PDA

View Full Version : Bông Hoa Vô Danh



nhulaitang
10-15-2010, 06:16 PM
HOA SEN TRÊN TUYẾT

Trích: Đường Mây Qua Xứ Tuyết


Gió lạnh rít từng cơn, mây đen vần vũ phủ kín bầu trời xứ Tholing. Thỉnh thoảng một tia chớp loé lên soi rõ một ngôi chùa đổ nát nằm chơ vơ trên đỉnh đồi.

Ngày xưa chùa này đã từng là ngôi quốc tự của xứ Tholing, một tiểu quốc nằm ở phía đông Tây Tạng nhưng định mạng đã biến xứ này thành một miền hoang vu, không người cư ngụ và ngôi chùa cũng bị bỏ hoang từ nhiều thế kỷ nay.

Con đường mòn dẫn lên chùa đã bị cỏ mọc kín, cổng tam quan chỉ còn trơ lại mấy chiếc cột xiêu vẹo. Chiếc sân gạch bát tràng màu đỏ nay bị rêu rong bám kín trở nên một màu nâu sẫm, rải rác những pho tượng hộ pháp bị thời gian làm hư hại, đầu một nơi, mình một nẻo. Hậu liêu cũng sụp đổ gần hết chỉ còn chánh điện hoang tàn với vài pho tượng Phật là còn nguyên vẹn.

Một tiếng sấm nổ vang làm rung rinh cả mái chùa, nhiều viên ngói bị thổi bật lên rơi xuống sân vỡ nát. Chiếc xà ngang đã mục vẫn cố gắng chống đỡ mái chùa từ bao lâu nay không thể chịu đựng hơn nữa bèn nghiêng oằn xuống khiến những viên ngói còn lại đồng loạt chuyển động kêu lách cách...

Sàng chánh điện trước được lót bằng một lớp ván dầy nhưng lâu ngày không người săn sóc đã mục nát, rêu rong bám xanh rì...

Giữa những đám rong rêu đó có một bông hoa nhỏ bé vươn lên, một bông hoa kỳ lạ màu trắng tinh khiết. Không ai biết nó từ đâu đến, tại sao lại mọc giữa đám rong rêu bẩn thỉu như vậy!

Bông hoa vô danh run rẩy trước cơn cuồng phong mỗi ngày một mạnh, nó lo lắng nhìn lên cây xà ngang đã nghiêng hẳn xuống. Chỉ một cơn gió mạnh nữa thôi, cây xà sẽ gẫy gục và toàn mái chùa sẽ sụp đổ đè nát tất cả những vật ở phía dưới...

Bông hoa vô danh nhìn lên bức tượng đức Bồ Tát Quán Thế Âm gần đó, lẩm bẩm cầu nguyện:

- Nam Mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát, xin ngày rủ lòng thương xót cứu cho chốn này thoát khỏi tai nạn bị hủy diệt...

Lời cầu khẩn chí thành đã cảm ứng đến đức Quán Thế Âm Bồ Tát nên ngài hiện ra trên tòa sen:

- Hỡi bông hoa bé nhỏ kia, há ngươi không biết rằng trong cõi thế giới này tất cả đều lưu chuyển biến dịch, không có gì có thể gọi là thường trụ bất biến. Có sinh ắt phải có diệt, có thành ắt phải có hoại. Ngôi chùa này đã đến giai đoạn sắp bị hủy hoại thì cũng là luật vô thường mà thôi. Kiếp sống của bông hoa cũng như vậy, không thể ra ngoài bốn thời kỳ thành, trụ, hoại, không. Thay vì lo lắng kéo dài kiếp sống, ngươi hãy cố gắng ý thức tính chất vô thường và nhận thức thực tướng của sự vật.

Bông hoa vô danh cúi đầu đảnh lễ và thưa:

- Bạch đức Bồ Tát, con cầu nguyện không phải cho chính con. Từ khi còn là một hạt giống nằm dưới kẽ nứt trong vách ván, con vẫn được nghe các vị tăng tụng kinh, nhất là bộ Bát Nhã Ba La Mật nên con ý thức được trên đời có sinh ắt có diệt, tất cả thế gian đều chỉ là huyễn không có thực. Ngay cả những bộ kinh điển quý báu chứa đựng trong chiếc hòm gỗ bên cạnh bàn thờ vì là vật hữu hình nên hữu hoại, trước có sau không, nay còn mai mất, không thể bền vững lâu dài. Nhưng con biết bộ kinh quý báu này đã được cất giữ nơi đây từ nhiều thế kỷ chưa truyền ra bên ngoài nên con cầu nguyện rằng hãy để cho những bộ kinh đó làm tròn sứ mạng mà chúng được giao phó. Mặc dù lúc này đa số nhân loại đang bị màn vô minh che phủ, chìm đắm trong dục vọng điên cuồng nhưng vẫn có một số ít người chỉ bị một chút bụi bám vào mắt. Chỉ cần một chút ánh sáng soi rõ có thể làm họ quay đầu tỉnh ngộ... Vì lý do này nên con cầu xin chư Phật rủ lòng thương xót cho truyền bá bộ kinh quý báu này ra ngoài cho thế gian...

Đức Bồ Tát Quán Thế Âm nghe xong rất lấy làm hài lòng. Ngài quay lại đảnh lễ đức Phật Thích Ca và nhắc lại lời cầu khẩn của bông hoa vô danh. Đức Phật Thích Ca nở một nụ cười hoan hỉ:

- Lành thay, bông hoa nhỏ bé kia đã nói với tất cả tâm thành của một trái tim Bồ Tát. Nó đã biết quên mình mà chỉ nghĩ đến người khác. Ngôi chùa này đáng lẽ phải bị hủy hoại, tất cả những kinh điển chất chứa nơi đây đáng lẽ ra phải chịu chung số phận nhưng ta chấp thuận lời phát tâm của bông hoa bé nhỏ mà cho phép những kinh điển đó được truyền tụng cho thế gian cho đến khi mục đính của những bộ kinh đó được viên mãn. Đức Phật Thích Ca vừa dứt lời, các vị Hộ Pháp chư tôn Bồ Tát đồng thanh tuyên bố:

- Chúng ta sẽ gìn giữ ngôi chùa này khỏi nạn hủy diệt cho đến khi nó làm tròn phận sự mà đức Phật Thích Ca giao phó. Chỉ một thoáng giây, trời đất bỗng trở nên quang đãng lạ thường, cơn bão đã tan hết, vầng trăng lưỡi liềm tỏa nhẹ ánh sáng xuống xứ Tholing. Một mùi hương thơm ngát từ đồi Tsaparang thoảng đi khắp mười phương thế giới. Đức Bồ Tát Quán Thế Âm mỉm cười với bông hoa vô danh:

- Lành thay, con đã phát một hạnh nguyện vô ngã, lợi tha rất lớn, từ nay ta đặt tên cho con là Tuyết Liên Hoa, một giống sen vô cùng quý báu chỉ mọc tại xứ Tây Tạng và những kẻ nào ngửi được mùi hương của con cũng đều phát tâm tinh tấn tu hành để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.

nhulaitang
10-23-2010, 06:44 AM
BÊN RẶNG TUYẾT SƠN

Trích: Đường Mây Qua Xứ Tuyết


Trong thời gian lưu trú tại Kumbum, tôi có dịp thưởng thức những vở kịch Tây Tạng mà tôi thấy cần phải ghi chép lại đây:

Đối với người Tây phương, kịch chỉ là một nghệ thuật trình diễn để giúp người coi giải trí, nhưng với người Tây Tạng nó còn mang một ẩn nghĩa với những năng lực bí mật được khai phóng qua các vai trò, âm thanh, màu sắc và những nghi thức đặc biệt.

Cũng như hầu hết các nghệ thuật Tây Tạng, kịch nghệ nghệ chịu ảnh hưởng tôn giáo rất nhiều. Đa số các vở kịch đều được trình diễn trong khuôn viên chùa chiền vào những ngày hội, ngày lễ lớn. Cũng như kịch nghệ Ai Cập và Hy Lạp, kịch nghệ Tây Tạng chú trọng nhiều về những vũ điệu, sự phối hợp giữa âm thanh và động tác của diễn viên. Một điều quan trọng nổi bật là việc sử dụng các ấn quyết (Mudra) và thần chú (Mantra) để diễn tả một ẩn nghĩa hay kêu gọi những năng lực vô hình nào đó.

Hầu như vở kịch nào cũng đề cập đến những năn lực siêu nhiên, huyền bí với nhân vật tượng trưng cho hai phái chính tà, thiện ác. Đa số những nhân vật phe ác đều hóa trang thành ác quỷ có hình thù hết sức ghê gớm, đeo mặt nạ hung dữ và nhân vật phe thiện trang phục quần áo đẹp đẽ với các võ khí như cung tên, gươm giáo. Cũng giống như kịch nghệ Hy Lạp thời cổ, đa số các vở kịch Tây Tạng được trình diễn ngay giữa công chúng, nghĩa là không có sân khấu. Các diễn viên trình diễn giữa đám đông và khán giả phải chen chúc nhau, nhiều khi phải đi theo diễn viên để theo dõi những vai trò. Đối với tôi thì thật khó mà phân biệt ai là diễn viên và ai là khán giả vì ngoài những vai trò đặc biệt đeo mặt nạ, hóa trang thành các hình thù ghê gớm, phần lớn các diễn viên khác đều ăn mặc như người thường và sau khi diễn xong vai trò, họ chen chúc lẫn lộn vào khán giả như một khách bàng quan. Sự cởi mở giữa người diễn xuất và người thưởng thức này có một ý nghĩa rất quan trọng và được nhấn mạnh như không hề có một biên giới ngăn cách giữa thực và ảo, thiện và ác, thiên nhiên và siêu nhiên, linh thiêng và những gì tầm thường.

Mở đầu vở kịch, những nhân vật phe ác bắt đầu xuất hiện. Từ khắp nơi những diễn viên mang mặt nạ, hóa trang như những quái vật hung ác ở đâu nhảy ra múa may theo những điệu nhạc lạ lùng.

Hàng ngàn khán giả im lặng nín thở theo dõi những hình ảnh ma quái lởn vởn trướt mặt. Một pho tượng đầu trâu mặt ngựa to lớn được dựng lên giữa sân, trên ngực pho tượng đeo một chiếc đầu lâu đầy máu. Các hung thần lôi kéo những dân lành đến trước pho tượng tế thần rồi uống máu, ăn thịt, xẻ thịt, phanh thây... Rất ít ai dám nhìn kỹ những cảnh tượng ghê gớm trông như thật này. Phải công nhận rằng người Tây Tạng đã biết phối hợp ánh sáng và âm thanh vô cùng khéo léo. Đèn đuốc đều tắt ngúm, chỉ còn những ngọn nến lờ mờ và qua làn khói hương mờ ảo, những hình ảnh ghê rợn diễn ra cùng với tiếng rên la, kêu khóc của nạn nhân đã tạo ra ngay một không khí ma quái đáng sợ. Âm nhạc chợt thay đổi và đèn đuốc được thắp lên sáng trưng, những nhân vật phe thiện ở đâu xuất hiện với cung tên, gươm giáo xua đuổi những hung thần. Cuộc chiến giữa hai phe chính tà bắt đầu qua những điệu nhạc lúc dồn dập khi hùng hồn.

Phần lớn các vở kịch dựng theo thần thoại Hy Lạp, Ai Cập cũng có nội dung tương tự như vậy và kết thúc khi phe chính thắng phe tà, nhưng các vở kịch Tây Tạng lại không chấm dứt một cách giản dị như vậy. Sau khi chiến thắng phe tà, các nhân vật phe chính đã ca múa, uống rượu say sưa và trở nên kêu căng tự phụ và họ bắt đầu thay đổi... Qua làn khói hương mờ ảo, những bộ quần áo đẹp đẽ dần dần biến thành xấu xí, những thân thể cường tráng bắt đầu trở thành những hình thù ghê gớm không khác những nhân vật phe ác khi xưa. Sau một hồi nhạc dồn dập, họ đã hoàn toàn lột xác trở thành các hung thần, ác quỷ khi đeo những mặt nạ lấy được của phe này lên mặt và rồi họ lại tái diễn những gì mà phe ác đã làm: hành hạ dân chúng, giết người tế thần, reo rắc kinh hoàng khắp nơi...; và lại có những nhân vật thiện khác xuất hiện để chiến đấu với họ. Cứ thế chính biến thành tà và tà đổi thành chính xoay vần qua hàng khói hương nghi ngút và những âm thanh dồn dập lạ lùng.

Tôi nghĩ rằng người Tây Tạng đã thấu hiểu rất rõ ràng giá trị nào cũng thay đổi theo thời gian vì tất cả đều chỉ là những ước lệ tương đối, những ảo ảnh. Thiện cũng như ác, tốt cũng như xấu và chính cũng như tà đều là hai bề mặt của một sự kiện tuy mâu thuẫn nhưng không hề rời nhau. Trong cái thế giới tương đối của vòng nhân quả này, chẳng có sự kiện gì hoàn toàn rõ rệt, muốn hiểu thấu nó thì phải vượt lên trên những tranh chấp nhị nguyên, thiện ác thì mới đạt đến tuyệt đối giải thoát được.

Vở kịch tiếp diễn với chính đổi thành tà, thần thánh biến thành quái vật cho đến khi có sự xuất hiện của Padmasambhava, vị tổ đã truyền Mật Tông vào Tây Tạng...

nhulaitang
10-23-2010, 07:38 AM
Một hồi tù và trầm hùng vang lên, những đèn đuốc đồng loạt thắp sáng và nhân vật thủ vai Padmasambhava xuất hiện. Qua ánh sáng, người ta thấy rõ các diễn viên thủ vai ác cũng có những y phục đẹp đẽ như phe thiện và những nhân vật thủ vai thiện cũng có những dấu vết xấu xa như phe ác. Những nhân vật nửa thiện nửa ác này nhẩy múa ca hát lẫn lộn trong khán giả cho đến khi người ta không còn phân biệt ai là diễn viên, ai là khán giả nữa.

Padmasambhava dạy cho người Tây Tạng biết rằng, ngày nào người ta còn bị ràng buộc trong cái tướng giả hữu của hiện tượng giới, bị lôi kéo vào vòng thị phi, thiện ác, với các quy luật cứng nhắc của nó thì họ không thể thoát ra khỏi vòng vô minh được vì tất cả mọi sự trên thế gian đều chằng chịt, liên đới với nhau. Trong thiện có ác, trong ác có thiện và người ta không thể tiêu diệt một thứ mà không đụng chạm đến phần kia vì tất cả đều là một. Vì bị màn vô minh che phủ, người ta thấy có thiện, có ác, có thiên thần và ác quỷ, có lợi, có hại, có xấu, có tốt và vì sự phân biệt tranh chấp này mà con người đã thù hận, hằn học, chém giết lẫn nhau, cứ thế tạo ra những xoay vần không bao giờ chấm dứt. Muốn giải thoát ra khỏi những sai lầm này, người ta phải biết vượt lên trên qua sự phát triển lòng từ bi, thương xót tất cả, gạt bỏ cái tâm phân biệt để đạt đến cái tâm vô phân biệt, không thấy có mình với người mà chỉ thấy tất cả đều là một.

Với những quyền năng diễn tả bằng thần chú và ấn quyết, diễn viên thủ vai Padmasambhava đi đến đâu thì những diễn viên thủ vai thiện, ác tự nhiên hòa nhập vào làm một và quay cuồng trong những vũ điệu để rồi người ta không còn phân biệt đó là hai người nữa. Sự hòa hợp này thường được diễn tả bằng tranh ảnh như sự hòa hợp giữa nam và nữ và điều này đã tạo ra rất nhiều hiểu lầm đối với những học giả người Âu. Vì chịu ảnh hưởng của một nền văn minh vật chất, đa số đã vội kết luận ngay rằng Mật Tông chú trọng đến sự giao hợp nam nữ rồi đặt ra nhiều giả thuyết để giải thích Mật Tông theo quan niệm bệnh hoạn riêng của họ. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc. Nếu họ chịu khó nghiên cứu kỹ phong tục tập quán xứ này thì họ sẽ thấy người Tây Tạng sống rất gần với thiên nhiên vốn không hề có những ẩn ức và dồn nén tình dục như người Âu Mỹ. Các hình ảnh chỉ là biểu tượng đề cập đến một ẩn nghĩa nào đó, người ta phải hiểu rõ phong hóa cũng như tôn giáo xứ này trước khi kết luận. Các hình ảnh nam nữ giao hợp phải được hiểu như một biểu tượng của sự hợp nhất được diễn tả qua tinh thần chất phác của người dân xứ này. Đa số người Tây Tạng sống trong các làng mạc cô lập, những bình nguyên rộng lớn, ít giao thiệp với các quốc gia khác nên họ nghĩ sao nói vậy. Tuy nhiên đằng sau sự chất phác hồn nhiên đó vẫn ẩn một triết lý sâu sắc truyền dạy bởi các vị đạo sư tu luyện trong dẫy Tuyết Sơn, những người đã ít nhiều chứng đắc trên đường giải thoát.

Sau khi các diễn viên thủ vai thiện ác đã làm trọn vai trò thì chỉ còn bức tượng hung thần tượng trưng cho sự chết, sự hủy hoại ghê gớm đứng trơ trơ giữa sân. Đèn đuốc được tắt dần để tạo một không khí huyền hoặc giữa nhân vật Padmasambhava và vị thần này. Vì thiện ác, tốt xấu, thiên thần hay ác quỷ đều chỉ là những hiện tượng của tâm và kẻ nào muốn chinh phục sự chết thì phải đối đầu với nó ngay giữa sự sống. Chỉ khi đó thần chết và tất cả những động lực ghê gớm nhất sẽ vén lên cái màn huyền bí tối thượng để kẻ chinh phục được nó nhìn thấy thực tướng của mọi sự. Nhân vật thủ vai Padmasambhava thong thả bước đến trước pho tượng hung thần và bắt đầu nghi thức hiến mình (self-sacrifice). Đây là nghi thức hiến mình duy nhất được đức Phật chấp nhận. Nó là sự hy sinh lớn lao để hủy bỏ cái bản ngã ích kỷ, diệt trừ tham sân si và chỉ khi đã từ bỏ được bản ngã người ta mới có thể phá tan bức màn vô minh bao phủ quanh mình.

Trong một bầu không khí căng thẳng cực độ, nhân vật thủ vai Padmasambhava giơ tay kéo mạnh cái mặt nạ đầu trâu mặt ngựa đeo trên mặt vị hung thần ra. Trong làn khói hương mờ ảo, giữa những âm thanh trầm hùng, vị hung thần không phải ai xa lạ mà chính là Bồ Tát Quán Thế Âm, vị bồ tát được kính ngưỡng và tôn thờ nhiều nhất tại Tây Tạng.

Padmasambhava đã phương tiện thay thế tục lệ tế thần của các pháp sư Bon bằng sự tự hiến mình. Thay vì giết chết một sinh vật khác để hiến cho thần thì ông ta tự hy sinh chính mình, trút bỏ cái bản ngã ích kỷ tầm thường vẫn trôi nổi trong sinh tử luân hồi để tự giải thoát.

Vở kịch chấm dứt khi tất cả các diễn viên cùng nhau nhẩy múa rồi xếp thành hình những bông hoa sen, những biểu tượng Mandala, đa số khán giả cũng đều tham gia vào điệu vũ cuối cùng này. Dĩ nhiên các vở kịch có thể khác nhau ít nhiều về âm thanh, y phục hoặc vũ điệu nhưng phần lớn nội dung không khác nhau bao nhiêu. Hầu hết đều xoay vần quanh những thái cực và kết luận khi một nhân vật có khi là đạo sư Padmasambhava, có khi là đức Phật Thích Ca hoặc đức Quán Thế Âm Bồ Tát xuất hiện chỉ dẫn, soi rõ cho mọi người thấy rõ thực tánh của mọi vật.