PDA

View Full Version : Các Ngân Hàng Đua Nhau Giảm Tỷ Giá



Mặc Vũ
10-16-2010, 05:47 AM
Sổ Tay Kinh Tế


Phạm Đỗ Chí

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG THI NHAU GIẢM TỶ GIÁ ĐỂ TĂNG TỐC PHỤC HỒI KINH TẾ (CENTRAL BANKS DEFLATE THEIR CURRENCIES TO INFLATE THE WORLD ECONOMY)

Trong tuần đầu tháng 10, thời sự kinh tế thế giới sôi nổi vì tin các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng hay nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để thúc đẩy thêm độ tăng trưởng kinh tế trong nước của mình.

Nhật Bản giảm thêm lãi suất xuống mức 0,0-0,1%, áp dụng thêm chính sách nới lỏng tiền tệ (quantitative easing--QE) bằng cách mua thêm 62 tỷ USD các trái phiếu chính phủ nhằm tăng thêm cung tiền vào nền kinh tế, ngoài các chính khách kích thích tài khóa đã được áp dụng. Úc đã giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thay vì nâng cao như giới quan sát chờ đợi để kiểm soát lạm phát. Các nước thuộc khối Euro cũng giữ nguyên lãi suất.

Riêng tại Mỹ nơi mọi con mắt quan sát viên đang dồn vào theo dõi chính sách của FED, kỳ vọng càng tăng dần là FED sẽ áp dụng gói QE 2 vào tháng 11 bằng cách mua thêm trái phiếu, tức là tiền tệ hóa thêm món nợ ngân sách và sẵn sàng để đồng đô la (USD) giảm giá thêm để hạn chế thâm hụt thương mại và giảm mức thất nghiệp vẫn ở mức cao là 9,6%.

Lập tức các cảnh cáo về một cuộc chiến tiền tệ hay tỷ giá được IMF và World Bank nêu ra như có thể đe dọa thương mại quốc tế và làm chậm thêm phục hồi kinh tế toàn cầu thay vì tăng tốc như mong muốn của từng nước riêng biệt. Các quan sát viên quốc tế có thể nhớ lại nhiện tượng “thy the neighbor” (hiểu nôm na là mặc kệ anh hàng xóm) trong kỳ đại suy thoái kinh tế, lúc mỗi nước chỉ theo chính sách vị kỷ thi nhau phá giá đồng tiền của mình để giữ mức xuất cảng cao, giảm nhập cảng, và bảo vệ việc làm của nước mình.

Tác động nhanh chóng của chính sách tiền tệ nói trên là tăng giá trị của vàng bạc như thứ tài sản để trú ẩn trước kỳ vọng ngày càng gia tăng là lạm phát sẽ bùng lên trong vài năm tới, và các tiền yen, Euro, Úc châu đều tăng vọt so với USD. Sổ Tay Kinh Tế trong cột báo này đã nêu lên triển vọng này từ 2 tháng trước, dự báo là vàng sẽ leo lên những đỉnh cao mới dù vẫn theo hình zic-zac trong ngắn hạn.

Nới lỏng tiền tệ làm hạ lãi suất quốc tế cũng là liều thuốc kích thích các thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là ở Mỹ. Ngày đầu tháng 9, chỉ số DJ đã bật dậy mạnh mẽ lên 2,5% và Nasdaq lên mạnh hơn 3%, cũng báo trước sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ và nhiều nước khác trong cả tháng, do quyết định mua vào của nhà đầu tư sau tháng 8 đã xuống quá thấp, thêm vào là các dấu hiệu khả quan hơn của thị trường nhà cửa và các chỉ số sản xuất (ISM). Sang tuần đầu tháng 10, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán vẫn còn được duy trì và hy vọng sẽ tiếp tục.

Trở về với chính sách kinh tế Mỹ, Tòa Nhà Trắng phải đối phó với sự thiếu một nhạc trưởng phối hợp chính sách với quyết định ra đi của ông cố vấn trưởng Lawrence Summers, sau một loạt từ chức của nhiều cộng sự viên thân cận khác của TT Obama như ông Chief of Staff hay ngay sau đó là cố vấn về an ninh Jones. TT Obama sẽ còn nhiều bối rối khác để đối phó với kỳ bầu cử Quốc Hội giữa kỳ vào tháng 11 khi các dự báo đều cho rằng đảng Cộng hòa sẽ giành phần thắng ở cả hai viện, và sẽ làm tê liệt các chính sách kinh tế của ông trong hai năm còn lại.

Ngoài các thắng lợi chính trị đáng kể như các việc: (i) ổn định cơn khủng hoảng tài chính, (ii) áp dụng hệ thống kiểm soát tài chính (financial regulations) chặt chẽ hơn, (iii) thông qua đạo luật lịch sử về bảo hiểm y tế cho khối dân nghèo ở Mỹ và (iv) làm dịu đi các mối căng thẳng của Mỹ trên trường chính trị thế giới, chính phủ Obama vẫn lúng túng trong các chính sách làm giảm mức thất nghiệp và nói chung để đẩy mạnh phục hồi kinh tế, hai yếu tố chính quyết định kết quả cuộc bầu cử sắp tới.

Sự ra đi giữa chừng của ông Summers cho thấy sự nứt rạn trong hàng ngũ các cố vấn kinh tế cũng như việc chưa tìm ra được một chiến lược kinh tế thích hợp sau 2 năm đầu. Một cách công bình, phải nhận rằng không có nhiều chọn lựa dễ dàng trong các chính sách vĩ mô. Chính sách tài khóa (fiscal policy) đã gần như bị trói tay với thất thu 1,300 tỷ USD trong tài khóa vừa qua. Các chi tiêu cho hạ tầng cơ sở có thể giúp cho việc giảm nạn thất nghiệp rõ ràng nhất nhưng chậm đem lại kết quả về tăng trưởng. Việc giảm thuế để kích thích kinh tế lại chạm vào một nguyên tắc lý tưởng trong triết lý và chính sách đã nêu rõ của TT Obama là tái lập công bình trong hệ thống thuế bằng cách đánh thuế người giàu nhiều hơn và chỉ giảm hay dãn thuế cho giới trung lưu và người nghèo. Tuy vậy, có thể rút cục trong năm tới CP Obama sẽ phải tái lập một số chính sách giảm thuế của cựu TT Bush trước áp lực của QH mới.

Còn tiếp

Diễn Đàn Thế Kỷ

Mặc Vũ
10-19-2010, 03:24 AM
Sổ Tay Kinh Tế


Phạm Đỗ Chí

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG THI NHAU GIẢM TỶ GIÁ ĐỂ TĂNG TỐC PHỤC HỒI KINH TẾ (CENTRAL BANKS DEFLATE THEIR CURRENCIES TO INFLATE THE WORLD ECONOMY)

Chính sách tiền tệ gần như không thể có sáng kiến mới khi lãi suất ngắn hạn (Fed Fund rate) đã ở mức quá thấp (0,5%). Còn lại chỉ là việc nới lỏng tiền tệ (QE) như đã bàn nhưng sẽ gây ra sự bất ổn tỷ giá và tác động lên mức lạm phát kỳ vọng trong lâu dài. Một giải pháp có thể phải xét tới là theo chính sách đề nghị trước đây của Mohamed El Erian và Bill Gross, lãnh đạo của công ty đầu tư trái phiếu lớn nhất Mỹ là PIMCO, đưa ra giải pháp mạnh bạo là phải giảm hẳn 1%-2% cho lãi suất dài hạn như lãi suất về bất động sản (mortgage rate) để làm tăng giá nhà cửa độ 10%-15% vào mùa xuân năm tới thì chính sách kích cầu mới đẩy được kinh tế Mỹ ra khỏi dốc trũng hiện nay. Chúng ta sẽ phải chờ xem nhiều diễn tiến chính sách của Tòa Nhà Trắng sau bầu cử tháng 11.

KINH TẾ VIỆT NAM: TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH TIẾP TỤC BẤT ỔN

- GDP tăng 6,5% trong 9 tháng đầu năm 2010, tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (9 tháng đầu năm 2009 tăng GDP là 4,6%). GDP ở cả 3 khu vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng mất điện vẫn còn diễn ra và ngày càng nhiều ảnh hưởng đến sản xuất. Tuy nhiên GDP có thể đạt 6,7% trong năm nay so với mục tiêu 6,5%.

- Tăng trưởng xuất cảng phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất cảng đạt 51,5 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập siêu còn 16,7% so với kim ngạch xuất cảng.

- Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2010 là 19.5%.

- Giá cả thị trường vẫn có xu hướng tăng. Sau nhiều tháng đã được kìm hãm, lạm phát tháng 9 tăng vọt 1,3% so với tháng trước và tăng 6,5% so với đầu năm. Tình trạng tăng giá có thể tiếp tục trong 3 tháng còn lại của năm do sự tăng cung tiền nhanh chóng trong quý 2 và 3, cũng như ảnh hưởng của giá dầu đang trở lại mức 85$/thùng và mức tăng giá lương thực thực phẩm trong 2 tháng vừa rồi. Dự báo mức lạm phát cuối năm có thể tăng lên quanh mức 9% vượt xa mục tiêu là 7%.

- Nhập siêu vẫn ở mức cao (8.6 tỷ USD), do đó các thâm hụt ngân sách và cán cân thương mại vẫn chưa được cải thiện.

- Vấn đề nợ công tăng lên do phải giải quyết những tồn tại của các tập đoàn lớn cũng như các chi tiêu lớn cho lễ hội gần đây.

- Tình hình tỷ giá ngày càng biến động theo chiều giảm giá mạnh trên thị trường chợ đen. Tỷ giá thị trường chợ đen đang lên đến 19.800đ/USD, do những lo ngại là dự trữ ngoại hối đang ở mức thấp và do nhu cầu ngoại tệ còn tăng mạnh do áp lực trả các món nợ ngân hàng đã vay trước đây bằng USD, và do cả sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới nên xuất hiện tình trạng gom USD để nhập lậu vàng qua biên giới Căm bốt). Điều này làm tỷ giá trong thời gian tới có thể tiếp tục biến động mạnh.
- Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế được cải thiện, thị trường tài chính vẫn tiếp tục bất ổn gây thêm sự thiếu lòng tin nơi các nhà đầu tư về cả chứng khoán lẫn bất động sản. Chỉ số VNIndex tiếp tục giảm xuống quanh mức 450.

Bế tắc của lãi suất và thị trường tín dụng

- Lãi suất được định hướng giảm, khuyến khích các doanh nghiệp vay với mức lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, lãi suất huy động bằng tiền VND khó có thể giảm xuống do tác động của việc tăng tỷ giá và lãi suất tiền gửi USD, do luật ngang bằng lãi suất giữa lãi suất cho VND và lãi suất cho USD.

- Khi ngân hàng trung ương muốn tăng cung tiền và tín dụng nhanh chóng như mấy tháng vừa qua để làm giảm lãi suất VND, tác dụng thực tế lại ngược lại vì tăng tiền lại làm tăng kỳ vọng lạm phát cũng như gây thêm áp lực lên tỷ giá trên thị trường tự do, ngoài ra lãi suất huy động trên USD lại tăng trong mấy tháng qua do nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đô la hóa đang rất cao, kết quả là lãi suất huy động trên VND không thể giảm xuống DƯỚI mức cao hiện tại là 11%-11,2%.

- Ngoài ra, việc sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn tài chính của các tập đoàn lớn trong thời gian qua làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng làm cho lãi suất trái phiếu khó điều chỉnh giảm.

- Nói chung nếu áp lực lên tỷ giá không được ngăn chặn bởi sự giảm tăng cung tiền và tín dụng, sẽ khó lòng giải quyết được các bế tắc của thị trường tín dụng và hệ thống lãi suất để “khai thông” cho các thị trường chứng khoán và nhà đất cũng như của cả nền kinh tế cho năm tới. Chưa kể là tỷ giá của VND một khi vượt quá mức 20,000 VND/USD sẽ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng làm mất niềm tin của dân chúng nhất là giới đầu tư và có thể tạo ra các thiệt hại tài chính lớn hơn nhiều do “dòng xoáy” lạm phát-tỷ giá gây ra ./.

Diễn Đàn Thế Kỷ