PDA

View Full Version : Hơn 40 tuổi bò lê để nuôi bố mẹ già



giavui
10-11-2010, 02:16 AM
Hơn 30 năm qua, dù không có được đôi chân lành lặn như những người bình thường, anh Vù Seo Lử dân tộc Mông, ở bản Bông 1 (Bảo Hà - Bảo Yên - Lào Cai) đã phải vật lộn với bi kịch cuộc đời đầy rẫy những khó khăn nhọc nhằn để có được cái ăn, cái mặc, giúp đỡ gia đình.
Năm 1968, ông Vù Seo Sùng và bà Học Thị Gió vui mừng đón tiếng khóc chào đời của cậu con trai nhỏ. Nhưng nụ cười chưa dứt thì bà Gió xót xa khi thấy đứa bé kháu khỉnh không có một đôi chân lành lặn như bao đứa trẻ khác.
Vượt nỗi đau

http://i796.photobucket.com/albums/yy249/hangnga_01/images329877_1.jpg

Hàng ngày, anh Lử vào rừng kiếm củi giúp bố mẹ

Những ngày tuyệt vọng đến với bà. "Nhìn vào khuôn mặt bé nhỏ của đứa con do mình đứt ruột đẻ ra, tôi quyết định nuôi và đặt tên cho nó là Vù Seo Lử, bà Gió bặp bẹ nói với chúng tôi bằng mấy câu tiếng phổ thông.

Ông Vù Seo Sùng kể cho chúng tôi nghe về hồi nhỏ của Lử. Khi nó sinh ra, đôi chân không duỗi thẳng được mà teo nhỏ cong vổng lên trời. Khi đó, dân bản nói đứa bé này là kiếp nợ, bị con ma nó ám nên phải bỏ vào rừng sâu, không sẽ mang tai họa lớn. Lúc đầu gia đình cũng định làm như vậy, nhưng rồi chúng tôi không nỡ vứt bỏ đứa con mình rứt ruột đẻ ra nên quyết tâm nuôi nấng chăm sóc Lử.Rồi thời gian trôi qua, cậu bé Vù Seo Lử ốm yếu, quặt quẹo ngày nào đã trưởng thành. Nhưng do đôi chân bị dị tật không thể đứng lên được nên bao năm qua, anh vẫn chỉ bò lê như một đứa trẻ.

Ông Sùng có 7 người con, Lử là thứ 2, các con ông khôn lớn đã lập gia đình và ra ở riêng cả. Chúng nó cũng nghèo lắm, chẳng giúp được gì, ông Sùng nói. Giờ đây trong căn nhà đơn sơ nằm chênh vênh giữa sườn núi chỉ có hai vợ chồng già và anh Lử.

Bi kịch tìm đến gia đình Vù Seo Lử khi ông Sùng mắc bệnh hiểm nghèo. Năm nay ông đã ngoài 70 tuổi, mắc bệnh đã hơn 15 năm nay, giờ bụng ông trương to như cái trống, chẳng làm được gì nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Tất cả mọi việc đều dồn lên vai người vợ.

Hàng ngày, thấy mẹ phải thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả nuôi hai bố con, Lử thương lắm. Từ đó Lử bắt đầu tập làm tất cả mọi công việc mà những người bình thường vẫn làm. Bà Gió tâm sự: Thằng Lử luôn cố gắng phụ giúp tôi mọi việc trong nhà. Hôm nay nó vào rừng lấy củi và chăn trâu rồi".

"Mình chỉ muốn đủ ăn, bố sớm khỏi bệnh"
Chúng tôi cùng một số người dân vào rừng tìm gặp Vù Seo Lử. Thoáng nghe tiếng kêu lạch cạch, tất cả mọi người đều hướng mắt về người đàn ông đang chậm chạp bò lê, cố gắng xoay một khúc gỗ lớn, bên cạnh con trâu đang cặm cụi gặm cỏ.

http://i796.photobucket.com/albums/yy249/hangnga_01/images329878_2.jpg

Tài sản quý giá nhất của gia đình anh là một con trâu

Thằng Lử đấy, nó đang lấy củi một người dân bản nói. Thân hình quắt queo, đôi chân dị tật quẹo vào trong, hai bàn tay to lớn chai sạn sần sùi với chi chít những vết sẹo cùng mái tóc lốm đốm bạc, đó là tất cả những nét nhọc nhằn hiện rõ ở người đàn ông này.

Chúng tôi vừa khâm phục, vừa thấy đau nhói trong lòng khi chứng kiến anh vật lộn với khúc củi lớn và cố gắng bò lê kéo củi về. Gỗ lớn, anh buộc dây vào thân gỗ rồi vòng qua cổ, củi nhỏ hơn thì anh mắc vào vai rồi kéo lê như thân trâu, thân ngựa. Mình thương bố mẹ lắm nên cố gắng làm mọi việc có thể làm được, lúc đầu làm rất khó khăn nhưng dần thành quen, anh Vù Seo Lử tâm sự.
Không chỉ vào rừng lấy củi, Lử còn đi chăn trâu. Con trâu được Lử chăm cẩn thận nên béo tốt mập mạp. Nhìn anh bò lê dắt trâu đi tắm chúng tôi càng khâm phục trước sự cố gắng của anh. Để có cái ăn, đỡ phần nào gánh nặng cho bố, mẹ già, Lử làm lụng chăm chỉ, anh cố gắng tự lo sinh hoạt cá nhân không để ai vất vả vì mình.

Ngày trước, dân bản chưa hiểu nên xa lánh Lử cũng buồn lắm. Nhưng giờ ai cũng thương và quý vì sự cần cù chịu khó của anh. Họ cũng thương nó lắm, nhưng ở đây ai cũng nghèo nên chẳng giúp gì được cho nó, chính quyền xã cũng động viên an ủi gia đình và trợ cấp mỗi tháng 120.000đ, bà Gió phân trần.
Khi được hỏi mơ ước lớn nhất của anh bây giờ là gì? Lử thật thà bảo: Mình chỉ muốn có đủ cái ăn, và mong bố sớm khỏi bệnh.

Rời bản Bông 1 ra về, trong đầu chúng tôi còn phảng phất ý nghĩ, phải chăng tạo hóa sinh ra những số phận không may mắn nhưng lại cho họ chút sức mạnh để có thể vượt qua mọi khó khăn. Giữa trùng điệp núi rừng Tây Bắc, đồng bào người Mông vẫn đang cố gắng vượt qua cái nghèo và mong sao với lòng quyết tâm ấy, may mắn sẽ đến với cuộc đời của Vù Seo Lử và người dân nơi đây.