PDA

View Full Version : Vài khuôn mặt ở Sài Gòn ... 35 năm trước - Nhật Tiến



giavui
11-06-2014, 08:03 PM
Vài khuôn mặt ở Sài Gòn ... 35 năm trước - Nhật Tiến


http://3.bp.blogspot.com/-tqWqeEep978/UvDOnnpFK8I/AAAAAAAAFFE/T8EuJV51evM/s1600/su+thuc+khong+the+chon+vui+13.jpg

Thấm thoắt đã 35 năm trời trôi qua kể từ khi quân đội CSVN tràn vào, lấn chiếm miền Nam và chế độ VNCH sụp đổ.

Một sự sụp đổ như thế, dĩ nhiên là tan hoang đầy xáo trộn. Nhiều gia đình đã theo đường di tản kịp ra đi. Hàng triệu người kẹt lại trong tâm trạng nhốn nháo, bất an, thấp thỏm đợi chờ những cái gì bất trắc sẽ ụp tới.

Rồi cán bộ CS tràn ngập đường phố. Người ở Rừng ra. Người ở Bắc vào.

Sài Gòn bỗng trở nên một thành phố tập trung của đủ mọi loại người thuộc hai chế độ hoàn toàn cách biệt. Từ dáng vẻ cho đến y phục. Từ giọng nói đến từ ngữ sử dụng. Cách nghĩ, cách nhìn cũng khác. Nhưng cái khác biệt nhất vẫn là ở vị trí của mỗi người. Bên được. Bên thua. Bên hớn hở, tươi cười. Bên e dè, sợ sệt. Có cả sự khinh miệt lẫn nhau tìm thấy ở cả hai bên.

Và trong cái bầu không khí có thể gọi là hỗn mang đó, dần dần xuất hiện những mẫu người mà thời thế đã khiến họ bỗng nhiên phải đổi khác. Cứ như những người bình thường đang phải tự sắm lấy vai trò của chính mình trên sân khấu .

Có thể kể đến Nguyệt, nữ sinh viên Văn khoa Sài Gòn, người mau chóng hòa nhập vào nếp sống mới, đến Vũ một sinh viên Y khoa thiên tả, đã từng ra bưng và nay trở lại Sài Gòn, đến Toàn, một Thiếu úy Bộ binh VNCH vì bị thương ngoài trận địa nên giải ngũ sớm và nay là một công nhân trong một cơ sở ấn loát, đến ông Hồng Phát nhà tư sản, chủ một nhà in, đến Sáu Thu, cán bộ Công đoàn từ miền Bắc mới vào và Năm Tỏa, một cán bộ thuộc Mặt Trận Giải Phóng ở Rừng ra.

Những nhân vật ấy được phác họa qua hình thức tiểu thuyết trong truyện dài Mồ Hôi Của Đá do Tủ sách Cành Nam ở Hoa Kỳ in năm 1988.

Nhìn lại cung cách ứng xử của họ, cùng với những lý luận chính trị mà họ đã từng đem phổ biến rộng rãi ở khắp miền Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ, ta có dịp đối chiếu với thực trạng của xã hội VN bây giờ để thấy, thì ra sau hơn 30 năm trời ra sức bắt mọi người oẳn lưng ra để xây dựng xã hội mới nhưng đấy cũng chỉ là chuyện đạp đổ một chế độ này để thiết lập một chế độ khác mà thực chất còn tồi tệ hơn rất nhiều.

.....................................

Vũ: Cán bộ Thành Đoàn Thanh Niên

Nguyệt: Nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn

Kể từ ngày nhà in hoạt động trở lại khoảng hai tháng sau này 30 tháng 4, ông Hồng Phát lúc nào cùng có thái độ của một con mèo bị bẹp tai. Ông bãi bỏ hẳn những buổi dẫn lũ lượt vợ chồng con cái đi ăn điểm tâm buổi sáng ở ngoài tiệm. Ông cũng không dám sắm cho mình một chiếc xe Honda mới thay thế cho chiếc xe hơi bóng lộn giờ này đang nằm phủ bụi trong garage. Mỗi lần phải chạy công việc, ông chỉ dùng chiếc mobylette cũ kỹ mà lúc nổ máy, ông phải dựng nó lên, còng lưng đạp sợi dây xích đến năm bẩy vòng. Mỗi lúc như thế, mặt của ông đỏ rần, mồ hôi vã ra đầm đìa trên vai áo, cái bụng phì nộn của ông như muốn thắt lại. Nó làm cho ông có cái cảm giác đau đớn như bị ai bóp ở chính giữa khúc ruột. Tình cảnh ấy làm ông muốn phát khóc, nhưng ông lại phải cố nở một nụ cười. Cái cười nửa chừng nửa đoạn ấy nó làm cho hai bên má của ông rúm lại, vành môi trở nên méo sẹo đi. Ông cũng biết nó là vô duyên nhưng đâu có cách nào hơn. Ông tự nghĩ Cách mạng đã về rồi, nhăn nhó than phiền là có thái độ chống phá. Chống phá là bỏ mạng!

Cái dĩ vãng giàu có của ông luôn luôn ám ảnh ông và bắt ông phải chịu đựng ngay cả những cái mà nhiều người khác không thấy cần phải đặt thành vấn đề. Ở trong nhà in, mọi công việc bây giờ gần như đã có bàn tay của Nguyệt nhúng vào. Nhiều lúc bận rộn, nàng không muốn thế, nhưng bao giờ ông Hồng Phát cũng đẩy việc qua phía nàng:

- Cái này phải hỏi ý kiến cô Nguyệt.

- Cái này phải đợi cô Nguyệt thông qua.

Bề ngoài thì Nguyệt cứ làm bộ dẫy nẩy lên, nhưng bên trong nàng không khỏi che giấu được sự thỏa mãn, tự ái được vuốt ve, vừa trên phương diện quyền hành, vừa trên phương diện nhiệm vụ. Hôm chia tay ở Thành Đoàn Thanh Niên, Vũ đã ân cần dặn Nguyệt :

- Nguyệt phải tranh thủ thấu triệt mọi cơ cấu điều hành ở nhà in Hồng Phát. Càng đi sâu được chi tiết chừng nào càng tốt chừng đó. Phải từng bước giành lấy quyền chủ động trong mọi khâu, từ quản lý, sản xuất đến khâu kiểm tra, phân phối. Bên cạnh đó là phải nắm vững tình hình tư tưởng và tác phong của các công nhân, đặc biệt là thành phần công nhân trẻ để chuẩn bị địa bàn cho việc tiến tới thành lập Chi đoàn Thanh Niên ở đó. Nhiệm vụ của Nguyệt cực kỳ khó khăn, nhưng tôi tin chắc Nguyệt sẽ làm được.

Nói rồi Vũ xòe tay ra nắm lấy bàn tay mịn màng có những ngón thuôn dài trắng muốt của Nguyệt. Đôi hàng mi của Nguyệt chớp mau và trong một thoáng, nàng chợt bắt gặp lại mối cảm xúc đã chôn vùi trong vùng kỷ niệm sâu thẳm của lòng nàng.

Hồi đó Nguyệt mới chỉ là cô nữ sinh lớp đệ Nhị của trường trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng. Vũ đang theo học năm thứ ba ở đại học Y khoa. Hai người quen nhau do một đêm đại hội văn nghệ tất niên tổ chức ở trường Luật. Mối giao hảo của Nguyệt với Vũ mới chỉ trong vòng e lệ, tìm hiểu nhau bước đầu. Rồi thì đột nhiên Vũ có quyết định bỏ học ra bưng. Thì ra chàng đã có dính líu sâu đậm với một nhóm sinh viên thiên tả và việc rũ bỏ mọi dính líu đến đời sống phồn vinh ở Sài Gòn chỉ là một bước tất yếu phải tới.

Hôm từ giã Nguyệt lần cuối, Vũ cũng nắm lấy bàn tay búp măng thuôn dài của Nguyệt và nói:

- Anh rất tiếc không thể chia sẻ với Nguyệt tất cả những ý nghĩ của anh. Nhưng anh tự cho rằng việc rời bỏ Sài Gòn là một quyết đinh sáng suốt. Bởi vì ít ra nó cũng tước bỏ cho anh những cảm giác ngột ngạt, những đêm ray rứt mất ngủ và thỏa mãn phần nào chí hướng mà anh quyết định theo đuổi. Anh chúc Nguyệt ở lại bình an và may mắn trong mọi dự định xây đắp hạnh phúc cho cá nhân mình.

Bẵng đi hơn sáu năm Vũ mới trở lại Sài Gòn. Giữa bầu không khí ngột ngạt của một thành phố vừa sụp đổ. Chàng tìm gặp lại Nguyệt ở giờ tan sở làm và kéo nàng vào quán cà phê ở một khu phố khuất nẻo. Trông Vũ hơi già hơn trước, nước da sạm nắng, dày dạn phong sương. Đôi mắt sáng hơn trước và nụ cười thì vẫn tươi tắn ngạo nghễ như ngày nào.

Nguyệt nói ngay :

- Em cứ tưởng anh đã quên phứt em rồi ấy chứ.

- Làm gì có chuyện ấy! Mà trái lại, anh luôn luôn mang theo hình ảnh của em trên đường công tác. Em không thể biết được rằng những lúc anh phải trực diện với những nỗi khó khăn, những gian lao cực khổ, chính hình ảnh của em đã an ủi anh rất nhiều.

Nguyệt cười reo lên :

- Anh đừng có bày đặt mầu mè với em nhé. Những người đã đi làm cách mạng làm gì còn có chỗ chứa đựng tình cảm riêng tư.

Mặt Vũ hơi sầm lại. Chàng nói bằng giọng gay gắt :

- Em quan niệm thế nào là một con người cách mạng ? Bộ họ là gỗ, là đá hay là thú vật hay sao mà không có tình cảm riêng tư ?

Nguyệt hơi sợ hãi trước cơn nóng nảy ùa đến bất tử của chàng. Nàng đang định tìm một lời nào đó đế chống đỡ nhưng vì kiếm không ra nên đành cứ ngồi lặng đi, giương đôi mắt thật to với những tia bối rối lên nhìn chàng. Nhưng vẻ mặt của Vũ đã dịu xuống. Trong ánh mắt của chàng thoáng một vẻ hối tiếc. Rồi trầm ngâm một lát, chàng mới cất giọng :

- Thế hệ của chúng ta dưới ảnh hưởng của những thế lực chính trị đã tràn đầy những ngộ nhận. Thậm chí còn nhìn nhau như những kẻ thù. Nhưng bây giờ đất nước đã hoàn toàn được giải phóng, mọi thế lực phản động trên cơ bản đã bị quét sạch. Do đó chúng ta còn có đủ thì giờ và điều kiện để xây dựng lại tất cả những gì đã đổ vỡ.

Nguyệt hỏi :

- Anh dùng chữ "chúng ta" theo ý nghĩa nào ? Đương nhiên là không thể có em trong đó rồi. Bởi lẽ dễ hiểu là em đâu có theo anh ra bưng đi làm Cách mạng!

Vũ xoay lại tư thế ngồi của mình. Chàng nhích cái ghế tới gần mép bàn hơn, và chàng say sưa nói :

- Đấy là một nhận thức vô cùng lầm lẫn mà chúng mình phải thảo luận cho ra nhẽ. Có một điều hết sức khẳng định mà em cần phải ghi nhớ. Đó là đất nước này, quê hương này không phải của riêng ai. Nó là tài sản chung của tất cả mọi người và ai cũng có phần trách nhiệm của mình ở trong đó, tùy theo cương vị và khả năng của mỗi người. Những người đi làm cách mạng cũng chỉ là đóng góp phần trách nhiệm của mình. Sau bao nhiêu năm gian khồ, họ đã đem lại cho quê hương được một số thành quả. Trước mắt là chiến tranh đã chấm dứt, các thế lực phản động đã cuốn gói bỏ chạy. Bây giờ mình đã thực sự làm chủ đất nước của mình. Nhưng còn biết bao nhiêu là điều khó khăn đang tồn tại, những nỗi khó khăn còn chồng chất gấp bội so với thời kỳ phải cầm súng chiến đấu. Và như thế, đã đến lúc tất cả mọi người đều phải góp phần của mình, dần dà từng bước một giải quyết những khó khăn đó.

- Nói như anh thì tất cả những người thuộc chế độ cũ đều có một chỗ đứng trong xã hội mới hay sao ?

Vũ đập tay nhẹ xuống bàn như để tiếp sức cho lời nói khẳng định của mình :

- Cơ bản là như thế ! Nhưng có một điều phải chỉ rõ ra ngay để em nắm vững. Đó là sự kết hợp nỗ lực của toàn thể mọi người phải được chỉ đạo rõ rệt, có tổ chức, có mức độ chứ không phải là một sự kết hợp ôm đồm, bừa bãi, mất cảnh giác. Thành quả cách mạng tuy hết sức to tát, rực rỡ nhưng vẫn còn non yểu. Em hẳn đã thấy rõ điều đó. Và đó là lý do mà chính quyền cách mạng bắt tất cả mọi quân nhân, công chức đi học tập cải tạo?

Nguyệt hơi giật mình, nhưng chỉ ngước mắt lên nhìn Vũ như dò hỏi. Vũ hăng hái tiếp:

- Phải nói là họ "được" đi học tập cải tạo thì đúng hơn. Có ba điều lợi ích cơ bản cho chính cá nhân họ: Một là họ có cơ hội được học tập về đường lối, chủ trương và cơ cấu tổ chức của xã hội mới, qua đó họ có thể xác định vị trí thuận lợi của mình trong việc đóng góp khả năng vào công cuộc xây dựng xã hội mới; hai là thông qua quá trình lao động sản xuất, họ có cơ hội gỡ bỏ những tàn tích cũ để tạo thuận lợi cho sự chuyển hóa nhận thức của mình; ba là sau học tập họ không còn bị ràng buộc bởi những mặc cảm tội lỗi để sẵn sàng một tâm lý hồ hởi bước vào cuộc sống mới, chung vai góp sức với tất cả mọi người.

Nguyệt rụt rè :

- Em nghe nói sẽ có một cuộc tắm máu vĩ đại.

Vũ lại đập tay lên bàn, lần này còn mạnh mẽ hơn lần trước:

- Tầm bậy! Đó chỉ là lời lẽ đồn đại xuyên tạc của những tàn dư phản động cổ gắng vớt vát phá hoại trên đường tháo chạy. Rồi em sẽ thấy Cách mạng VN rất sáng suốt. Sáng suốt gấp bội lần cách mạng đẫm máu của Kampuchia hay Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc.

Câu chuyện giữa hai người cứ thế xoay quanh những đề tài đang còn nóng hổi trước mắt. Vũ đã lần lượt trả lời tất cả những câu hỏi nhất thời Nguyệt có thể đặt ra trong lúc đó. Lúc chia tay, trời đã tối mịt. Vũ dúi vào tay Nguyệt một xấp tài liệu và căn dặn nàng hãy để thì giờ đọc cho kỹ lưỡng. Đó là một tập giấy in ronéo đã cũ kỹ dầy khoảng chừng hơn tám chục trang, có tựa đề " Từ cuộc Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân đến cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa".

Đêm hôm ấy, Nguyệt chong đèn thâu đêm để nghiền ngẫm nội dung xấp tài liệu này. Bản chất ham đọc sách, ham tìm hiểu vốn đã có sẵn ngay từ khi nàng còn đi học. Cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ, nàng vẫn đang còn là một sinh viên lòng đầy nhiệt thành, có một đôi chút lý tưởng, quá khứ không bị quyền lợi hay danh vọng nào ràng buộc. Quả thực Vũ đã chọn đúng đối tượng để gieo lên những nhân tố chuẩn bị cho công cuộc xây dựng một xã hội mới. Hơn thế nữa, Nguyệt lại đang sinh hoạt trong một cơ sở ấn loát với tư cách của một nữ công nhân. Cái này là do công lao sắp xếp của Toàn.

Toàn quen Nguyệt trong một buổi đại hội cuối năm do đại học Văn Khoa tổ chức. Hồi đó Nguyệt đang là sinh viên. Còn Toàn thì thuộc thành phần Thiếu úy Bộ binh bị thương và giải ngũ trước ngày Sài Gòn sụp đổ hơn ba năm. Đó là lý do Toàn không phải trình diện học tập cải tạo. Hồi mới xuất ngũ, Toàn nhờ quen biết gia đình ông Hồng Phát nên được đưa vào học nghề sắp chữ ở nhà in.

Chàng vừa đi làm vừa học thêm ở đại học Luật. Toàn có giọng ngâm thơ rất quyến rũ nên rất dễ nổi đình nổi đám trong đám đông. Tình bạn nẩy nở giữa hai người chẳng mấy chốc trở thành tình yêu. Nguyệt thấy rõ hình ảnh của Vũ ( người đã có thời làm trái tim của Nguyệt xao động) nay đã trở thành một cái bóng mờ. Mà hai người hồi đó đã tỏ tình hay hứa hẹn gì với nhau đâu !

Tình yêu với Toàn kéo dài được gần hai năm thì xẩy ra biến cố 30 tháng 4. Lúc đó đại học Văn Khoa đã ngừng giảng dạy. Sinh viên chỉ lui tới để học tập hay sinh hoạt. Còn Toàn thì vẫn tiếp tục công việc ở nhà in. Nguyệt than thở với Toàn :

- Em chán lui tới cái ngôi trường Vãn Khoa ấy rồi. Ngành nghề gì thì chế độ mới cũng còn có thể chấp nhận được chớ cái ngành Văn Khoa này thì chắc chắn sẽ bị liệt vào đầu sổ bị tém dẹp.

Toàn liền rủ Nguyệt đi làm ở ngành in :

- Anh có thể nói với ông Hồng Phát cho em một chỗ làm ở dàn montage. Công việc chỉ là ráp nối những hình ảnh, những cột bài vào chung một tấm nền bằng nylon cỡ lớn trước khi đem nó chụp ra phim rồi in ra bản kẽm. Việc này chỉ cần khéo tay và có óc mỹ thuật là đủ. Mà những thứ đó thì em dư sức qua cầu.

Thế là Nguyệt nghiễm nhiên trở thành công nhân của nhà in Hồng Phát cho đến khi Vũ đến tìm gặp và đưa nàng vào khúc quanh của thế giới nhận thức mới. Nàng đã gặp Vũ nhiều lần. Thường thì ở ngay lại căn nhà xinh xắn của Nguyệt nơi nàng sống với cha mẹ và một đứa em trai.

Ba của Nguyệt là một công chức đã hồi hưu. Mẹ của Nguyệt có một sạp bán vải trong chợ Bến Thành. Gia đình vẫn được kể là sung lúc vì cho tới lúc đó Ủy ban Quân quản Thành phố vẫn chưa đả động gì tới chuyện kiểm kê. Nguyệt có đầy đủ điều kiện để làm công việc "ăn cơm nhà - vác ngà voi" mà không phải bận tâm gì đến sinh kế cả.

Nàng đã tiến hành mọi công tác theo đúng chỉ thị của Vũ với những thành quả phải được kể là xuất sắc. Nhà in Hồng Phát hoàn toàn thay đổi từ hình thức đến nội dung. Lực lượng công nhân trẻ đã đứng lên nắm quyền làm chủ cơ sở này. Họ đã có được một Chi đoàn Thanh Niên, một đội phòng cháy chữa cháy, một ban vãn nghệ nghiệp dư và một đội ngũ thể thao vừa bóng đá vừa bóng truyền. Tuy nhiên Vũ đã nói với Nguyệt:

- Đấy mới chỉ là những bước sơ khởi buổi đầu. Bước chuẩn bị để đưa cơ sở này vào quỹ đạo của Xã Hội Chủ nghĩa.

Nguyệt ngây thơ hỏi :

- Ủa ! Thế mọi sắp xếp, mọi tổ chức mình đã thực hiện cho tới nay chưa gọi là "làm" xã hội chủ nghĩa à?

Vũ bật cười :

- Rõ ra là từ nhận thức cho tới bước vận dụng nhận thức vào thực hành còn là một khoảng cách khá dài. Em đã đọc bao nhiêu tài liệu học tập mà còn chưa nhận ra rằng sự tồn tại của một cơ sở in ấn kiểu như thế này sẽ là một chướng ngại cho công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa hay sao?

Mặt Nguyệt nghệt ra một cách thành thực. Thế thì khó thật chớ bộ giỡn chơi sao ? Tuy nhiên, Nguyệt đủ tinh tế để vận dụng một ánh mắt long lanh, một nụ cười rất hồn nhiên để biến cái ngu si yếu kém của mình thành một trạng thái ngây thơ vô số tội.

Vũ hình như không đủ nhậy bén để nhận ra điều đó. Chàng nhìn Nguyệt bằng ánh mắt thông cảm rồi tiếp tục giảng giải :

- Như em đã học tập về những đặc điểm của nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa thì phải biết rằng chế độ công hữu Xã hội Chủ nghĩa về tư liệu sản xuất sẽ tồn tại dưới hai hình thức: một là Sở hữu Toàn dân và hai là Sở hữu Tập thể chứ ?

Nguyệt reo lên như một cô học trò được thầy giáo truy bài đúng cái "tủ" mà mình đã chuẩn bị sẵn. Nàng tiếp lời Vũ một cách thao thao:

- Phải rồi. Những tư liệu sản xuất trong các ngành có tính cách quyết định như năng lực, vận tải, giáo dục... thì nhất thiết phải tập trung dưới hình thức sở hữu của toàn dân mà chế độ cũ còn gọi là quốc hữu hóa. Còn những tư liệu sản xuất thuộc những ngành nghề khác thì có thể du di hoặc toàn dân hoặc tập thể như kiểu Hợp Tác Xã hay Tổ hợp.

Vũ nheo mắt với Nguyệt và nói :

- Thế thì theo em, các cơ sở ấn loát ở thành phố này sẽ là sở hữu toàn dân hay sở hữu tập thể?
Nguyệt suy nghĩ một giây rồi đáp:

- Ấn loát là một khâu quan trọng trong công lác tuyên truyền, giáo dục. Em không rõ là...

Vũ đáp lời ngay:

- Em không rõ cũng phải. Vì đây là vấn đề sách lược. Các đồng chí ở "trên" nhận định rằng khi cuộc cách mạng đã thành công thì nhiệm vụ tổ chức, quản lý xã hội so với nhiệm vụ trấn áp sự phản kháng của giai cấp bóc lột và sự đấu tranh đề xóa bỏ những giai cấp ấy còn to lớn hơn và phức tạp hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là phải tổ chức lại toàn thể cơ cấu xã hội cũ, tạo ra những hoàn cảnh, những điều kiện, những biện pháp, những lực lượng để cho giai cấp tư sản không thể tồn tại và cũng không thể có cơ hội ngóc đầu trở lại được.

Nguyệt rụt rè :

- Thế nghĩa là sẽ có đấu tố, bắt bớ, giam cầm...

Vũ nhích một nụ cười mang đầy một vẻ lạnh lùng, bí hiểm:

- Ở một mức nào đó thì đúng. Nhưng cái này thì phải chờ những kế hoạch, những chỉ thị cụ thể mới rõ hết được. Trước mắt là ta phải tạo ra những điều kiện thuận lợi để chuẩn bị cho công cuộc tiến hành những chỉ thị, những kế hoạch do trên sẽ đề ra. Nói riêng, trong phạm vi nhà in Hồng Phát, thời gian vừa qua là chỉ mới tạo được một Chi đoàn thanh niên, tức là một mũi nhọn xung kích trong tay những thành phần trẻ. Bước đi tới là phải mở rộng tổ chức để quy nạp mọi lứa tuổi, không chỉ là tuổi thanh niên. Nói cụ thể hơn, là đã tới lúc ta phải thiết lập một đơn vị của Công đoàn công nhân gọi là Công đoàn cơ sở.

Nguyệt bỗng cảm thầy tim đập rộn lên như một kẻ đang đi trên một con đường xa lạ bỗng gặp một khúc quanh mới. Vũ tiếp :

- Trên đánh giá rất cao những thành quả do em đã đạt được trong thời gian qua. Vì thế em lại được trao nhiệm vụ hợp tác với Công Đoàn Quận để tiến hành công tác thành lập Công đoàn cơ sở này.

Nguyệt kêu lên một cách thành thực :

- Em có biết một tí gì về công tác Công đoàn đâu ?

Vũ mỉm cười :

- Đừng lo. Em sẽ tham dự một khóa huấn luyện do Công đoàn Quận tổ chức. Sau đó, mình sẽ phối hợp để hoạch định những việc cụ thể. Theo chỉ thị của trên, công tác thành lập Công đoàn cơ sở phải hoàn tất vào cuối tháng sáu năm nay.

Nguyệt ngần ngừ:

- Anh có thể cho em thì giờ để em suy nghĩ được không ?

- Còn suy nghĩ gì nữa ! Con đường đi tới của em đã mở rộng.

- Chính vì thế mà em thấy sợ. Thú thật với anh, em mới chỉ đặt chân vào công tác hoạt động đoàn thể trong vòng mấy tháng nay. Trình độ nhận thức cũng như kinh nghiệm em hoàn toàn non kém...

Vũ vỗ nhẹ lên vai nàng :

- Đừng lo ! Mọi sự "trên" đã tính toán hết. Vả chăng em đâu có sinh hoạt một mình. Còn có tổ chức hỗ trợ. Còn có anh...
***
Lúc chia tay với Vũ, Nguyệt vẫn không ngớt hoang mang, hồi hộp. Nàng ra bờ sông ngồi thừ trên ghế đá để suy nghĩ về chính mình. Nàng tự kiểm điểm lại những công việc đã thực hiện và tự đánh giá về khả năng của chính mình. Nói chung, nàng tự thấy chưa có một công tác nào vượt quá khả năng. Lý luận chính trị với cái đám công nhân ồn ào lố nhố như đàn vịt thì cũng chỉ cần có ngần ấy. Những tài liệu học tập nàng đã đọc qua thừa đủ giúp nàng số vốn liếng trình bày trước đám đông mà không sợ đi ra ngoài lập trường cơ bản.

Chỉ có một thắc mắc lớn lao mà Nguyệt đã nhiều lần tra vấn nhưng chưa bao giờ nàng tìm được câu trả lời thỏa đáng. Đó là tại sao nàng lại dấn thân một cách dễ dãi vào công việc mà nhiều người không thích nhẩy vô, kể cả Toàn ? Bị Vũ lôi cuốn chăng? Hay là trước một khung cảnh hoàn toàn đổi mới của quê hương sau những năm dài chiến tranh, tuổi trẻ như Nguyệt mong muốn đóng góp một cái gì cho đất nước ? Hay là nàng đã bị lôi cuốn bởi tiếng gọi của quyền lực ? Ừ, điều khiển và nắm quyền sắp xếp, chỉ định toàn bộ công nhân trong một cơ sở ấn loát cũng là một thứ quyền lực đấy chứ ! Chưa bao giờ Nguyệt tìm ra một câu trả lời đích đáng cả và nàng cho rằng có lẽ tất cả những lý do nêu ra ở trên đều đúng. Mỗi thứ đều góp phần vào sự chọn lựa của nàng.

Và bây giờ thì Nguyệt biết chắc một điều là nàng đã nhập cuộc, đã lọt vô guồng máy và đang bị guồng máy đó kéo đi. Đi đến đâu ? Nguyệt không thể biết. Nàng chỉ có cảm giác mơ hồ như mình đã dại dột cầm lên một lưỡi dao sắc lẻm trong tâm trạng của một kẻ nửa tự tin ở chính mình, nửa thì lo sợ vẩn vơ không biết lúc nào lưỡi dao sẽ trở đầu, quay lại xả thịt chính mình.

Nhưng Nguyệt đã cố tự trấn áp để đè xuống những nỗi lo sợ không tên đó. Nàng chép miệng, tự nói một mình:

- Kệ ! Tới đâu thì tới !
Nhân vật đến từ miền Bắc :

Cán bộ Công đoàn Sáu Thu.

Người phụ trách giảng dạy đề tài chính yếu trong lớp huấn luyện ở Quận Đoàn mà Nguyệt tham dự là ông Sáu Thu. Ông này cao dong dỏng, cử chỉ nhanh nhẹn, miệng luôn luôn tươi cười, cặp mắt có lúc rất sắc, rất dữ, có lúc lại đầy một vẻ khoan hòa, ngu ngơ, khiến có lúc Nguyệt đã tự nhủ thầm : "Cán bộ Cộng sản trung kiên có chung một đặc điểm là ở cặp mắt. Nói là láo liên thì không đúng hẳn nhưng nó chất chứa một vẻ gì bí hiểm và luôn luôn có ý đồ ".

Ở đây, ông Sáu Thu cũng thế. Ông ta bước lên bục giảng, nhìn mọi người với ánh mắt tươi cười nhưng khó che giấu được những ánh mắt chớp rất nhanh, đảo qua một lượt, từ học viên ngồi ở hàng ghế đầu đến những người còn đứng lố nhố ở hàng ghế cuối. Nguyệt có cảm giác như trong một giây đồng hồ thoáng qua, ông ta đã ghi gói được nhiều điều đánh giá sơ khởi về đám đông tạp nhạp đang chờ đợi ông ta cất lời.

Ông ta gọi mọi người là "các đồng chí "! Điều này chứng tỏ thành phần tham dự lớp học là những người đã được chọn lọc. Như Nguyệt thì được chọn từ nhà in Hồng Phát. Nàng liếc nhìn quanh để quan sát những người "được chọn" như mình. Có vài ba ông già bà già, một số là thanh niên thiếu nữ trẻ, còn kỳ dư là những công nhân tuổi trung niên như hầu hết các công nhân ở Sài Gòn trước đây mà Nguyệt đã từng gặp.
Trên hàng ghế đầu còn có vài ba người khác, dáng ốm yếu, vai co ro, cổ lại quàng thêm cái khăn rằn ri dù trời nóng. Vẻ ốm yếu, xanh xao đi cùng với cái khăn rằn ri bây giờ như một biểu tượng của vinh quang, một dấu hiệu chứng tỏ mình là thành phần mới ở "R" tức ở Rừng về. Đám này hẳn là quan sát viên trên Thành Ủy hay ít ra cũng là vài thành phần của ban tổ chức lớp học.

Giọng của ông Sáu Thu rõ ràng, rành mạch. Có thể nói là sang sảng, biểu lộ một sự vừa tự tin vừa kiêu hãnh. Không kiêu hãnh sao được, khi ở đây, ông ta là đại diện cao cấp duy nhất của phe vừa chiến thắng.

Không một mảnh giấy trong tay, ông ta nói liên lục, nói dễ dàng như một nguồn nước tuôn chảy. Là đại diện của Công đoàn, dĩ nhiên đề tài thuyết trình xoáy mạnh vào vai trò và nhiệm vụ của giai cấp công nhân. Nào là công nhân là giai cấp tiên tiến nhất, có linh thần cách mạng triệt để nhất, có ý thức tổ chức kỷ luật cao nhất và do đó có khả năng lãnh đạo toàn thể nhân dân lao động trong tất cả mọi cuộc đấu tranh giành chính quyền và xây dựng Chủ nghĩa Xã Hội.

Nguyệt hí hoáy ghi chép như một cô học trò chăm chỉ. Điều này vô tình khiến cho nàng tự nhiên nổi bật giữa đám người lố nhố ngồi chung quanh. Bởi vì mọi người quanh nàng không có ai ghi chép cả, hay nói đúng hơn, không ai có khả năng ghi chép cả. Giai cấp công nhân là "giai cấp tiên tiến nhất" như ông Sáu Thu vừa hô hoán lên, thực ra ở đây chỉ là những ông bà cụ hiền lành, ngơ ngác, những bác, những dì quanh năm làm lụng vất vả, có lẽ trong đời ít có cơ hội cầm đến mảnh giấy hay cây bút. Cho nên những điều mà ông Sáu Thu thao thao giảng dạy áp dụng vào hoàn cảnh ở đây có vẻ mang một tính cách gì trái khoáy.

Ông ta đã giảng một bài học với những từ ngữ rổn rảng vượt lên trên trình độ của mọi người, trừ Nguyệt. Mà truy cho cùng, Nguyệt đâu có phải là một kẻ xuất thân từ giai cấp công nhân ! Nhưng hình như ông Sáu Thu không nhận ra được điều đó. Sự chăm chỉ ghi chép của Nguyệt (hay sắc đẹp rực rỡ của Nguyệt ?) đã khiến cho ông càng lúc càng cao hứng hơn.

Cái nhìn của ông xuống hàng cử tọa trước còn trải đồng đều ra khắp lớp học nay đã có khuynh hướng cứ dần dần tập trung về mỗi một phía có Nguyệt ngồi. Ngôn ngữ của ông cứ mỗi ngày một hoa mỹ hơn, kêu rổn rảng hơn. Ông nói :

- Trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăng-ghen đã chỉ rõ rằng "Trong tất cả các giai cấp đối lập với giai cấp tư sản, chỉ có giai cấp vô sản là thực sự làm cách mạng". Điều này tuyệt đối đúng, vì dưới chủ nghĩa tư bản, sự phát triển của nền đại công nghiệp làm cho giai cấp nông dân là những người sản xuất nhỏ, ngày càng phá sản và số đông bị đẩy xuống hàng ngũ của giai cấp vô sản. Trong khi đó, giai cấp vô sản chúng ta ngày càng lớn mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng. Chúng ta là sản phẩm của nền công nghiệp lớn và gắn liền với sự phát triển của công nghiệp lớn. Chúng ta sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản và sáng tạo nên nền văn minh mới Xã Hội Chủ Nghĩa.

Cho đến bây giờ, do ý thức bén nhọn thiên phú của một người đàn bà thông minh, Nguyệt đã biết rằng ông Sáu Thu đã mê mệt vì sắc đẹp của mình. Chắc chắn ông ta thừa hiểu nhtrng ngôn từ đại loại như vừa kể trên không mảy may đáp ứng được gì cho những đối tượng hiền lành, chất phác, ít học đang ngồi há hốc ra nghe mà không hiểu được gì. Như thể ông nói chỉ để có một mình Nguyệt nghe. Và ông ta rất hài lòng khi thấy Nguyệt đã tỏ ra rất chăm chú trước những lời giảng giải của mình.

Đến phần nêu câu hỏi, Nguyệt bầy tỏ thắc mắc của mình :

- Thưa giảng viên, như tôi được nghe giảng viên trình bầy. Giai cấp công nhân vô sản là sản phầm của nền đại công nghiệp. Tuy nhiên ở nước ta, chúng ta đã có một nền đại công nghiệp hay chưa? Ngoài miền Bắc thì tôi chưa biết thế nào, nhưng ở miền Nam thì tuyệt đại đa số các lãnh vực sản xuất đều vẫn là sản xuất nhỏ. Theo cách diễn tả bây giờ thì gọi là manh mún, tản mạn. Như vậy thì những công nhân ở miền Nam được xếp vào vị trí nào ? Họ đã được coi là những người trong hàng ngũ vô sản hay chưa ?

Ông Sáu Thu là một người có bản lãnh. Ông che giấu được một cách tuyệt đối cái sự choáng váng vì vừa bị một con nhỏ xinh như mộng của miền Nam táng một búa vào bài giảng thao thao mà ông vừa chấm dứt. Ông chậm rãi nâng ly nước lạnh để ở mép bàn lên nhấp một ngụm rồi mới khởi sự trả lời câu hỏi Nguyệt bằng một tiếng cười khà nghe đầy vẻ bình dị và thoải mái.

Rồi ông nhìn thẳng về phía Nguyệt. Đấy là lần đầu tiên ông được nhìn Nguyệt một cách tự nhiên mà không sợ ai có một thắc mắc lợn cợn nào. Ông chậm rãi trả lời Nguyệt, với một giọng cố gắng che giấu sự lúng túng của mình:

- Đồng chí... đồng chí gì nhỉ ?

- Dạ…Nguyệt.

- À…đồng chí Nguyệt ! Đồng chí vừa nêu một câu hỏi hết sức…hết sức xác đáng. Nó gắn bó sâu sát với đề tài học tập hôm nay. Phải rồi ! Đúng rồi ! Miền Nam chưa có nền sản xuất lớn. Làm sao có nền sản xuất lớn được khi mà Mỹ, Ngụy dồn tất cả tài nguyên vào chiến tranh.

Nguyệt ngắt lời :

- Ngoài miền Bắc cũng dành mọi nỗ lực cho chiến tranh vậy !

Ông Sáu Thu đảo một ánh mắt nhanh như chớp và sắc lẻm như lưỡi gươm về phía Nguyệt, nhưng giọng của ông ta vẫn đầy vẻ ôn tồn:

- Đúng về hiện tượng nhưng khác về bản chất, cô Nguyệt à !

Nguyệt nhận ra ngay cái sự ông ta vừa đổi cách xưng hô với mình, nhưng nàng vẫn bình tâm nghe ông ta nói tiếp:

- Trong Nam, Mỹ và những đồng minh các nước tay sai nếu có chi viện cho chính phủ Sài Gòn thì chỉ là sự chi viện nhằm tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược. Còn ở miền Bắc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em chi viện cho chúng ta lại vì những mục tiêu cao quí hơn nhiều. Này nhé ! Một mặt thì vẫn tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, một mặt thì vẫn ra sức giúp ta xây dựng tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa. Thế cho nên miền Bắc mới có khả năng xây dựng nền sản xuất đại công nghiệp. Mặc dù mới chỉ là bước đầu nhưng chúng ta cũng đã có những công trình như Thủy Điện Sông Đà nhớ, Kỹ nghệ Thép Thái Nguyên nhớ, Xí nghiệp Cao Su Sao Vàng nhớ…và nhiều cơ sở khác nữa đang bước vào nền sản xuất lớn Xã Hội Chủ nghĩa.

Ngừng một giây, lần này ông ta nhìn khắp lượt mọi người trong phòng học rồi lại tiếp:

- Tuy nhiên không phải vì miền Nam chưa có nền sản xuất đại công nghiệp như miền Bắc mà ở đây chưa có giai cấp công nhân. Có chứ ! Sao lại không ? Các bác, các chú, các dì, các anh chị em ở đây là thuộc về giai cấp công nhân chứ ! Nhưng là các công nhân ở vùng mới giải phóng. Các bác, các chú, các dì, các anh chị em còn cần phải học tập, nghiên cứu, trao đổi nhiều…nhiều nữa để nâng cao trình độ nhận thức của mình.

Thế là ông ta chuyển được câu trả lời của mình sang một hướng mới. Ông lại bắt đầu thao thao bất tuyệt về nhu cầu học tập và lao động để mọi người có thể nâng cao trình độ nhận thức và trình độ giác ngộ cách mạng của mỗi người.

Lúc tan buổi học, cả Nguyệt lẫn ông Sáu Thu đều cố ý nán lại để có cơ hội trao đổi thêm. Ông ta khen Nguyệt :

- Thắc mắc của cô rất hay. Nội dung của mỗi thắc mắc thường biểu lộ trình độ của mỗi người.

Nguyệt nhoẻn một nụ cười rất xinh :

- Cháu chả có trình độ gì hết đâu. Không biết thì cứ hỏi... đại à !

- Sao lại xưng cháu ! Tôi có già lắm không hả cô Nguyệt ?

Nguyệt đỏ mặt, tránh cái nhìn soi mói hơi có vẻ sỗ sàng của ông ta và ấp úng :

- Ông thì không già, nhưng trước người lạ... Nguyệt xưng cháu quen đi rồi.

Ông Sáu Thu làm ra vẻ bùi ngùi :

- Cô có cái tên thật hay và làm tôi nhớ tới đứa em gái của tôi. Nó cũng tên Nguyệt. Nó đã bỏ mình vì bom Mỹ trong trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà nội năm 1972.

Lời nói này khiến Nguyệt thừa hiểu là ông hàm ý muốn ám chỉ rằng Nguyệt chỉ đáng tuổi em gái của ông ta mà thôi. Tuy nhiên nàng cũng nói một cách trống không:

- Tại có quá nhiều thắc mắc mà nhiều khi không biết hỏi ai. Lại cũng có khi nêu thắc mắc ra rồi, người ta không hiểu lại cứ tưởng mình cố tình phản động.

Ông Sáu Thu trợn mắt :

- Đâu mà lại có thể đánh giá một cách giản đơn như vậy được ! Người nêu thắc mắc là người có thiện chí muốn học hỏi. Vả chăng, càng nêu thắc mắc thì người giảng viên càng có cơ hội giúp học viên đào sâu trình độ nhận thức của mình. Cô Nguyệt đừng ngại. Bất cứ lúc nào, bất cứ thắc mắc gì mà cô thấy lấn cấn thì cứ việc tìm tôi mà hỏi.

Nói rồi ông ta sốt sắng lấy giấy bút ghi cho Nguyệt cái địa chỉ liên lạc. Nét chữ của ông ta rõ ràng, sắc sảo. Nguyệt không chú ý đến cái địa chỉ, số nhà và số dây nói bằng cái danh vị của ông ta: Sáu Thu, bí thư Quận Ủy. Sau này, Nguyệt còn được biết thêm, ông ta là người của Thành uỷ gửi xuống tiến hành công tác tổ chức Công Đoàn cấp Quận. Có nghĩa là, ông ta thuộc giới lãnh đạo cấp cao, cao hơn Vũ một khoảng rất xa. Điều này dễ hiểu, vì ông ta là người từ miền Bắc vào và cũng là người tham gia cách mạng từ hồi năm 1945. Trong đa số cán bộ mà Nguyệt có cơ hội được tiếp xúc, nàng đánh giá Sáu Thu là một người học thức. Ông ta có chiều sâu của một người được đào luyện trong cả hai chế độ: nền giáo dục của Pháp trước năm 45 và nền giáo dục của xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa sau đó. Điều này lộ ra rõ ràng nhất ở cung cách ông ta ăn nói, từ ngữ mà ông ta dùng và nhất là sự nhạy bén tế nhị của một con người rất hiếm thấy trong hàng ngũ của các cán bộ.

Tuy nhiên, cảm tình của Nguyệt dành cho ông ta giảm đi rất nhiều vì đôi mắt vừa sắc vừa gian của ông. Khi cần đóng kịch, ông ta là một người hoàn toàn. Nhưng khi trở lại bản chất của chính mình, ông ta xuất hiện nguyên hình của một kẻ tàn nhẫn, trí trá và đầy tham vọng.

Nguyệt rất khó chịu và bứt rứt mỗi khi bắt gặp ánh mắt của ông ta nhìn chòng chọc vào bộ ngực căng phồng sau lần áo mỏng của mình. Điều này khiến cho Nguyệt bị mất đi rất nhiều tự nhiên và nó đào thêm một khoảng cách rõ rệt giữa hai người, mặc dù trong thâm tâm Nguyệt rất muốn làm quen với một nhân vật cỡ như ông ta. Trong cái xã hội mới đầy xa lạ và bất trắc này, càng giao du được rộng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên Nguyệt cũng đủ thông minh để nhận thấy chẳng có tình thân thiết đúng nghĩa nào nẩy nở được trong xã hội này. Mỗi người tự đi trên sợi dây của chính mình. Kẻ tốt lành thì cố kìm giữ cho đứng vững, kẻ bất lương thì tệ mạt hơn, còn tìm cách xô ngã người khác để giành chỗ rộng thêm cho mình.

Nguyệt vụt tìm ra nguồn gốc của những cơn sợ hãi vẩn vơ của mình. Nó đúng là cái cảm giác của một kẻ thấy rõ mình đang đứng trên một sợi dây căng mà lại không phải là một kẻ chuyên nghiệp đi dây. Nguyệt mới chỉ là một người tập sự chưa có một vốn liếng kinh nghiệm nào. Nguyệt tự nhủ, cung cách hay nhất là hãy giấu diếm những góc cạnh của mình đi để cứ tiếp tục đóng vai trò của một người ngu ngơ mới bước chân chập chững vào xã hội mới.

Về điểm này, nàng hoàn toàn chinh phục được lòng tin cậy của Vũ và Vũ rất chăm chỉ, tận tình chỉ dẫn cho nàng đến cả những tiểu tiết sơ đẳng nhất. Anh chàng đôi lúc tỏ ra si mê nhưng đều bị Nguyệt chặn lại đúng lúc. Trong cơn xáo động dữ dội của đời sống, Nguyệt có nhiều cái phải suy nghĩ, đối phó và hành động. Nàng không thấy cần thiết phải mắc míu vào một mối tình. Cho nên, biết Toàn xa lánh mình nhưng Nguyệt không tìm cách hàn gắn những đồ vỡ. Biết Vũ vẫn tạo dịp bầy tỏ nỗi lòng, Nguyệt chặn ngay lại để mối liên lạc giữa hai người không bị đẩy đi xa hơn.

Về một khía cạnh nào đó, Nguyệt cũng phải tự nhận ra rằng mình cũng có điểm lạnh lùng, tàn nhẫn và có tham vọng. Duy có điều tham vọng của nàng, cho tới nay chưa hiện ra rõ rệt. Nàng cũng không biết rằng hiện nay nàng đang làm gì và nhắm tới điều gì. Đấy phải chăng là một đức tính của tuổi trẻ. Lăn xả vào công việc mà không cần nghĩ đến sự đền bù. Cùng lắm, nếu có thất bại thì cũng là một cung cách để làm giầu kinh nghiệm cho chính mình.

Có lẽ chỉ có cách nhìn đó mới giải thích được hoàn cảnh của rất đông các thanh niên, nam nữ đang tham gia nồng nhiệt vào các sinh hoạt ở trụ sở Thành đoàn vào những ngày đầu sau khi Sài Gòn sụp đổ. Tuyệt đại đa số đều tham dự bằng tất cả lòng hăng say và nồng nhiệt. Họ khao khát một bầu không khí sinh hoạt trẻ trung và họ nghĩ rằng xã hội mới cũng sẽ đem lại cơ hội cho họ đóng góp được khả năng của mình. Đó là tâm tình của họ vào thời điểm ấy. Còn sau này, thực tế trả lời họ ra sao, lại là chuyện khác.
***
Toàn, Thiếu úy giải ngũ

Ông Năm Tỏa, nhân vật ở Rừng về .

Sau khóa học, Quận đoàn cử thêm một cán bộ Công đoàn về trực tiếp tham gia công tác tổ chức ở cơ sở nhà in Hồng Phát. Người ấy là ông Năm Tỏa. Ông này là người ở Khu về. Bệnh hoạn, ốm yếu. Bản tính xuề xòa dễ mến. Tuy nhiên, ông ta không phải là loại công nhân chất phác thuần tuý. Cứ theo cung cách nói năng và thái độ cư xử của ông, Nguyệt đoán chừng ông ta phải xuất thân từ thành phần có Tây học. Hôm họp tất cả công nhân trong nhà in lại để nghe ông ta phát động công tác tổ chức Công đoàn. Ông ấy nói :

- Thế này nhé ! Ngày trước thì giai cấp bóc lột không bao giờ quan tâm đến đời sống công nhân và tạo dựng những điều kiện để làm thăng tiến đời sống công nhân. Anh chị em ta nếu ai có ốm đau, bệnh tật thì chủ nhân xí nghiệp cũng chẳng thèm biết tới. Mà hễ cứ nghỉ ngày nào thì trừ lương ngày đó. Đó là tại sao ? Là tại vì họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Mục tiêu của họ là càng thu về nhiều lợi nhuận bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bây giờ thì khác. Cách mạng thành công đem lại cơ hội cho chúng ta làm chủ chính mình. Nhưng làm chủ ở đây không phải là ta đã là ông chủ rồi thì ta khỏi phải lao động gì hết mà vẫn được ăn trên ngồi chốc. Nói như thế thì có khác gì ta xóa cái chế độ bóc lột cũ để lại xây dựng một chế độ bóc lột mới. Cái ý nghĩa "làm chủ" mà chúng ta nói ở đây là chúng ta có quyền hoạch định mọi công tác, mọi tổ chức để làm thăng tiến đời sống của tập thể nhân dân lao động, điều mà trước đây, dưới chế độ cũ chúng ta không bao giờ được làm.

Ngừng một chút, ông tiếp:

- Muốn tiến hành có kết quả tốt đẹp mục tiêu đó, chúng ta phải có tổ chức, có kỷ luật. Mọi hành vi, mọi hoạt động, mọi sáng kiến đều phải được thông qua Tổ chức. Bởi không có Tổ chức thì mạnh ai nấy làm, có khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược dễ đi đến chỗ hỗn loạn. Tổ chức ấy là Công đoàn. Công đoàn là tổ chức của các công nhân trong xí nghiệp. Mỗi xí nghiệp có một Công đoàn Cơ sở, đặt dưới quyền lãnh đạo của Công đoàn Quận. Trên Quận là Tỉnh hay Thành phố. Trên nữa là Trung Ương. Nhiệm vụ của Công đoàn Cơ sở là phát huy quyền làm chủ tập thể của các công nhân, là tổ chức học tập để nhằm nâng cao trình độ của công nhân, là đấu tranh để khắc phục những tập quán tàn dư còn lại của nền sản xuất nhỏ. Mà những tàn dư ấy là gì ? Là sự chây lười, là khinh lao động, là thích sống ăn bám, coi thường kỷ luật, nói dối, làm dối. Nói chung là ta đào luyện công nhân để trở thành những người biết lao động một cách có kỷ luật, có kỹ thuật, có óc sáng lạo để đạt được năng suất cao...

Như hầu hết các buổi học lập diễn ra ở mọi nơi sau ngày 30 tháng 4 năm 75, người nói cứ nói, người nghe cứ giả bộ nghe dù đầu óc vẩn vơ nhiều chuyện phải lo nghĩ, và nhất là ít có ai dám nêu thắc mắc ngoại trừ khi đến lượt phải phát biểu thì nói chung chung, xuôi theo lời của thuyết trình viên.

Công việc tiến hành tổ chức Công Đoàn Cơ sở diễn ra nhẹ nhàng, xuôi chẩy như đã được dự tính. Ý của Nguyệt là muốn đưa Toàn ra nắm chức vụ Thư Ký Công Đoàn. Nguyệt biết Toàn dư khả năng làm công tác đó. Nhưng hôm trước, lúc nàng vừa ngỏ ý ấy thì đã bị Toàn hỏi sẵng giọng :

- Tại sao lại là tôi nhỉ !

Mặt Toàn như đanh lại, ánh mắt của chàng long lên. Điều này nói lên sự đổ vỡ giữa chàng và Nguyệt đã tới chỗ khó có thể hàn gắn.

Có điều lạ là Nguyệt không hề cảm thấy đau xót về sự đổ vỡ này. Tình yêu gắn bó giữa nàng và Toàn như cất cánh bay đi từ lúc nào, Nguyệt không nhận ra. Có thể vì nàng quá bận rộn. Có thể vì nàng đã chọn lựa một niềm say mê mới : chạy theo những quyền lực mà trước đây chưa từng bao giờ nàng có được. Nhưng chắc chắn sự xấc xược của Toàn đã đem lại cho nàng một va chạm nặng nề đến lòng tự ái. Điều này khiến mặt nàng trở nên lạnh tanh. Rõ ra là hai kẻ thù nghịch đang đối diện nhau chứ không còn là một đôi uyên ương gắn bó thiết tha chỉ trước đây mới có vài tháng.

Giọng Nguyệt như rít lên giữa hai hàm răng nghiến chặt:

- Anh không bằng lòng thì thôi, nhưng đừng có cái thái độ phủi vào mặt kẻ đã có nhã ý với mình như thế.

Toàn cười khẩy :

- Cám ơn cái nhã ý ấy của Cô. Nhưng cô nên nhớ, tôi không phải là một kẻ phản bội.

Dằn mạnh xong hai chữ "phản bội", Toàn lập tức quay người đi, không để cho Nguyệt kịp có phản ứng gì. Một việc như thế thật quá sức chịu đựng của chàng. Câu nói ấy bật ra như một cái lò so mà không hề có sự tính toán. Đã bao lâu nay, Toàn đâu có xía vô công việc đoàn thể của Nguyệt. Chàng chỉ thấy lòng lạnh tanh mỗi khi nhìn thấy Nguyệt hối hối hả hả mỗi khi đi đâu về. Rõ ra là một người tận tụy với công việc. Nhưng chắc chắn công việc ấy chẳng liên hệ gì tới mình. Toàn nghĩ như thế và chỉ thế thôi, chứ không tỏ thái độ hằn học gì với nàng. Cho đến khi nàng rủ Toàn tham gia công tác thì Toàn hết còn nhẫn nhịn được nữa rồi.

Sau lúc bỏ đi, Toàn thấy đầu óc của mình nóng ran lên, ngực bị dồn ép đến độ như bị ngộp thở. Cổ họng của chàng se đắng lại. Nhưng chàng không hối tiếc việc mình vừa làm. Chàng có đầy đủ lý do để tự bằng lòng với mình về thái độ ấy. Tuy nhiên, cơn buồn bã mênh mang cứ úp chụp lên làm chàng ngơ ngẩn như một kẻ mất hồn. Toàn đã đạp xe đi lang thang hết phổ này qua phố khác mà không để ý đến những hoạt động huyên náo ở chung quanh.

Thành phố này không còn gì để chàng lưu luyến, gắn bó. Khung cảnh êm đềm, ấm cúng khi trước nay đã thay thế bằng một vẻ tuy vẫn nhộn nhip đấy nhưng là sự nhộn nhip ẩn chứa những nét bàng hoàng, lo âu, ngỡ ngàng. Tuy mọi cảnh vật xung quanh vẫn tràn đầy sinh hoạt đấy nhưng đã bắt đầu lộ rõ sự tan hoang, sa sút, nghèo nàn.

Đạp xe lang thang từ lúc trời chưa tắt nắng cho đến lúc phố xá đã lên đèn, Toàn mới khám phá ra rằng mình đang lên cơn sốt nặng. Cổ họng chàng khô khan. Trán nóng hôi hổi. Hai bàn tay chàng cầm tay lái mà thấy run lẩy bẩy. Toàn hối hả đạp xe quay về nhà, quên cả chào mẹ và leo lên gác nằm thiếp đi trong cơn đầy mộng mị.

còn tiếp ...
NHẬT TIẾN
(trong Mồ Hôi Của Đá - Tủ sách Cành Nam - Hoa Kỳ 1988)

giavui
11-06-2014, 08:05 PM
Ngày hôm sau, Toàn không đến sở làm. Ngày hôm sau nữa cũng vậy. Ở nhà in Hồng Phát. mọi người nhao lên về sự vắng mặt bất thường của chàng. Người lo lắng nhất là ông Hồng Phát. Ông ta cứ như con kiến bò quanh chảo nóng. Lâu lâu ông lại dẫy nẩy lên, than thở với một vài công nhân cũ quen thuộc:

- Ông ấy nghỉ thế này là "chít ngộ giồi". Đến hạn kỳ phải giao sách học Toán cho kịp ngày khai giảng niên học mới mà không xong thì các ông cách mạng nó giết ngộ. Nó đem ngộ trôi sông.

Tình hình khẩn trương này được báo cáo lên ông Năm Tỏa. Ông ta có vẻ không bằng lòng khi được biết rằng chỉ có một mình Toàn là người duy nhất có khả năng xếp chữ được những trang sách với những ký hiệu Toán chằng chịt. Ông ta trách Nguyệt:

- Sao cô lại ỷ lại về một khâu như thế vào tay có mỗi một người. Trong công tác tổ chức, đấy là một khuyết điếm quan trọng không thể chấp nhận được.

Nguyệt ấp úng :

- Cháu cũng đã có kế hoạch đào luyện thêm nhân sự vào tổ xếp chữ môn Toán. Chỉ hiềm vì số công nhân có trình độ một chút hãy còn hiếm hoi quá. Để phân biệt con số 2 với lũy thừa bậc 2 trong bản thảo viết ngoáy, không phải công nhân nào cũng có thể làm được. Ấy là chưa kể những ký hiệu trong các bài toán Đạo hàm, Nguyên hàm, Tích phân….

Ông Năm Tỏa có vẻ cảm thông ngay với Nguyệt nên không cằn nhằn gì thêm nữa mà chỉ lấy giấy bút ra hí hoáy ghi chép rồi nói :

- Tôi sẽ đặt vấn đề này lên Quận để giúp cô giải quyết mau chóng tình trạng thiếu sót đó. Trong khi chờ đợi, cô cũng nên tiếp xúc tìm hiểu xem cá nhân anh Toàn có điều gì lấn cấn không khắc phục được.

Lần đầu tiên Nguyệt nói dối ông ta và may cho nàng, lời nói dối ấy lại trùng với sự thực:

- Anh ấy chỉ đau ốm thôi chứ chắc không có gì lấn cấn cả.

Ông Năm "à" lên một tiếng thỏa mãn và nói tiếp :

- Nếu chỉ ốm đau thôi thì tốt ! Để tôi thử đi tiếp xúc và tìm hiểu coi sao.

Thế là ông ta xách xe đạp tìm đường đến địa chỉ của Toàn.

Hôm ấy Toàn đã ốm khỏi và đang loay hoay tra dầu mỡ vào ổ bi của chiếc xe đạp dựng ở ngay trước sân. Rõ ràng là Toàn đã có thái độ chọn lựa: Chàng không thể nào quay lại nơi chốn mà ở đó tình yêu của chàng đã bị bầm giập não nề. Thành ra khi thấy bóng dáng của ông Năm hiện ra ở khung cửa gỗ ngoài hàng rào, Toàn không lấy thế làm bối rối. Chàng thản nhiên đứng dậy, vừa chùi tay vào mảnh giẻ rách đầy dầu mỡ, vừa tiến ra mở cổng :

- Chào ông Năm. Tôi không ngờ lại được ông tới thăm.

Giọng ông Năm sốt sắng:

- Đáng lẽ ra tôi phải tới thăm anh lâu lắm rồi ấy chứ. Mà điều công việc bề bộn quá. Sao, hôm nay anh thấy khỏe khoắn lại chưa ?

- Cám ơn ông, tôi đã bình phục hoàn toàn. Cảm sốt lăng nhăng, có gì đâu mà ông phải bận tâm.

Đến giây phút ấy thì ông Nam Tỏa nhận ngay ra được sự vắng mặt của Toàn là đã phải có điều gì bất thường. Ông muốn kéo dài thời gian suy nghĩ của mình trước khi trực diện với cái bất thường đó. Nên ông chỉ mỉm cười nói lảng qua chuyện khác:

- Anh ở đây yên tĩnh quá nhỉ. Mùa hè mà có giàn hoa giấy này chắc mát !

Toàn lẳng lặng bước vô nhà, kéo ghế mời ông ta ngồi rồi xin phép đi sửa soạn nước uống. Trong khi Toàn vắng mặt, ông Năm Tỏa được tự do nhìn khắp quang cảnh chung quanh. Cái bàn kính dài có sáu chiếc ghế nơi ông đang ngồi kê ở sát vách tường phía bên phải. Sau lưng ông là khuôn cửa sổ nhìn ra sân trước, chỗ Toàn vừa lúi húi sửa xe. Trước mặt ông là một tấm vách ngăn đôi phòng khách bên ngoài với gian bên trong. Dựa lưng vào tấm vách này là một cái kệ sách trong để lưa thưa vài cuốn tự điển và một số sách mà ông không nhìn rõ nhan đề ở sau gáy. Phía trên kệ sách là hai bức tranh sơn dầu cũ kỹ, một vẽ tĩnh vật với vài quả cam, quả táo xếp hỗn độn bên cạnh một bình hoa và một bức vẽ cảnh phố nghèo, nhà cửa lụp sụp với hậu cảnh là những dẫy building rực rỡ ánh đèn ở phía xa.

Ông Năm giả bộ tiến về phía kệ sách đề ngắm nghía một cách kỹ lưỡng bức tranh, nhưng mắt ông cũng đã không bỏ qua những cuốn sách trong kệ mà vừa mới đây, ông chưa nhìn thấy rõ gáy sách.

Đó là một vài cuốn tiểu thuyết mới xuất bản gần đây, như cuốn "Thép đã tôi thế đấy" của Boris Polevoi, cuốn "Vùng Trời" của Hữu Mai, cuốn "Con đường đau khổ" của Alexei Tolstoi xếp bên cạnh cuốn sách giáo khoa về Hình Học, về Đại Số Học. Có cả một cuốn Truyện Kim Vân Kiều do một nhà xuất bản của Sài Gòn cũ ấn hành nữa.

Lúc Toàn bưng nuớc ra mời, ông Năm Tỏa chỉ tay vào bức tranh sơn dầu và nói :

- Ngày trước địch nó cũng để cho tự do treo những loại tranh này sao ?

Toàn ngạc nhiên :

- Thưa ông, có gì đâu ?

- Bức tranh vẽ nhà cửa lụp sụp tồi tàn ngay ở giữa những khu phố có nhiều cao ốc đèn đóm sang trọng. Nội dung đã tố cáo một xã hội đầy bất công, chênh lệch.

Toàn bật lên cười :

- Hồi trước, chúng tôi chỉ nhìn một họa phẩm theo khía cạnh nghệ thuật, không nhìn theo quan điểm chính trị.

Ông Năm cũng mỉm cười, nhưng đầy vẻ chế giễu :

- Nghệ thuật nào mà không có nội dung chính trị. Tách nghệ thuật ra khỏi chính trị là quan điểm ngây thơ, ấu trĩ.

- Có những tác phẩm nghệ thuật vượt qua được mọi không gian và thời gian. Giá trị của nó không bị lệ thuộc vào bất cứ một khuynh hướng chính trị nào.

- Thí dụ ?

- Như truyện Kiều của ta chẳng hạn.

- Ô ! Truyện Kiều có một nội dung hiện thực phê phán rất là cao. Nó tố cáo cả một xã hội phong kiến thối nát, đầy rẫy những bất công, tham nhũng của giai cấp thống trị.

- Theo ý tôi, đó chỉ là dấu vết đương nhiên của xã hội ở vào thời kỳ mà tác phầm ấy đã được ra đời. Nhưng chân giá trị của truyện Kiều không phải ở chỗ đó. Phải xét nó trên lãnh vực văn chương.

- Văn chương chỉ là một bộ phận sinh hoạt của xã hội. Và khỏng cỏ một loại văn chương nào mà lại không mang dấu vết của những khuynh hướng chỉnh trị trong xã hội đó. Một là nó phục vụ cho giai cấp thống trị, hai là nó làm đòn bẩy cho giai cấp bị trị thống khổ biết vùng lên. Đó là quan điểm đấu tranh giai cấp không thể nào phủ nhận được.

Toàn chỉ lên bức tranh tĩnh vật ở gần chỗ ông Năm ngồi và hỏi :

- Vậy thì theo ông bức tranh tĩnh vật này phục vụ cho giai cấp bị trị hay thống trị ?

Ông Năm xoay hẳn người lại, nhìn ngắm những quả táo đỏ ửng trong bức vẽ rồi mỉm cười :

- Ở vào thời kỳ mà những bất công áp bức còn tồn tại trong xã hội thì bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào làm cho người ta quên đi hiện tại đau khổ mà họ đang phải chịu đựng thì đều thuộc về loại tác phẩm phục vụ cho giai cấp thống trị.

- Nếu cứ xét theo quan điểm đó của ông thì những sách vở của miền Bắc mà tôi được đọc sau này, tôi thấy chỉ toàn tô hồng cho đời sống. Trong khi đó hẳn ông cũng đã rõ là dân chúng vẫn thiếu thốn, khổ cực. Như vậy những sách đó đã chỉ phục vụ cho giai cấp thống trị mà thôi sao ?

Ông Nam Tỏa vừa nhìn thẳng vào mắt Toàn vừa chợt thốt lên :

- Ôi chà ! Mình bỗng nhiên đụng tới một vấn đề đáng gọi là "căng" đây. Nó căng không phải chỉ giữa anh và tôi, giữa người đã từng tham gia cách mạng và người ở vùng mới giải phóng mà còn căng ngay cả ở trong giới cầm bút ngoài miền Bắc. Tuy nhiên tôi thử cố trình bày để mong có thể giúp anh soi sáng thêm được gì không nhé.

Ngưng một lát, ông Năm Tỏa nói tiếp :

- Có hai điều phải nêu rõ trong câu thắc mắc của anh. Một là đích thị những tác phẩm văn học ở miền Bắc đang phục vụ cho giai cấp thống trị hiểu như giai cấp đang nắm chính quyền. Hai là sử dụng từ ngữ giai cấp thống trị vốn mang ý nghĩa xấu xa, cho chế độ miền Bắc là không đúng. Bởi vì đó là chế độ phục vụ cho lợi ích của nhân dân lao động là thành phần chiếm tuyệt đại đa số trong quần chúng.

- Nếu con đường của nghệ sĩ đã bị vạch rõ ra như thế thì người nghệ sĩ đâu còn chút tự do gì để sáng tạo nữa ?

Ông Năm lại mỉm cười :

- Cái này lại là một vấn đề khác nữa phải nhìn cho rõ. Anh vừa sử dụng hai chữ tự do. Ừ thì tự do. Tự do là quý, chả thế mà bác Hồ đã nói "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Nhưng bản chất hai chữ tự do là gì? Chúng tôi quan niệm rằng tự do không phải là ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, làm gì thì làm. Đó chỉ là cái tự do vô tổ chức. Cần phải hiểu rằng tự do phải nằm trong ý niệm biết rõ sự tất yếu trong quá trình đi lên của lịch sử loài người. Sau tư bản chủ nghĩa, tất yếu là phải đi tới Cộng sản chủ nghĩa mà bước trung gian là xã hội chủ nghĩa. Người nghệ sĩ nhận thức được điều tất yếu đó thì tha hồ tự do sáng tạo để góp phần thúc đẩy cho cái tất yếu đó mau chóng được thực hiện.

Thấy Toàn có vẻ dửng dưng trước sự cung ứng bài học cốt tủy mà mình vừa đưa ra, ông Năm ngưng lại mấy giây rồi tiếp:

- Tôi hiểu rằng đây là bước nhận thức rất cam go, không phải dễ gì ngày một ngày hai mà anh tiếp thu được. Anh cứ việc thắc mắc. Cứ việc trăn trở. Sự thắc mắc, trăn trở là những bước tất yếu ai cũng phải trải qua. Không qua giai đoạn đó mà chấp nhận bừa bãi thì chỉ là những kẻ giả dối bề ngoài, những bọn cơ hội chủ nghĩa. Nhưng cũng có một cách tốt nhất giúp anh mau chóng tiếp thu tư tưởng mới, đó là quá trình chuyển hóa trong lao động. Lao động thật tốt sẽ giúp anh dần dà nhận thức ra được cái chân lý đó.

Ông Năm nói một hơi không nghỉ. Toàn có cảm giác như mình vừa đụng phải một cái nút bấm trong con người của ông. Cái nút làm vận chuyển một cuốn băng đã được thu sẵn, bất cứ lúc nào cũng có thể phát ra, đầy đủ, trọn vẹn những ý nghĩ không có cách gì xoay chuyển được…..

Toàn cũng rất muốn trình bầy những lý lẽ của mình để vạch ra rằng cái "tất yếu" tiến lên xã hội Xã hội Chủ nghĩa mà ông Năm vừa trình bày đã hoàn toàn lạc hậu ở thời đại 100 sau Karl Marx, bởi vì giai cấp giai cấp bóc lột ở thời Marx không giữ nguyên vĩnh viễn cái tính chất tàn khốc lúc ban đầu mà chính nó cũng đã tự chuyển hóa, tự thích ứng để tồn tại. Kết quả là đời sống của các công nhân ở các quốc gia tự do đã được nâng cao, giờ giấc làm việc ngày một giảm đi, các tổ chức nghiệp đoàn được thành lập để quân bình thế lực giữa hai giới chủ nhân và công nhân trong xí nghiệp. Sự bóc lột đương nhiên bị giảm thiểu. So với thực tế, đời sống người công nhân trong xã hội chủ nghĩa còn thấp kém hơn công nhân ở xã hội tư bản rất nhiều.

Nhưng Toàn cũng biết thừa ra rằng nếu có đem những điều đó ra trình bày thì ông Năm cũng sẽ có đủ lý luận để bào chữa. Ông ta sẽ nói rằng những cái mà công nhân ở nước tư bản thí cho chỉ là một phần nhỏ so với những nguồn lợi kếch sù do chính bàn tay lao động của giai cấp công nhân tạo dựng nên. Mặt khác, những tiện nghi mà Toàn nói trên cũng chỉ là tiện nghi của thành phần công nhân quí tộc, một tầng lớp công nhân phản bội quyền lợi giai cấp của mình, cấu kết với giai cấp thống trị để hưởng lợi nhiều hơn so với đồng bạn. Bên cạnh đó, tuyệt đại đa số công nhân trên thế giới vẫn còn lầm than cơ cực. Bởi thế mới có khẩu hiệu "Vô sản trên toàn thế giới, đoàn kết lại !". Những lập luận này đầy rẫy trong sách vở, chẳng cần nghe ông Năm nói chàng cũng đã thấy rồi.

Rút cục, Toàn không cảm thấy hứng khởi gì trong một cuộc tranh luận không có lối thoát như thế. Chàng chỉ bày tỏ với ông về quan điểm của mình:

- Theo ý tôi, nghệ thuật chỉ là một ý niệm chung của xã hội. Khi đã nói nghệ thuật thì nó thuần túy là nghệ thuật mà chẳng bao hàm bất cái một ý niệm nào khác ngoài nó cả.

Ông Năm Tỏa nhìn Toàn chăm chú, cố ý kéo dài tia nhìn ấy trong một giây rồi mới thong thả nói:

- Đó là một cái nhìn chung chung về nghệ thuật thể hiện tính chất trên không chằng dưới không rễ của giai cấp tiểu tư sản vốn là một thành phần dễ dàng chao đảo. Người vô sản chúng tôi quan niệm rằng nghệ thuật phản ánh hiện thực theo lập trường của một giai cấp, một tập đoàn xã hội nhất định. Do đó, khi miêu tả cuộc sống, người nghệ sĩ thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của giai cấp mình trong tác phẩm.

Toàn mỉm cười hơi mang vẻ châm biếm, ngạo mạn:

- Thế thì nghệ thuật của các ông thể hiện cái gì trong tác phẩm?

- Ô ! Đời sống có vô số những thực tế sinh động. Người nghệ sĩ vô sản đề cao, ca ngợi cái đẹp nẩy nở trong lao động và trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột. Bởi vì vai trò của Nghệ Thuật không những chỉ thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của quần chúng mà còn phải xây dựng quan điểm thẩm mỹ lành mạnh cho quần chúng nữa.

Toàn bỗng thốt lên :

- Hèn chi !

Ông Năm Tỏa nhìn Toàn như để tìm hiểu tiếng nói vừa thốt lên của chàng. Nhưng Toàn đã giải thích:

- Hèn chi mà tôi thấy từ ngày Cách mạng vào Sài Gòn, nghệ thuật của các ông thường đi sát với công tác tuyên truyền.

Ông Năm Tỏa nhún vai:

- Có gì lạ đâu ! Tuyên truyền khi tới mức cao độ thì trở thành nghệ thuật, và như thế thì cũng có thể nói Nghệ thuật đã thể hiện công tác tuyên truyền ở mức độ cao độ nhất ! Vả chăng công tác tuyên truyền, tự nó không có điều gì là xấu cả. Nó chỉ trở nên xấu xa tồi tệ khi người ta sử dụng nó để truyền đạt những ý đồ mờ ám, không có chính nghĩa.

Đến đây thì Toàn lại có thêm một vài ý niệm mới nữa về người đàn ông này. Ông ta có vẻ như chỉ là một con người tin theo sách vở. Sự suy nghĩ và lập luận của ông chỉ dựa vào sách vở mà không chấp nhận bất cứ thứ gì ngoài nó. Bởi nếu ông thực sự đụng chạm đến những vấn đề thực tế thì hẳn ông đã nhìn thấy cái chính nghĩa mà ông vừa khẳng định nó chẳng đem lại cho con người chút hạnh phúc nào. Là cán bộ tập kết, hẳn ông dư điều kiện để thấy dân chúng miền Bắc trong bao nhiêu năm đã triền miên khổ ải như thế nào.

Lòng yêu nước của họ đã bị lợi dụng. "Chống Mỹ Cứu Nước", cái chiêu bài này tỏ ra hữu hiệu khi cán bộ tuyên truyền vẽ ra những thảm cảnh mà dân chúng miền Nam phải chịu đựng dưới ách đô hộ của Mỹ. Điều giả trả này, tiếc thay, chỉ đến khi mọi người vào đến Sài Gòn mới hay là thực tế không phải vậy! Mà đấy chỉ là những suy nghĩ của những ngưởi có đầu óc lý luận. Chứ đúng ra, mặt thật của vấn đề sẽ còn làm ta đau xót hơn nhiều. Ở chỗ, dân chúng miền Bắc sau bao nhiều năm nếm mùi "chuyên chính vô sản", thân phận của họ đã trở thành một đàn cừu ngoan ngoãn. Đảng bắt làm gì làm, bắt chịu đựng thì phải chịu đựng, chiêu bài "yêu nước" chẳng qua chỉ như một thứ hào quang bên ngoài che giấu thân phận thống khổ ở bên trong. Ai cũng thấy rõ tâm địa của nhau, nhưng ai cũng che giấu về những điều mà ai cũng đã biết cả rồi. Cuộc sống biến thành một sân kháu vĩ đại mà ai cũng phải mua vé vào cửa bằng mồ hôi nước mắt, hay chính sinh mạng của mình. Không làm gì có chuyện được chọn lựa khi con người đã phải sống ở dưới chế độ ấy.

Một lát sau, ông Năm Tỏa đổi qua một đề tài khác :

- Hôm nay tôi đến đây, trước là để thăm hỏi xem anh ốm đau ra sao. Sau nữa để tìm hiểu xem anh có vấn đề gì khó khăn ở sở làm mà không giải quyết được.

Toàn chối :

- Tôi có bị khó khăn gì đâu !

Ông Năm Tỏa nhìn thẳng vào mắt Toàn, mặt ông thoáng một vẻ nghiêm nghị nhưng rồi lại dịu ngay xuống với những nét hiền hòa :

- Nếu vậy thì tốt ! Ngày mai anh tiếp tục đi làm lại chứ ?

Toàn suy nghĩ rồi ngập ngừng :

- Tôi có những vấn đề riêng thuộc về gia đình chứ không phải vì sở làm. Tôi nghĩ rằng tôi cần một thời gian để giải quyết.

Ông Năm Tỏa móc túi ra gói thuốc. Vừa mời Toàn vừa châm cho mình một điếu. Cử chỉ chậm chạp kéo dài của ông cộng với vầng trán cao hơi nhăn lại và ánh mắt đăm chiêu biểu lộ một cách cố ý cho Toàn thấy là ông cũng đang quan tâm và chia sẻ với Toàn về những nỗi khó khăn riêng tư đó của Toàn. Sau đó ông mới chậm rãi nói:

- Anh Toàn ạ. Tôi cảm thông với anh về sự khó khăn mà tôi chắc anh đang phải phấn đấu ghê gớm lắm. Nếu anh cảm thấy tôi có thể giúp được gì cho anh, xin anh cứ nói. Mặt khác tôi cũng đề nghị anh lưu tâm tới tình hình khẩn trương mà chúng ta đang phải đối phó ở nhà in. Hàng triệu các cháu học sinh các cấp lớp đang trông chờ những cuốn cách phải được in ra cho kịp thời điểm khai giảng niên học mới. Thành ủy rất quan tâm đến vấn đề này. Chắc anh hiểu chứ ?

Toàn hiểu ngay ông ta đang đem Thành ủy ra dọa mình. Tuy nhiên, lòng Toàn lạnh băng mà không có đôi chút cảm giác sợ hãi nào. Sự chán chường, mệt mỏi dẫn chàng tới thái độ buông xuôi. Mặc kệ ! Muốn tới đâu thì tới ! Do đó chàng cố tình kìm giữ để không phải nói với ông Năm một lời gì, dù từ chối hay hứa hẹn.

Thấy chàng im lặng, ông Năm đứng dậy ra về sau khi tươi cười (vẻ tươi cười gượng gạo mà Toàn nhìn thấy rõ):

- Vậy ráng đi anh nhé ! Chúng mình còn vô số cơ hội để trao đổi với nhau về đủ loại vấn đề.


Ông chủ nhà in Hồng Phát.

Khi ông Năm đi khỏi, Toàn có cảm giác nhẹ nhõm như kẻ vừa thoát ra khỏi một con đường hầm đầy ám khí nặng nề. Chàng nghĩ đến một ngày tự do thong thả trước mặt. Đã lâu lắm rồi, chàng chưa đến thăm một vài người bạn thân mà chàng biết rõ bọn họ còn kẹt lại đi không được. Chương trình phác họa trong đầu chàng là xuống bếp chuẩn bị bữa cơm trưa thay cho mẹ chàng hôm nay mà bà cũng bị cảm sốt không ngồi dậy được. Sau đó chàng sẽ đạp xe xuống trường đua Phú Thọ để thăm Nghĩa, cái anh chàng nhà văn, một vợ hai con này không biết từ ngày "Cách mạng" vô, đã làm gì để nuôi sống gia đình. Chàng tự nhủ nếu không gặp Nghĩa thì mình sẽ quay về Lăng Ông Bà Chiểu để tìm gặp Hoành. Hoành nghe nói đã đăng ký trở lại để đi dạy học. 'Tuy nhiên bây giờ năm học chưa khai giảng, chắc cả hai sẽ có thì giờ để hàn huyên.

Toàn chợt khám phá ra rằng trong mọi sự tính toán vừa nẩy ra trong đầu, tuyệt nhiên chàng chẳng hề bận tâm gì tới Nguyệt cả. Nàng đã xa lắc trong ý nghĩ của chàng. Một cuộc tình đã sang trang mà không lưu lại dấu vết đau thương nào. Toàn cầu mong được như thế. Nhưng biết đâu sẽ có lúc nó trỗi dậy, nghiền nát trái tim bầm giập của chàng.

Lúc lui cui trong bếp, Toàn mới có dịp trực diện với những vấn đề nhỏ nhặt trong đời sống, điều mà từ trước tới nay, qua bàn tay bảo bọc của mẹ già, chẳng bao giờ chàng phải bận tâm tới. Gạo hết. Củi hết. Thức ăn trong trạn chỉ lỏng chỏng một đĩa dưa muối và mấy cọng đầu tôm rang mặn. Đời sống thực tế thiếu thốn hiện lên rõ trong quang cảnh lạnh tanh của những chiếc rổ rá sứt cạp treo trên vách ám đen muội khói và những cái bếp bằng những viên gạch nung bao quanh bởi đám tro tàn.

Bỗng Toàn nghe tiếng gọi cổng và khi chạy ra, chàng ngạc nhiên thấy người khách tới thăm lại là ông Hồng Phát. Đây là lần đầu tiên ông ta tìm tới căn nhà khuất nẻo trong ngõ hẻm này của Toàn. Tuy con người của ông vẫn còn phốp pháp, phì nộn nhưng so với thời kỳ vàng son thuở xa xưa, nom ông bây giờ sọm đi thấy rõ.

Nhớ lại hồi mấy tháng trước, khi được Nguyệt đánh giá, liệt ông vào thành phần Tư Sản Dân Tộc, tuy chẳng hiểu ngô khoai thế nào, nhưng dính được vào hai chữ "dân tộc" là ông cũng yên tâm phần nào. Ông tự nhủ phải giữ mình tối đa để mong "Cách Mạng nó giảm thiểu tội lỗi cho mình", mặc dù trong thâm tâm, ông chẳng thấy mình có tội lỗi gì cả.

Trong những ngày đầu nhà in bắt đầu hoạt động trở lại, ông tránh tối đa để không ngồi vào cái bàn giấy bằng gỗ gụ ở văn phòng với chiếc ghế đệm da kềnh càng có thể xoay đủ bốn phía. Một đôi lần ông ngỏ ý nhường chỗ làm việc đầy tiện nghi ấy cho Nguyệt, nhưng nàng chỉ cười ngỏn ngoẻn:

- Không sao đâu bác. Cháu kê cái bàn bên phòng chứa giấy để làm việc được rồi. Ở đây là phần hành của Ban Quản đốc mà.

Rồi như cảm thông với thái độ tần ngần của ông, Nguyệt an ủi thêm:

- Bác cứ yên tâm đi. Chính sách của "trên" đã rõ ràng. Bác là Tư sản Dân tộc, tuy đối với Cách Mạng cũng có vấn đề, nhưng không đến nỗi. Đối tượng chính của nhà nước bây giờ là bè lũ Tư sản Mại bản kìa.

Nói rồi Nguyệt bỏ đi. Hình như chính nàng cũng không tin tưởng ở lời giải thích của mình. Cho nên tốt hơn hết là không nên nhiều lời. Hứa hẹn với ông ta nhiều, mai mốt nhỡ có khác đi, khó ăn khó nói. Âu đó cũng là cái bản chất có hậu của những người đã sống ở vùng tự do, chứ không quay quắt, trở mặt trắng trợn như con người cộng sản chính hiệu ứng xử đúng theo chủ trương cứu cánh biện minh cho phương tiện, tức là có thể làm bất cứ cái gì miễn là đạt được mục đích thì thôi.

Ông Hồng Phát đem mối ưu tư của mình thuật lại với Toàn. Chàng cũng chỉ biết giải thích thêm qua những tài liệu đã học tập:

- Tư sản Mại bản là toàn thể những người trước đây thuộc ngành nghề xuất nhập cảng. Họ bị kết tội cấu kết với tài phiệt nước ngoài để lũng đoạn kinh tế và bóp chết các ngành sản xuất trong nước. Kỳ dư những người làm ăn buôn bán khác, có đôi chút máu mặt thì được gọi chung là Tư sản dân tộc. Lớp người này tuy cũng thuộc thành phần đi bóc lột nhưng tội không nặng bằng. Việc đối xử cũng còn tùy theo đối tượng.

Ông Hồng phát kêu lên:

- Ái …da..a…Nói vậy là ngộ cũng bị liệt vào thành phần bóc lột sao?

- Đương nhiên!

- Nói vậy sao được ! Ngộ mướn người. Ngộ có trả lương cho nó. Nó bằng lòng đi làm, cuối tháng lãnh lương còn cám ơn rối rít. Vậy bóc lột ở chỗ nào?

Toàn cười khẩy và chàng chợt có cảm giác như mình cũng đang truy bức những kẻ phạm tội. Nhưng đây là chính sách nhà nước đang thi hành chứ đâu phải chàng bịa ra để dậm dọa ông ta. Ông ta phải hiểu rõ để tự lo lấy số phận của mình vì thế Toàn cứ thẳng thừng phát biểu:

- Nè ! Số lương mà ông trả cho họ chỉ bằng một phần mười số lời mà ông kiếm được. Vậy là khi không, ông ngồi mát ăn bát vàng, tức là đã làm giầu trên sức lao động của người khác, mặc dù vì sinh kế nên họ phải thỏa thuận để có chỗ làm việc.

Ông Hồng Phát lại kêu lên:

- Làm sao so bì được như vậy ! Họ là thợ. Ngộ là chủ. Họ tay không đến làm việc. Còn ngộ, ngộ có nhà máy, có cơ xưởng, có vốn bỏ ra điều hành.

- Hãy chưa nói gì đển nguồn gốc của cái vốn mà ông bỏ ra trang bị toàn bộ cho xí nghiệp, vì nếu truy đển cùng thì nó cũng chỉ được tạo dựng nên từ những cơ sở của sự bóc lột. Nhưng ngay từ thực tế cái xí nghiệp này, ông cũng chỉ được hưởng một phần số lời do chính sức làm việc của ông mà thôi. Kỳ dư là của công nhân. Nếu ông hưởng thụ trên số đó tức là ông đã xâm phạm vào cái giá trị thặng dư của công nhân rồi. Vì thế họ kết tội ông là bóc lột.

- Ngoài sức của ngộ làm ra, còn cái máy nó cũng làm. Ngộ hưởng thêm là do cái máy đó chớ, đâu có ai bóc lột ai. Bộ có cả chuyện đi bóc lột cái máy nữa sao ?

- Ờ thì cái máy, cái nhà, cái vốn đều là của ông. Mà điều nhà ấy, máy ấy, vốn ấy ông lấy ở đâu ra?

- Ai gia….cái này là của ông bà, cha mẹ ngộ để lại cho ngộ mà…

- Thế thì ông bà, cha mẹ của ông cũng đã từng đi bóc lột những thế hệ công nhân từ đời nảo, đời nào, làm sao ông biết!

Ông Hồng Phát mặt đỏ tía tai, la to lên:

- Nói thế thì còn chuyện phải quấy cái con bà chi nữa !

Toàn cười khanh khách:

- Vậy đó ! Cháu chỉ nói theo lập luận của cán bộ để ông biết con đường mà mình sẽ phải đi qua. Họ đang làm cái việc "tước đoạt lại của kẻ đã đi bóc lột" nên đừng có ảo tưởng khi thấy họ gắn cho mình hai chữ "dân tộc" mà vội mừng. Khỏi đi tù là may, ông ơi !

Ông Hồng Phát hậm hực:

- Vậy còn làm được cái gì. Cúng mẹ hết nhà máy cho cách mạng rồi về quê dưỡng lão đi cho rồi.

Toàn lại kêu lên:

- Ấy ! Đâu được ! Ông làm thế họ lại cho là có tinh thần bất hợp tác, phá hoại công tác sản xuất. Tội ấy là phản động còn nguy hơn gấp bội lần.

Ông Hồng Phát cất tiếng than:

- Biết mình sẽ bị kết tội. Vậy mà vẫn phải vui vẻ, tận tụy làm việc. Thế thì có khác gì mình là con trâu, co bò ngày mai bị chọc tiết mà hôm nay vẫn phải ra sức đi cầy hay không.

Toàn búng ngón tay thành một tiếng kêu thật dòn:

- Thấy rõ điều ấy là ông đã hiểu ra vấn đề rồi đó !

Mặt ông Hồng Phát bạc nhược hẳn ra. Mồ hôi đổ lấm tấm trên vầng trán hói. Ông nhìn Toàn bằng ánh mắt hoàn toàn tuyệt vọng khiến Toàn liên tưởng tới ánh mắt của con trâu lúc biết mình sắp sửa bị đem ra chọc tiết.

Cái ánh mắt này, cùng với biết bao nhiêu ánh mắt khác mà Toàn đã từng được trông thấy kể từ sau ngày 30 tháng Tư. Tuy nó không giống hệt nhau về mỗi hoàn cảnh nhưng lại đồng dạng với nhau ở chỗ như cùng nói lên một tâm trạng bi thương, tuyệt vọng của những kẻ đã bị dồn tới bước đường cùng. Như ánh mắt của người lính Cộng Hòa trút bỏ bộ quân phục vứt rải rác trên đường Trương Minh Giảng, như ánh mắt của những người thất thế thiểu não xách cái bị nhỏ từ giã vợ con lên đường "học tập cải tạo" hay như của những người chất từng cái túi xách trong đựng vài bộ quần áo cũ rách buộc kèm với cái xoong, cái nồi lên chiếc xe ba gác hôm phải rời bỏ căn nhà thân yêu cũ để lên đưởng đi về vùng Kinh Tế Mới.

Những ánh mắt ấy đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với Toàn trong những đêm dài mất ngủ…
NHẬT TIẾN
(trong Mồ Hôi Của Đá - Tủ sách Cành Nam - Hoa Kỳ 1988)