PDA

View Full Version : Tiểu Sử Danh Y Thế Giới Và Những Đóng Góp Quan Trọng Trong Ngành Y Học.



Nonregister
10-11-2010, 05:01 PM
Louis Pasteur (1822-1895) chế thuốc chủng ngừa bệnh chó dại


http://i55.tinypic.com/16a8mlh.jpg

"Tôi mong các bạn dành sự quan tâm cho những lãnh địa thiêng liêng rất nhạy cảm có tên là phòng thí nghiệm. Mong sao những lãnh địa này sẽ nhiều hơn và chúng sẽ được tô điểm để trở thành những ngôi đền của tương lai, của thịnh vượng và sức khỏe. Đây là nơi nhân loại sẽ lớn lên, vững mạnh và hoàn thiện. Nơi đây, loài người sẽ học cách đọc được sự phát triển và sự hài hòa cá nhân trong những công việc của thiên nhiên, trong khi đó công việc của chính loài người lại thường là man rợ, cuồng tín và phá hoại" - Louis Pasteur

1/ Chữa bệnh chó dại

2/Thuở thiếu thời của Louis Pasteur

Tuổi trẻ của Louis Pasteur đã không cho thấy các dấu hiệu của một nhà khoa học, một nhà khảo cứu tìm hiểu về các bí ẩn căn bản của đời sống con người. Khi lên 13 tuổi, Louis Pasteur là một cậu bé có tài về hội họa với các bức chân dung bà mẹ và các người chị, các bức vẽ giòng sông chảy gần nhà. Louis Pasteur ra đời vào ngày 27-12-1822 tại Dôle, một tỉnh nhỏ nằm bên giòng sông Doubs, trong một căn nhà nhỏ trên đường "Các thợ thuộc da" (Rue des Tanneurs). Cha của Louis là ông Jean Pasteur, trước kia là một trung sĩ trong đạo quân của Napoléon Bonaparte, nay làm thợ thuộc da. Năm 1827, ông Jean Pasteur đem gia đình dọn qua tỉnh Arbois và căn nhà mới ở gần giòng sông Cuisance và sau nhà là một hố lớn để ngâm các bộ da bò và da cừu.

Trong thời gian theo bậc trung học, Louis Pasteur đã không tỏ ra là một học sinh xuất sắc nhưng lại là một con người kiên nhẫn với thói quen làm việc cần mẫn. Hai năm trước khi tốt nghiệp trung học, Louis Pasteur được ông hiệu trưởng Romanet khuyên nên thi vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Supérieure), một ngôi trường danh tiếng chuyên đào tạo các giáo sư về Khoa Học, Lịch Sử, Văn Chương và Nghệ Thuật.

Mùa thu năm 1838, khi 15 tuổi, Louis Pasteur đã cùng với người bạn tên là Jules, lên xe ngựa để đi Paris, cách Arbois 250 dậm (400 km). Sống trong một ký túc xá tại Paris, Louis cảm thấy quá nhớ nhà nên một tháng sau, ông Jean Pasteur phải lên Paris, đón con trở về. Louis Pasteur tiếp tục học trung học tại Arbois rồi theo Đại Học Besancon cách nhà 25 dậm (40 km). Vào thời gian này, cậu Louis nổi tiếng về vẽ chân dung nhưng cậu vẫn không quên ước mơ thi vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm.

Tháng 8 năm 1842, Louis Pasteur tốt nghiệp đại học Besancon với các hạng ưu về vật lý, toán học và tiếng La Tinh rồi thi đậu vào Trường Cao Đẳng kể trên, với hạng 15 trên tổng số 22 sinh viên được tuyển chọn trên toàn nước Pháp. Louis đã không vừa lòng với kết quả này nên đã từ chối, không theo học và đây là một điều khác biệt với các sinh viên cùng lứa tuổi. Năm sau, 1943, trong kỳ dự tuyển lần thứ hai, Louis Pasteur đứng hạng 4, theo học phân khoa Khoa Học để sau này trở nên một giáo sư về Vật Lý và Hóa Học.

Vào thời kỳ này, Paris là nơi cung cấp các cơ hội học hành tốt đẹp nhất cho giới thanh niên, và các sinh viên ưa thích các bài giảng của Jean Baptiste Dumas, một Giáo sư Hóa Học danh tiếng. Louis Pasteur đã viết thư về cho gia đình, cho biết: "rất đông sinh viên tới nghe các buổi diễn giảng của Giáo Sư Dumas. Giảng đường rất lớn mà luôn luôn hết chỗ. Chúng tôi phải đến trước nửa giờ để chiếm chỗ ngồi tốt, như thể trong rạp hát". Ngoài Giáo Sư Dumas, các sinh viên còn mến phục các nhà khoa học khác như nhà vật lý Jean Baptist Biot, nhà hóa học Antoine Jerome Balard

Năm 1845, Louis Pasteur là một trong bốn sinh viên tốt nghiệp và các giáo sư giảng dạy đã ghi chú về Pasteur như sau: " sẽ trở nên một giáo sư xuất sắc". Sau đó Louis Pasteur chỉ xin được một việc làm tại phòng thí nghiệm của Giáo Sư Balard và bắt đầu nghiên cứu về bản chất của các tinh thể (crystals).

Vào đầu thế kỷ 19, giáo sư Biot đã khám phá thấy rằng các tinh thể của vật chất có đặc tính làm lệch tia sáng chiếu đến, và có loại làm lệch qua bên phải, lại có loại làm lệch qua bên trái. Louis Pasteur bắt đầu khảo sát một loạt các hợp chất gọi là axít tartaric và các muối tartrate. Có hai loại tinh thể axít tartaric được tạo thành bên trong thùng rượu nho khi nước nho lên men, thế nhưng đã có một bí ẩn vì một loại dung dịch axít kể trên làm lệch ánh sáng trong khi loại thứ hai không có đặc tính đó. Sau cả ngàn lần quan sát qua kính hiển vi, Louis Pasteur đã nhận ra rằng trong số các mặt nhỏ của hai loại tinh thể axít tartaric, chỉ có một mặt nhỏ khác nhau về độ dốc.

Khám phá mới của Louis Pasteur đã là căn bản cho một thứ hóa học mới của thời kỳ bấy giờ, đó là ngành hóa học ba chiều (stereo chemistry).

Tháng 1 năm 1849, sau khi tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học, Louis Pasteur nhận chức vụ giảng sư về hóa học tại trường Đại Học Đường Strassbourg và vào tuổi 26, Louis Pasteur quen cô Marie Laurent, ái nữ của vị viện trưởng đại học. Họ cử hành hôn lễ vào ngày 29-5-1848 và từ đây, bà Marie đã lo lắng mọi công việc gia đình, để chồng chuyên tâm nghiên cứu Khoa Học. Tại Strassbourg, 3 trong 5 người con đã ra đời: cô gái Jeanne sinh năm 1850 rồi một năm sau là người con trai Jean Baptiste và hai năm sau nữa là cô gái Cécile.

3/ Nghiên cứu vi trùng.

Vào tháng 9 năm 1954, Louis Pasteur được Bộ Trưởng Giáo Dục Pháp bổ nhiệm làm Giáo Sư Hóa Học và Khoa Trưởng Khoa Học tại Đại Học Lille. Đây là một ngôi trường mới được thành lập tại trung tâm kỹ nghệ rất giàu có thuộc miền bắc của nước Pháp. Louis Pasteur với tuổi 32, đã được giao trọng trách là giáo dục các sinh viên làm sao đáp ứng được các nhu cầu thực tế của địa phương. Giáo Sư Pasteur đã khởi đầu một quan niệm giáo dục rất tiến bộ đối với thời bấy giờ, đó là lập ra các lớp học buổi tối dành cho các công nhân trẻ của thành phố kỹ nghệ, đồng thời ông cũng dẫn các sinh viên ban ngày đi thăm viếng các nông trại và các nhà máy lớn. Pasteur đã từng nói: "không có hai loại Khoa Học mà chỉ có Khoa Học và các áp dụng của Khoa Học. Hai thứ này liên kết với nhau như trái cây mọc ra từ cành cây".

Tại vùng Lille, có rất nhiều nhà máy nấu rượu. Người ta đã cho men vào nước nho và sau tiến trình lên men, nước nho trở thành rượu chát. Nhưng vào thời kỳ đó, không ai biết rõ tại sao đã có những biến đổi này. Các nhà khoa học chỉ nói về tiến trình lên men là "lạ lùng và còn bí ẩn ".

Vào một ngày mùa hè năm 1856, ông Bigo là chủ của một lò nấu rượu đã tới trường đại học, thăm viếng Giáo Sư Pasteur. Ông Bigo đã trình bầy rằng một dung dịch củ cải đường thường được chuyển thành rượu nhưng lần này, nó đã trở thành dấm chua. Các nhà sản xuất rượu khác cũng báo cáo cùng một trở ngại và đây là một điều xấu cho nền kỹ nghệ trong vùng bởi vì sự lên men dấm đã gây thiệt hại hàng ngàn quan tiền trong một ngày. Không ai biết rõ nguyên do đã sinh ra sự lên men rượu, tại sao rượu trở thành dấm chua. Ông Bigo hi vọng rằng vị Giáo Sư Pasteur dạy người con trai của ông, sẽ cho các lời khuyên. Vì vậy Louis Pasteur đã tới thăm nhà máy nấu rượu và đã lấy các mẫu dung dịch của cả loại tốt lẫn loại đã bị hư hỏng. Qua kính hiển vi, Louis Pasteur nhận thấy rằng các tế bào men rượu (ferments) ở dạng hình tròn rất nhỏ, nhưng trong dung dịch bị hư hỏng, các tế bào tròn đó đã bị các tế bào hình que lấn át. Louis Pasteur gọi các tế bào men rượu là "wee germs" (vi trùng) (sau này được gọi là các vi sinh vật = microorganisms). Ông nhớ lại công trình khảo cứu của nhà khoa học Charles Cagniard-Latour theo đó các tế bào men rượu đã sinh sản bằng cách mọc mầm (budding). Pasteur đặt giả thuyết rằng nếu các tế bào này sinh sản được thì chúng có sự sống và đã sống nhờ đường trong dung dịch củ cải đường và biến dung dịch này thành rượu. Louis Pasteur đã cấy men trong nhiều loại dung dịch đường và đã nhìn thấy qua kính hiển vi các tế bào men rượu sinh sôi nẩy nở, ngay cả trong một môi trường nhân tạo thiếu khí oxygen, quan niệm này trở thành hiệu ứng Pasteur (the Pasteur effect).

Khi nghiên cứu về dung dịch sữa là thứ dễ bị hư hỏng, Louis Pasteur cũng thấy sữa trở thành chua khi có nhiều loại tế bào hình que, loại đã thấy trong dung dịch củ cải đường bị hư hỏng của ông Bigo. Do sự khám phá của mình, Giáo Sư Pasteur đã khuyên các nhà nấu rượu nên dùng kính hiển vi để khám xét các thùng rượu đang lên men.

Năm 1857, sau hai năm khảo cứu về dung chất củ cải đường, ông Pasteur phổ biến một báo cáo về sự lên men theo đó có hai loại men, một loại có ích đã biến dung dịch củ cải đường thành rượu và một loại có hại, hình que, chỉ dài bằng 0.001 mm.

Báo cáo về sự lên men do các vi sinh vật gây nên, đã tạo ra một cơn bão phản đối trong giới khoa học vì một số nhà khoa học thời đó tin rằng sự lên men là do phản ứng giữa các chất thành phần. Nhiều nhân viên của Hàn Lâm Viện cũng không chấp nhận các chứng cớ nêu ra. Tuy thế, Giáo Sư Louis Pasteur vẫn tiếp tục nghiên cứu.

Cuối năm 1857, Louis Pasteur được gọi về Trường Cao Đẳng Sư Phạm tại thủ đô Paris và làm giám đốc khảo cứu khoa học. Vào thời gian này, Louis Pasteur đã gặp các khó khăn mà các nhà khoa học đương thời cùng phải chịu đựng: phòng khảo cứu không được trang bị đầy đủ dụng cụ, không có ngân khoản và các tiện nghi khác. Ông Pasteur phải dùng tiền riêng của mình để biến đổi hai phòng trên lầu của nhà trường thành một nơi khảo cứu. Louis Pasteur tìm cách bác bỏ lý thuyết về sự sinh sản tức thời (spontaneous generation). Ông tin rằng trong không khí có các vi trùng, vì vậy ông đã nghĩ ra một cách thí nghiệm theo đó dung dịch nước đường được đun sôi và chứa trong hai bình thủy tinh khác nhau, một bình được gắn kín còn bình kia để mở ra không khí. Sau vài ngày, dung dịch trong bình thông với không khí đã bị hư hỏng, trái với dung dịch kia. Louis Pasteur cũng làm thí nghiệm với các loại dung dịch khác như sữa, nước canh và đã chứng minh được rằng vi trùng từ bên ngoài không khí xâm nhập vào các dung dịch. Nhưng các nhà khoa học phản đối vẫn cho rằng việc gắn kín bình đã làm ngưng lại sự sinh sản tức thời. Ông Pasteur bèn nghĩ thêm một cách khác, dùng tới loại bình chứa dung dịch có cổ dài uốn theo hình chữ S nhờ đó dung dịch bên trong vẫn tiếp xúc với không khí mà không bị bụi chứa vi trung xâm nhập. Louis Pasteur còn khảo sát ảnh hưởng của không khí có chứa vi trùng tại nhiều địa điểm như trong hầm rượu, trên đồi miền Arbois và trên miền núi cao Mont Blanc. Chính vào thời kỳ ông Pasteur bận tâm khảo cứu thì người con gái đầu lòng của ông tên là Jeanne mắc bệnh sốt thương hàn và qua đời vào tháng 9 năm 1859.

Tháng 11 năm 1860, Giáo Sư Louis Pasteur báo cáo trước Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp về các kết quả thí nghiệm của mình theo đó, bụi trong không khí là nguyên do làm hư hỏng các dung dịch. Louis Pasteur đã nghĩ ra một phuong pháp làm sạch vi trùng mà ngày nay được gọi là cách khử trùng Pasteur (pasteurization). Nhờ phương pháp này, các thực phẩm có thể lưu trữ được lâu hơn và được chuyên chở mà không bị hư thối. Ngày 8-12-1862, Louis Pasteur được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học, một danh dự cao quý nhất của các nhà khoa học người Pháp. Các công trình nghiên cứu của ông Pasteur đã mở đường cho nhiều sinh viên và nhà khoa học khác tìm kiếm các vi trùng tại các phạm vi khác nhau.

Còn tiếp.

Vietscience.com