PDA

View Full Version : Thiên Thu Tại Ngoại: Người Chăn Kiến



tieulacphong
10-16-2010, 02:26 PM
Người chăn kiến
truyện ngắn
Bùi Ngọc Tấn

đọc bản dịch Pháp ngữ :
LE GARDIEN DE FOURMIS


Cái tay B trưởng ấy hoặc đã chán mọi chuyện đánh đấm, hoặc có máu hài hước.

Ông M vừa bị vài “ cú khai vị ” tưởng rụng quai hàm thì hắn hét bọn đàn em vây quanh ông đang nổi cơn say đấm đá.

‒ Thôi.

Hắn bước tới gần ông. Nhìn. Ngắm.

‒ Trắng.

‒ ...

‒ Làm nghề gì ?

Ông nuốt một bụm máu, nửa cái răng gẫy vào bụng và biết nên nói thật.

‒ Giám đốc.

B trưởng reo lên:

‒ Thảo nào. Trắng như con gái.

Rồi thật bất ngờ :

‒ Cho làm nữ thần Tự Do.

‒ ...

‒ Tượng thần Tự Do ở bờ biển Nữu Ước. Làm giám đốc mà không biết à ?

Ông thoát khỏi trận đòn nhập B mà chưa ai lường hết được sự ghê gớm và hậu quả của nó. Thay vào đó, ông phải khoả thân leo lên bậc thang cao nhất, giáp cửa song sắt ngăn với sân “ xê rom ” (*), cái sân thượng chỉ về đêm mới có lính gác. Tay ông giơ lên cao khi gói kẹo, khi quả dưa chuột ‒ những đồ tiếp tế của anh em tù ‒ để làm nữ thần Tự Do.

Trần truồng trước hàng trăm con mắt, thật nhục nhã, quá sức chịu đựng với một người từng làm giám đốc lại đã đứng tuổi như ông. Ở trên ấy, ông thèm được như ông già chủ nhiệm hợp tác dưới kia chỉ phải bế bọc nội vụ đi quanh, hát ru em bài “ Bé bé bằng bông ”.

Đúng là tay B trưởng này có máu đại hài hước.

Trời nắng, hắn ngồi phè phẹt giữa sàn, hét :

‒ Hi-ta-chi !

Gần chục người lập tức vây quanh hắn.

‒ Quạt.

Tất cả quạt. Bằng tay. Nhưng mát. Bay cả tóc. Hắn lại hét :

‒ Pa-na-xô-ních.

Những người trong đội Pa-na-xô-ních sẵn sàng.

‒ Quạt.

Lại còn thêm :

‒ Tuốc năng !

Cái vòng người Pa-na-xô-nich vừa quạt vừa chạy quanh hắn giống đèn kéo quân bỗng đồng loạt đổi chiều như cùng một bánh xe truyền lực.

Cô đơn khoả thân trên cao, cái nóng từ mái chàm vào như nướng, ông M ao ước được ở trong đội quạt, nhưng ông không dám nói với ai. Ngoài những lúc “ đi cung ” hoặc học tập chính sách cải tạo, giờ chính quyền còn lại ông ngoan ngoãn đứng làm nữ thần Tự Do.

Cho đến một ngày...

Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra bốn con kiến đỏ bé tí xíu đựng trong vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh bốn vòng tròn xuống nền xi măng. Mười hai anh tù được hắn chỉ định chia thành ba ca chăn bốn con kíến nhỏ.

Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến thế. Công việc kỳ dị ấy ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích quy, có đường, có thịt. Kiến ăn nhưng không chịu ngủ. Kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy làm ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại. Hơn nữa ông đã quá chán trò cởi truồng đứng trước mặt mọi người.

Thế là một hôm ông gặp B trưởng, chìa ra một con kiến nhỏ ông vừa bắt được trong khi đi làm vệ sinh và rụt rè, ấp úng xin được chăn...

B trưởng cố kìm cơn giận. Hắn miết chết con kiến và quắc mắt hất hàm về phía sân “ xê rom ”.

Ông hiểu.

Ông lại khoả thân bước lên.

Nhưng ông không được làm thần Tự Do nữa.

Ông biến thành con chim. Con chim nhỏ trên cành cây cao. B trưởng đứng dưới, giả cách cầm súng lom khom chui lủi, rình ngắm :

“ Đoàng ! ”

Ông phải rơi từ sát mái nhà xuống. B trưởng không bằng lòng với cách rơi giả vờ, rơi có chuẩn bị, rơi chân xuống trước ấy. Phải rơi như thật. Như bị bắn rụng thật. Hiểu chưa ? Làm lại !

“ Thật quá rùng rợn. Cầu mong đừng gẫy cổ, vỡ mặt, mù mắt, gẫy tay là được. Cố vượt qua. Để còn ra.”



*
Ông M đã được ra.

Ông được ra sau bốn tháng giam cứu.

Ông được ra bởi ông không có tội.

Những người gây ra vụ án oan ức của ông đã bị kỷ luật.

Người ta đã khôi phục lại cho ông tất cả.

Ông lại làm giám đốc nhưng ở một xí nghiệp tận trong Nam, để ông có thể quên đi mọi chuyện. Ông cám ơn cấp trên về điều tế nhị ấy.

Cũng như mọi xí nghiệp, giờ nghỉ trưa ở đây nhiều vẻ... Uống bia. Đánh cờ tướng. “ Tiến lên ”. Làm dăm séc bóng bàn. Chuyện gẫu...

Giám đốc mới không tham dự. Ăn trưa xong, ông về phòng. Các vị chức sắc cũng muốn kéo ông vào cuộc vui nhưng trả lời những tiếng gõ cửa là sự im lặng.

Họ bảo nhau :

‒ Thôi để sếp ngủ.

Chẳng một ai biết sau khi cài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến, thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các vidit (có rất nhiều trong ngăn kéo ‒ của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Đứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như nữ thần Tự Do.

BÙI NGỌC TẤN



(*) Chữ Pháp "central" có nghĩa là trung tâm. Cour centrale, trong quan niệm kiến trúc nhà tù thế kỉ XIX, là cái sân ở chính giữa, đứng ở đó, lính gác có thể canh chừng các phòng giam xếp theo hình sao 5 hay 6 cánh (chú thích của toà soạn).