PDA

View Full Version : Tôn Giáo Của Nhân Loại!



wagirl06
09-29-2010, 08:57 PM
Tác giả: Giáo Sư Huston Smith người Mỹ

Tất cả tôn giáo trên thế giới đều gom tụ sáu yếu tố như sau:

1/ Quyền uy.
2/ Nghi thức.
3/ Tri giải suy lường.
4/ Truyền thống.
5/ Thần trị và ân điển.
6/ Huyền bí.

Về tôn giáo của nhân loại, sáu yếu tố này đã phát huy được tác dụng quan trọng của nó. Nhưng mọi yếu tố đều có thể bị mất đi sự khống chế mà nảy sinh tệ đoan, tệ đoan này khiến thật trạng của tôn giáo ngày một hoang tàn, từ sai lầm dẫn đến chỉ quanh quẩn nơi mê tín.
Phật Thích Ca quyết tâm rửa sạch khoảng đất hoang tàn này và Phật giáo đối với sáu yếu tố trên chẳng hề có sự liên quan nên khiến người đời kinh sợ. Bởi vì theo thói quan sát của người đời thì hễ tôn giáo nào thiếu mất sáu yếu tố trên đều chẳng thể tồn tại. Nhưng sự thật lại được chứng minh cụ thể như sau:

1/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có quyền uy:
Đặc quyền của Bà La Môn Ấn Độ đứng hàng đầu bốn giai cấp xã hội đều bị Phật quét sạch. Ngài nói với mọi người rằng "Chẳng nên ỷ lại và tin bám vào thói quen theo thế tục, chẳng nên thấy có một học thuyết nào ghi trong kinh điển thì cho đó là phù hợp với tín ngưỡng của mình; hoặc nghe thuyết khai thị của đạo sư thấy tin tưởng và ham mê, cho đó là ngọn đuốc chiếu sáng của mình. Từ sống đến chết, chúng ta chỉ có thể tin vào chính mình, chẳng nên
ỷ lại người khác, phải nhờ vào khả năng của chính mình mới có thể đến được cảnh giới tột đỉnh."

2/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng nghi thức:
Ngài cho tất cả nghi thức chỉ có hiệu quả ràng buộc tinh thần của con người. Vì vậy nên nhiều người cho rằng Phật giáo chẳng thuộc về lý tính đạo đức của bất cứ tôn giáo nào cả.

3/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng thể dùng tư tưởng suy lường tri giải:
Lý do rất đơn giản, Ngài cho rằng sự tham cầu tri giải chẳng giúp ích gì đối với khai mở trí huệ. Ví như có người bị trúng mũi tên độc chẳng chịu đưa đi bệnh viện cứu chữa ngay mà muốn đi tìm xem ai là kẻ bắn mũi tên! Thế thì người bị thương sẽ chết trước khi tìm được kẻ bắn vậy.

4/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo vô truyền thống:
Ngài dạy tín đồ phải giải thoát chính mình dưới sự ràng buộc và áp lực, chớ nên tôn sùng ỷ lại vào những lời dạy dỗ theo truyền thống xưa. Nếu một mực tin tưởng và thực hành theo những giáo điều cố định, sẽ khiến mình bị mê hoặc và đau khổ, đến khi nào mới tự chứng giác được? Ngài cho là tốt nhất hãy cắt dứt những truyền thống của đời trước vậy.

5/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo nhấn mạnh về tự lực chứ không cầu ân điển:
Vận mệnh của chính mình không do người khác quyết định, cho dù là thần tiên hay Phật cũng chẳng thể giải thoát dùm được, mà phải nhờ sức mạnh của chính bản thân mới có thể đạt đến giải thoát cuối cùng.

6/ Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có huyền bí:
Ngài nói "Tất cả việc chiêm tinh, bói toán đều là những môn học thấp kém, không cho môn đồ trong Phật giáo làm mọi phép thuật huyền bí, bất cứ người nào hễ sử dụng tà thuật để đặt điều kỳ lạ đều chẳng phải Phật tử của ta, những người làm phép huyền ảo ấy đều là việc nguy hiểm nhất".

Lúc Phật còn tại thế đã lo ngại và luôn phòng ngừa sáu yếu tố có hại này không cho xâm nhập Phật giáo. Nhưng sau khi Ngài nhập diệt thì sáu thứ tệ đoan này chẳng những xâm chiếm dần toàn bộ Phật giáo mà còn ngày một lộng hành hơn, nhưng tác hại của nó rốt cuộc chẳng thể làm tổn thương hết bản chất chơn thật của Phật giáo. Chúng ta phải nhận thức như sau:

1/ Rất chú trọng kinh nghiệm trực tiếp:
Xưa nay ở các tôn giáo khác chưa từng có trường hợp nào là hoàn toàn sử dụng kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân tỏ bày lập trường của họ để phán đoán chân lý cuối cùng của từng sự việc mà chẳng căn cứ lý luận suy lý hoặc sự biện luận. Người Phật tử chơn chánh phải chứng ngộ bằng chính bản thân mình.

2/ Rất khoa học và là sự tồn tại duy nhất:
Kinh nghiệm trực tiếp chẳng những là sự phán đoán sau cùng, đồng thời cũng nêu rõ quan hệ nhân quả của bản thể sinh tồn, cũng là sự tồn tại duy nhất; nhân quả đều cùng tồn tại.
Ví như bản thể của trái táo trước mắt (hiện tại) là cái quả của trái táo đời trước (quá khứ), đồng thời cũng là nhân của trái táo đời sau (tương lai). Nhân và quả đồng thời qui tụ trong một trái táo, ấy tức là quan hệ nhân quả của tất cả bản thể sinh tồn, cũng là sự tồn tại duy nhất. Tương đối của sự tồn tại là "chẳng tồn tại", cái "chẳng tồn tại" kia không thể sinh ra cái "tồn tại" này, ngược lại, cái "tồn tại" này chẳng thể sinh ra cái "chẳng tồn tại" kia. Nhưng hễ có bỉ (kia) thử (này) ắt phải cùng thuộc về tồn tại; tức là bỉ và thử đều cùng tồn tại, nên gọi là sự tồn tại duy nhất vậy.

3/ Thực dụng nhất:
Đức Phật xả bỏ tất cả tư lường và tìm vật ngoài "Tâm" mà chỉ giải quyết vấn đề thực tế. Lời khai thị của Ngài chỉ là phương tiện tạm thời, chẳng có giá trị tuyệt đối, ví như dùng chiếc bè để qua sông, đến bờ rồi thì chiếc bè không cần sử dụng nữa vậy.

4/ Điều trị:
Phật bảo:
- Ta chẳng hỏi về tôn giáo, lập trường của ông, mà chỉ hỏi ông có bệnh tật gì?
- Ta chỉ khai thị cho ông về bệnh tật và cách chữa trị, ấy là nguồn khổ và cách dứt khổ vậy.

5/ Lấy "Người" làm bổn vị:
Đức Phật thuyết pháp chẳng nói về sự bắt đầu của vũ trụ mà nói về những vấn đề cuộc sống thực tế của loài người, tính chất và động lực có thể phát huy từ con người mà thôi.

6/ Dân chủ nhất:
Đức Phật phản đối chế độ giai cấp, nhất là chế độ truyền thừa, cha truyền con nối và những chế độ nghiêng về quyền lực.
Ngài xuất thân từ vua chúa, thuộc giai cấp thống trị, lại chẳng màng đến địa vị xã hội của bản thân mà quyết tâm đập tan mọi giai cấp, đối sử bình đẳng với đại chúng, nhận những kẻ nô lệ hèn thấp nhất ở Ấn Độ đương thời làm đệ tử.

7/ Tự tánh tự độ:
Phật pháp vì lợi ích tất cả chúng sanh, nhưng lại rất chú trọng về phương tiện tu hành của cá nhân. Đối tượng thuyết pháp của Phật là mỗi một "cá nhân". Ngài muốn mọi người đều chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác, nên Ngài nói với A Nan rằng:
- Con phải làm ngọn đuốc của chính mình, phải tin tưởng chính mình, ngoài chính mình ra, chớ nên ỷ lại bất cứ ai cả, phải vì sự giải thoát của chính mình mà siêng năng tu tập.