Lạc Việt
10-14-2010, 05:43 PM
Việt Nam Sử Lược
Trần Trọng Kim
Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.
Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân tộc nào đã có đủ cơ quan và thể lệ làm cho một nước độc lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu. nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy.
Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?
Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo cứu được nhiều việc quan hệ đến vận mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo cứu về những việc quan hệ đến lịch sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!
Nay nhân sự học ở nước ta đã thay đổi, chữ quốc ngữ đã phổ thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ Việt Nam Sử Lược, xếp đặt theo thứ tự, chia ra từng thời đại, đặt thành chương, thành mục rõ ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện lợi hơn trước.
Bộ Việt Nam Sử Lược này, soạn giả chia ra làm 5 thời đại: Thời đại thứ nhất là Thượng Cổ thời đại, kể từ họ Hồng Bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác thực.
Thời đại thứ nhì là Bắc Thuộc thời đại, kể từ khi vua Vũ Đế nhà Hán lấy đất Nam Việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ Quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc lập. Những công việc trong thời đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong thời đại Bắc Thuộc, người mình chưa được tiến hóa, sự học hành còn kém, sách vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời đại này cũng không kê cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên địa dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.
Thời đại Bắc Thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có 1 điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.
Còn tiếp.
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn2nqn1n31n343tq83a3q3 m3237nvn
Trần Trọng Kim
Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.
Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân tộc nào đã có đủ cơ quan và thể lệ làm cho một nước độc lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu. nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy.
Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?
Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo cứu được nhiều việc quan hệ đến vận mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo cứu về những việc quan hệ đến lịch sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!
Nay nhân sự học ở nước ta đã thay đổi, chữ quốc ngữ đã phổ thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ Việt Nam Sử Lược, xếp đặt theo thứ tự, chia ra từng thời đại, đặt thành chương, thành mục rõ ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện lợi hơn trước.
Bộ Việt Nam Sử Lược này, soạn giả chia ra làm 5 thời đại: Thời đại thứ nhất là Thượng Cổ thời đại, kể từ họ Hồng Bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác thực.
Thời đại thứ nhì là Bắc Thuộc thời đại, kể từ khi vua Vũ Đế nhà Hán lấy đất Nam Việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ Quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc lập. Những công việc trong thời đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong thời đại Bắc Thuộc, người mình chưa được tiến hóa, sự học hành còn kém, sách vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời đại này cũng không kê cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên địa dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.
Thời đại Bắc Thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có 1 điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.
Còn tiếp.
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn2nqn1n31n343tq83a3q3 m3237nvn