giavui
12-03-2014, 11:28 PM
Người Học Trò Mới - Nhật Tiến
Năm học 1977-1978, số học sinh miền Bắc vào học chung trường với học sinh miền Nam ngày càng đông đảo hơn. Đó là con em của những cán bộ, bộ đội đang nhận lãnh công tác phục vụ trực tiếp ở các tỉnh miền Nam. Chỉ thị của Sở Giáo dục thành phố đưa xuống cho ban Giám hiệu các trường là khi xếp lớp cho học sinh miền Bắc thì cứ căn cứ vào lớp cũ rồi cộng thêm hai lớp. Như học sinh lớp 5 sẽ được ngồi lớp 7, học sinh lớp 8 ngồi lớp 10.
Lý do: học trình của học sinh miền Bắc là 10 hết bậc trung học, trong khi đó ở miền Nam, học sinh phải học tới 12 năm.
Vào thời kỳ đó, bộ phận giảng huấn trong các trường vẫn còn gần như nguyên vẹn các thầy cô giáo cũ. Thành phần học sinh trong lớp đa số vẫn là các em học sinh cũ từ những lớp dưới đôn lên. Bầu không khí học tập, ngoài những giờ sinh hoạt của Chủ nhiệm lớp và những giờ học chính trị (mỗi tuần một giờ), hầu như vẫn còn nguyên vẹn cái không khí học tập nghiêm chỉnh, lễ độ như những ngày miền Nam chưa sụp đổ. Vẫn giữ thói quen của một truyền thống giáo dục nề nếp, ban chấp hành lớp mỗi buổi học đều đem trải lên bàn thầy cô một chiếc khăn tươm tất và đặt lên đó một bình hoa. Khăn lau bảng đã được giặt. Bảng viết được xoá. Rác rưởi bụi bậm trong lớp được quét sạch sẽ. Mỗi khi thầy, cô vào lớp giảng dạy, tất cả học sinh đều đứng lên và chỉ ngồi xuống khi đã được cho phép.
Đối với các thầy giáo, cô giáo cũ, tất cả những sinh hoạt đó là một thói quen bình thường. Nhưng nó đã trở thành những sự kiện bất bình thường đối với những người ở miền Bắc vào, kể cả các cán bộ trong ngành giáo dục.
Buổi sáng hôm đó, trong khi đứng ở hành lang chờ học học sinh vô lớp học, tôi bỗng chú ý tới một người đàn ông đứng ở gần đấy. Tôi nhận biết ngay ông là một cán bộ vì cái quần kaki rộng thùng thình, lúc cột thắt lưng vào thì nó dúm dó lại. Chiếc sơ mi trắng cũng có điểm riêng biệt để dễ nhận ra rằng nó không phải là sản phẩm của những thợ may miền Nam, ở chỗ cái cổ áo bao giờ cũng sệ ra phía sau gáy, vai áo hai bên bao giờ cũng thấp xuống và hai bên nách thì rộng thùng thình. Ngoài ra, ông ta còn cầm trên tay một cái nón cối, bên hông đeo một cái túi bằng da vuông vức và ông ta đi một đôi dép bình trị thiên bằng cao su đen. Đó là hình ảnh quen thuộc của các cán bộ nhan nhản ngoài đường phố.
Ông ta đứng ở ngay xế cửa lớp của tôi phụ trách với dáng điệu rụt rè. Điều này khiến tôi nhận ra thêm được rằng ông không thuộc thành phần của ban giám hiệu mà chỉ là một phụ huynh học sinh. Bên cạnh ông, đứng ở gần đó là một cậu học sinh, quần áo tươm tất, nơi túi quần cuộn tròn một cuốn vở, không chú ý tới ai mà chỉ nghểnh mặt ra phía ngoài nhìn lơ đãng mấy con chim bồ câu đang bay qua lại trên những nóc nhà thấp ở gần đó.
Chờ cho học sinh đã vào lớp đầy đủ, người cán bộ mới tiến lại phía tôi, xoè bàn tay ra bắt. Ông ta vào khoảng ngoài năm mươi, mặt phong sương, khắc khổ, nước da đen tái, chỉ có đôi mắt là đầy vẻ sắc sảo, linh động. Ông ta tự giới thiệu mình là một phụ huynh, ông ta muốn gửi gấm đứa con trong lớp học. Tôi tự nghĩ, thật ra ông không cần phải mất thì giờ như thế, đối với học sinh, dù là miền Bắc, các thầy cô giáo cũ không có vấn đề phân biệt đối xử. Dưới mắt chúng tôi, tất cả đều là con em và chúng tôi sẽ dạy dỗ tất cả những gì mà chúng tôi thấy cần phải dạy dỗ. Nhưng ít ra, cái thái độ tự thân hành đến lớp để đưa con mình vào học, ông ta cũng đã biểu lộ sự quan tâm của mình đối với con cái, và dưới mắt ông, dù là thầy cô xuất thân từ chế độ cũ, ông ta vẫn còn đầy vẻ kính trọng chứ không xách mé, lúc nào cũng sẵn sàng chỉ trích nền giáo dục cũ như những cán bộ được điều về công tác ở trong trường.
Sau khi trao đổi với ông vài câu ngắn ngủi, tôi bước vào lớp học và quên ngay sự hiện diện của ông ta. Tôi còn nhiều công việc phải làm. Trước hết là đứng nghiêm chỉnh trên bục để quan sát toàn thể lớp học lúc đó đã chấm dứt ồn ào và toàn thể học sinh đều đứng tại chỗ để chào thầy giáo mới tới. Đến khi đã hài lòng vì tất cả học sinh đều đã chuẩn bị học tập nghiêm túc, không có ai còn xì xào, lơ đễnh, ngó trước ngó sau, tôi mới cho phép tất cả ngồi xuống.
Tôi giới thiệu vắn tắt vài hàng về cậu học sinh mới tới và xếp cho nó ngồi ở một chỗ còn trống trong lớp học. Tôi bắt gặp vài nét mặt khinh khỉnh của đám học sinh cũ, những cái bĩu môi, những nụ cười nửa miệng đầy ngạo mạn của vài cô gái và những cái nhìn xấc xược của mấy cậu trai khi cả lớp đổ dồn về người bạn đồng lớp mới.
Tuy không phân biệt đối xử với ai, nhưng tôi biết lũ học trò cũ của tôi đã có lý khi mang tâm trạng đầy vẻ tự tôn đối với những học sinh miền Bắc vì trình độ học vấn quá chênh lệch. Có thể nói, trong cùng một lớp, môn học nào đem so ra thì học sinh miền Nam cũng đều bỏ xa, dĩ nhiên trừ môn học chính trị. Điều đó cũng dễ hiểu vì một học sinh lớp 8 đem lên ngồi lớp 10 thì dù có là đứng đầu lớp cũng không thể theo kịp trình độ của một lớp đã đi trước tới 2 năm.
Đó là chưa kể nội dung giảng dạy, chất lượng của chương trình ở mỗi nơi cũng đã khác nhau xa rồi. Đã có nhiều trường hợp, chính phụ huynh phải tới tự ý xin cho con em mình rút xuống một lớp. Mà thật ra, xuống một lớp thì cũng vẫn là chưa đủ. Cán bộ giáo dục sợ mất mặt nền giáo dục XHCN nên tìm đủ mọi cách để nâng đỡ học sinh từ A vào ( A là ám số chỉ miền Bắc, B là miền Nam), nào là mở những lớp riêng gọi là phụ đạo (tức dạy thêm cho học sinh), nào là yêu cầu các thầy cô soạn những câu hỏi thi riêng để hạ thấp trình độ, nói chung học sinh ở A vào bao giờ cũng được nâng đỡ tối đa để dù có kém cỏi thì cuối năm vẫn được cho lên lớp. Trước một thực trạng như thế, làm gì những học sinh cũ của miền Nam chẳng biểu lộ một sự khinh nhờn, ngạo mạn.
Khi công việc ổn định chỗ ngồi cho cậu học sinh mới đã xong, và tôi bắt đầu công việc gọi học sinh trả bài và sửa bài tập kỳ trước, tôi bỗng phát giác ra rằng người cán bộ,phụ huynh học sinh vẫn còn đứng mấp mé ở ngoài cửa lớp. Thì ra ông ta vẫn âm thầm quan sát mọi sinh hoạt của thầy trò chúng tôi. Lớp học rộng rãi, sáng sủa. Sàn đá hoa sáng bóng không một vết nhơ hay một cọng rác. Học sinh lễ phép, nghiêm chỉnh từ lời nói, cử chỉ đến tác phong học tập. Hôm ấy tôi đã kêu 5 em lên trả bài và em nào cũng đạt số điểm tối đa về hiểu bài và thuộc bài. Bài tập đang sửa trên bảng lôi cuốn được sự phát biểu, tranh luận của nhiều em với những lối giải khác nhau. Bầu không khí lớp học như thế đã khiến tôi hài lòng và tôi biết vị phụ huynh đứng ở ngoài cũng đang chia sẻ cái cảm giác đó với tôi. Tôi tìm thấy ở ánh mắt của ông ta một sự thích thú, thoả mãn và khâm phục. Nhất là về sau này, khi đã quen biết với ông ta nhiều hơn, có một lần ông ấy nói:
- Cách tổ chức, sinh hoạt trong nhà trường của miền Nam có nhiều cái mà miền Bắc phải học tập. Một thí dụ nhỏ nhặt như một tấm khăn giải bàn và bình hoa đặt trên bàn thầy giáo, cô giáo. Tôi thấy nhà trường miền Bắc không hề quan tâm tới.
Tôi cải chính ngay:
- Đấy không thuộc về lề lối quản trị của Ban Giám hiệu nhà trường mà hoàn toàn là do các Ban Chấp Hành lớp tự ý đứng ra lo liệu. Đó là một cung cách bầy tỏ lòng tôn kính đối với thầy giáo, cô giáo của học trò trong lớp.
Người đàn ông nghe xong, lặng lẽ không nói. Ông ta có đầy đủ dữ kiện thực tế để nhìn thấy tận mắt những gì mà trước đó ông chỉ nghe qua sách báo tuyên truyền. Tôi nhận thấy ông ta có một điểm đáng quí ở chỗ là dám nói ra những gì ông ta đã nghĩ, không như nhiều cán bộ khác, tuy biết rõ sự thực nhưng vẫn tiếp tục phát biểu những luận điệu xuyên tạc, gian dối. Ông ta nói:
- Học trò miền Bắc còn thua xa. Trong lớp học đố có trang hoàng được cái gì yên ổn đến ba ngày. Cờ, khẩu hiệu, ngay cả ảnh Bác chúng nó cũng xé. Thậm chí chúng nó gỡ đến cả cái bóng đèn xài chung cho lớp học. Chính vì thế mà về mùa đông, trời tối sớm, có khi thầy trò chỉ làm việc trong tranh tối, tranh sáng.
Cho nên tâm trạng của ông ta là một tâm trạng vui mừng và kỳ vọng. Ông chỉ có một đứa con trai, đó là cái đứa đã tới học lớp của tôi vào giữa niên học muộn màng.
Ông ta trình bầy cho tôi nghe tất cả sở trường cũng như sở đoản của nó rồi nhắc đi nhắc lại:
- Cháu nó lớn người nhưng tính nết còn trẻ con và hay đua đòi. Nhờ các thầy chú ý đến cháu và có điều gì bất ổn, xin thông báo với tôi ngay.
Trong thời gian mấy tháng đầu theo dõi sự học của nó, tôi thấy nhận xét của ông ta rất chính xác. Thằng Thu trông bề ngoài tưởng như một cậu con trai 17,18, nhưng thực chất nó nghịch ngợm và táo bạo như một đứa chỉ 15,16. Trong vòng hai tuần lễ đầu, nó ngồi cô đơn ở chỗ đã được chỉ định. Nhưng không biết bằng một cung cách nào đó, chỉ ít lâu sau tôi đã thấy nó rút xuống cuối lớp và hội nhập với những học trò có tiếng là nghịch ngợm.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là không biết tự lúc nào,nó đã được cả lớp gán cho cái biệt danh là “ thằng Ngụy. "Ngụy" đem cả đàn ghi ta vào lớp, giấu dưới chân bàn. Tới giờ ra chơi, nó qui tụ bạn bè trong lớp đem đàn ra, lập thành một ban văn nghệ bỏ túi chuyên chỉ hát những bản nhạc vàng. Nó thuộc đủ mọi loại bài, thậm chí nó còn biết hát cả những bài nhái lại lời ca theo điệu những bản nhạc cũ nữa.
Có lần tôi bỏ quên cuốn sách trên mặt bàn, lúc giờ chơi tôi quay lên tìm thì thấy nó ngồi chồm hổm trên bàn học với cây đàn ôm trước ngực. Chung quanh nó, cả một lũ học trò bu lại đang ngả nghiêng cười. Nhìn thấy tôi, nó vẫn tỉnh queo và lại còn hát lớn giọng hơn cái bài hát nhại theo lời của bài “ Túp lều lý tưởng” làm cho tôi có cái cảm tưởng nó nhại luôn cả chính tôi khi thấy tôi đi vào ( và điều này cho thấy thằng Thu là một nhân vật rất thông minh, nhậy bén, có nhiều sáng kiến tức thời ):
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán nhà lầu
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán xe hơi
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán Honda
Lâu lâu Thầy bán cái quần tây
Lâu lâu Thầy bán cái quần xì.....
Cả đám học trò bu chung quanh nó, mà trong số đó có đến ba bốn đứa có bố phải đi học tập cải tạo, đều bò lăn ra cười. Sự ồn ào đó khiến tôi e ngại con mắt của Chi đoàn Thanh niên trong trường có thể dòm ngó, nên phải nạt nộ:
- Ê! Thu hát bậy nhé!
Thu nhìn tôi mỉm cười ngạo nghễ cứ như nó muốn hỏi thẳng tôi rằng: "Có đúng vậy không hả thầy?" Điều này cho tôi thấy bao nhiêu mặc cảm rụt rè lúc đầu của nó nay đã hoàn toàn bị trút bỏ. Nó lại nói:
-Thầy chưa bán thì rồi thầy sẽ bán. Em hát không có sai!
Bọn học trò cũ của tôi lại một phen phá lên cười. Chúng tôi hoàn toàn biết rõ hoàn cảnh của nhau và tôi không thấy có lý do để tranh cãi lại luận điệu của chúng nó. Vì thế, tôi vội vã lượm cuốn sách và rút đi thật nhanh.
Từ bữa đó, tôi chú ý đến thằng Thu nhiều hơn trước. Tôi thấy rõ sự lột xác của nó cả về hình thức bên ngoài lẫn tư tưởng bên trong. Nó đã bỏ được bộ quần áo đi đâu cũng không thể che giấu được rằng đó là quần áo được may từ miền Bắc và thay vào đó, nó đã mặc những cái quần tây hẹp ống và những cái sơ mi ca-rô đủ mầu. Chỉ còn trừ nước da đen tái đang dần dà đổi sắc, mọi thứ trên người nó đã hoàn toàn trở nên có mầu sắc thuần tuý Sài Gòn. Thậm chí đến ngôn ngữ, nó cũng đã thay đổi mau chóng chứ không còn đặc sệt những danh từ chính trị như trước.
Duy chỉ có một điều mà nó không theo kịp lũ học trò trong Nam. Đó là trình độ học vấn. Nhồi nhét cách mấy, nó cũng vẫn như kẻ nằm mơ, đứng bên lề nội dung của bài giảng.
Tôi không tin rằng nó không đủ thông minh để có thể theo kịp những định luật, những công thức nhưng rõ ràng là nó không cần quan tâm tới những thứ đó. Như một con cá bị kìm giữ trong ao tù, nay có dịp được thoát ra sông lạch, nó chỉ mải mê với những cái gì mà nó cho là mới mẻ, sự mới mẻ chỉ tìm thấy ở ngoài cuộc đới chứ không phải ở trong lớp học. Cho nên chính thằng Thu lại là đứa đầu tầu cho những vụ trốn học, bỏ giờ đi chơi. Nó tiêm nhiễm vào đầu lũ học trò cũ của tôi những luận điệu xác đáng như sau:
- Mày học lắm thì cũng chỉ trở thành một thứ lao động chân tay quèn. Ba mày đang học tập “ mút chỉ” trên rừng, “sức mấy” mà mày leo lên được bậc đại học.
Nói điều đó lên không phải vì nó sáng suốt tiên đoán được tương lai của lũ trẻ nhưng chính là vì những hiểu biết của nó về mọi người chung quanh trong xã hội miền Bắc. Chẳng thế mà đã có nhiều lần nó nhắc lại cho bọn bạn bè cùng lớp cái câu vè mà về sau tôi nghe lại đến phải thuộc lòng:
Mười năm đèn sách theo thầy
Đến khi tốt nghiệp vác cầy theo trâu!
Quần chúng nhân dân thật là tài tình. Chỉ vỏn vẹn có hai câu lục bát mà nói lên được toàn bộ cái bi đát của một nền giáo dục không nhằm phục vụ con người mà chỉ phục vụ cho những ý đồ chính trị. Trong vòng không đầy nửa năm học, lớp học của tôi sa sút thấy rõ vì nguyên nhân đó. Các thầy giáo, cô giáo ở lớp khác cũng cùng có một nhận xét tương tự.
Là những người trực tiếp nắm giữ công việc giảng dạy, chúng tôi thấy rõ cả một nền giáo dục đang trên đà đi xuống. Trong khi đó, để cho các bài báo cáo, các bảng tổng kết cuối năm của nhà trường được tốt đẹp, chúng tôi đã được lệnh phải nâng điểm của học trò lên, phải chấm bài nới tay, phải vớt những học sinh kém, thậm chí trước ngày thi chúng tôi còn phải phổ biến các câu hỏi và hướng dẫn bài trả lời để học sinh có dịp được học kỹ càng hơn. Vậy mà nếu cho điểm một cách vô tư thì chỉ 10 phần trăm sĩ số trong lớp là có đủ điểm trung bình. Chưa bao giờ trong đời dạy học của tôi lại phải chứng kiến mức độ sa sút như thế.
Thằng Thu thì như đã quen với cung cách học tập rất lơi là nhưng cuối năm vẫn được lên lớp như thế. Cho nên sách vở của nó rất bê bối. Cả một niên học, dù là phải học đủ các môn, tôi thấy nó chỉ có mỗi một cuốn sách cuộn tròn, nát bấy được nhét trong túi quần. Đến nỗi tôi không còn dám kiểm soát bài vở của nó nữa. Có một lần gặp nó ở đầu cầu thang, tôi nói:
- Em học hành như thế không sợ làm buồn lòng ông già ở nhà sao?
Nó mỉm cười:
- Em có học đấy chứ! Nhưng cái học của em khác, cái học mà ông già em quan niệm thì lại khác. Em không muốn đi lại con đường mà ông ấy đã đi!
Tôi hơi giật mình về tư tưởng của thằng bé. Muốn hiểu rõ nó hơn, tôi nói:
- Nhưng dù muốn đi theo con đường nào thì em cũng phải chuẩn bị kiến thức cho mình trước đã. lêu lổng như thế thì có con đường nào gọi là sáng sủa đâu?
Nó đổi lại nét mặt, không còn biểu lộ nụ cười, dù chỉ là nụ cười trong ánh mắt. Tôi thấy ở giây phút đó, vẻ mặt của nó bỗng già hơn lên. Như thế, từ trước tới nay, tôi đã nhìn nó chỉ như một thằng con nít là tôi đã hoàn toàn sai lầm. Nó nói:
- Với em, kiến thức chưa phải là điều tiên quyết. Em đang sống trong một xã hội có tình người và em cần cái tình người đó trước hết.
Lời phát biểu của nó làm cho tôi choáng lặng đi. Tôi vụt thấy nó có lý hơn bao giờ hết. Nó sẽ chẳng thâu nhận được gì thêm ở miền Nam này nếu nó chỉ biết cặm cụi như một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, hằng ngày cắp sách đến trường để học hỏi về đôi ba cái định lý, miệt mài với những công thức, những phương trình, những bài tập. Nó đã sinh ra và lớn lên ở một xã hội khác, đã va chạm với với những vấn đề hoàn toàn khác biệt so với cái xã hội cũ mà tôi và lũ học trò của tôi đã quen thuộc trong đó.
Đối với chúng tôi, tình người tuy rất cần thiết nhưng không mấy khi phải nêu thành một vấn đề vì chúng tôi đã được nuôi dưỡng ở trong một nền giáo dục coi trọng điều đó. Chúng tôi không hề được giáo dục hay được giao cho nhiệm vụ phải giáo dục để phát huy lòng căm thù.
Còn nó thì khác, căm thù là bài học đầu tiên nó đã được dạy dỗ khi bước chân đến ngưỡng cửa nhà trường. Cái cơ may đến với cuộc đời của nó là khi cái mầm căm thù chưa đủ ngày kết trái để biến thành hành động thì nó đã được đưa vào một môi trường sinh hoạt hoàn toàn khác biệt. Nó được chính những học sinh miền Nam hồn nhiên, ngay thẳng và trong sáng dội lên tâm hồn cháy bỏng của nó những gáo nước mát rượi của tình yêu thương giữa bạn bè, gia đình, học đường và nói chung hết là cái tình người theo đúng cái nghĩa mà nó đã dùng trong câu nói với tôi.
Tôi biết rất rõ rằng để nó thấu hiểu được điều đó, không phải là do công lao của tôi dạy bảo nó, nhưng chính là là ở những giờ nó nhét cuốn tập nát ngướu vào bụng áo rồi leo tường lẻn ra phố chơi. Nó được bạn bè rủ đi thăm phố phường, quan sát khung cảnh sinh hoạt của xã hội miền Nam, tiếp xúc với những con người của xã hội cũ, ngồi hàng giờ dưới những tàng cây ở vườn hoa Tao Đàn, trong Sở thú hoặc đi lang thang qua Lăng Ông Bà Chiểu, qua chùa Ngọc Hoàng hay nhà thờ Đức Bà. Những nơi mà nó đã đi qua, những khung cảnh mà nó đã nhìn ngắm, những con người mà nó đã tiếp xúc, những tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ mà nó đã nghe, đã thấy, đó chính mới là những bài học linh động, thực tế để nhận ra rằng chính cái xã hội mà nó vừa hội nhập mới là cái xã hội đầy ắp tình người. Tôi bỗng thấy tất cả sự ngô nghê của mình khi nhớ lại những lời la rầy nó trước đó ít phút:
- Lêu lổng như thế thì có con đường nào gọi là sáng sủa đâu!
Bây giờ thì tôi đã tìm thấy ngay được câu trả lời cho thắc mắc của chính tôi. Con đường mà Thu đã tìm thấy, đã lựa chọn, thực tình đã sáng sủa hơn bất cứ con đường nào khác mà Sở Giáo dục Thành phố đã vạch ra.
Tuy nhiên, trên tinh thần công bằng và trung thực vốn là phẩm chất của một nhà giáo, tôi phải ghi nhận thêm một điều là đời sống ở chung quanh tôi, sau một cơn lốc bạo tàn đã làm xáo trộn đến tận gốc ở mọi nơi, mọi thứ thì cái tình người tươi mát vốn có ở đây cũng đang bắt đầu suy sụp.
Đời sống gay gắt do chế độ mới áp đặt lên đã dồn con người đến chỗ phải đấu tranh để sinh tồn, và trong những cuộc vật lộn gay go, nhiều khi đến ác liệt đó, con người làm chi mà chẳng bị trốc gốc! Rải rác qua những câu chuyện, những tin đồn, những lời xì xào rỉ tai, tôi đã được nghe thấy đã có những con người bắt đầu biểu lộ bản năng để ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.
Thế thì cái tươi mát của tình người mà thằng Thu muốn đi tìm sẽ còn tồn tại bao lâu nữa dưới chế độ này? Ý nghĩ đó khiến tôi chợt thấy lòng xót xa vô hạn. Tôi thương thằng Thu, nhưng đồng thời tôi cũng thường cả cho đám học sinh thân yêu của tôi, và tôi thương cho cả chính cái thân phận nhà giáo của tôi dưới mái nhà trường XHCN này nữa!
NHẬT TIẾN.
Nhà văn Nhật Tiến vốn là giáo sư Lý Hóa tại Saigon từ đầu thập niên 1960 cho đến cuối năm 1979, là lúc ông vượt biên ra khỏi Việt Nam.
Năm học 1977-1978, số học sinh miền Bắc vào học chung trường với học sinh miền Nam ngày càng đông đảo hơn. Đó là con em của những cán bộ, bộ đội đang nhận lãnh công tác phục vụ trực tiếp ở các tỉnh miền Nam. Chỉ thị của Sở Giáo dục thành phố đưa xuống cho ban Giám hiệu các trường là khi xếp lớp cho học sinh miền Bắc thì cứ căn cứ vào lớp cũ rồi cộng thêm hai lớp. Như học sinh lớp 5 sẽ được ngồi lớp 7, học sinh lớp 8 ngồi lớp 10.
Lý do: học trình của học sinh miền Bắc là 10 hết bậc trung học, trong khi đó ở miền Nam, học sinh phải học tới 12 năm.
Vào thời kỳ đó, bộ phận giảng huấn trong các trường vẫn còn gần như nguyên vẹn các thầy cô giáo cũ. Thành phần học sinh trong lớp đa số vẫn là các em học sinh cũ từ những lớp dưới đôn lên. Bầu không khí học tập, ngoài những giờ sinh hoạt của Chủ nhiệm lớp và những giờ học chính trị (mỗi tuần một giờ), hầu như vẫn còn nguyên vẹn cái không khí học tập nghiêm chỉnh, lễ độ như những ngày miền Nam chưa sụp đổ. Vẫn giữ thói quen của một truyền thống giáo dục nề nếp, ban chấp hành lớp mỗi buổi học đều đem trải lên bàn thầy cô một chiếc khăn tươm tất và đặt lên đó một bình hoa. Khăn lau bảng đã được giặt. Bảng viết được xoá. Rác rưởi bụi bậm trong lớp được quét sạch sẽ. Mỗi khi thầy, cô vào lớp giảng dạy, tất cả học sinh đều đứng lên và chỉ ngồi xuống khi đã được cho phép.
Đối với các thầy giáo, cô giáo cũ, tất cả những sinh hoạt đó là một thói quen bình thường. Nhưng nó đã trở thành những sự kiện bất bình thường đối với những người ở miền Bắc vào, kể cả các cán bộ trong ngành giáo dục.
Buổi sáng hôm đó, trong khi đứng ở hành lang chờ học học sinh vô lớp học, tôi bỗng chú ý tới một người đàn ông đứng ở gần đấy. Tôi nhận biết ngay ông là một cán bộ vì cái quần kaki rộng thùng thình, lúc cột thắt lưng vào thì nó dúm dó lại. Chiếc sơ mi trắng cũng có điểm riêng biệt để dễ nhận ra rằng nó không phải là sản phẩm của những thợ may miền Nam, ở chỗ cái cổ áo bao giờ cũng sệ ra phía sau gáy, vai áo hai bên bao giờ cũng thấp xuống và hai bên nách thì rộng thùng thình. Ngoài ra, ông ta còn cầm trên tay một cái nón cối, bên hông đeo một cái túi bằng da vuông vức và ông ta đi một đôi dép bình trị thiên bằng cao su đen. Đó là hình ảnh quen thuộc của các cán bộ nhan nhản ngoài đường phố.
Ông ta đứng ở ngay xế cửa lớp của tôi phụ trách với dáng điệu rụt rè. Điều này khiến tôi nhận ra thêm được rằng ông không thuộc thành phần của ban giám hiệu mà chỉ là một phụ huynh học sinh. Bên cạnh ông, đứng ở gần đó là một cậu học sinh, quần áo tươm tất, nơi túi quần cuộn tròn một cuốn vở, không chú ý tới ai mà chỉ nghểnh mặt ra phía ngoài nhìn lơ đãng mấy con chim bồ câu đang bay qua lại trên những nóc nhà thấp ở gần đó.
Chờ cho học sinh đã vào lớp đầy đủ, người cán bộ mới tiến lại phía tôi, xoè bàn tay ra bắt. Ông ta vào khoảng ngoài năm mươi, mặt phong sương, khắc khổ, nước da đen tái, chỉ có đôi mắt là đầy vẻ sắc sảo, linh động. Ông ta tự giới thiệu mình là một phụ huynh, ông ta muốn gửi gấm đứa con trong lớp học. Tôi tự nghĩ, thật ra ông không cần phải mất thì giờ như thế, đối với học sinh, dù là miền Bắc, các thầy cô giáo cũ không có vấn đề phân biệt đối xử. Dưới mắt chúng tôi, tất cả đều là con em và chúng tôi sẽ dạy dỗ tất cả những gì mà chúng tôi thấy cần phải dạy dỗ. Nhưng ít ra, cái thái độ tự thân hành đến lớp để đưa con mình vào học, ông ta cũng đã biểu lộ sự quan tâm của mình đối với con cái, và dưới mắt ông, dù là thầy cô xuất thân từ chế độ cũ, ông ta vẫn còn đầy vẻ kính trọng chứ không xách mé, lúc nào cũng sẵn sàng chỉ trích nền giáo dục cũ như những cán bộ được điều về công tác ở trong trường.
Sau khi trao đổi với ông vài câu ngắn ngủi, tôi bước vào lớp học và quên ngay sự hiện diện của ông ta. Tôi còn nhiều công việc phải làm. Trước hết là đứng nghiêm chỉnh trên bục để quan sát toàn thể lớp học lúc đó đã chấm dứt ồn ào và toàn thể học sinh đều đứng tại chỗ để chào thầy giáo mới tới. Đến khi đã hài lòng vì tất cả học sinh đều đã chuẩn bị học tập nghiêm túc, không có ai còn xì xào, lơ đễnh, ngó trước ngó sau, tôi mới cho phép tất cả ngồi xuống.
Tôi giới thiệu vắn tắt vài hàng về cậu học sinh mới tới và xếp cho nó ngồi ở một chỗ còn trống trong lớp học. Tôi bắt gặp vài nét mặt khinh khỉnh của đám học sinh cũ, những cái bĩu môi, những nụ cười nửa miệng đầy ngạo mạn của vài cô gái và những cái nhìn xấc xược của mấy cậu trai khi cả lớp đổ dồn về người bạn đồng lớp mới.
Tuy không phân biệt đối xử với ai, nhưng tôi biết lũ học trò cũ của tôi đã có lý khi mang tâm trạng đầy vẻ tự tôn đối với những học sinh miền Bắc vì trình độ học vấn quá chênh lệch. Có thể nói, trong cùng một lớp, môn học nào đem so ra thì học sinh miền Nam cũng đều bỏ xa, dĩ nhiên trừ môn học chính trị. Điều đó cũng dễ hiểu vì một học sinh lớp 8 đem lên ngồi lớp 10 thì dù có là đứng đầu lớp cũng không thể theo kịp trình độ của một lớp đã đi trước tới 2 năm.
Đó là chưa kể nội dung giảng dạy, chất lượng của chương trình ở mỗi nơi cũng đã khác nhau xa rồi. Đã có nhiều trường hợp, chính phụ huynh phải tới tự ý xin cho con em mình rút xuống một lớp. Mà thật ra, xuống một lớp thì cũng vẫn là chưa đủ. Cán bộ giáo dục sợ mất mặt nền giáo dục XHCN nên tìm đủ mọi cách để nâng đỡ học sinh từ A vào ( A là ám số chỉ miền Bắc, B là miền Nam), nào là mở những lớp riêng gọi là phụ đạo (tức dạy thêm cho học sinh), nào là yêu cầu các thầy cô soạn những câu hỏi thi riêng để hạ thấp trình độ, nói chung học sinh ở A vào bao giờ cũng được nâng đỡ tối đa để dù có kém cỏi thì cuối năm vẫn được cho lên lớp. Trước một thực trạng như thế, làm gì những học sinh cũ của miền Nam chẳng biểu lộ một sự khinh nhờn, ngạo mạn.
Khi công việc ổn định chỗ ngồi cho cậu học sinh mới đã xong, và tôi bắt đầu công việc gọi học sinh trả bài và sửa bài tập kỳ trước, tôi bỗng phát giác ra rằng người cán bộ,phụ huynh học sinh vẫn còn đứng mấp mé ở ngoài cửa lớp. Thì ra ông ta vẫn âm thầm quan sát mọi sinh hoạt của thầy trò chúng tôi. Lớp học rộng rãi, sáng sủa. Sàn đá hoa sáng bóng không một vết nhơ hay một cọng rác. Học sinh lễ phép, nghiêm chỉnh từ lời nói, cử chỉ đến tác phong học tập. Hôm ấy tôi đã kêu 5 em lên trả bài và em nào cũng đạt số điểm tối đa về hiểu bài và thuộc bài. Bài tập đang sửa trên bảng lôi cuốn được sự phát biểu, tranh luận của nhiều em với những lối giải khác nhau. Bầu không khí lớp học như thế đã khiến tôi hài lòng và tôi biết vị phụ huynh đứng ở ngoài cũng đang chia sẻ cái cảm giác đó với tôi. Tôi tìm thấy ở ánh mắt của ông ta một sự thích thú, thoả mãn và khâm phục. Nhất là về sau này, khi đã quen biết với ông ta nhiều hơn, có một lần ông ấy nói:
- Cách tổ chức, sinh hoạt trong nhà trường của miền Nam có nhiều cái mà miền Bắc phải học tập. Một thí dụ nhỏ nhặt như một tấm khăn giải bàn và bình hoa đặt trên bàn thầy giáo, cô giáo. Tôi thấy nhà trường miền Bắc không hề quan tâm tới.
Tôi cải chính ngay:
- Đấy không thuộc về lề lối quản trị của Ban Giám hiệu nhà trường mà hoàn toàn là do các Ban Chấp Hành lớp tự ý đứng ra lo liệu. Đó là một cung cách bầy tỏ lòng tôn kính đối với thầy giáo, cô giáo của học trò trong lớp.
Người đàn ông nghe xong, lặng lẽ không nói. Ông ta có đầy đủ dữ kiện thực tế để nhìn thấy tận mắt những gì mà trước đó ông chỉ nghe qua sách báo tuyên truyền. Tôi nhận thấy ông ta có một điểm đáng quí ở chỗ là dám nói ra những gì ông ta đã nghĩ, không như nhiều cán bộ khác, tuy biết rõ sự thực nhưng vẫn tiếp tục phát biểu những luận điệu xuyên tạc, gian dối. Ông ta nói:
- Học trò miền Bắc còn thua xa. Trong lớp học đố có trang hoàng được cái gì yên ổn đến ba ngày. Cờ, khẩu hiệu, ngay cả ảnh Bác chúng nó cũng xé. Thậm chí chúng nó gỡ đến cả cái bóng đèn xài chung cho lớp học. Chính vì thế mà về mùa đông, trời tối sớm, có khi thầy trò chỉ làm việc trong tranh tối, tranh sáng.
Cho nên tâm trạng của ông ta là một tâm trạng vui mừng và kỳ vọng. Ông chỉ có một đứa con trai, đó là cái đứa đã tới học lớp của tôi vào giữa niên học muộn màng.
Ông ta trình bầy cho tôi nghe tất cả sở trường cũng như sở đoản của nó rồi nhắc đi nhắc lại:
- Cháu nó lớn người nhưng tính nết còn trẻ con và hay đua đòi. Nhờ các thầy chú ý đến cháu và có điều gì bất ổn, xin thông báo với tôi ngay.
Trong thời gian mấy tháng đầu theo dõi sự học của nó, tôi thấy nhận xét của ông ta rất chính xác. Thằng Thu trông bề ngoài tưởng như một cậu con trai 17,18, nhưng thực chất nó nghịch ngợm và táo bạo như một đứa chỉ 15,16. Trong vòng hai tuần lễ đầu, nó ngồi cô đơn ở chỗ đã được chỉ định. Nhưng không biết bằng một cung cách nào đó, chỉ ít lâu sau tôi đã thấy nó rút xuống cuối lớp và hội nhập với những học trò có tiếng là nghịch ngợm.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là không biết tự lúc nào,nó đã được cả lớp gán cho cái biệt danh là “ thằng Ngụy. "Ngụy" đem cả đàn ghi ta vào lớp, giấu dưới chân bàn. Tới giờ ra chơi, nó qui tụ bạn bè trong lớp đem đàn ra, lập thành một ban văn nghệ bỏ túi chuyên chỉ hát những bản nhạc vàng. Nó thuộc đủ mọi loại bài, thậm chí nó còn biết hát cả những bài nhái lại lời ca theo điệu những bản nhạc cũ nữa.
Có lần tôi bỏ quên cuốn sách trên mặt bàn, lúc giờ chơi tôi quay lên tìm thì thấy nó ngồi chồm hổm trên bàn học với cây đàn ôm trước ngực. Chung quanh nó, cả một lũ học trò bu lại đang ngả nghiêng cười. Nhìn thấy tôi, nó vẫn tỉnh queo và lại còn hát lớn giọng hơn cái bài hát nhại theo lời của bài “ Túp lều lý tưởng” làm cho tôi có cái cảm tưởng nó nhại luôn cả chính tôi khi thấy tôi đi vào ( và điều này cho thấy thằng Thu là một nhân vật rất thông minh, nhậy bén, có nhiều sáng kiến tức thời ):
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán nhà lầu
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán xe hơi
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán Honda
Lâu lâu Thầy bán cái quần tây
Lâu lâu Thầy bán cái quần xì.....
Cả đám học trò bu chung quanh nó, mà trong số đó có đến ba bốn đứa có bố phải đi học tập cải tạo, đều bò lăn ra cười. Sự ồn ào đó khiến tôi e ngại con mắt của Chi đoàn Thanh niên trong trường có thể dòm ngó, nên phải nạt nộ:
- Ê! Thu hát bậy nhé!
Thu nhìn tôi mỉm cười ngạo nghễ cứ như nó muốn hỏi thẳng tôi rằng: "Có đúng vậy không hả thầy?" Điều này cho tôi thấy bao nhiêu mặc cảm rụt rè lúc đầu của nó nay đã hoàn toàn bị trút bỏ. Nó lại nói:
-Thầy chưa bán thì rồi thầy sẽ bán. Em hát không có sai!
Bọn học trò cũ của tôi lại một phen phá lên cười. Chúng tôi hoàn toàn biết rõ hoàn cảnh của nhau và tôi không thấy có lý do để tranh cãi lại luận điệu của chúng nó. Vì thế, tôi vội vã lượm cuốn sách và rút đi thật nhanh.
Từ bữa đó, tôi chú ý đến thằng Thu nhiều hơn trước. Tôi thấy rõ sự lột xác của nó cả về hình thức bên ngoài lẫn tư tưởng bên trong. Nó đã bỏ được bộ quần áo đi đâu cũng không thể che giấu được rằng đó là quần áo được may từ miền Bắc và thay vào đó, nó đã mặc những cái quần tây hẹp ống và những cái sơ mi ca-rô đủ mầu. Chỉ còn trừ nước da đen tái đang dần dà đổi sắc, mọi thứ trên người nó đã hoàn toàn trở nên có mầu sắc thuần tuý Sài Gòn. Thậm chí đến ngôn ngữ, nó cũng đã thay đổi mau chóng chứ không còn đặc sệt những danh từ chính trị như trước.
Duy chỉ có một điều mà nó không theo kịp lũ học trò trong Nam. Đó là trình độ học vấn. Nhồi nhét cách mấy, nó cũng vẫn như kẻ nằm mơ, đứng bên lề nội dung của bài giảng.
Tôi không tin rằng nó không đủ thông minh để có thể theo kịp những định luật, những công thức nhưng rõ ràng là nó không cần quan tâm tới những thứ đó. Như một con cá bị kìm giữ trong ao tù, nay có dịp được thoát ra sông lạch, nó chỉ mải mê với những cái gì mà nó cho là mới mẻ, sự mới mẻ chỉ tìm thấy ở ngoài cuộc đới chứ không phải ở trong lớp học. Cho nên chính thằng Thu lại là đứa đầu tầu cho những vụ trốn học, bỏ giờ đi chơi. Nó tiêm nhiễm vào đầu lũ học trò cũ của tôi những luận điệu xác đáng như sau:
- Mày học lắm thì cũng chỉ trở thành một thứ lao động chân tay quèn. Ba mày đang học tập “ mút chỉ” trên rừng, “sức mấy” mà mày leo lên được bậc đại học.
Nói điều đó lên không phải vì nó sáng suốt tiên đoán được tương lai của lũ trẻ nhưng chính là vì những hiểu biết của nó về mọi người chung quanh trong xã hội miền Bắc. Chẳng thế mà đã có nhiều lần nó nhắc lại cho bọn bạn bè cùng lớp cái câu vè mà về sau tôi nghe lại đến phải thuộc lòng:
Mười năm đèn sách theo thầy
Đến khi tốt nghiệp vác cầy theo trâu!
Quần chúng nhân dân thật là tài tình. Chỉ vỏn vẹn có hai câu lục bát mà nói lên được toàn bộ cái bi đát của một nền giáo dục không nhằm phục vụ con người mà chỉ phục vụ cho những ý đồ chính trị. Trong vòng không đầy nửa năm học, lớp học của tôi sa sút thấy rõ vì nguyên nhân đó. Các thầy giáo, cô giáo ở lớp khác cũng cùng có một nhận xét tương tự.
Là những người trực tiếp nắm giữ công việc giảng dạy, chúng tôi thấy rõ cả một nền giáo dục đang trên đà đi xuống. Trong khi đó, để cho các bài báo cáo, các bảng tổng kết cuối năm của nhà trường được tốt đẹp, chúng tôi đã được lệnh phải nâng điểm của học trò lên, phải chấm bài nới tay, phải vớt những học sinh kém, thậm chí trước ngày thi chúng tôi còn phải phổ biến các câu hỏi và hướng dẫn bài trả lời để học sinh có dịp được học kỹ càng hơn. Vậy mà nếu cho điểm một cách vô tư thì chỉ 10 phần trăm sĩ số trong lớp là có đủ điểm trung bình. Chưa bao giờ trong đời dạy học của tôi lại phải chứng kiến mức độ sa sút như thế.
Thằng Thu thì như đã quen với cung cách học tập rất lơi là nhưng cuối năm vẫn được lên lớp như thế. Cho nên sách vở của nó rất bê bối. Cả một niên học, dù là phải học đủ các môn, tôi thấy nó chỉ có mỗi một cuốn sách cuộn tròn, nát bấy được nhét trong túi quần. Đến nỗi tôi không còn dám kiểm soát bài vở của nó nữa. Có một lần gặp nó ở đầu cầu thang, tôi nói:
- Em học hành như thế không sợ làm buồn lòng ông già ở nhà sao?
Nó mỉm cười:
- Em có học đấy chứ! Nhưng cái học của em khác, cái học mà ông già em quan niệm thì lại khác. Em không muốn đi lại con đường mà ông ấy đã đi!
Tôi hơi giật mình về tư tưởng của thằng bé. Muốn hiểu rõ nó hơn, tôi nói:
- Nhưng dù muốn đi theo con đường nào thì em cũng phải chuẩn bị kiến thức cho mình trước đã. lêu lổng như thế thì có con đường nào gọi là sáng sủa đâu?
Nó đổi lại nét mặt, không còn biểu lộ nụ cười, dù chỉ là nụ cười trong ánh mắt. Tôi thấy ở giây phút đó, vẻ mặt của nó bỗng già hơn lên. Như thế, từ trước tới nay, tôi đã nhìn nó chỉ như một thằng con nít là tôi đã hoàn toàn sai lầm. Nó nói:
- Với em, kiến thức chưa phải là điều tiên quyết. Em đang sống trong một xã hội có tình người và em cần cái tình người đó trước hết.
Lời phát biểu của nó làm cho tôi choáng lặng đi. Tôi vụt thấy nó có lý hơn bao giờ hết. Nó sẽ chẳng thâu nhận được gì thêm ở miền Nam này nếu nó chỉ biết cặm cụi như một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, hằng ngày cắp sách đến trường để học hỏi về đôi ba cái định lý, miệt mài với những công thức, những phương trình, những bài tập. Nó đã sinh ra và lớn lên ở một xã hội khác, đã va chạm với với những vấn đề hoàn toàn khác biệt so với cái xã hội cũ mà tôi và lũ học trò của tôi đã quen thuộc trong đó.
Đối với chúng tôi, tình người tuy rất cần thiết nhưng không mấy khi phải nêu thành một vấn đề vì chúng tôi đã được nuôi dưỡng ở trong một nền giáo dục coi trọng điều đó. Chúng tôi không hề được giáo dục hay được giao cho nhiệm vụ phải giáo dục để phát huy lòng căm thù.
Còn nó thì khác, căm thù là bài học đầu tiên nó đã được dạy dỗ khi bước chân đến ngưỡng cửa nhà trường. Cái cơ may đến với cuộc đời của nó là khi cái mầm căm thù chưa đủ ngày kết trái để biến thành hành động thì nó đã được đưa vào một môi trường sinh hoạt hoàn toàn khác biệt. Nó được chính những học sinh miền Nam hồn nhiên, ngay thẳng và trong sáng dội lên tâm hồn cháy bỏng của nó những gáo nước mát rượi của tình yêu thương giữa bạn bè, gia đình, học đường và nói chung hết là cái tình người theo đúng cái nghĩa mà nó đã dùng trong câu nói với tôi.
Tôi biết rất rõ rằng để nó thấu hiểu được điều đó, không phải là do công lao của tôi dạy bảo nó, nhưng chính là là ở những giờ nó nhét cuốn tập nát ngướu vào bụng áo rồi leo tường lẻn ra phố chơi. Nó được bạn bè rủ đi thăm phố phường, quan sát khung cảnh sinh hoạt của xã hội miền Nam, tiếp xúc với những con người của xã hội cũ, ngồi hàng giờ dưới những tàng cây ở vườn hoa Tao Đàn, trong Sở thú hoặc đi lang thang qua Lăng Ông Bà Chiểu, qua chùa Ngọc Hoàng hay nhà thờ Đức Bà. Những nơi mà nó đã đi qua, những khung cảnh mà nó đã nhìn ngắm, những con người mà nó đã tiếp xúc, những tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ mà nó đã nghe, đã thấy, đó chính mới là những bài học linh động, thực tế để nhận ra rằng chính cái xã hội mà nó vừa hội nhập mới là cái xã hội đầy ắp tình người. Tôi bỗng thấy tất cả sự ngô nghê của mình khi nhớ lại những lời la rầy nó trước đó ít phút:
- Lêu lổng như thế thì có con đường nào gọi là sáng sủa đâu!
Bây giờ thì tôi đã tìm thấy ngay được câu trả lời cho thắc mắc của chính tôi. Con đường mà Thu đã tìm thấy, đã lựa chọn, thực tình đã sáng sủa hơn bất cứ con đường nào khác mà Sở Giáo dục Thành phố đã vạch ra.
Tuy nhiên, trên tinh thần công bằng và trung thực vốn là phẩm chất của một nhà giáo, tôi phải ghi nhận thêm một điều là đời sống ở chung quanh tôi, sau một cơn lốc bạo tàn đã làm xáo trộn đến tận gốc ở mọi nơi, mọi thứ thì cái tình người tươi mát vốn có ở đây cũng đang bắt đầu suy sụp.
Đời sống gay gắt do chế độ mới áp đặt lên đã dồn con người đến chỗ phải đấu tranh để sinh tồn, và trong những cuộc vật lộn gay go, nhiều khi đến ác liệt đó, con người làm chi mà chẳng bị trốc gốc! Rải rác qua những câu chuyện, những tin đồn, những lời xì xào rỉ tai, tôi đã được nghe thấy đã có những con người bắt đầu biểu lộ bản năng để ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.
Thế thì cái tươi mát của tình người mà thằng Thu muốn đi tìm sẽ còn tồn tại bao lâu nữa dưới chế độ này? Ý nghĩ đó khiến tôi chợt thấy lòng xót xa vô hạn. Tôi thương thằng Thu, nhưng đồng thời tôi cũng thường cả cho đám học sinh thân yêu của tôi, và tôi thương cho cả chính cái thân phận nhà giáo của tôi dưới mái nhà trường XHCN này nữa!
NHẬT TIẾN.
Nhà văn Nhật Tiến vốn là giáo sư Lý Hóa tại Saigon từ đầu thập niên 1960 cho đến cuối năm 1979, là lúc ông vượt biên ra khỏi Việt Nam.