PDA

View Full Version : Chiếc Gương Đen



giavui
07-23-2014, 10:49 PM
Chiếc Gương Đen

Tác Giả: Đưc Mẫn

http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1406155688_black_mirror.jpg


Ông Thorndye chủ nhân thư viện khu Steplinn, đã nhiều lần nhìn sang mấy ngôi nhà kỳ quái có mặt tiền ốp gỗ đối diện với cửa sổ với cửa sổ phòng ông.
Phòng đọc kê những dãy bàn gỗ đen ngổn ngang sách báo giờ đây không còn một bóng người và ông không thể nào được nói dăm câu ba điều với một người nào đó rằng ông đánh giá hết sức đặc biệt phong cách kiến trúc tuy đo của những công trình này, rằng chỉ riêng những công trình đó mới có thể trụ lại được qua bao nhiêu lần hỏa hoạn và chấn động mà Siti phải chịu đựng từ thế kỷ mười lăm.
Không một bóng người...
Nói chung thì cũng hoàn toàn không phải như vậy, nhưng cái ông khách duy nhất đang uể oải lần giở những tập sách nhaÜn bóng vì dầu mỡ không được người thủ thư tính đến.
Bác sĩ Baster Brown là một thầy thuốc bình thường trong khu; ông sống ở phố Nhà thờ, thuê hai phòng trong một ngôi nhà cao tầng u ám ở ngoại vi công viên Clissold, ông không có riêng một tủ sách, một phòng thí nghiệm, còn những người khách bệnh nhân ít ỏi thì ông tiếp khám trong cái phòng khách xoàng xĩnh có mấy cái ghế bành đen đủi nhồi lông ngựa. Mỗi tuần hai lần ông lê gót xuyên qua thành đô đến Hallborn để vào cái phòng đọc đầy bụi của ông Thorndye, tại đây ông ngồi một vài giờ và cuối cùng ra về với một cuốn sách nhỏ với giá đặt cược là sáu pence.
Ngoài trời mưa lâm thâm, mà cái bàn ông ngồi lại kê vào góc tối nhất của thư viện. Tuy thế ông Thorndye cũng không nghĩ đến chuyện thắp lên một trong số những cây đèn chao xanh vì một độc giả chẳng lấy gì làm giàu có như ông.
Ông Baster Brown không đọc mà chỉ ngồi lật qua lật lại những trang sách "Lịch sử nước Anh", và từng tí một ông dần dần nhét xuống dưới tập sách này một cuốn sổ mỏng lấm tấm những chấm rỉ sắt và đã bị bọ sách cắn thủng.
Đúng lúc này cô Boze bước vào và ông Thorndye trịnh trọng cúi chào. Cô Boze chẳng những đã mượn của thư viện những sách quý hiếm, mà cô còn thích chuyện trò với ông chủ, những lúc như thế ông lại có dịp trình bày nhận thức của mình về mặt lịch sử.
- Cô Boze này, lần trước khi tôi được vinh hạnh và được sung sướng tiếp kiến cô trong tệ xá của mình, chúng ta đã nói đến Ren, đến việc sau vụ cháy năm một ngàn sáu trăm sáu mươi sáu ông ấy đã xây lại Hild Hall.
Ông Baster Brown đứng dậy, cuốn sổ mỏng ông nhẹ nhàng cho vào túi áo bành tô, còn một tay ông cầm một cuốn tiểu thuyết gì đó mới được xuất bản.
- Xin cám ơn ông, chào ông - người thủ thư vừa nói mấy tiếng khô khan, vừa đưa hai ngón tay kẹp lấy đồng xu mà ông thầy thuốc đưa ra.
Cái bóng dáng thấp bé của ông bác sĩ nhòa đi trong màn mưa bụi của Hallborn.
- Làm việc như thế thì cũng chả lấy gì làm no đủ ông Thorndye lẩm bẩm.
Sau đó ông lại mỉm cười và tiếp tục bài giảng của mình cho cô khách hàng thường nhật.
Tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận rằng những ngọn tháp mà Ren xây dựng cho Tu viện Westminster không được hài hòa lắm với cái vẻ hùng vĩ của Tu viện...
Đứng ở góc phố Hallborn chờ xe buýt giữa cái đám người âu sầu chịu đựng, quần áo ướt sũng, ông Baster Brown lấy tay giữ khư khư cái túi căng phồng của mình, dường như trong đó có cái ví đầy tiền. Thế nhưng trong đó chỉ vẻn vẹn có một cuốn lịch thư cổ của Warren năm một ngàn tám trăm năm mươi bảy mà cho đến nay thật là may mắn ông Thorndye không đem ra nhóm bếp hoặc không rơi vào tay gã Do Thái buôn đồ cổ Paans cứ mỗi năm hai lần đến mua tất cả những cuốn sách không còn cho mượn được nữa.
Ông Baster Brown về đến nhà thì đã muộn, ở lối cầu thang ông đụng phải cô chủ nhà Skinner, cô xì ra một tiếng không hài lòng và không đáp lại lời chào của ông.
Lẽ ra mình phải tìm cách trả cho cô ấy một phần tiền nhà, ông thầy thuốc lẩm bẩm một cách chán chường khi leo lên tầng tư về phòng mình trên những bậc cầu thang trải một tấm thảm đã trụi lông xơ xác.
Lửa trong lò sưởi đã hết cháy, còn ở cái vòi hơi có cái màn chắn rách nát bằng amiăng thì chỉ còn một chút ánh sáng loe lét.
Ông Baster Brown đặt cuốn lịch thư Warren xuống cái bàn tròn có lớp vécni đã hơi tróc nham nhở bên cạnh chai rượu Uýtxki và một cái ống điếu cáu bẩn vì nước bọt; sau đó ông thận trọng kiểm tra xem cửa đã đóng chặt chưa, ông vo một mảnh giấy nhét vào lỗ khóa và cẩn thận kéo bức rèm vải bông màu xanh che kín cửa sổ.
- Chà..., ông thở một hơi dài, nhưng đầu tiên phải gọi cái điếu Polli giúp đỡ cái đã.
Ông vớ cái ống điếu, nhét vào đó một dúm thuốc vo tròn lồng phồng lấy ra từ một túi giấy màu xám và rít một hơi khoan khoái.
Nàng Polli tốt bụng của tôi ơi! Ông thốt lên với cái giọng dịu dàng thô thiển.
Nàng Polli phần nào đã tô điểm được cho cuộc đời đơn côi của ông, con người ít ỏi về tiền nong mà lại bị bao nhiêu rủi ro khăng khăng theo đuổi; còn ông thì bắt chước nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám của ông đã đọc được hồi nào để đặt cho ống điếu một cái tên nghe thật phụ nữ, thậm chí còn khắc lên đầu nó ba dấu thập ác, ông làm thế chỉ cốt để đánh dấu quyền sở hữu của mình và sự ràng buộc đặc biệt.
"Một thứ siêu đẳng" đã có lần ông tự nói với mình khi nhớ lại cái ngày ngẫu nhiên có tiền ông đã mua cái ống điếu theo kiểu "chesterfild" bằng thứ vỏ bạch dương dày cộp của Anh này với giá khá đắt.
- Chà...
Baster Brown đọc sách, hai tay ôm đầu và cắn môi vì căng thẳng: "Năm một ngàn tám trăm bốn mươi hai bộ sưu tập đồ quý hiếm của Horas Wallpo ở Stroberri Hill được đem ra bán đấu giá. Trong những thứ khác lạ có một chiếc gương đen của bác sĩ John Dee, một người thầy thuốc, một nhà phẩu thuật và một nhà chiêm tinh của nữ hoàng Anh Elizabeth. Đó là một tấm than đá màu đen cực kì, được đánh bóng và đẻo gọt tinh xảo hình bầu dục có cán bằng một khúc ngà voi màu sẫm.
Ngày trước tấm gương này được lưu giữ trong bộ sưu tập của các bá tước Peterborough, cũng như trong dòng họ Wallpol chưa bao giờ có ai có ý định sử dụng cái đồ vật bé nhỏ này, họ chỉ thờ ơ lưu giữ, đề phòng có những tai họa lớn có thể gây ra sự tò mò không đúng chỗ của ai đó.
Alias Ashmol, tác giả cuốn sách kì lạ và rùng rợn "Theatrum Chemicum" có kể về một chiếc gương đen theo những lối nói sau đây: "Nhờ khối đá thần thông này có thể nhìn thấy mọi gương mặt mà ta muốn, dù gương mặt đó ở phương trời nào đi nữa, dù nó có lẩn trốn vào những hang sâu khuất nhỏ nhất nằm sâu tít trong lòng đất."
"Cần biết rằng mãi về sau này những người giữ chiếc gương vì khiếp sợ cái uy lực đó mà không dám đem thử..."
Ông Baster Brown thôi không đọc phần cuối bài báo nói đến số phận bi thảm của ông John Dee bí ẩn, mà đi lấy một chiếc kính lúp để soi xét mấy dòng chữ bé líu xíu bên lề sách:
"Phải, nhưng tên đạo tặc Edward Kelli đã theo sát như hình với bóng cái lão Dee khôn ngoan ăn người, tên đạo tặc này đã sử dụng gương để đi tìm kho báu và để gây ra những tội ác bí ẩn.
Trong tay tên bất lương cái vật nhỏ kì diệu này, không còn nghi ngờ gì nữa... (đến đây mảnh giấy bị mọt đục, vì thế mất một đoạn)... cái được Giấu Kín trong gương".
Hai chữ Giấu Kín được gạch chân và viết đậm.
Đoạn ghi chú bên lề được kết thúc bằng mấy dòng viết thân bằng một loại nét chữ khác.
"Gương này đã bị bọn Kwaiter feidzi ăn trộm. Chúng dùng gương để tìm các kho báu (đoạn này lại bị mọt ăn)... nguyền rủa chúng suốt đời".
Ông thở một hơi dài và sâu theo thói quen, ông ấn vào cái lò xo ở một chiếc hộp kín của chiếc bàn nhỏ kì cục làm theo kiểu dedlou, đặt cuốn lịch thư Warren vào đó bên cạnh một cái túi da. Trong túi này có những dụng cụ quý giá tinh xảo bằng thép bóng loáng. Đó là những vật đắc dụng đã một thời là tài sản của Stenton Miller biệt danh Con Dê mà một buổi sáng tháng Ba người ta đã treo cổ hắn ở nhà ngục Newgate, cũng vào lúc đó mưa lớn lẫn với mưa đá to đã đập vỡ hết kính của những ngôi nhà ở Paternos ter Road.
Ông thầy thuốc lắc đầu; ông đã ra tay cứu giúp Stenton Miller khi hắn được chở đến đồn cảnh sát ở Roterhight, thừa sống thiếu chết vì đòn thù của một đám đông.
- Ông bác sĩ, ông cầm lấy cái này thay cho tiền chữa con người bất hạnh ấy thều thào, lúc một viên cảnh sát bỏ đi giây lát, có lúc dùng đến đấy. Mà tôi cũng không muốn để người ta lục thấy trong túi tôi.
"Cái của nợ này" cũng chẳng thấy có ảnh hưởng gì đến kết cục vụ việc của chính Stenton Miller, thế nhưng nó cũng có chút ích lợi cho ông Baster Brown, bởi vì thường mỗi tuần ông không kiếm nổi lấy một đồng bảng.
- Chà, Polli, ông vừa thốt ra mấy tiếng, vừa nhả lên trần một làn khói.
Ba ngày sau ông được biết rằng hầu tước cuối cùng Kwaiterfeidzi đang sống ở Estis Road trong một ngôi nhà cũ nát lụp xụp với mấy cái cửa sổ bụi bậm nhưng lại được che hắn bằng những chiếc rèm gấm nặng nề, đắt tiền.
- À, cái lão bần tiện ma quỷ Kwaiterfeidzi, trời tru đất diệt cái lão ấy đi! một cô bán rau kêu lên đúng lúc Baster Brown vô tư dạo chơi trên đường Estis Road.
Và ông nhìn thấy cái lão già đầu nhỏ xíu, ăn mặc chỉnh tề theo kiểu Bremmel đang lần bước trên bực thềm nhà.
Estis Road là một phố nhỏ heo hút ở Kenonberi, đến ban ngày cũng ít người qua lại, còn đêm khuya thì hoàn toàn không có bóng người.
Lối vào biệt thự của nhà Kwaiterfeidzi; có một cánh cửa chắc chắn có then cài và hai vòng khóa xích, ngược lại thì cánh cửa sân vườn, lối ra kênh đảo Olvin không sâu lắm, chỉ cần một que sắt năm mươi phân thì có thể mở được. Ông Baster Brown đi qua một vạt sân nhỏ đọng đầy nước mưa, tựa như một nhánh sông nhỏ, mở cái chốt cữa sổ phòng giặt và dễ dàng tìm được đường vào các phòng tầng trên.
Phải, cái thằng cha Steton Miller nói đúng, những dụng cụ của hắn cũng có ích thật sự đấy chứ! Ông Baster Brown tin như thế khi ông cắt tấm ốp bằng tấm thép của cái két sắt kỳ cục được trang trí bằng một thứ sợi mạ vàng và những hình hoa văn cầu kỳ diễm lệ.
Ông đang sắp hoàn thành công việc của mình thì hầu tước Kwaiterfeidzi bước vào, trong tay cầm một que chọc lò.
Bác sĩ giật ra khỏi tay ông cái vũ khí nực cười ấy và đập một nhát vào cái hộp sọ bé nhỏ hình trái lê của ông.
Ông già rít lên một tiếng như tiếng chim rồi ngã vật xuống; kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo Baster Brown rằng không cần đến nhát thứ hai nữa.
Không hề vội vã lúng túng, ông lục soát hết mọi thứ trong tủ và phát hiện trong đó có mười hai đồng bảng tiền giấy, một vốc đồng shilling mới và chính cái gương của bác sĩ Dee đựng trong một cái túi bằng lụa màu đỏ.
Về đến nhà ông Baster Brown nốc hết ba phần tư chai Uýtky rồi rút cái gương trong bao ra.
Thở một hơi dài ngao ngán, ông đặt Polli lên bàn vì trong túi ông không còn một chút thuốc nào. Sau đó ông thận trọng bắt tay vào việc nghiên cứu cái vật kỳ quái ma thuật.
Cái khuôn bầu dục nhỏ hẹp và tăm tối ánh lên như một mảnh trời đêm không trăng sao, ông nhận thấy rằng nó lấp lánh, không phản chiếu một thứ ánh sáng nào, vả lại trong cái bề sâu u tối của gương ông cũng chẳng phát hiện thấy có gì đặc biệt.
Để tập trung tư tưởng và tinh thần ông bắt đầu nhắc lại tên tuổi của con người bí hiểm tạo ra chiếc gương, đôi khi ông còn kết hợp cả vào đó tên của Kwaiterfeidzi.
Một giờ sau lưng, ông bắt đầu toát mồ hôi, tay ông thì run rẩy lập cập vì một sức nóng không biết từ đâu sinh ra.
Gần đến sáng ánh đèn hơi đã yếu đi bởi vì ông Baster Brown quên không thả một đồng xu vào cái khe đồng hồ tính tiền.
Ánh sáng tắt hẳn và bây giờ ông thầy thuốc mới thấy một ánh xanh tuyệt vời hắt ra từ lòng gương.
Động tác đầu tiên của ông là cử chỉ run sợ, ông chạy vội sang phòng bên và khóa trái cửa lại.
Tuy nhiên, gần như ngay lập tức ông nguyền rủa mình vì tội nhát gan, và mặc dầu toàn thân run rẩy một cách thiểu não, ông vẫn quay về chỗ bàn.
Ánh sáng ấy vẫn tiếp tục hắt ra, dù không mạnh lắm.
- Cần phải... nghiên cứu hiện tượng này... nhằm mục đích khoa học. Ông thầy thuốc lẩm bẩm. Cái ánh xanh này dường như là ánh xanh từ một đầu cực... Vậy thì, nếu ta đứng sang bên trái gương, ta sẻ nhìn thấy...
Ôi chao, quả đúng như thế! Ông đã nhìn thấy, dù rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, bây giờ ông chỉ mong sao trên cái mặt đen lạ lùng kia không hiện ra một hình ảnh nào nữa, mặc dấu ông đã từng ham muốn được chính mình sử dụng cái sức mạnh bí hiểm của nó.
Hình ảnh hiện ra khá là mờ mịt và ông Baster Brown phải vận dụng hết trí lực của mình mới có thể phân biệt được một số đường nét.
- Có vẻ giống như là... hừm, nhưng rất rõ ràng đó là một cái gì như thể một bộ áo dài... mà có lẽ, như là một chiếc áo blu. Hừm,... à à, đây là cái đầu... còn đây là chân.
Hình ảnh dần dần nét hơn.
Cái đầu đội mũ hiệp sĩ lộ ra phía trên một chiếc khiên rộng không rõ hình thể. Cặp chân khẳng khiu dài quá khổ, bên ngoài mặc một thứ quần kỳ dị mà người ta dùng để mô tả trên những bức chạm khắc cổ xưa các nhà hiệp sĩ cuối cùng của cuộc chiến tranh Hoa hồng đỏ và Hoa hồng trắng.
- Đẹp thì chả đẹp, mà ý nghĩa thì không có gì, ông Baster Brown kết luận trong một giây lát hăng hái.
Tuy nhiên, ông cũng không có ý định hăng máu vịt trước một kiểu bất trí, ông hiểu rằng bức tranh khó hiểu và không mạch lạc sẽ tạo ra quanh mình một không khí ghê sợ hãi hùng. Cái ánh sáng xanh kia đủ mạnh để soi các vật xung quanh và ông đã nhìn thấy chai rượu uýtxky và chiếc điếu Polli được bao phủ bởi một lớp ánh lân tinh mờ mờ.
Đó là những đồ vật quen thuộc, thậm chí còn rất đáng yêu của ông, những đồ vật sinh hoạt bình thường, thế mà giờ đây ông nhìn chung một cách khiếp sợ, tựa hồ chúng cũng là một bộ phận của sự bí ẩn nguy nan đã nảy sinh ngay bên cạnh ông.
Đúng lúc này cái hình ảnh nhòe nhoẹt kia chợt đậm đặc lại mấy giây rồi lại nhanh chóng giãn ra; đầu tiên là cái khiên biến đi, bộ quần áo bỗng thảng thốt như sương, rồi sau đôi chân như hai con rắn chợt tan hòa vào thứ bóng tối lung linh. Thế rồi, thoắt một cái, giống như sau tiếng "tách" của công tắc điện, tất cả đồng loạt tối thui và căn phòng chìm vào bóng đêm.
- Đồng hồ tính tiền, mau lên! Ông Baster Brown kêu lên và điên cuồng chạy khắp phòng tìm những đồng xu.
Ông kịp bỏ tiền vào khe đồng hồ khi nghe thấy sau lưng tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng và tiếng nước chảy đổ.
Một phút sau chiếc đèn hơi sáng lên rực rỡ.
Chai rượu đã vỡ vụn chảy thành hai dòng trên mặt bàn. Chiếc gương đen lại giống như một chiếc đĩa thường.
- Có thể đó là do trí tưởng tượng bệnh hoạn của ta sinh ra mà thôi. Ông bác sĩ ca cẩm.
Nhưng ngay lập tức ông lắc đầu:
- Vậy tại sao cái chai lại vỡ, lại còn...
Ông mở to mắt, đứng như trời trồng, nhìn chằm chằm lên bàn: chiếc điếu Polli đã biến mất.
Phải mất một tuần trôi qua ông Baster Brown mới lấy lại được can đảm để thử nghiệm điều bí ẩn của chiếc gương ma quái trong một đêm đen tĩnh mịch.
Không có gì xảy cả.
Dũng cảm hơn, đêm nào ông cũng thử nghiệm; để có vẻ ly kỳ thậm chí ông đã bắt đầu kêu gọi cả đến bóng dáng của Dee và Kelli, hơn thế nữa, cả những thực thể của thế giới bên kia, khi tìm thấy tên tuổi của họ trong sách thảo luận cổ xưa về ma thuật Nodzerx.
Ông đã thất vọng. Ông đã thôi mơ ước có những cuộc tìm kiếm thần hiệu những kho báu và thậm chí ông đã tự nói với mình rằng thật sự ông không bao giờ tin vào chuyện đó.
- Liệu có đáng công hay không... liệu có đáng công hay không... đôi lúc ông cứ lẩm bẩm như vậy. Tuy nhiên, ông không nói ra hết ý nghĩ của mình và chắc tự ông cũng không thể nói được rằng liệu sự hối tiếc của ông có liên quan đến vụ giết người ở Estis Road hay không.
Dù thế nào đi nữa thì tội ác cũng đã mang đến cho ông mười hai đồng bảng và mấy shilling; nhưng những đồng tiền ấy đã tiêu veo đi như tuyết tan dưới ánh mặt trời.
Vào cái ngày khi đồng shilling cuối cùng được đem ra để mua một ít đường và trả thì ông được cô Skinner cho hay là cô sẽ tới thăm ông.
Cho hay là tới thăm, nói như thế thì trang trọng quá; trên thực tế thì cô chỉ sai người đấy tớ gái Diana Pabsi chuyên làm những việc bẩn thỉu đến báo cho bác sĩ biết rằng ông không được ra khỏi nhà, khi chưa nói chuyện với cô Skinner, nếu ông không muốn thì quay về nhà phải nhìn thấy trên cửa nhà mình những dấu niêm phong lớn màu đỏ.
Cô Skinner là một cô chủ nhà khá giàu tính chịu đựng và cô chưa bao giờ tuyên chiến một mất một còn với người ở thuê vì cái chuyện chậm trả tiền nhà, nhưng ông Baster Brown nợ tiền cô đã tám quý, ấy là chưa kể những khoản lặt vặt mà cô cho vay vào những phút tâm hồn sảng khoái.
Cô chủ đến đúng hồi mười một giờ, tức là hai tiếng sau Diana Pabsi, cô đeo trên mũ chiếc kính đồi mồi và cầm trên tay một sổ nợ khổ lớn.
- Thưa bác sĩ Brown, cô mở đầu, việc này không thể kéo dài hơn nữa. Sức chịu đựng của tôi thì rất lớn, tôi còn có thể chịu đựng được hơn nữa, nếu như tôi không có một nhu cầu rất lớn về tiền. Xin ông vui lòng nhìn bảng kê này, ông sẽ thấy rằng ông còn thiếu của tôi...
Bỗng nhiên cô ngừng bặt, cô hít ngửi một hơi, vẻ tởm lợm rồi kêu lên:
- Trời đất ơi, quái quỷ thật... Có cái gì thối tha trong cái ống điếu của ông thế, hả ông bác sĩ? Tôi không thể ngồi đây được nữa. Thối tha quá... Ông đi ngay đi, ông cút ngay khỏi nhà tôi đi...Ôi! Làm sao lại có cái mùi như thế được chứ?
Cô vùng chạy ra ngoài, còn cái sổ nợ (trường hợp không tiền khoáng hậu trong biên niên sử của ngôi nhà này) trượt khỏi tay cô, rơi tung tóe xuống sàn nhà.
Ông Baster Brown mừng vì thoát khỏi những lời chỉ trích và đe dọa của cô, tuy vậy ông nhíu trán ngồi yên sau cái bàn tròn như chết lặng: từ khi mất Polli, để tiết kiệm tiền ông đã không mua điếu mới, và vì thế ông đã bỏ hút!
Mặt khác, dú ông có đánh hơi ngửi khắp nơi đi nữa, ông cũng không thấy một chút mùi khói thuốc nào, có chăng chỉ là mùi nặng nề của cái xô rác trong bếp và chút mùi của mấy lọ thuốc.
Ông nhún vai nhìn vào cái ngăn kéo bí mật trong góc bàn.
Chiếc gương đen vẫn nằm đó, vẫn tăm tối và lấp lánh, nhưng chẳng có gì hấp dẫn và lạ kỳ; nó vẫn là những công cụ bằng thép nằm trong bao da.
Baster Brown mỉm cười cầm chúng lên tay.
Đúng giây phút đó từ tầng dưới nhà có tiếng rú lên kêu cứu:
- Bác sĩ, bác sĩ ơi! Cô ấy sắp chết rồi!
Người thầy thuốc nhận ra ngay cái giọng the thé của Diana Pabsi.
Ông bắt gặp người hầu gái trước cửa phòng bếp mở rộng. Cô ấy la khóc và mặt mũi ướt đẫm nước mắt.
- Cô chủ về phòng và bảo: "Cái mùi thuốc... chà, sao mà nó thối đến thế!" sau đó cô ấy ngã xuống. Rồi cô ấy không động đậy được nữa! Trời ơi là trời!
Ông Baster Brown đã nhìn thấy cô Skinner nằm xỉu trên nền gạch nung trắng đỏ; cặp kính của cô văng xa vào một góc đã vỡ vụn.
Gương mặt cô chủ nhà méo mó một cách thảm hại.
- Cô ấy không động đậy nữa, ông thấy đấy! Cô hầu gái nức nở.
"Cô ấy sẽ không bao giờ động đậy được nữa" người thầy thuốc tự nhủ, bởi vì ông đã xác định được rằng kẻ bất hạnh đã chết.
Ông ngồi viết một tờ kết luận ngắn gọn cho các chuyên viên y tế của sở cảnh sát thành phố rồi lên gác về phòng mình, sau đó ông cất cả túi da vào chỗ cũ. Vì ông là người đầu tiên xác nhận cái chết của cô Skinner cho nên theo luật pháp ông sẽ phải tham gia điều tra, và với cả hai tư cách ấy ông sẽ được một khoản tiền thù lao là ba bảng sáu shilling.
Với số tiền ấy ông có thể ung dung kéo dài cuộc sống thêm mấy ngày nữa.
Vì sao kể từ ngày đó ông cứ luẩn quẩn với ý nghĩ phải bán đi cái ông điếu Polli?
Cái ống điếu ấy đối với ông dần dần trở nên một cái gì tựa như một cô bạn gái mà trong thời độc thân khốn khó của mình ông không thể nào có được, còn bây giờ thì ông lại gắn bó với nó đến mức không muốn tìm vật thay thế, thậm chí ông đã không còn ham muốn hút nữa.
Nhưng mối quan tâm bé nhỏ ấy chẳng bao lâu đã bị che lấp đi bởi những điều phiền toái lớn lao hơn: chẳng những ông ngồi không không kiếm được đồng nào, mà hơn thế nữa ông còn mắc nợ đầm đìa đến nỗi ông chẳng còn hy vọng nuôi nổi thân mình.
Những khách bệnh nhân trước kia thỉnh thoảng còn đến thì nay hết hẳn; một bọn du đãng nào đó ban đêm đã gỡ đi khỏi cửa cầu thang tấm biển kẽm có ghi họ tên ông và giờ tiếp khách.
Ông cũng chẳng nghĩ đến chuyện gặp lại nó nữa, vì chưng ông đã tin điều ấy vô bổ.
- Chao ôi, Stenton Miller, ông lẩm bẩm, tôi lại phải nhớ đến anh, người anh em sống hèn chết khổ của tôi.
Ông lại lấy từ trong ngăn kéo ra túi đựng những dụng cụ bằng thép bóng loáng.
Bên cạnh đó, trong cái túi riêng bằng lụa đỏ là chiếc gương của bác sĩ John Dee.
Ông ném sang bên ấy một cái nhìn bực dọc và khinh bỉ.
- Mày đấy à! ông càu nhàu, mai ngày kia thì mày xuống đáy sông mà tác oai tác quái!
Từ trước tới nay, trong những lần trộm vặt ban đêm, ông gần như toàn tâm toàn ý tin vào một ngôi sao hạnh phúc vô hình nào đó. Nếu có ngoại lệ thì chỉ là chuyến làm ăn đổ máu ở Estis Road khi ông cướp trắng gương đen này.
Còn chuyện hành nghề lần này nhằm cứu ông khỏi rơi vào cảnh khốn cùng thì ông đã chuẩn bị cẩn thận hơn thế.
Ông đã tìm thấy một ngôi nhà ở Blumsfild không có người ở. Chủ nhân của nó, bà Aberllou đang phải điều trị trong bệnh viện Kosuell Road và mang tất cả đầy tớ theo mình. Ông biết được tất cả những điều đó qua cuộc trò chuyện của các bác sĩ đồng nghiệp, họ không hề chú ý hoặc quan tâm đến việc ông lắng nghe câu chuyện một cách chăm chú.
Một trong những cửa sổ tầng dưới không được đóng kín, còn ông thì lại có thừa kinh nghiệm để biết rằng nó không gây trở ngại gì lớn cho một cuộc đột nhập về đêm.
Khi ông rời xe buýt trên đường Cornhill thì trời đã lạnh và tối. Khi ông đi bộ tới London Wall, một đường phố u ám và sầu muộn đấn nỗi ông thấy như chính mình là quỷ uất hận, thì đường phố đã dần dần tràn ngập sương mù. Ở chỗ này chỗ kia những cây đèn đường thỉnh thoảng lại nhỏ xuống những giọt nước mắt màu nâu đỏ vào trong cái lớp sương mù đầy những bóng ma ấy; thậm chí ở đây những tiếng động cũng âm u đi và những tiếng còi tàu dọc đường bờ sông Victoria cũng tựa hồ bị sương mù nhét giẻ vào mồm, chỉ u u rền rĩ ở phương xa.
Ông Baster Brown thở một hơi dài khoan khoái. Cho dù ông có bịt kín mắt bằng vải đen ông cũng tìm ra được đường đi tới phố Blumsfild, nhà bà Aberllou, tới cái cửa sổ có cánh cửa đóng không chặt.
Ông lẻn vào được trong nhà không mấy khó khăn, cây đèn pin nhỏ hắt ánh sáng trắng trên những tấm vải bao giường màu trắng như màu tang tóc và những tấm thảm cuộn lại trong cái phòng khách nghiêm trang thời Victoria.
Ông bước lên cầu thang xoắn ốc khổ rộng dựa tít lên trên cao, tới một nơi nào đó trong bóng tối, ở tầng hai ông thấy một cái cửa, xem ra thì hình như nó dẫn vào phòng ngủ của bà Aberllou. Ông mở cửa và đứng khựng lại vì cơn khiếp đảm đột ngột, dường như trước mắt ông có con quái vật nào đó vùng dậy.
Thực ra căn phòng làm ông khiếp sợ chỉ vì một lẽ là nó sáng quá.
Ngọn đèn chùm mười hai bóng với các loại râu tua vẫn rực rỡ, đằng sau chiếc ghế nhưng vàng là cây đèn đứng có chao hồng. Người khách không mời mà đến, tức là ông, không thể dự liệu được rằng khi ra đi những người trong nhà đã quên không tắt đèn, căn phòng vẫn nguyên trống vắng, và mặc dù có ánh sáng như trong một ngày hội, nó vẫn hoàn toàn là không có người ở.
Ông Baster Brown lắc lắc đôi vai tựa hồ có một gánh nặng đang khiến ông nghẹt thở trong lồng ngực.
- Thôi, cứ thế, cứ thế. Ông lẩm bẩm, cần phải làm vậy... nếu không thì hỏng hết.
Cái nhìn của ông gắn vào một tấm gương trong xanh kiểu Venise, treo ở tường hậu. Ông bước tới và nhấc lên: có bốn chiếc nút đồn hiện ra như bốn con mắt trên cánh cửa nhỏ một chiếc két chìm trong tường.
Những dụng cụ bằng thép liên tiếp được sử dụng và chẳng mấy nỗi ông đã vượt qua được chướng ngại vật.
- Có thế chứ... có thế chứ, ông Baster Brown đắc chí, và quả thật trên má ông ướt nhòe những giọt nước mắt sung sướng không gì tả nổi khi ông nhìn thấy trước mắt những gói ngân phiếu lớn và ba đồng tiền vàng.
Ông nhét đầy chặt các túi rồi đắc thắng khua lên cái que thép đã giúp ông phút cuối cùng mở khóa.
Bỗng nhiên toàn thân ông bị một cơn co giật: ở tầng dưới một cánh cửa đóng sầm lại, có những bước chân vội vàng đi lên cầu thang; thậm chí ông còn nghe thấy tiếng cò súng lên đạn.
Toàn thân ông hóa đá. Ông không nhích được một bước ngay cả khi có bóng một người đàn ông lực lưỡng, nặng nề xuất hiện trong khuôn cửa mở rộng, ngay cả khi cái nòng dữ tợn, tròn trặn và bé nhỏ của khẩu súng lục tự động đã đặt vào trán ông.
Thế nhưng cái tiếng nổ khốc liệt đã không vang lên, còn người đàn ông thì không kịp kêu bắt cướp hoặc kêu cấp cứu.
Cây gậy thép rời khỏi tay ông Baster Brown, nó rít lên cái tiếng xé gió của tên lửa trong không khí rồi văng vào một nơi nào đó trong bóng tối. Ông Baster Brown không đụng đậy nữa, cái cơ thể kia đổ rụi xuống sàn, mặt úp sấp, từ một mảng đầu máu tuôn xối ra.
Căng thẳng đến khủng khiếp, ông nhón chân khỏi sàn nhà, chân ông tựa như mắc trong đám sình lầy vô hình. Nhưng rồi ông lấy lại được sức mạnh và nhẩy đại một cái qua được xác chết.
Đến chiếu nghỉ cầu thang ông mới nhìn lại.
Mười hai ngọn đèn vẫn đang rót những ánh sáng chói lòa vào cái tủ két đã bật mở và cái hộp sọ đã vỡ óc của người gác cổng bị đập chết, trong ánh sáng dịu dàng của chiếc đèn cây...
Trời ơi! Baster Brown, con người mà đến cảnh ghê sợ của cái chết bạo tàn cũng gần như không làm động tâm, thì đúng giây phút này lại suýt bật kêu lên vì khiếp đảm: ở cái khoảng không gian giữa chao đèn và mấy cái gối đi văng, đang treo lơ lửng cái ống điếu Polli của ông ở cái tư thế như có một người hút thuốc vô hình cắn chặt vào răng.
Ông nhận ngay ra nó một cách chính xác nhờ cái mỏm đầu của nó bị cháy đen và ba cái dấu thập ác.
Bây giờ ông bỗng khát khao được quay ngược lại chỗ cũ, được nhẩy ngược trở lại qua xác chết máu me và được giằng lấy cái ống điếu yêu quý của mình, cái ống điếu bị mất đi một cách kỳ quặc, thì bỗng nhiên đúng lúc đó từ cái ống điếu bay ra một vòng khói tròn, rồi đến vòng thứ hai, thứ ba, và giờ đây cái ống điếu được hút hết sức, nó tỏa vào không khí một đám sương mù xanh đặc; nó tự hút một mình... trong căn phòng trống vắng đến rợn người.
Và thế là ông Baster Brown cắm đầu cắm cổ chạy, ông lao vào bóng tối và sương mù, ông lạc đường trong bóng đêm mỗi lúc một đặc quánh lại, phải mất suốt ba tiếng đồng hồ ông mới mò về được Clissold Park, về căn phòng lạnh băng của mình.
Trong lúc ông đi vắng một cơn gió mạnh đã mở toang cửa sổ, và bây giờ xung quanh ngọn đèn là một quầng sương mù bao bọc và di động như trong một điệu luân vũ ma quỷ.
Mười năm sau, làm quen với bác sĩ Baster Brown, liệu ai có thể nghĩ được rằng trong cái ngăn kéo chứa đầy những thứ tạp pí lù kia ông lại vẫn còn đang lưu giữ cái thứ vũ khí hùng mạnh nhất và dữ dội nhất mà hồi trước những sinh thể từ thế giới vô hình đã để lại cho mọi người, chiếc gương đen của bác sĩ John Dee?
Dù chúng ta có nói gì đi nữa về chiếc nhẫn của Tot, về những cuốn sách kỳ bí của Salon, về những chiếc ống nghiệm cao cổ của Carpenter, thì chỉ riêng chiếc gương đen cũng đã khiến mọi người phải thoát ra khỏi cái lồng xác thịt thô thiển của mình để hòa vào những đám mây đậm đặc căm thù, yêu đương hay trí tuệ mà bay đi khắp nơi không hề lạc bước, những đám mây mà Đấng trí tuệ tối cao đã dùng để tạo ra các loại ma quỷ và những thần linh bất tử.
Ông Baster Brown đã mua được ở Kemdeltown một phòng nhỏ dùng để khám chữa bệnh. Ở tuổi bên kia dốc núi, người thấy thuốc cấp quận huyện chỉ mơ ước có một căn nhà nhỏ ở một nơi nào đó cạnh một dóng sông có cá hồi tại quê hương Devolshear của ông.
Bây giờ ông thấy hoàn toàn hạnh phúc và yên tĩnh.
Ông béo đẫy ra, để ria mép theo kiểu gall, da mặt bóng nhẫy, bởi lẽ ông đã quen ăn uống ngon lành.
Ông mặc những bộ quần áo kẻ carô của anh em nhà Kerzon, ăn ở nhà hàng Bakki, nơi ông rất thích nhắm món thỏ rừng với thịt lươn rán và rượu mạnh.
Ông cũng tham gia vào hội chơi bài uýt ở quán "Kingfisher" và ông chơi không đến nỗi tồi.
Trong suốt những năm tháng ấy chỉ có ba bốn lần ông phải rút gương đen kỳ diệu khỏi chiếc bao màu đỏ.
Không tò mò và cũng không sợ hãi ông lại cúi mình trước vật kỳ bí câm lặng ấy và ông cũng không hề tỏ ra có ham muốn cầu xin sức mạnh ẩn tiềm trong lòng khối đá đen kia.
Mặc dù thờ ơ như thế nhưng ông không hề quên điều gì, và đôi khi trước đôi mắt vô hình của ký ức ông lại thấy thoáng hiện về hình bóng lạ kỳ của con người hiệp sĩ mang khiên và mặc giáp.
Còn về phần Polli thì có một số sự cố rất đáng quan ngại làm ông không sao quên được.
Đầu tiên là câu chuyện đau buồn của Slamber.
Ở Kemdeltown ông Baster Brown thuê được một trong những căn nhà nhỏ xinh xắn, mà những ông chủ cho thuê thường lấy làm tự hào vào khoảng năm một ngàn tám trăm hai mươi và họ đã giữ được trong từng viên đá hiền lành cũ kỹ của mình khá nhiều những điều ma giáo và lần nào họ cũng thông minh không để bị rơi vào tay những bọn làm ăn hám lợi, những kẻ thướng phá đi những ngôi nhà cũ để dựng thay vào đó những tòa nhà mới cao tầng.
Tầng một là dãy phòng liên thông trần thấp gồm có tiền sảnh để chuẩn bị đón khách, một phòng tiếp khách và một phòng thí nghiệm nhỏ xíu, trong đó chính tay ông Baster Brown đã chế ra gần một tá các loại thuốc cao và thuốc xirô khá là nổi tiếng và được nhiều người ưa dùng.
Trên tầng hai có một phòng khác với những đồ gỗ mới tinh bóng loáng và những thứ đồ kim loại giả theo kiểu dinan, tại đây ông thường nghỉ ngơi thoải mái trong khu nội thất tuyệt vời của mình.
Ông rất ít tiếp khách ở đây, bởi vì mặc dù là một con người cường tráng và luôn luôn thành đạt, nhưng ông vẫn cứ là kẻ cô đơn ẩn dật như xưa.
Trong số rất ít những người bạn mà ông vui lòng mở cổng khu thiên đàng nhỏ bé nơi trần thế của mình có ông Slamber hết sức đáng yêu mà ông đã được làm quen ở "Kingfisher".
Trước đây ông Slamber là giáo viên trung học, sống nghèo khổ và lần hồi kiếm sống bằng nghề sửa bài cho các nhà xuất bản loại xoàng. Ở quán ăn không bao giờ cho phép mình bỏ ra quá hai đồng bạc để ăn bữa tối, còn nếu như ông uống đến đồng tiền thứ ba thì đó là lúc ông Baster Brown trả thay.
Người ta nói rằng khi ăn tối ở nhà ông cũng ít khi từ bỏ những món ăn quen: một quả trứng luộc duy nhất hoặc món kipper chính vì thế ông bác sĩ thường phải mời ông đến để cùng chia sẻ những bữa ăn đầy ắp thức ăn, món thịt gia súc hoặc gia cầm ướp muối lạnh mà bác sĩ đặt một nhà hàng gần đó mang đến tận nhà.
Trong lúc đó chuyện ông Slamber ít có gì nổi bật, nếu như câu chuyện không lái sanng một chủ đề đặc biệt, những phương thức chiếu sáng thời xưa. Ông Slamber thật thà tốt bụng đã trở thành hết sức lãng mạng khi nói đến những ngọn nến, những đĩa đèn hoặc những cây đèn của Karsel. Vì thế, trong con mắt mờ đục của ông giáo về hưu ông Baster Brown gần như trở thành thượng đế vào cái ngày mua được của lão bán hàng tạp hóa ở Triside một chiếc đèn cây thật cao bằng kính to màu xanh có lắp một thấu kính chứa nước đặt trên một đòn tay bằng đồng và tỏa ra một thứ ánh sáng màu xanh mướt mát.
- Tôi cam đoan với ông rằng đó là Kanterpruk! ông Slamber phấn khích kêu lên.
- Kanterpruk?
- Đó là tên của một nghệ nhân hàng thiếc nổi tiếng, ông Slamber tự hào đáp, ông ta sống ở Borough khoảng năm một ngàn bảy trăm chín mươi và đã được vang danh vì tài chế tạo những cây đèn như thế.
Ông Baster Brown chẳng có gì để nói về chuyện ấy, và từ đó cứ mỗi lần ông giáo cũ tới thăm thì cây đèn Kanterpruk lại khiến trái tim nhân hậu, dịu dàng kia vui sướng vì thứ ánh sáng như ánh trăng huyền ảo của nó.
Một lần vào ban đêm, ông Baster Brown bị đánh thức dậy vì những đợt sóng lạ kỳ báo hiệu nguy hiểm.
Đã từ nhiều năm ông không dám ngủ trong phòng tối thui và vẫn để ở đầu giường một ngọn đèn đêm nho nhỏ có cả phao dầu; ánh lửa màu vàng mơ hồ của nó có sức chiến đấu chống lại những đạo quân âm thầm của bóng tối.
Ngọn lửa bé nhỏ ấy bỗng rọi sáng trước mắt ông Baster Brown vừa tỉnh ngủ một hình bóng tan loãng đầy đe dọa trong bóng tối và saÜn sàng tấn công ông; trong những tia sáng của nó loáng lên một hình lưỡi dao lạnh và dài.
Ông Baster Brown nhìn thấy con dao sáng loáng ấy được giơ cao lên một cách hung tợn và từ trong bóng tối có một khuôn mặt bịt băng đen hiện ra như hân hoan đón chờ cơn hấp hối của ông sắp đến.
Ông cảm thấy mình đã chết, nhưng bỗng có một điều khó hiểu xảy ra.
Con dao bỗng rơi xuống, cắm phập vào sàn gỗ, rung lên bần bật, từ bên trong mặt nạ thoát ra một tiếng xì nhỏ, sao tiếng xì là tiếng rên đau đớn và tuyệt vọng rồi cả cái thân hình dữ dội kia đổ vật xuống sàn.
Ông bác sĩ nhảy một bước tới chỗ tên dạ khách, lột chiếc mặt nạ đen, và một giọng hấp hối thều thào cất lên:
- Tha lỗi cho tôi. Tôi muốn lấy Kanterpruk...
Tên cướp tắt thở ngay sau lời thú nhận đáng thương, người ấy không phải ai khác, mà chính là ông Slamber xấu số.
Ông bác sĩ đã gần đoán ra được điều kỳ diệu nào đã gây ra cơn đau tim quật chết ông bạn cũ và cứu sống cuộc đời cho chính ông thì bỗng ông nhìn thấy Polli.
Cái ống điếu treo lơ lửng trong không khí bên trên ngọn đèn đêm đang nhả ra những vòng khói ở ngang chỗ đầu ông có hình ba dấu thập ác. Những vòng khói rất đẹp, đầy đặn và tròn trặn, tựa như chính chúng cũng thấy hài lòng với cái dáng tròn tuyệt vời của mình.
Ông Baster Brown kêu lên một tiếng gằn giọng và đưa tay về phía ông điếu, động tác của ông không được khéo léo khiến ngọn lửa nhỏ bé yếu ớt trong cây đèn đêm tắt ngấm. Khi ông châm lại được thì ống điếu không còn nữa, tuy vậy cả căn phòng vẫn còn đậm mùi thuốc cháy khét lẹt.
Ông phải mất nhiều thời gian để cứu lại thanh danh cho ông Slamber; ông cất dấu đi mặt nạ và con dao của ông bạn rồi kéo xác ông ấy đi cách nhau một trăm bước đến chiếc ghế đá ngoài khuôn viên.
Cô Eddy Bronks có thể đã là xinh đẹp, thậm chí là rất xinh đẹp, nếu như căn bệnh bướu cổ không làm cho đôi mắt màu xanh nhan nhát của cô có vẻ như là hơi dọa nạt người khác một chút.
Ông Baster Brown quen với cô tại nhà người bán hàng thuốc ở Korihill tên là Littelwood, người mà ông hứa chuyển cho cả phòng thí nghiệm và cả những công thức thuốc cao của mình.
Cô Eddy thích nói chuyện tào lao với cả hai người, và như cô thường nói ra không kém phần tự hào, cô là người "chuyện trò chuyên nghiệp".
Trên thực tế cô là hộ lý trong bệnh viện "New Charte".
Ông Baster Brown chưa bao giờ chú ý đặc biệt đến phụ nữ, nhưng hình ảnh cô Eddy Bronks chẳng mấy chốc đã không buông tha ông.
"Lần sau gặp nàng ta sẽ xin cưới nàng làm vợ", nhiều lần ông đã tự nói như vậy.
Lần gặp sau, rồi sau đó là nhiều lần gặp trôi qua, nhưng lời cầu hôn vẫn không sao thoát ra khỏi miệng ông, và mọi câu chuyện đều chỉ qui về việc xem xét các loại thuốc viên nhà Littelwood, các phương thức điều trị bệnh bướu cổ và các trường hợp mắc bệnh đặc biệt mà bác sĩ đã từng gặp trong thực tế.
Một buổi tối mùa thu, ông Baster Brown bắt gặp Littelwood ủ rũ tỳ tay trên quầy thuốc, môi run lên, bàn tay lạnh ngắt.
- Ông biết không, Littelwood rền rĩ, cô Bronks khốn khổ vừa mới ở đây, tâm thần hoảng loạn. Cô ấy mới bị đuổi khỏi bệnh viện sau một cuộc cãi cọ với thượng cấp. Cô ấy bảo rằng cô ấy muốn chết đi cho rồi... Không, không, ông Brown, tôi hiểu những chuyện này... Ông đừng quên rằng bệnh tình của cô ấy có thể dẫn đến thần kinh hỗn loạn. Cô ấy vừa chạy ra phía hồ nước.
Ông Littelwood có một chân tập tễnh nặng nên không thể chạy đuổi theo cô gái tuyệt vọng.
Như điên, ông Baster Brown cắm đầu chạy trên đường phố dài và tối, vừa chạy ông vừa thở dốc, tim đập thình thịch. Ông dừng lại khi thấy trước mặt mình làn nước hồ phẳng lặng dưới ánh trăng.
-Eddy! Eddy! Ông gào lạc giọng.
Và ông thấy cô cúi gập mình qua cái hàng rào ọp ẹp, đầu nghiêng xuống mặt nước tối đen.
- Cô Eddy yêu quý ơi... tôi hết lòng mong muốn...
Chính ở cái nơi không bình thường này, trong cái hoàn cảnh hết sức không bình thường này ông đã tỏ tình với cô và xin đính hôn.
Cô Eddy Bronks đã theo ông về, người phờ phạc và mắt đẫm lệ.
Ông nhóm lửa trong lò sưởi phòng khách, thắp hết mọi đèn, kể cả cây đèn mặt trăng Kanterpruk và với đôi bàn tay lóng ngóng ông đã pha được hai ly rượu kiểu coctail.
- Em thân yêu, ngày mai anh sẽ đi xin giấy phép thành hôn.
Cô không nghe ông nói mà ngửa đầu nhìn lên trần nhà, trong giây lát cái bướu cổ càng khắc họa nét buồn bực sâu sắc trong đôi mắt cô.
- Anh có cái gì thế này, bác sĩ Brown?
Cô vừa thở vừa hỏi.
- Cái gì ấy à?
Cô để rơi mình xuống một chiếc ghế bành sâu lõm bên cạnh lò sưởi.
- Em xin lỗi... em chóng mặt... buồn nôn. Ôi, bác sĩ ơi, anh đừng hút thuốc nữa!
Ông Baster Brown để rơi xuống sàn ly rượu mới pha.
- Nhưng anh có hút đâu, em yêu!
Cô Eddy Bronks đứng bật dậy.
- Kìa kìa, trong góc nhà kia kìa... có người đội mũ sắt... nó trốn... em nhìn thấy chân nó dưới bàn... trời ơi, chân nó như con rắn.
Rồi bỗng cô rít lên:
- Nó ra đây này... nó châm thuốc ở chỗ đèn ấy! Lạy chúa cứu thế!
Cô vùng chạy ra phía cửa; ông Baster Brown muốn giữ cô lại, nhưng cô đã đẩy ông ra với một sức mạnh khủng khiếp.
Ông lảo đảo, mất cân bằng và ngã giúi đầu vào chiếc ghế bành nơi cô vừa ngồi.
Lúc kịp đứng dậy thì ông nghe tiếng cửa ra vào đập mạnh và ông chỉ còn cách lao ra chỗ cửa sổ.
Trong ánh trăng rực rỡ ông nhìn thấy cô gái đang chạy trên đường phố vắng lặng, ông thò đầu ra gọi cô, xin cô quay lại, nhưng bỗng nhiên ông nhìn thấy một bóng đen dữ dội khủng khiếp lướt đuổi theo cô không một tiếng động trên đường phố ngập tràn ánh trăng.
Hôm sau người ta vớt được thi hài cô Eddy Bronks ở hồ nước số hai khu Kemdeltown.
Một năm sau cái chết bi thương ấy ông Baster Brown qua đời. Có một thời gian ông bị bệnh hen và không thể chữa dứt được. Ông Littelwood vẫn thường đến thăm. Ông là người cho chúng tôi biết về những phút cuối cùng của bác sĩ.
Ông ấy hành động rất thiếu lý trí, điều đó làm hại ông người bán thuốc nói: Bạn ông là bác sĩ Ressendl đã kê đơn chỉ định chế độ sinh hoạt và ăn uống, còn ông ta thì lại cứ mãi đi những đâu đâu.
Mưa trút nước và ông trở về như chuột lột.
Tôi mắng cho ông một trận kịch liệt rồi bắt lên giường nằm ngay. Ông điên hay sao mà đi phố bây giờ tôi gắt lên! Không thể hiểu được làm sao trời này lại dám ra đường.
- Tôi vừa thoát được một gánh nặng.
Tôi cặp nhiệt cho ông: gần bốn mươi độ, và tôi hiểu rằng ông đang mê sảng.
Ông bắt đầu lảm nhảm gì đó, đặc biệt là về một cái gương mất bao nhiêu năm tôi mới hiểu được... Trong đó có... cô ấy... cô ấy...
Hai chữ cô ấy ông nhắc lại mỗi lúc một to đến nỗi mấy lần tôi phải lên tiếng bắt ông thôi nói và nằm yên.
Đến gần sáng ông dịu đi, tôi cho rằng ông đã ngủ say, hơn nữa nhiệt độ cũng đã giảm.
Tôi nghĩ, tôi cũng có thể nghỉ một lát, tôi bèn thu mình vào ghế bành và chẳng bao lâu thiếp đi.
Bỗng tôi bừng tỉnh vì ông thét lên.
Ông đã bật ngồi dậy trên giường thở hổn hển, ngực phập phồng như bể lò rèn, và một điều thật là kì lạ tôi chưa từng thấy là ông hút thuốc, quanh người ông là một đám mây thuốc đậm đặc.
- À, đúng nó rồi... đúng nó rồi... bây giờ thì tôi hiểu, tôi hiểu cô ta là ai... Chà, đồ chết tiệt, nó ăn cắp của tôi cái điếu!
Ông đổ vật xuống nằm bất động và không bao giờ tỉnh lại nữa. Nhưng khi đổ xuống ông đã dùng tay làm một cử chỉ lạ lùng, tựa như bắt một cái gì trong không gian. Và đến khi cánh tay rơi xuống thì trong đó có một cái ống điếu dày bằng vỏ bạch dương, trên đầu có khắc ba dấu thập ác.
Người ta không thể nào rút được cái ống điếu ra khỏi tay ông, và có lẽ người ta đã đưa nó theo ông xuống huyệt.