giavui
11-27-2014, 08:25 PM
Mưa Xuân - Nhật Tiến
http://nguoitinhhuvo.files.wordpress.com/2013/03/bia-mua-xuan-5x7-2.jpg?w=535 (http://nguoitinhhuvo.files.wordpress.com/2013/03/bia-mua-xuan-5x7-2.jpg?w=535)
Hôm ngồi chơi cờ ở Câu lạc bộ Người Cao Tuổi, trong sự rì rào của mọi người chung quanh, cái tên “bà cụ Quất” bỗng lọt vào tai ông Hưng một cách tình cờ, nhưng chợt nó sáng loè lên trong đầu óc của ông như sựï thức tỉnh sau một cơn mơ dài.
Cái tên gợi lại cho ông cả một thời son trẻ xa xưa mà trong suốt bao nhiêu năm lăn lộn trong cuộc sống, chưa một lần nó làm ông bận tâm tới. Đất nước ngổn ngang, công tác bộn bề cả trăm thứ việc, đó là lý do mà ông có thể nhẹ nhàng rũ bỏ mọi thứ tình cảm lấn quấn riêng tư, kể cả cái khung trời xưa cũ, nơi mà ông đã từng gửi gấm biết bao nhiêu tâm tình cũng như những sôi sục nhiệt huyết của lớp tuổi thanh niên trong thời kỳ tiền cách mạng.
Ngay chiều hôm ấy ở Câu lạc bộ trở về, ông nói với người con trai :
- Thôi, bố không đi Mai Châu ăn tết Mường nữa đâu. Cả nhà cứ đi theo kế hoạch đi.
Người con nhìn ông hơi một thoáng kinh ngạc, nhưng rồi cũng nhún vai:
- Tuỳ bố thôi. Để con bảo chúng nó sắp sẵn xe riêng cho bố.. Mà bố định đi đâu ?
Ông Hưng giọng quả quyết :
- Tao về Canh-Diễn !
Con trai ông, một Vụ trưởng còn đang tại chức, chợt “à” lên một tiếng rồi cất giọng hơi có vẻ châm biếm:
- Ôi dà, tưởng bố đòi sang Tây sang Mỹ gì, chứ về cái nơi đó thì có gì mà vui, toàn những xóm làng nhếch nháp.
Rồi hắn nhún vai:
- Nhưng bố thích thì cứ việc !
Thế là vào những ngày cận Tết, ông Hưng leo lên chiếc xe bóng lộn do người con trai sắp xếp, với nhiều món quà lỉnh kỉnh mang theo.
Tay tài xế là một cậu khá trẻ, ăn bận bảnh bao, mồm miệng nhanh nhẩu, cử chỉ nhậm lẹ, rõ ra là một người tháo vát. Ông Hưng hỏi :
- Cậu có chắc là xe hơi về tới tận cổng làng không ?
- Ôi, cái chỗ đó con đi mấy lần rồi, ông đừng lo. Đường xá bây giờ mở rộng, nhựa trải phẳng lì.
Như sợ cậu tài chưa hiểu cái chỗ mình sẽ tới, ông cố gặng thêm:
- Cái đó thì tôi cũng biết rồi. Nhưng nhựa chỉ trải trên con đường tới Nhổn thôi. Còn mình phải đi sâu nữa….
- Con biết chứ ! Ở đây mình qua cầu Diễn rồi vào ngã tư Nhổn. Từ ngã tư Nhổn mình rẽ vào con đường đi Canh, đi Sấu, đi Giá theo ngả con đê Phùng chứ gì !
Mặt ông Hưng rạng rỡ hẳn lên khi thấy cái sự thông thuộc đường đi nước bước của chú tài. Ông đáp với giọng thoả mãn :
- Ừ, đúng đấy. Ai mà ngờ nhiều con đường tí teo thế mà bây giờ lại trải cả nhựa để cho ô tô đi. Mà chẳng biết cái chợ Đìa ấy bây giờ còn không ?
Cậu tài hơi nhỉnh mặt lên muốn như chế giễu cái sự lạc hậu của ông, rồi cậu vừa liếc ông qua kính chiếu hậu vừa trả lời :
- Chợ dẹp rồi, ông ơi. Bây giờ nó biến thành cái phố nhỏ, người ta xây cất nhà cửa tràn lan khắp mọi chỗ rồi.
Lòng ông Hưng bỗng thoáng một nét buồn, đồng thời hình ảnh của ngôi chợ cũ ngày xưa bỗng hiện rõ lên trong trí nhớ. Ngày đó, bốn bề là đồng không mông quạnh, gió lồng lộng thổi qua những căn lều lụp sụp, vách thưa, mái xô lệch mà ở đấy, quanh năm, dân làng tụ họp để mua bán, đổi chác những bó rau, những lon gạo, những giỏ tép, những trái cây mới hái xuống từ các vườn cây quanh nhà. Ngôi chợ trở nên ồn ào nhất là vào những dịp giáp tết mà hình ảnh của nó càng trở nên sống động hơn trong trí nhớ của ông qua những câu thơ của Đoàn văn Cừ mà đã có thời gian ông thuộc nằm lòng :
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu
Áo cụ Lý bị người quen sấn kéo
Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi….
Bây giờ, chiếc xe hơi chở ông Hưng đang lăn qua khu chợ ấy. Chú tài xế quơ tay ra ngoài kính xe :
- Chợ Đìa là đây. Ông thấy còn có cái gì dính dấp với ngày xưa không ?
Ông Hưng nhìn ra lòng không khỏi bàng hoàng khi thấy hai bên mặt đường, nhà cửa đã cất lên san sát, cái đã lên tầng, cái còn mái tôn, cái thụt vào, cái chìa ra với những hàng hiên bầy bán đủ loại hàng hoá : có nhà bán than, có nhà bán gạo, có nhà bán xi măng, lại cũng có nhà chất từng dẫy những bình ga đun bếp. Rồi quán cà phê, quán cơm phở, quán cho thuê băng hình, quán hát karaôkê, mọi thứ cứ xen kẽ mà mọc liên tiếp nhau trên một chặng đường dài.
Người xưa, cảnh cũ đã tan biến vào dĩ vãng ! Ông Hưng mệt mỏi quay mặt vào trong xe và ngả hẳn người xuống lưng ghế, hai mắt nhắm nghiền như để xua đuổi những hình ảnh vừa hiện ra trước mắt.
Ông muốn níu kéo lại ngày xưa ! Cái ngày mà ở nơi chốn làng quê hẻo lánh này tưởng nó cách xa hẳn với đời sống bên ngoài, với những con đường nhỏ luồn lách qua những bụi tre vang tiếng kẽo kẹt theo gió, chui qua cái cổng làng xây gạch để đi vào từng con ngõ nhỏ có những mái nhà tranh nằm im lìm dưới bóng mát của những cây ổi, cây hồng bì, cây na, cây nhãn hay những giàn mướp, giàn thiên lý đang trổ hoa. Con đường làng nhiều chỗ đã được lát gạch dẫn qua nhiều ngả ngóc ngách có những chiếc cầu tre bắc qua từng mương nước mà vào buổi trưa hè với cái nóng nung nấu, không gian im ắng đến có thể nghe thấy tiếng cá quẫy nước trong bờ mương hay tiếng những chim vành khuyên vỗ cánh bay qua đám hoa lựu đỏ lừ. Rồi khi chiều xuống, lúc ánh trăng chưa lên khỏi ngọn cau đã thấy đom đóm lập loè từng đàn, từng tốp bay trên những lùm cây đang yên ả trong vườn. Trẻ con người lớn kéo hết ra sân, trải chiếu ngồi đón gió, ngắm trăng. Trên tầng cao, bầu trời trong vắt không một dải mây có những vì sao mọc lên nom long lanh ướt làm lũ nhỏ chen nhau nằm ngửa, ngước mắt lên trời để thi nhau đếm:
- Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng….(cứ thế mãi cho đến lúc mỏi mồm).
Trong khi ấy, lửa trong gian nhà bếp đun rơm vẫn bập bùng cháy dưới những nồi khoai lang luộc mà khi khoai chín tới, một mùi thơm lừng theo khói bếp lan toả ra tận ngoài sân, làm cho mấy bát cơm lùa chung với cà muối và rau muống chấm tương vừa ăn hồi chiều đã tiêu ngót ngay đi để dạ dầy sẵn sàng đón nhận những củ khoai nghệ sẽ được bưng ra trong cái rổ con còn nghi ngút khói.
Cái đồng quê êm ả ấy, riêng ở chốn này, vào cái thời ông Hưng còn trai trẻ, thế mà cũng đã từng chứng kiến biết bao nhiêu những hoạt động hào hứng, sôi nổi của đám thanh niên nam nữ ở cả địa phương cũng như ở trên tỉnh mò về.
Họ rủ nhau hoạt động cách mạng !
Khi Phong trào Truyền bá Quốc ngữ nở rộ ra tại nhiều nơi, thì cũng chính ở đây, Hưng và nhiều bạn bè đồng lứa tuổi, những thanh niên tràn đầy nhựa sống và dạt dào lòng yêu nước, cũng đã mở ra rất nhiều lớp xoá nạn mù chữ cho mọi người. Đồng quê, xóm làng ngày nào, chỗ nào cũng vang lên những câu hát :
i tờ (t) giống móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ (t) dài có ngang…
O tròn như qủa trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu….
Lý tưởng giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, đem lại cho mọi người một đời sống ấm no, hạnh phúc như một thôi thúc mãnh liệt thúc đẩy toàn đám thanh niên nam nữ trong làng nhất tề kéo nhau tham gia đủ mọi thứ sinh hoạt : truyền bá quốc ngữ, học múa võ xuống bình tấn, đinh tấn hay múa bài Mai Hoa Quyền, tập bắn súng gỗ , ném lựu đạn giả, tập đánh trận giả qua những lùm cây bụi cỏ hay quanh những bờ ao, bờ chuôm. Thậm chí có người còn muốn học cả Anh văn để có thể hiểu được những câu khẩu hiệu bằng Anh ngữ : Vietnam to the Vietnamse mà lũ nhỏ đã diễn dịch nôm na là Việt nam to thế Việt nam mẹ sề !
Và hàng đêm những tiếng hát cũng ở đâu đó vang lên :
Anh em trong đoàn quân du kích
cùng vác súng lên nào
Đi lên ! Đi lên !
Xuyên qua rừng qua núi
Qua mây mù đêm tối
Vượt suối băng ngàn…..
Rồi có những bài hát rất kích động lòng người như bài “Người Việt Nam Xin Đừng Quên” :
Người Việt Nam xin đừng quên
Hơn sáu mươi niên
Loài lang thú chuyên quyền
Róc xương thịt mình
Người Việt Nam
Khốc tàn..điêu linh
Nghĩa là vào ngày ấy, ở nơi đây đã bừng lên khí thế của cả một giai tầng thanh niên đi xây mộng ước lật đổ ách nô lệ để mưu cầu một đời sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
*
Trời đang ong ong nắng bỗng dịu đi và không gian heo hắt lạnh với những ngọn gió ẩm ướt gây thành những cảm giác gây gây. Rồi một cơn mưa nhẹ trút xuống. Những bụi mưa phơ phất quay trong nền trời đã ngả sang mầu xám đục. Ông Hưng tự nghĩ, mưa Xuân chỉ nhẹ nhàng như thế thôi, chẳng phải quan ngại gì cho chuyến đi.
Khi chiếc xe tới một ngã ba, ông Hưng ngồi bật dậy và nói;
- Phải đây là chỗ rẽ đi về làng Kim Hoàng hay làng Thuận Ái không ?
Chú tài xế nhanh nhẩu :
- Thưa đúng đấy. Con đường này khí hẹp nhưng xe con lách nhau cũng vừa.
Ông Hưng buồn bã:
- Thế thì cũng mất luôn cái quán gọi là quán Ba Cây ở đây rồi.
Rồi ông kể lể ;
- Gọi là quán Ba Cây vì ở đấy có ba cái cây lớn mọc chụm vào nhau. Có một cái quán nước được dựng lên ngay dưới những tàn cây ấy. Quán nhỏ thôi, mái rơm, phên nứa, bàn làm bằng chõng tre, ghế là những tấm ván dài kê áp vào. Ở đấy có nước chè tươi, có kẹo vừng, kẹo bột, có chè lam, bỏng cốm, nhưng tuyệt nhất là món bún riêu. Vào mùa đông gió lạnh, ngồi trong quán nghỉ chân, tránh cơn mưa phùn gió bấc mà húp bát bún riêu nóng bỏng và cay sè thì phải kể là tuyệt trần đời.
Tâm tình của ông Hưng lại chìm đắm trong những kỷ niệm xa xưa đến nỗi cái xe vô tới đầu làng lúc nào ông cũng không hay.
Xe ngừng lại ở ven bờ một cái ao lớn, bốn bề lót gạch thẻ bao quanh, mặt nước phản chiếu một mầu vàng óng soi bóng cả một dẫy cây đa, cây đề mọc um tùm ở gần đó. Phía bên kia bờ ao có lát những bậc cấp để làm cầu ao lên xuống. Xa hơn nữa là cái sân rộng mênh mông dẫn tới một ngôi đình với những cột gỗ lim đồ sộ và một mái ngói lâu năm đã ngả mầu rêu xám. Ông Hưng reo lên :
- Ao đình Thuận Ái ! Ôi, ngày xưa lũ nhỏ trong làng hay lén ông từ giữ đình lội xuống ven bờ ao để bắt những con ốc cơm bám vào thành gạch xây quanh ao đình. Ốc cơm đem về luộc mà chấm với nước mắm ớt, gừng thì cao lương mỹ vị cũng không sánh bằng.
Rồi ông tắc lưỡi như nói một mình :
- Ừ, chỉ có chỗ này là còn nguyên không thay đổi gì hết thôi.
Một lát sau, hai người đi bộ trên con đường làng. Ngõ ngách quanh co thì vẫn vậy, nhưng cảnh cũ thì nay còn đâu. Những mái nhà tranh có bờ tre, cổng gỗ, có vườn tược bao quanh nay hầu như tất cả đã biến thành những ngôi nhà kín cổng cao tường có những cánh cổng sắùt mở ra như những ngôi biệt thự của nhà giầu có trên tỉnh. Ông Hưng bàng hoàng tự nhủ :
- Chết thật ! Thì ra cái nền kinh tế thị trường cũng đã xâm lấn vào tới tận đây.
Với những khuôn mặt lạ hoắc, không còn chất quê hiền lành, chất phác ngày xưa !
Ừ, thì còn tìm ra đâu bè bạn ngày xưa : những Bính, những Hoành, Nam lớn, Nam con, các cô Hoè, Thục, và nhất là Mùi, cô thôn nữ răng đen, má hồng, ngực căng sau lần yếm đỏ, hoa khôi trong làng đã có thời làm ngây ngất bao trái tim của đám trai làng. Bính thì đã hy sinh ở mặt trận Thất Khê. Hoành, Nam lớn chết trong trận Điện Biên Phủ. Mùi mất tích trong Trường Sơn. Chỉ có tin Nam con thì đang là một đại gia giầu có mãi trong tận Sài Gòn. Còn Hoè, còn Thục và một số trai tráng khác nữa thì biệt vô âm tín vì ông Hưng chưa nghe có ai nhắc tới bao giờ.
Ông Hưng cứ tiếp tục lầm lũi đi như đang lần dò từng bước trong cơn mơ trở về quá khứ. Và ông cũng không phải mất nhiều thì giờ để tìm ra nhà bà cụ Quất là người mà hôm nay ông cố tình tìm tới.
Căn nhà của cụ thì vẫn như xưa, mái tranh bạc phếch một mầu xám trắng vì dầu dãi nắng mưa, cái cổng gỗ ọp ẹp vẫn còn mặc dù đã phải đóng, phải chêm bằng đủ thứ vật dụng. Một con chó ốm tong teo đang nằm trên hè bỗng chồm lên, hực sủa. Cái hè trước nhà cũng vẫn còn nguyên đó nhưng mấy tấm giại đan bằng tre nay đã không còn. Cả một dẫy cánh cửa bức bàn, một loại cửa lùa cánh gỗ nay cũng đã được thay bằng một tấm bạt nylon dù cũ kỹ nhưng vẫn còn giữ được cái mầu xanh lơ chói mắt.
Ông Hưng bước lên hè.
Chẳng có ai ra đón nhưng có tiếng khàn khụa từ trong vọng ra :
- Ai đấy ?
Ra dấu cho chú tài xế chờ ở ngoài hè, ông vội vã bước vào và lên tiếng:
- Bà Quất ơi ! Cháu là Hưng, ở Hà Nội về thăm bà. Bà có nhớ Hưng không ?
Phải một lúc định thần, Hưng mới quen được quang cảnh trước mắt đang chìm đắm trong một thứ ánh sáng nhờ nhờ không đủ soi rõ một cái bàn gỗ thấp kê ngay dưới một cái ban thờ cũ kỹ. Bà cụ Quất đang nằm trên một tấm phản gỗ kê ở bên cánh trái căn nhà. Phía bên kia là một cái buồng không có vách ngăn và cánh cửa, bên trong chất đủ mọi thứ gia dụng trên đời: chạn ăn, rổ bát, nong nia, thúng mủng ngổn ngang bên những bó củi gỗ và những sọt đựng than, đựng cuốc xẻng làm vườn và cả quần áo ẩm mốc, hôi sì. Một cái bếp lò kê giữa lối đi, mặc dù đã là ngày giáp tết nhưng vẫn mang vẻ tro tàn khói lạnh
Ông Hưng hơi rùng mình và tự nghĩ :
- Đời sống của bà cụ xuống cấp tệ mạt đến thế này ư? Ngày xưa, cái gian nhà này đâu có thế !
Nhưng cũng chẳng lạ! Đám con cháu của bà đã lên đường đi theo tiếng gọi của non sông và đã hy sinh hết cả trong các trận chiến rồi. Lòng ông Hưng đau quặn lại khi hình dung ra dáng dấp khoẻ mạnh của Hoành, con bà cụ, vẫn thường ra vào nơi chốn này, trong khung cảnh nhà cửa tinh tươm sạch sẽ, có hoành phi, có câu đối, có quạt kéo móc ngang trên trần mà chỉ cần một đứa nhỏ kéo sợi dây là cả gian nhà đều có gió mát.
Nhất là những buổi chiều hè, Hoành thường hay đứng giữa sân, sừng sững như một tay kiện tướng, hai tay cầm cái quạt thóc to gần bằng nửa cánh phản để quạt tung những bụi, cát và trấu còn lẫn lộn trong thúng thóc mà một người lực điền khác đang đứng trên ghế cao đổ xuống mặt sân gạch. Bắp thịt của Hoành lúc đó nổi lên cuồn cuộn, khuôn mặt của anh đỏ rừ dưới nắng và đầm đìa mồ hôi.
Con người tràn đầy sinh lực như thế mà đã gục ngã trên một sườn đồi ở Điện Biên Phủ. Bà Quất được tin, khóc ròng rã mấy tháng liền đến độ đôi mắt sưng mọng lên, tưởng đã bị mù hẳn nhưng may, sau còn cứu vãn kịp. Tất nhiên đôi mắt mẹ khóc con ấy đã chẳng còn được tinh tường như xưa.
Bây giờ, sau ngần ấy năm nước chẩy qua cầu, dễ ngoài chín mươi rồi nhưng bà vẫn còn ở đây, thân hình teo tóp còm cõi nhưng sức lực thì vẫn còn dai như những con đỉa cố bám lấy mảnh đất hương hoả của cha ông. Bà vẫn còn nhận ra ông Hưng. Bà quờ tay về phía ông mà cất giọng như muốn gào rú lên :
- Ới giời ơi, thằng Hưng! Hưng đấy hả con?
Trong khi ông Hưng nghẹn ngào chỉ biết gật đầu thì bà đã ngóc dậy và tiếp tục nói bằng một giọng khàn khụa có lúc hơi khó nghe:
- Mày đi đâu từ hồi đó mà sao không thấy về thăm xóm, thăm làng.
Ông Hưng ấp úng:
- Con…con bận việc nhà nước…bận công tác bà ơi….bây giờ con vừa mới được về hưu…
Bà Quất thổn thức :
- Thằng Hoành vắn số, chết từ xưa, đâu có biết hưu là cái gì. Còn nhiều đứa nữa, cái Mùi, cái Hoè thằng Nam…cũng hy sinh hết cả rồi….Thế mà tao chẳng được chết thay cho. Tao đâu có được cái tích sự gì !
Rồi bà tu lên khóc.
Ông Hưng vội an ủi :
- Ôi, sao lại không tích sự gì ! Nhờ có bà chăm lo đời sống, từng cái ăn, từng thức uống thì chúng con mới rảnh rang đi làm nhiệm vụ. Cái sự hy sinh của bà cũng như các bà mẹ khác, biết lấy gì mà đo cho được.
Nói rồi ông tiến lại gần phản gỗ để đỡ hẳn bà cụ ngồi dậy. Đầu ông choáng váng, ngất ngư khi thấy cánh tay của bà cụ quá gầy guộc và khẳng khiu như một cành sậy. Ông xót xa nhìn lên khuôn mặt rúm ró, xanh xao của bà có những sợi tóc bạc phơ đang loà xoà rủ xuống. Bỗng ông buột miệng :
- Bà ăn uống thế nào ? Sao bà gầy ốm quá thế này ?
Bà cụ hơi nhếch một nụ cười, vành môi không đủ che hai hàng lợi đã chẳng còn lấy một chiếc răng nào :
- Có cái Mỵ, cháu ông Tửu bên hàng xóm đó. Nó chạy qua chạy lại, có gì ăn cái nấy.
Ông Hưng vừa ngồi xuống một bên mép phản, vừa thở dài :
- Thôi thế cũng may. Mà cháu đâu ngờ ông Tửu vẫn còn sống. Ngày xưa ông ấy còn thoát ly trước cả cháu mà.
Bà cụ gật đầu :
- Thế thì chốc nữa qua thăm ông ấy một tí. Bây giờ cũng chỉ như một thứ sư tử về già.
Hình ảnh anh chàng Tửu với hai hàm răng trắng bóng, mái tóc đen mượt mà với tính tình sôi nổi của anh lại chợt hiện rõ trong trí nhớ của ông Hưng. Đã có một thời ông nghe danh tiếng của Tửu được truyền tụng trong giới quân đội, nhưng rồi bẵng đi, ông không còn nhận được tin tức gì về Tửu nữa. Ai ngờ, cái nhân vật ấy lại đang nằm ẩn nhẫn ở cái nơi xa xôi hẻo lánh này.
Còn đang mải suy nghĩ về nhân vật Tửu, chợt bà Quất cất lên một cơn ho dài làm ông Hưng vội bước qua, đỡ lấy bà cụ cho dựa vào cánh tay của mình. Lòng ông lại xót xa khi thấy sao mà thân mình của bà gấy ốm như một thứ mèo hen.
Khi dứt cơn ho, bà mới nói :
- Thằng Tửu cũng không còn ở xóm Giếng nữa đâu. Có muốn sang thăm nó thì chờ cái Mỵ tới, nó đưa đi.
Ông Hưng ngạc nhiên;
- Ủa, thế cái nhà của ba gian hồi xưa ở xóm Giếng đâu ?
Bà cụ thở dài :
- Nó bán đi rồi. Giải ngũ ra, nghèo rớt mùng tơi, nó lên tỉnh đi làm thợ sửa xe. Rồi vợ nó ốm một trận thập tử nhất sinh, bán cả nhà đi mà chữa cũng không qua khỏi.
Giọng bà cụ chợt trở nên linh động hơn :
- Mà cái thằng mua lại nhà của nó, biết là ai không?
Ông Hưng còn đang lúng túng chưa kịp trả lời thì bà cụ đã tiếp :
- Lính cũ của nó chứ ai ! Ôi cái thời đổi đời, thằng dầy công, có tài thì đi sửa xe, thằng bất tài vô tướng nhưng giỏi luồn lọt thì giầu nứt đố đổ vách. Cái nhà mua rồi, nó cất lên ba tầng có hàng rào sắt bao quanh, lại nuôi cả chó bẹc-giê giữ của nữa đấy.
Câu nói của bà khiến ông hơi trạnh nghĩ tới thằng con đang còn tại chức của mình. Quả nó là một tay luồn lọt giỏi. Nhưng ông làm được gì ? Một đôi lần bố con trò chuyện, ông vừa gợi ý thì nó đã nói :
- Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, “ông” ơi!
Rồi nó nhún vai bỏ đi. Như thế cũng còn là …hiếu thảo ! Bởi ông có vài người bạn, cũng trong hoàn cảnh về hưu như ông, đã có lần bị con cái nói như hắt vào mặt :
- Nhà cao cửa rộng, xe hơi đi lại đều ở đó mà ra đó, bố ơi ! Bố có muốn ra đứng đường hay không?
Ôi, chỉ thiếu điều cắn lưỡi tự tử nhưng ở đời có mấy ai còn đủ can đảm dể làm chuyện đó.
Cuộc trò chuyện với bà Quất xoay ra những tin tức về những con người làm ăn theo thời thế. Ông Hưng không khỏi nghĩ đến lũ con, cháu của những bạn bè xưa cũ đã hy sinh. Bây giờ chúng nó ra sao hay cũng cùng một dạng như con cái của ông, của bạn bè nơi sở làm. Ông cất tiếng hỏi:
- Thưa bà, thế còn lũ nhỏ đàn con, đàn cháu trong làng, từ ngày hoà bình thống nhất rồi thì tình hình chúng nó ra sao ?
Như một cuốn gia phả ghi chép chi li ngọn ngành về mọi sự biến đổi trong ngôi làng nhỏ bé này, bà cụ Quất rành rọt nói về thân phận của từng người quen họ hàng hay chòm xóm thân thuộc:
- Em gái cô Mùi, tức cái Ngoan, bây giờ cũng đã già rồi. Có hai đứa con gái thì một đứa chết bệnh Sida, còn đứa kia theo lấy chồng Đài Loan, mấy năm nay không có tin tức gửi về.
- Thằng Thạch, em thằng Bính cũng hy sinh ở bên mãi bên Nam Lào, nhưng trước đó cũng đã có vợ, có con. Vợ nó lấy chồng khác. Con gái nó chả hiểu làm ăn gì mà bị đưa vào trường phục hồi nhân phẩm mãi trong Sài Gòn.
- Cháu ruột cô Hoà, gọi cô ấy bằng dì, cái thằng tưởng khá mà sau lại dính vào xì ke ma tuý…
- Còn thằng cháu đích tôn ông Đoái, cựu xã ủy làng này bây giờ cũng sinh trộm cướp, kéo bè kết đảng hiện đang ngồi tù.
- Còn …
- Còn…
Tai của ông Hưng thốt nhiên cứ ù cả lên. Ông không còn can đảm nghe tiếp những sự thật phũ phàng cứ tuôn ra tuột tuột từ miệng bà lão như thể chưa bao giờ nó có một dịp như thế để tuôn ra.
Nhưng bà Quất đâu phải là ma xó ! Bà chỉ như cái gốc đa, gốc đề chôn gốc, mọc rễ ở cái thôn làng nhỏ bé này để chứng kiến những chuyện vật đổi sao rời. Chỉ có điều, những trang sách ghi gói từ trí nhớ của bà sao mà hồi kết cục nó thảm thương và khốn cùng đến thế.
Ông vội vã đứng dậy xin phép tạm đi ra ngoài để nhìn ngắm cảnh vật đổi thay ở chung quanh nhà. Ông đi mau đến độ xô cả vào con chó ốm đang nằm buồn thiu vẫn dương đôi mắt đờ đẫn nhìn ra ngoài bầu trời vẫn còn đang ẩm sì và vẫn đang còn nhỏ xuống tí tách những giọt mưa trên mái lá.
Ông bước xuống sân gạch và đi qua cái chỗ mà ngày xưa Hoành đã từng đầm đìa mồ hôi đứng quạt thóc. Ông như nhìn thấy đôi mắt rực ngời tin tưởng của Hoành vẫn còn lẩn quất ở đâu đây. Trong niềm tin ấy, đã nhiều lần Hoành nói với ông :
- Mình cứ phải hy sinh đi. Cho đời con, đời cháu nó hưởng.
Câu nói ấy của Hoành bây giờ có sức mạnh xô ông, làm ông phải ngồi khuỵ xuống bên cạnh cái bể nước mưa mọc đầy rêu xanh vẫn ẩn dưới tán lá của cây hồng bì.
Ôi những ngày xưa cũ và những hoài bão tràn đầy vinh quang và nhiệt huyết như của Hoành, sau ngần ấy năm, sao lại chỉ nẩy sinh ra những thành quả đớn đau và tủi nhục nhường ấy.
Trước khi gục ngã, những Hoành, những Bính, những Mùi, những Hoè hay cả nghìn những con người trên đất nước này đã hy sinh đâu có biết rằng mình đã tận tuỵ một đời để chỉ đem lại cho thế hệ đàn con, đàn cháu một đời sống thảm thương đến thế. Cái mà chúng nó “ hưởng” là như thế ư?
Bất giác ông lại nghĩ tới đứa con trai của mình. Hiện nó đang làm Vụ trưởng đầy quyền uy và tiền bạc thì vào như nước chẩy.
Như thế thì trong đám trẻ của thế hệ thứ hai, thứ ba, có đứa thế này, có đứa thế khác. Nhưng dù là thế nào đi nữa, chúng nó cũng đều chỉ là sản phẩm của một thứ thành quả đang ung thối, mục ruỗng. Nếu biết sự thể cuối cùng cũng chỉ bầy ra được ngần ấy, thì những con người đã hy sinh, trước khi nằm xuống, hỏi có ai nhắm được mắt?
Khuôn mặt của ông Hưng bỗng nhiên ướt đầm đìa. Nước mắt của ông như nhòe ra, tan vào
những giọt mưa xuân đang rơi rả rích qua từng kẽ lá.
California, tháng 10 2004
NHẬT TIẾN
*****
Đầu năm 2013, nhà xuất bản Huyền Trân phát hành tác phẩm mới của nhà văn Nhật Tiến :
MƯA XUÂN
(Tập Truyện và Kịch)
“Mưa Xuân” gồm 9 truyện ngắn và hai vở Kịch, là những sáng tác của Nhật Tiến trong vài năm gần đây, chưa ấn hành thành sách.
Bạn đọc sẽ thấy những Truyện, Kịch trong tác phẩm này đã mang rất nhiều dấu ấn của xã hội Việt Nam thời hiện tại, qua đó, những thực trạng trần trụi cả bi lẫn hài đều đã được phơi bầy qua văn phong của một tác giả đã có bề dầy tới 60 năm cầm bút. Và như thế , nhà văn Nhật Tiến quả đã hoàn tất được chức năng do chính ông đã từng diễn tả :
“Chỗ đứng thích hợp nhất của một nhà văn là ở phía đám đông bị đàn áp hay bị đối xử bất công và những gì do một nhà văn viết ra phải góp được phần vào việc nâng cao giá trị nhân phẩm của con người và làm gia tăng sự cảm thông giữa con người với con người.”
_______________________________________
http://nguoitinhhuvo.files.wordpress.com/2013/03/bia-mua-xuan-5x7-2.jpg?w=535 (http://nguoitinhhuvo.files.wordpress.com/2013/03/bia-mua-xuan-5x7-2.jpg?w=535)
Hôm ngồi chơi cờ ở Câu lạc bộ Người Cao Tuổi, trong sự rì rào của mọi người chung quanh, cái tên “bà cụ Quất” bỗng lọt vào tai ông Hưng một cách tình cờ, nhưng chợt nó sáng loè lên trong đầu óc của ông như sựï thức tỉnh sau một cơn mơ dài.
Cái tên gợi lại cho ông cả một thời son trẻ xa xưa mà trong suốt bao nhiêu năm lăn lộn trong cuộc sống, chưa một lần nó làm ông bận tâm tới. Đất nước ngổn ngang, công tác bộn bề cả trăm thứ việc, đó là lý do mà ông có thể nhẹ nhàng rũ bỏ mọi thứ tình cảm lấn quấn riêng tư, kể cả cái khung trời xưa cũ, nơi mà ông đã từng gửi gấm biết bao nhiêu tâm tình cũng như những sôi sục nhiệt huyết của lớp tuổi thanh niên trong thời kỳ tiền cách mạng.
Ngay chiều hôm ấy ở Câu lạc bộ trở về, ông nói với người con trai :
- Thôi, bố không đi Mai Châu ăn tết Mường nữa đâu. Cả nhà cứ đi theo kế hoạch đi.
Người con nhìn ông hơi một thoáng kinh ngạc, nhưng rồi cũng nhún vai:
- Tuỳ bố thôi. Để con bảo chúng nó sắp sẵn xe riêng cho bố.. Mà bố định đi đâu ?
Ông Hưng giọng quả quyết :
- Tao về Canh-Diễn !
Con trai ông, một Vụ trưởng còn đang tại chức, chợt “à” lên một tiếng rồi cất giọng hơi có vẻ châm biếm:
- Ôi dà, tưởng bố đòi sang Tây sang Mỹ gì, chứ về cái nơi đó thì có gì mà vui, toàn những xóm làng nhếch nháp.
Rồi hắn nhún vai:
- Nhưng bố thích thì cứ việc !
Thế là vào những ngày cận Tết, ông Hưng leo lên chiếc xe bóng lộn do người con trai sắp xếp, với nhiều món quà lỉnh kỉnh mang theo.
Tay tài xế là một cậu khá trẻ, ăn bận bảnh bao, mồm miệng nhanh nhẩu, cử chỉ nhậm lẹ, rõ ra là một người tháo vát. Ông Hưng hỏi :
- Cậu có chắc là xe hơi về tới tận cổng làng không ?
- Ôi, cái chỗ đó con đi mấy lần rồi, ông đừng lo. Đường xá bây giờ mở rộng, nhựa trải phẳng lì.
Như sợ cậu tài chưa hiểu cái chỗ mình sẽ tới, ông cố gặng thêm:
- Cái đó thì tôi cũng biết rồi. Nhưng nhựa chỉ trải trên con đường tới Nhổn thôi. Còn mình phải đi sâu nữa….
- Con biết chứ ! Ở đây mình qua cầu Diễn rồi vào ngã tư Nhổn. Từ ngã tư Nhổn mình rẽ vào con đường đi Canh, đi Sấu, đi Giá theo ngả con đê Phùng chứ gì !
Mặt ông Hưng rạng rỡ hẳn lên khi thấy cái sự thông thuộc đường đi nước bước của chú tài. Ông đáp với giọng thoả mãn :
- Ừ, đúng đấy. Ai mà ngờ nhiều con đường tí teo thế mà bây giờ lại trải cả nhựa để cho ô tô đi. Mà chẳng biết cái chợ Đìa ấy bây giờ còn không ?
Cậu tài hơi nhỉnh mặt lên muốn như chế giễu cái sự lạc hậu của ông, rồi cậu vừa liếc ông qua kính chiếu hậu vừa trả lời :
- Chợ dẹp rồi, ông ơi. Bây giờ nó biến thành cái phố nhỏ, người ta xây cất nhà cửa tràn lan khắp mọi chỗ rồi.
Lòng ông Hưng bỗng thoáng một nét buồn, đồng thời hình ảnh của ngôi chợ cũ ngày xưa bỗng hiện rõ lên trong trí nhớ. Ngày đó, bốn bề là đồng không mông quạnh, gió lồng lộng thổi qua những căn lều lụp sụp, vách thưa, mái xô lệch mà ở đấy, quanh năm, dân làng tụ họp để mua bán, đổi chác những bó rau, những lon gạo, những giỏ tép, những trái cây mới hái xuống từ các vườn cây quanh nhà. Ngôi chợ trở nên ồn ào nhất là vào những dịp giáp tết mà hình ảnh của nó càng trở nên sống động hơn trong trí nhớ của ông qua những câu thơ của Đoàn văn Cừ mà đã có thời gian ông thuộc nằm lòng :
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu
Áo cụ Lý bị người quen sấn kéo
Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi….
Bây giờ, chiếc xe hơi chở ông Hưng đang lăn qua khu chợ ấy. Chú tài xế quơ tay ra ngoài kính xe :
- Chợ Đìa là đây. Ông thấy còn có cái gì dính dấp với ngày xưa không ?
Ông Hưng nhìn ra lòng không khỏi bàng hoàng khi thấy hai bên mặt đường, nhà cửa đã cất lên san sát, cái đã lên tầng, cái còn mái tôn, cái thụt vào, cái chìa ra với những hàng hiên bầy bán đủ loại hàng hoá : có nhà bán than, có nhà bán gạo, có nhà bán xi măng, lại cũng có nhà chất từng dẫy những bình ga đun bếp. Rồi quán cà phê, quán cơm phở, quán cho thuê băng hình, quán hát karaôkê, mọi thứ cứ xen kẽ mà mọc liên tiếp nhau trên một chặng đường dài.
Người xưa, cảnh cũ đã tan biến vào dĩ vãng ! Ông Hưng mệt mỏi quay mặt vào trong xe và ngả hẳn người xuống lưng ghế, hai mắt nhắm nghiền như để xua đuổi những hình ảnh vừa hiện ra trước mắt.
Ông muốn níu kéo lại ngày xưa ! Cái ngày mà ở nơi chốn làng quê hẻo lánh này tưởng nó cách xa hẳn với đời sống bên ngoài, với những con đường nhỏ luồn lách qua những bụi tre vang tiếng kẽo kẹt theo gió, chui qua cái cổng làng xây gạch để đi vào từng con ngõ nhỏ có những mái nhà tranh nằm im lìm dưới bóng mát của những cây ổi, cây hồng bì, cây na, cây nhãn hay những giàn mướp, giàn thiên lý đang trổ hoa. Con đường làng nhiều chỗ đã được lát gạch dẫn qua nhiều ngả ngóc ngách có những chiếc cầu tre bắc qua từng mương nước mà vào buổi trưa hè với cái nóng nung nấu, không gian im ắng đến có thể nghe thấy tiếng cá quẫy nước trong bờ mương hay tiếng những chim vành khuyên vỗ cánh bay qua đám hoa lựu đỏ lừ. Rồi khi chiều xuống, lúc ánh trăng chưa lên khỏi ngọn cau đã thấy đom đóm lập loè từng đàn, từng tốp bay trên những lùm cây đang yên ả trong vườn. Trẻ con người lớn kéo hết ra sân, trải chiếu ngồi đón gió, ngắm trăng. Trên tầng cao, bầu trời trong vắt không một dải mây có những vì sao mọc lên nom long lanh ướt làm lũ nhỏ chen nhau nằm ngửa, ngước mắt lên trời để thi nhau đếm:
- Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng….(cứ thế mãi cho đến lúc mỏi mồm).
Trong khi ấy, lửa trong gian nhà bếp đun rơm vẫn bập bùng cháy dưới những nồi khoai lang luộc mà khi khoai chín tới, một mùi thơm lừng theo khói bếp lan toả ra tận ngoài sân, làm cho mấy bát cơm lùa chung với cà muối và rau muống chấm tương vừa ăn hồi chiều đã tiêu ngót ngay đi để dạ dầy sẵn sàng đón nhận những củ khoai nghệ sẽ được bưng ra trong cái rổ con còn nghi ngút khói.
Cái đồng quê êm ả ấy, riêng ở chốn này, vào cái thời ông Hưng còn trai trẻ, thế mà cũng đã từng chứng kiến biết bao nhiêu những hoạt động hào hứng, sôi nổi của đám thanh niên nam nữ ở cả địa phương cũng như ở trên tỉnh mò về.
Họ rủ nhau hoạt động cách mạng !
Khi Phong trào Truyền bá Quốc ngữ nở rộ ra tại nhiều nơi, thì cũng chính ở đây, Hưng và nhiều bạn bè đồng lứa tuổi, những thanh niên tràn đầy nhựa sống và dạt dào lòng yêu nước, cũng đã mở ra rất nhiều lớp xoá nạn mù chữ cho mọi người. Đồng quê, xóm làng ngày nào, chỗ nào cũng vang lên những câu hát :
i tờ (t) giống móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ (t) dài có ngang…
O tròn như qủa trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu….
Lý tưởng giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, đem lại cho mọi người một đời sống ấm no, hạnh phúc như một thôi thúc mãnh liệt thúc đẩy toàn đám thanh niên nam nữ trong làng nhất tề kéo nhau tham gia đủ mọi thứ sinh hoạt : truyền bá quốc ngữ, học múa võ xuống bình tấn, đinh tấn hay múa bài Mai Hoa Quyền, tập bắn súng gỗ , ném lựu đạn giả, tập đánh trận giả qua những lùm cây bụi cỏ hay quanh những bờ ao, bờ chuôm. Thậm chí có người còn muốn học cả Anh văn để có thể hiểu được những câu khẩu hiệu bằng Anh ngữ : Vietnam to the Vietnamse mà lũ nhỏ đã diễn dịch nôm na là Việt nam to thế Việt nam mẹ sề !
Và hàng đêm những tiếng hát cũng ở đâu đó vang lên :
Anh em trong đoàn quân du kích
cùng vác súng lên nào
Đi lên ! Đi lên !
Xuyên qua rừng qua núi
Qua mây mù đêm tối
Vượt suối băng ngàn…..
Rồi có những bài hát rất kích động lòng người như bài “Người Việt Nam Xin Đừng Quên” :
Người Việt Nam xin đừng quên
Hơn sáu mươi niên
Loài lang thú chuyên quyền
Róc xương thịt mình
Người Việt Nam
Khốc tàn..điêu linh
Nghĩa là vào ngày ấy, ở nơi đây đã bừng lên khí thế của cả một giai tầng thanh niên đi xây mộng ước lật đổ ách nô lệ để mưu cầu một đời sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
*
Trời đang ong ong nắng bỗng dịu đi và không gian heo hắt lạnh với những ngọn gió ẩm ướt gây thành những cảm giác gây gây. Rồi một cơn mưa nhẹ trút xuống. Những bụi mưa phơ phất quay trong nền trời đã ngả sang mầu xám đục. Ông Hưng tự nghĩ, mưa Xuân chỉ nhẹ nhàng như thế thôi, chẳng phải quan ngại gì cho chuyến đi.
Khi chiếc xe tới một ngã ba, ông Hưng ngồi bật dậy và nói;
- Phải đây là chỗ rẽ đi về làng Kim Hoàng hay làng Thuận Ái không ?
Chú tài xế nhanh nhẩu :
- Thưa đúng đấy. Con đường này khí hẹp nhưng xe con lách nhau cũng vừa.
Ông Hưng buồn bã:
- Thế thì cũng mất luôn cái quán gọi là quán Ba Cây ở đây rồi.
Rồi ông kể lể ;
- Gọi là quán Ba Cây vì ở đấy có ba cái cây lớn mọc chụm vào nhau. Có một cái quán nước được dựng lên ngay dưới những tàn cây ấy. Quán nhỏ thôi, mái rơm, phên nứa, bàn làm bằng chõng tre, ghế là những tấm ván dài kê áp vào. Ở đấy có nước chè tươi, có kẹo vừng, kẹo bột, có chè lam, bỏng cốm, nhưng tuyệt nhất là món bún riêu. Vào mùa đông gió lạnh, ngồi trong quán nghỉ chân, tránh cơn mưa phùn gió bấc mà húp bát bún riêu nóng bỏng và cay sè thì phải kể là tuyệt trần đời.
Tâm tình của ông Hưng lại chìm đắm trong những kỷ niệm xa xưa đến nỗi cái xe vô tới đầu làng lúc nào ông cũng không hay.
Xe ngừng lại ở ven bờ một cái ao lớn, bốn bề lót gạch thẻ bao quanh, mặt nước phản chiếu một mầu vàng óng soi bóng cả một dẫy cây đa, cây đề mọc um tùm ở gần đó. Phía bên kia bờ ao có lát những bậc cấp để làm cầu ao lên xuống. Xa hơn nữa là cái sân rộng mênh mông dẫn tới một ngôi đình với những cột gỗ lim đồ sộ và một mái ngói lâu năm đã ngả mầu rêu xám. Ông Hưng reo lên :
- Ao đình Thuận Ái ! Ôi, ngày xưa lũ nhỏ trong làng hay lén ông từ giữ đình lội xuống ven bờ ao để bắt những con ốc cơm bám vào thành gạch xây quanh ao đình. Ốc cơm đem về luộc mà chấm với nước mắm ớt, gừng thì cao lương mỹ vị cũng không sánh bằng.
Rồi ông tắc lưỡi như nói một mình :
- Ừ, chỉ có chỗ này là còn nguyên không thay đổi gì hết thôi.
Một lát sau, hai người đi bộ trên con đường làng. Ngõ ngách quanh co thì vẫn vậy, nhưng cảnh cũ thì nay còn đâu. Những mái nhà tranh có bờ tre, cổng gỗ, có vườn tược bao quanh nay hầu như tất cả đã biến thành những ngôi nhà kín cổng cao tường có những cánh cổng sắùt mở ra như những ngôi biệt thự của nhà giầu có trên tỉnh. Ông Hưng bàng hoàng tự nhủ :
- Chết thật ! Thì ra cái nền kinh tế thị trường cũng đã xâm lấn vào tới tận đây.
Với những khuôn mặt lạ hoắc, không còn chất quê hiền lành, chất phác ngày xưa !
Ừ, thì còn tìm ra đâu bè bạn ngày xưa : những Bính, những Hoành, Nam lớn, Nam con, các cô Hoè, Thục, và nhất là Mùi, cô thôn nữ răng đen, má hồng, ngực căng sau lần yếm đỏ, hoa khôi trong làng đã có thời làm ngây ngất bao trái tim của đám trai làng. Bính thì đã hy sinh ở mặt trận Thất Khê. Hoành, Nam lớn chết trong trận Điện Biên Phủ. Mùi mất tích trong Trường Sơn. Chỉ có tin Nam con thì đang là một đại gia giầu có mãi trong tận Sài Gòn. Còn Hoè, còn Thục và một số trai tráng khác nữa thì biệt vô âm tín vì ông Hưng chưa nghe có ai nhắc tới bao giờ.
Ông Hưng cứ tiếp tục lầm lũi đi như đang lần dò từng bước trong cơn mơ trở về quá khứ. Và ông cũng không phải mất nhiều thì giờ để tìm ra nhà bà cụ Quất là người mà hôm nay ông cố tình tìm tới.
Căn nhà của cụ thì vẫn như xưa, mái tranh bạc phếch một mầu xám trắng vì dầu dãi nắng mưa, cái cổng gỗ ọp ẹp vẫn còn mặc dù đã phải đóng, phải chêm bằng đủ thứ vật dụng. Một con chó ốm tong teo đang nằm trên hè bỗng chồm lên, hực sủa. Cái hè trước nhà cũng vẫn còn nguyên đó nhưng mấy tấm giại đan bằng tre nay đã không còn. Cả một dẫy cánh cửa bức bàn, một loại cửa lùa cánh gỗ nay cũng đã được thay bằng một tấm bạt nylon dù cũ kỹ nhưng vẫn còn giữ được cái mầu xanh lơ chói mắt.
Ông Hưng bước lên hè.
Chẳng có ai ra đón nhưng có tiếng khàn khụa từ trong vọng ra :
- Ai đấy ?
Ra dấu cho chú tài xế chờ ở ngoài hè, ông vội vã bước vào và lên tiếng:
- Bà Quất ơi ! Cháu là Hưng, ở Hà Nội về thăm bà. Bà có nhớ Hưng không ?
Phải một lúc định thần, Hưng mới quen được quang cảnh trước mắt đang chìm đắm trong một thứ ánh sáng nhờ nhờ không đủ soi rõ một cái bàn gỗ thấp kê ngay dưới một cái ban thờ cũ kỹ. Bà cụ Quất đang nằm trên một tấm phản gỗ kê ở bên cánh trái căn nhà. Phía bên kia là một cái buồng không có vách ngăn và cánh cửa, bên trong chất đủ mọi thứ gia dụng trên đời: chạn ăn, rổ bát, nong nia, thúng mủng ngổn ngang bên những bó củi gỗ và những sọt đựng than, đựng cuốc xẻng làm vườn và cả quần áo ẩm mốc, hôi sì. Một cái bếp lò kê giữa lối đi, mặc dù đã là ngày giáp tết nhưng vẫn mang vẻ tro tàn khói lạnh
Ông Hưng hơi rùng mình và tự nghĩ :
- Đời sống của bà cụ xuống cấp tệ mạt đến thế này ư? Ngày xưa, cái gian nhà này đâu có thế !
Nhưng cũng chẳng lạ! Đám con cháu của bà đã lên đường đi theo tiếng gọi của non sông và đã hy sinh hết cả trong các trận chiến rồi. Lòng ông Hưng đau quặn lại khi hình dung ra dáng dấp khoẻ mạnh của Hoành, con bà cụ, vẫn thường ra vào nơi chốn này, trong khung cảnh nhà cửa tinh tươm sạch sẽ, có hoành phi, có câu đối, có quạt kéo móc ngang trên trần mà chỉ cần một đứa nhỏ kéo sợi dây là cả gian nhà đều có gió mát.
Nhất là những buổi chiều hè, Hoành thường hay đứng giữa sân, sừng sững như một tay kiện tướng, hai tay cầm cái quạt thóc to gần bằng nửa cánh phản để quạt tung những bụi, cát và trấu còn lẫn lộn trong thúng thóc mà một người lực điền khác đang đứng trên ghế cao đổ xuống mặt sân gạch. Bắp thịt của Hoành lúc đó nổi lên cuồn cuộn, khuôn mặt của anh đỏ rừ dưới nắng và đầm đìa mồ hôi.
Con người tràn đầy sinh lực như thế mà đã gục ngã trên một sườn đồi ở Điện Biên Phủ. Bà Quất được tin, khóc ròng rã mấy tháng liền đến độ đôi mắt sưng mọng lên, tưởng đã bị mù hẳn nhưng may, sau còn cứu vãn kịp. Tất nhiên đôi mắt mẹ khóc con ấy đã chẳng còn được tinh tường như xưa.
Bây giờ, sau ngần ấy năm nước chẩy qua cầu, dễ ngoài chín mươi rồi nhưng bà vẫn còn ở đây, thân hình teo tóp còm cõi nhưng sức lực thì vẫn còn dai như những con đỉa cố bám lấy mảnh đất hương hoả của cha ông. Bà vẫn còn nhận ra ông Hưng. Bà quờ tay về phía ông mà cất giọng như muốn gào rú lên :
- Ới giời ơi, thằng Hưng! Hưng đấy hả con?
Trong khi ông Hưng nghẹn ngào chỉ biết gật đầu thì bà đã ngóc dậy và tiếp tục nói bằng một giọng khàn khụa có lúc hơi khó nghe:
- Mày đi đâu từ hồi đó mà sao không thấy về thăm xóm, thăm làng.
Ông Hưng ấp úng:
- Con…con bận việc nhà nước…bận công tác bà ơi….bây giờ con vừa mới được về hưu…
Bà Quất thổn thức :
- Thằng Hoành vắn số, chết từ xưa, đâu có biết hưu là cái gì. Còn nhiều đứa nữa, cái Mùi, cái Hoè thằng Nam…cũng hy sinh hết cả rồi….Thế mà tao chẳng được chết thay cho. Tao đâu có được cái tích sự gì !
Rồi bà tu lên khóc.
Ông Hưng vội an ủi :
- Ôi, sao lại không tích sự gì ! Nhờ có bà chăm lo đời sống, từng cái ăn, từng thức uống thì chúng con mới rảnh rang đi làm nhiệm vụ. Cái sự hy sinh của bà cũng như các bà mẹ khác, biết lấy gì mà đo cho được.
Nói rồi ông tiến lại gần phản gỗ để đỡ hẳn bà cụ ngồi dậy. Đầu ông choáng váng, ngất ngư khi thấy cánh tay của bà cụ quá gầy guộc và khẳng khiu như một cành sậy. Ông xót xa nhìn lên khuôn mặt rúm ró, xanh xao của bà có những sợi tóc bạc phơ đang loà xoà rủ xuống. Bỗng ông buột miệng :
- Bà ăn uống thế nào ? Sao bà gầy ốm quá thế này ?
Bà cụ hơi nhếch một nụ cười, vành môi không đủ che hai hàng lợi đã chẳng còn lấy một chiếc răng nào :
- Có cái Mỵ, cháu ông Tửu bên hàng xóm đó. Nó chạy qua chạy lại, có gì ăn cái nấy.
Ông Hưng vừa ngồi xuống một bên mép phản, vừa thở dài :
- Thôi thế cũng may. Mà cháu đâu ngờ ông Tửu vẫn còn sống. Ngày xưa ông ấy còn thoát ly trước cả cháu mà.
Bà cụ gật đầu :
- Thế thì chốc nữa qua thăm ông ấy một tí. Bây giờ cũng chỉ như một thứ sư tử về già.
Hình ảnh anh chàng Tửu với hai hàm răng trắng bóng, mái tóc đen mượt mà với tính tình sôi nổi của anh lại chợt hiện rõ trong trí nhớ của ông Hưng. Đã có một thời ông nghe danh tiếng của Tửu được truyền tụng trong giới quân đội, nhưng rồi bẵng đi, ông không còn nhận được tin tức gì về Tửu nữa. Ai ngờ, cái nhân vật ấy lại đang nằm ẩn nhẫn ở cái nơi xa xôi hẻo lánh này.
Còn đang mải suy nghĩ về nhân vật Tửu, chợt bà Quất cất lên một cơn ho dài làm ông Hưng vội bước qua, đỡ lấy bà cụ cho dựa vào cánh tay của mình. Lòng ông lại xót xa khi thấy sao mà thân mình của bà gấy ốm như một thứ mèo hen.
Khi dứt cơn ho, bà mới nói :
- Thằng Tửu cũng không còn ở xóm Giếng nữa đâu. Có muốn sang thăm nó thì chờ cái Mỵ tới, nó đưa đi.
Ông Hưng ngạc nhiên;
- Ủa, thế cái nhà của ba gian hồi xưa ở xóm Giếng đâu ?
Bà cụ thở dài :
- Nó bán đi rồi. Giải ngũ ra, nghèo rớt mùng tơi, nó lên tỉnh đi làm thợ sửa xe. Rồi vợ nó ốm một trận thập tử nhất sinh, bán cả nhà đi mà chữa cũng không qua khỏi.
Giọng bà cụ chợt trở nên linh động hơn :
- Mà cái thằng mua lại nhà của nó, biết là ai không?
Ông Hưng còn đang lúng túng chưa kịp trả lời thì bà cụ đã tiếp :
- Lính cũ của nó chứ ai ! Ôi cái thời đổi đời, thằng dầy công, có tài thì đi sửa xe, thằng bất tài vô tướng nhưng giỏi luồn lọt thì giầu nứt đố đổ vách. Cái nhà mua rồi, nó cất lên ba tầng có hàng rào sắt bao quanh, lại nuôi cả chó bẹc-giê giữ của nữa đấy.
Câu nói của bà khiến ông hơi trạnh nghĩ tới thằng con đang còn tại chức của mình. Quả nó là một tay luồn lọt giỏi. Nhưng ông làm được gì ? Một đôi lần bố con trò chuyện, ông vừa gợi ý thì nó đã nói :
- Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, “ông” ơi!
Rồi nó nhún vai bỏ đi. Như thế cũng còn là …hiếu thảo ! Bởi ông có vài người bạn, cũng trong hoàn cảnh về hưu như ông, đã có lần bị con cái nói như hắt vào mặt :
- Nhà cao cửa rộng, xe hơi đi lại đều ở đó mà ra đó, bố ơi ! Bố có muốn ra đứng đường hay không?
Ôi, chỉ thiếu điều cắn lưỡi tự tử nhưng ở đời có mấy ai còn đủ can đảm dể làm chuyện đó.
Cuộc trò chuyện với bà Quất xoay ra những tin tức về những con người làm ăn theo thời thế. Ông Hưng không khỏi nghĩ đến lũ con, cháu của những bạn bè xưa cũ đã hy sinh. Bây giờ chúng nó ra sao hay cũng cùng một dạng như con cái của ông, của bạn bè nơi sở làm. Ông cất tiếng hỏi:
- Thưa bà, thế còn lũ nhỏ đàn con, đàn cháu trong làng, từ ngày hoà bình thống nhất rồi thì tình hình chúng nó ra sao ?
Như một cuốn gia phả ghi chép chi li ngọn ngành về mọi sự biến đổi trong ngôi làng nhỏ bé này, bà cụ Quất rành rọt nói về thân phận của từng người quen họ hàng hay chòm xóm thân thuộc:
- Em gái cô Mùi, tức cái Ngoan, bây giờ cũng đã già rồi. Có hai đứa con gái thì một đứa chết bệnh Sida, còn đứa kia theo lấy chồng Đài Loan, mấy năm nay không có tin tức gửi về.
- Thằng Thạch, em thằng Bính cũng hy sinh ở bên mãi bên Nam Lào, nhưng trước đó cũng đã có vợ, có con. Vợ nó lấy chồng khác. Con gái nó chả hiểu làm ăn gì mà bị đưa vào trường phục hồi nhân phẩm mãi trong Sài Gòn.
- Cháu ruột cô Hoà, gọi cô ấy bằng dì, cái thằng tưởng khá mà sau lại dính vào xì ke ma tuý…
- Còn thằng cháu đích tôn ông Đoái, cựu xã ủy làng này bây giờ cũng sinh trộm cướp, kéo bè kết đảng hiện đang ngồi tù.
- Còn …
- Còn…
Tai của ông Hưng thốt nhiên cứ ù cả lên. Ông không còn can đảm nghe tiếp những sự thật phũ phàng cứ tuôn ra tuột tuột từ miệng bà lão như thể chưa bao giờ nó có một dịp như thế để tuôn ra.
Nhưng bà Quất đâu phải là ma xó ! Bà chỉ như cái gốc đa, gốc đề chôn gốc, mọc rễ ở cái thôn làng nhỏ bé này để chứng kiến những chuyện vật đổi sao rời. Chỉ có điều, những trang sách ghi gói từ trí nhớ của bà sao mà hồi kết cục nó thảm thương và khốn cùng đến thế.
Ông vội vã đứng dậy xin phép tạm đi ra ngoài để nhìn ngắm cảnh vật đổi thay ở chung quanh nhà. Ông đi mau đến độ xô cả vào con chó ốm đang nằm buồn thiu vẫn dương đôi mắt đờ đẫn nhìn ra ngoài bầu trời vẫn còn đang ẩm sì và vẫn đang còn nhỏ xuống tí tách những giọt mưa trên mái lá.
Ông bước xuống sân gạch và đi qua cái chỗ mà ngày xưa Hoành đã từng đầm đìa mồ hôi đứng quạt thóc. Ông như nhìn thấy đôi mắt rực ngời tin tưởng của Hoành vẫn còn lẩn quất ở đâu đây. Trong niềm tin ấy, đã nhiều lần Hoành nói với ông :
- Mình cứ phải hy sinh đi. Cho đời con, đời cháu nó hưởng.
Câu nói ấy của Hoành bây giờ có sức mạnh xô ông, làm ông phải ngồi khuỵ xuống bên cạnh cái bể nước mưa mọc đầy rêu xanh vẫn ẩn dưới tán lá của cây hồng bì.
Ôi những ngày xưa cũ và những hoài bão tràn đầy vinh quang và nhiệt huyết như của Hoành, sau ngần ấy năm, sao lại chỉ nẩy sinh ra những thành quả đớn đau và tủi nhục nhường ấy.
Trước khi gục ngã, những Hoành, những Bính, những Mùi, những Hoè hay cả nghìn những con người trên đất nước này đã hy sinh đâu có biết rằng mình đã tận tuỵ một đời để chỉ đem lại cho thế hệ đàn con, đàn cháu một đời sống thảm thương đến thế. Cái mà chúng nó “ hưởng” là như thế ư?
Bất giác ông lại nghĩ tới đứa con trai của mình. Hiện nó đang làm Vụ trưởng đầy quyền uy và tiền bạc thì vào như nước chẩy.
Như thế thì trong đám trẻ của thế hệ thứ hai, thứ ba, có đứa thế này, có đứa thế khác. Nhưng dù là thế nào đi nữa, chúng nó cũng đều chỉ là sản phẩm của một thứ thành quả đang ung thối, mục ruỗng. Nếu biết sự thể cuối cùng cũng chỉ bầy ra được ngần ấy, thì những con người đã hy sinh, trước khi nằm xuống, hỏi có ai nhắm được mắt?
Khuôn mặt của ông Hưng bỗng nhiên ướt đầm đìa. Nước mắt của ông như nhòe ra, tan vào
những giọt mưa xuân đang rơi rả rích qua từng kẽ lá.
California, tháng 10 2004
NHẬT TIẾN
*****
Đầu năm 2013, nhà xuất bản Huyền Trân phát hành tác phẩm mới của nhà văn Nhật Tiến :
MƯA XUÂN
(Tập Truyện và Kịch)
“Mưa Xuân” gồm 9 truyện ngắn và hai vở Kịch, là những sáng tác của Nhật Tiến trong vài năm gần đây, chưa ấn hành thành sách.
Bạn đọc sẽ thấy những Truyện, Kịch trong tác phẩm này đã mang rất nhiều dấu ấn của xã hội Việt Nam thời hiện tại, qua đó, những thực trạng trần trụi cả bi lẫn hài đều đã được phơi bầy qua văn phong của một tác giả đã có bề dầy tới 60 năm cầm bút. Và như thế , nhà văn Nhật Tiến quả đã hoàn tất được chức năng do chính ông đã từng diễn tả :
“Chỗ đứng thích hợp nhất của một nhà văn là ở phía đám đông bị đàn áp hay bị đối xử bất công và những gì do một nhà văn viết ra phải góp được phần vào việc nâng cao giá trị nhân phẩm của con người và làm gia tăng sự cảm thông giữa con người với con người.”
_______________________________________