng sơn nữ tắm suối.
Ngày xưa bay nhảy tự do, tôi nhìn những áng mây hồng lô lửng và mấy trái đồi non này từ trên cao. Bây giờ tù tội, tôi lại nhìn lên mấy ngọn đồi và đám mây trôi từ một vị trí tận cùng của xã hội. Từ một góc cạnh nào đó của cuộc đời, tuổi trẻ bất hạnh chúng tôi chẳng thể nào hiểu được mà chỉ phải cuối đầu chấp nhận những sắp đặt phũ phàng và oái oăm bởi người khác. Hôm qua đang ở trên trời, bữa nay lại cạp mặt đất. Phe này nói đúng, phe nọ bảo sai. Tôi bắt đầu hiểu một cách thấm thía lời Montesquieu đã viết: Nực cười cho một thứ công lý. Bên này dãy Pyrinées là chân lý, bên kia là sai lầm. Tôi bỗng bật cười và lắc đầu. Cuộc đời bọn tôi có đủ thứ hạnh phúc, đau thương, bất hạnh, cay đắng và bất ngờ.
https://farm5.staticflickr.com/4552/38522150372_3ac5f6d8a4_b.jpg
Miếu cổ còn sót lại trên núi Phú Thọ thuộc thôn Cổ Lũy
Ở trong trại tù chừng hơn hai năm, chúng tôi được phép tiếp người nhà đến thăm nuôi. Tôi chờ gia đình tôi một cách vô vọng vì vợ con tôi ở quá xa, tận Saigon. Số phận một lần nữa lại xô đẩy tôi gặp lại Trà-Khúc. Nàng xách đồ vào thăm nuôi người chồng hờ ở cùng trại với tôi. Chúng tôi nhìn nhau, chẳng nói một lời, thật bẻ bàng.
Những ngày tù tội, tôi bị dẫn loanh quanh hết trại này đến trại khác, hết đọa đày này đến hành hạ nọ, riết rồi tôi cũng đâm ra bất cần, để mặc cho đời xô đẩy mình vào vô định. Ban ngày đi lao động hành xác ngoài rẫy, đêm về trại tù lại học tập như con vẹt. Cứ thế, ngày qua ngày. Ở đây đông người nhưng tôi cảm thấy cô đơn quá, lắm khi gần như tuyệt vọng. Sống mà không có đời sống, sống mà như đã chết. Họ đối xử với chúng tôi còn tệ hơn súc vật nữa. Cuối cùng rồi họ cũng phải thả tôi về và tôi bị chỉ định về trình diện và định cư ở Sa-Kỳ.
Suốt gần năm năm trời tù đày ấy, đã có biết bao nhiêu thay đổi bên ngoài. Cửa biển Sa-Kỳ nghe đâu đã chảy lệch về phía trái. Bên kia An-Vĩnh, nước chảy ăn lấn bờ chuối ngày xưa. Hường đã trở lại làng với chức vụ Chủ tịch Liên Ðoàn Lao động kiêm Ủy viên chính trị xã. Còn thằng Chánh cà thọt ngày xưa bây giờ là đồng chí Ủy viên an ninh An-Vĩnh. Khu nhà tiền đường của cha mẹ tôi đã bị nhà nước chiếm hữu làm trụ sở Hợp Tác Xã Nông Nghiệp. Chúng tôi sống chen chúc trong căn nhà nhỏ ở cuối vườn mà cha mẹ giao cho tôi khi tôi mới cưới Trà-Khúc. Căn nhà nhỏ gợi quá nhiều kỷ niệm đau buồn của một thuở yêu thương và tuyệt vọng. Tôi không thể nào tiếp tục sống trong căn nhà này và ở bến Sa-Kỳ này nữa. Tôi phải tìm đường ra đi. Tôi phải đi về biển khơi như thuở học trò tôi đã từng băn khoăn tự hỏi khi ngồi chờ Hường bên bờ chuối. Tôi tự nhủ thế nào cũng phải đi thôi, dẫu có thế nào.
Thế là sau hơn hai tháng nghiên cứu và chuẩn bị, giả ngộ theo ghe ra biển học nghề đánh cá để dò đường đi nước bước, chôn dầu và trữ lương thực, với chiếc địa bàn lận lưng, cùng với ba ngươi cháu, tôi lên đường vượt biển. Ðêm nay không trăng, chỉ muôn ngàn vì sao lấp lánh giữa bầu trời sâu thẳm. Thuyền tôi xuôi dòng, rẽ phải theo con nước lênh đênh đi về phía biển. Khi gần đến cửa Cổ-Lũy chúng tôi ghé lại đụn cát đào dầu phía bờ An-Vĩnh. Khi chúng tôi khệ nệ khiêng thùng dầu đến gần bờ nước thì bỗng có nhiều tiếng hô đứng yên tại chỗ cùng với hàng chục ngọn đèn pin chiếu thẳng vào mặt. Thế là chúng tôi bị bắt, tay trói gô lại đằng sau và bị giải về trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã An-Vĩnh ngay đêm ấy. Họ bắt chúng tôi ngồi xổm ngoài sân, có người gườm súng canh chừng. Bên trong trụ sở xã, họ lố nhố bàn tán gì với nhau suốt gần hai tiếng đồng hồ cho tới khi trời gần sáng. Có bóng một người đàn ông khệnh khạng bước về phía chúng tôi. Vì đang ngồi nên tầm mắt tôi vừa ngay đôi dép râu làm bằng vỏ xe cũ. Ðôi ống quần vải thô màu phân ngựa dẫn lên một chiếc nịt bản lớn bị trì nặng bởi khẩu K54 nằm bên trái. Tay hắn đè lên chiếc gậy củi thô sơ, vừa đi vừa chống giữ thế. Tôi thầm nghĩ, à té ra là thằng-Chánh-cà-thọt-ủy-viên-an-ninh đây. Hắn dừng ngay trước mặt tôi và dỏng dạc nói:
- Ông có phước lắm đó. Nếu không có chị Hường cản và bảo đảm thì hồi nãy tôi đã cho đem ông ra bắn bỏ rồi. Nói cho ông biết chừng. Ðừng có giỡn mặt.
Nghe xong tôi cảm thấy lạnh ớn xương sống và lặng người. Hình như thông cảm điều gì, hắn hạ giọng, vừa nói vừa chỉ tay về phía trụ sở:
- Ông có muốn nhắn gì lại với chị Hường không?
Tôi nói lặp bặp:
- Xin anh nhắn lại giùm là tôi xin cảm ơn chị Hường. Tôi ân hận đã làm phiền hà chị ấy.
Chánh cà thọt lại nói tiếp:
- Chị Hường dặn ông là sau vụ này rồi thì về lo làm ăn, đừng có lạng quạng nữa rắc rối lắm. Chị ấy không tiện gặp ông. Thôi ông lên xe đi. Chúng tôi được lệnh giải giao ông lên trụ sở huyện ủy xử lý.
Thế là Hường đã cứu mạng tôi. Nàng cũng còn một chút tình. Thằng Chánh cà thọt coi vậy mà dường như cũng còn một chút tình. Một khi đã giàu có hoặc thắng thế rồi, dường như người ta trở nên nhân từ và độ lượng hơn. Cuộc đời kể cũng ngộ. Người tôi yêu dấu thì lại bỏ tôi bơ vơ. Kẻ tôi không yêu thì lại cứu mạng tôi. Ngồi phía sau xe nhìn về phía trụ sở xã An-Vĩnh mỗi lúc một xa dần mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi cảm thấy thương xót cho đời bọn tôi, tuổi trẻ của thời loạn. Ðứa còn đứa mất, đứa trên trời đứa dưới đất, đứa vinh quang, đứa tù đày. Thuở chinh chiến thì chết chóc, chia lìa; lúc thanh bình lại vào tù ra tội. Suốt mấy mươi năm, chúng tôi chẳng có được mấy ngày vui trọn vẹn với sự yên ổn trong tâm hồn. Ðời chúng tôi đã có được mấy ngày vui mà không có một tiếng súng, không một chiếc xe nhà binh chở quan tài có phủ màu cờ? Có biết bao nhiêu mảnh đời son trẻ phải tan nát nửa chừng, bao nhiêu cuộc tình đã gãy đổ vì cuộc chiến này. Có biết bao nhiêu gia đình đã ly tan do hậu quả của một-cuộc-chiến-có-khả-năng-hủy-diệt hạnh-phúc này.
Sau khi mãn tù sáu tháng, mấy cậu cháu chúng tôi trở về lại Sa-Kỳ, như lời Hường khuyên nhủ, lo học nghề chài lưới, chí thú làm ăn. Tháng này qua tháng nọ chúng tôi ra biển đánh cá từ khi trời chưa sáng cho đến khi hoàng hôn xuống mù mịt mới trở về lại bến. Và bỗng một đêm cuối năm, trong khi mọi nhà đang chờ giao thừa, thì thuyền cậu cháu chúng tôi lại một lần nữa trực chỉ ra khơi rồi rẽ về hướng đông bắc. Từ đó, dân Sa-Kỳ, cũng như bên An-Vĩnh, Chánh cà thọt và cả Hường nữa, không bao giờ còn thấy thuyền chài của chúng tôi trở lại bến xưa.
Bây giờ ở bên này bờ đại dương đã mười mấy năm rồi, mỗi khi nhớ lại dĩ vãng tôi vẫn không sao dấu được một nỗi buồn khó tả. Thời gian đã lâu mà sao tôi vẫn chưa nguôi ngoai được nỗi sầu này. Khi gia đình tôi chưa đoàn tụ, tôi không có một đời sống ổn định. Tôi thường thay đổi việc làm và sống rày đây mai đó. Những chiều cuối tuần tôi thường ra bờ biển nằm bên gành đá, hai tay làm gối, nhìn mê mải về phương tây với những cơn ráng chiều đỏ rực. Chao ôi, tưởng như chỉ có ở trời Mỹ-Khê. Tôi nằm ở đó suốt buổi chiều cho đến khi chân trời chuyển sang màu tím. Tôi nhớ về mối tình đau đớn của tôi với Trà-Khúc mà tan nát cõi lòng. Tôi nghĩ về cuộc đời của nàng sau này. Tôi nghe nói người chồng hờ của nàng đã chết ở một trại tù nào đó. Nàng đã phải dắt ba con nhỏ đi gá nghĩa với một người làm nghề thợ mộc góa vợ và đã có bốn con ở Bà Rịa. Vài năm gần đây khách thập phương viếng chùa Long Hải thường thấy một ni cô có gương mặt hao gầy của Nguyễn Thị Trà Khúc.
Tôi nhớ về dòng sông chảy qua bến Sa-Kỳ, dòng sông đã nuôi dưỡng tôi những ngày thơ dại. Tôi nhớ về những chiếc thúng nhỏ đã chuyên chở tình tôi qua bên kia sông hẹn hò với Hường bên bờ chuối. Tôi nhớ những đêm trăng tôi đội áo quần bơi đứng qua bên An-Vĩnh gặp nàng. Tôi nghĩ đến vợ con tôi cách xa vạn dặm. Tôi nhớ đến cái vị mặn của con sông nước lợ. Tôi vẫn nằm âm thầm ở bờ biển bên này. Những cơn gió biển thổi mơn man làm tê tái lòng. Tiếng sóng thì thầm từ cuối gành đá vỗ về. Tôi nhắm mắt lại. Tôi thấy mình về lại bên kia sông. Và tôi đi vào giấc ngủ buồn.
Tạ Cự Hải
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.