PDA

View Full Version : ông bảy thợ rèn



giavui
06-25-2014, 08:21 PM
Ông Bảy Thợ Rèn


Võ Kỳ Điền


http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1403727681_image002.jpg


Ông bảy thợ rèn ở gần nhà ngoại tôi trong một khu phố lụp xụp cạnh tỉnh lỵ. Đường vào lò rèn trải đá xanh lồi lõm dơ dáy, nhất là vào mùa mưa. Nhưng mùa nắng con đường nầy cũng vẫn lầy lội vì bên hông nhà ông Bảy có cái giếng nước. Suốt ngày từ sớm mai tới chiều tối, không lúc nào không nghe tiếng thùng thiếc va vào thành giếng loảng xoảng. Khu nầy chưa có nước máy nên cả xóm phải nhờ vào cái giếng. Lò rèn của ông Bảy vốn đã náo nhiệt, lại càng náo nhiệt hơn. Người ta chờ đợi tới phiên để lấy nước, rảnh rổi qua bên ông Bảy coi rèn dao rèn kéo, nói chuyện nắng mưa. Tôi khoái nghe ông Bảy nói chuyện, bất cứ chuyện gì. Chưa bao giờ tôi thấy ông mặc quần áo nào khác ngoài cái quần xà lỏn đen. Ngực nở nang, da đen bóng thường đỏ hồng dưới ánh lửa. Tuy tuổi đã trên năm mươi mà thân thể ông còn lực lưỡng lắm. Các bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Chiếc búa tạ thật to mà ông cầm coi nhẹ nhàng. Từng nhát búa đập trên thỏi sắt nung đỏ, lửa văng tung tóe như đốt pháo bông. Những buổi trời mưa lành lạnh, ngồi bên lò than đỏ rực, coi ông Bảy rèn dao, miệng bàn đề bốn chục con thì không còn gì sướng hơn nữa.



Ông ngoại tôi và ông Bảy là hai ông bạn già tâm đầu ý hợp. Lúc nào tôi qua nhà ngoại mà không có thì chắc là ngoại ở lò rèn, chớ không đâu khác. Hai ông mà bàn đề thì khỏi nói, nổi tiếng ở cái xóm nhỏ nầy. Có lần ngoại tôi cầm tờ Thần Chung chỉ vào cái mục “Thì Thầm” có cái câu -người sáng suốt phải nhìn trước trông sau, cho ông Bảy thấy. Ông ngọai tôi trầm ngâm, suy nghĩ hồi lâu rồi nói :

-Tôi chắc con chó. Đúng rồi, đánh số 11 là được.

Ông Bảy hỏi tại sao ? Ông ngoại tôi được dịp bèn giải nghĩa :

-Sách nho có câu “lang bạt kỳ hồ, thóai sĩ kỳ vĩ” nghĩa là con chó sói tiến tới trước thì vướng cái nọng, thối lui ra sau thì vướng cái đuôi, cái thế không biết phải làm sao, ý nói là tiến thoái lưỡng nan.

Rồi ông chép miệng:

-Cái thằng ra thai đề ác thiệt. Nó nói nhìn trước trông sau. Trước là cái nọng chó sói, sau là cái đuôi chó sói đó mà, anh Bảy nghĩ coi đúng không ?

Ông Bảy cười đưa hàm răng sún ra, nói :

-Ờ, ờ, cũng có lý. Nhưng theo tôi tính, chắc là con heo. Tôi thấy cái ý “nhìn trước trông sau” đó.

Tôi ngồi kế bên ngẩn ngơ, không hiểu tại sao lại là con heo, bèn vọt miệng hỏi ông Bảy :

-Bộ con heo ưa nhìn trước trông sau hả ông Bảy ?

Ông Bảy cười :

-Mầy không hiểu gì hết. Bàn đề phải lấy ý nghĩa sâu xa, chớ đâu phải thấy thế nào đánh thế đó. Nói như mầy thì ai đánh đề cũng trúng hết, làm giàu mấy hồi. Để tao giải nghĩa cho nghe nè, cái ý ở hai chữ “trông sau” đó. Trông sau là nhìn ra phía sau. Vậy là quay lại. Quay là heo quay. “Các chú” ưa ăn heo quay !



Tôi hiểu ra, khoái quá nhảy tưng tưng, cầm tiền của hai ông chạy một mạch lại nhà chú Cánh để mua con heo với con chó. Chiều đó, đề xổ con vịt. Hai ông già bứt đầu bứt cổ tiếc hùi hụi, tức mình vì quên mất món vịt quay.



Thuở đó, tôi độ mười hai, muời ba tuổi. Mỗi ngày tôi được trao cái nhiệm vụ thật quan trọng là vào mỗi sáng sớm chạy ra sạp báo mua tờ Thần Chung cho ông ngọai và tờ Tiếng Dội cho ông Bảy. Hai ông thì coi mục “Thì Thầm” với mục “Nhỏ To” để bàn đề, còn tôi thì giành lấy trang trong để coi “Châu Về Hiệp Phố” của Phú Đức. Cái tánh mê tiểu thuyết và chuyện lạ chất chứa trong bụng từ nhỏ. Có hôm thầy giáo dạy địa dư nói về trái đất tròn và quay chung quanh mặt trời, tôi bèn khoe với ông Bảy, ổng trợn tròn cặp mắt :

-Mầy nói cái gì lạ vậy ? Nói lại tao nghe coi !

Tôi nói một mạch :

-Ông thầy giáo nói trái đất tròn như trái banh. Nó quay suốt ngày không bao giờ ngừng. Mà nó quay nhanh lắm...

Ông Bảy lắc đầu :

-Tao không tin. Nếu trái đất tròn tại sao mình đứng được không té. Nếu nó nhúc nhích, lăn như trái banh là mình đã lọt ra ngòai rồi. Bằng chứng là nó bằng phẳng như mầy thấy đó và đứng im nên mình mới cất nhà được. Nếu nó động đậy thì nhà cửa rung rinh hết.

Tôi cãi lại :

-Tại vì trái đất nó lớn quá nên mình tưởng nó bằng. Thiệt ra trái đất tròn, ông Bảy không tin ra Vũng Tàu coi, mặt biển cong vòng hà...

-Tao chưa đi Vũng Tàu lần nào nên không thấy biển. Cái gì tao không thấy thì không tin.

Tôi tức mình, sách vẽ rõ ràng trái đất tròn mà ông Bảy nói nó vuông, bèn chứng minh y như thầy giáo đã dạy :

-Ông Bảy đứng ở bờ biển sẽ thấy tuốt ở đàng xa cái ống khói tàu. Rồi khi tàu đến gần sẽ thấy thân tàu rồi khi tới bờ sẽ thấy rõ cả chiếc tàu. Như vậy là tại trái đất tròn, nó cong nên mình mới thấy cái ống khói trước.

-Tao không tin vì tao chưa đi ra biển lần nào làm sao thấy cái ống khói tàu. Vô lý ! Mà nếu nó quay như trái banh thì mình lọt tuốt ra ngòai rồi.

Tôi kiên nhẫn chứng minh nữa :

-Trái đất quay nhanh nhưng mình không lọt ra là nhờ có trọng lực. Ở ruột trái đất có một cái sức hút tất cả mọi vật xuống dưới đất nên mình không rơi ra ngòai.

Ông Bảy lắc đầu nguầy nguậy :

-Cái thằng bữa nay nói chuyện tầm bậy không hà ! Con chim nó bay tại sao không bị hút xuống đất ? Mầy có giỏi giải nghĩa cho tao nghe đi. Mấy cái thằng Tây thực dân dạy tầm bậy tầm bạ. Đồ cái thứ xâm lăng ăn cướp. Hôm qua thằng Tèo cảm sơ sơ đi lên nhà thương, bị chích chết ngắc. Phải chi ra tiệm chú Hỉ mua gói “ngọai cảm tán” thì đâu có sao ! Mầy coi chừng đó, ngày nào trong trường bắt chích ngừa thì phải trốn cho kín. Chớ dại dột mà nghe lời tụi nó. Phải khôn ngoan để ý, đừng có tin bậy bạ. Thiệt mầy còn nhỏ nên ngu quá trời ! Tao già rồi, làm sao nó gạt được. Cái gì thấy rõ ràng thì mới tin. Đừng nghe nguời ta nói.



Tôi bán tín bán nghi. Hổng lẽ thầy giáo tôi dạy bậy. Mà ông Bảy nói cũng có lý. Ông đã từng trải, già đời rồi. Con cái lớn cỡ ba má tôi. Ông ngoại tôi cũng phục ông Bảy lắm. Bằng chứng là cái vụ đánh đề, ông Bảy đôi khi còn trúng, còn ngoại tôi thì ít khi. Tôi lại đem cái vụ Tây thực dân ra hỏi ông ngoại. Ông ngoại tôi cũng nói y như ông Bảy. Thiệt là hai ông già tâm đầu ý hợp. Nhiều khi đọc báo thấy Tây bị đánh ở sông Lô, sông Đà, hai ông sướng khoái lắm. Vui nhứt là hôm ký hiệp định Genève, tôi phải đứng chờ đợi, giành giựt mãi mới mua được tờ báo rách. Chạy u về đưa cho ông Bảy. Ông rướm rướm nước mắt như muốn khóc, nói nghẹn ngào :

-Vậy là nuớc mình yên rồi. Thôi kỳ nầy thằng Út về tôi cuới vợ cho nó, bắt ở nhà hú hí với tôi.

Ông ngoại tôi cũng cảm động không kém :

-Tôi cũng vậy, thằng Bảy bỏ nhà đi cả chục năm nay. Bây giờ yên ổn thì về lo chăm sóc ruộng vườn. Căn nhà huơng hỏa là phần của nó đó. Mấy mẫu ruộng ở Xóm Muơng cũng đủ sống rồi. Nghỉ ngơi cho khỏe.

Đêm đó hai ông thức tới khuya, nhậu đã đời. Mấy ông già lối xóm cũng đến chén chú, chén anh, tôi phải chạy ra tiệm chú Cánh mua ruợu thêm. Vui quá.

*

* *

Cậu Bảy tôi với chú Út nghe nói lại đi theo Việt Minh, từ hồi bốn muơi lăm lận, cái thời tầm vông vạt nhọn. Lúc đó tôi còn nhỏ xíu. Tôi còn nhớ mang máng mấy nguời lớn thường cầm cờ đỏ sao vàng vừa đi vừa hát. Rồi có những buổi hội họp gì bí mật lắm. Bây giờ câu chuyện mười năm trước được nhắc lại. Tuy không biết gì, tôi cũng nôn nao muốn làm nguời lớn để đi đánh Tây cứu nước. Công lao đó chú Út với cậu Bảy tôi hưởng hết trơn rồi, còn đâu tới phiên tụi con nít như tôi. Mùa nghỉ hè tôi về quê nội ở Hậu Giang thì ông ngọai với ông Bảy lặn lội rủ nhau đi Xuyên Mộc để tiễn đưa hai nguời con đi tập kết ra Bắc. Chú Út với cậu Bảy tôi cũng không biết bao giờ về nữa. Đất nước chưa yên. Thân trai còn nặng nợ. Hai ông già vẫn không nguôi hy vọng chờ đợi một ngày rất gần, gia đình được xum họp.

Đất nước lại bị chia đôi. Tàu Nga và Ba Lan chở từng đòan chiến sĩ trong Nam ra Bắc. Trong khi đó thì tàu Mỹ và Pháp chở hàng triệu đồng bào vào Nam.

Ông Bảy nhìn những nguời mới tới, lắc đầu than thở :

-Ở ngoài đó sướng quá. Cách mạng thành công, đất nước độc lập thanh bình, tụ do hạnh phúc, bỏ đi chi cho cực khổ như vậy. Tôi mà còn trẻ, thì cũng xin ra đó... lập một cái lò rèn !

Vài tháng sau trước lò rèn có một cái xe phở. Bác bán phở cỡ tuổi ông Bảy thợ rèn. Không biết bác ấy tên gì nhưng nghe nói chuyện thường có tiếng cơ ở phía sau nên cả xóm gọi mãi thành tên. Bác Cơ bán phở ngon lắm mà lại rẻ. Xóm lò rèn bắt đầu được nếm món ăn Bắc. Ăn phở thì thích nhưng nghe bác Cơ nói chuyện thì không chịu được. Bác nói ở ngòai Bắc người dân sống khổ cực. Công an kìm kẹp, theo dõi, bắt bớ. Dân chúng làm quần quật mà không có ăn. Nhà cửa, đất đai, xe cộ gì cũng bị tịch thâu hết. Sống thua con bò, con heo !



Ông Bảy nghe chuyện đó, mặt hầm hầm, nói với tôi :

-Thằng cha bán phở đó là công an tuyên truyền. Nó nói xấu Việt Minh. Nguời ta làm cách mạng là để đem lại hạnh phúc ấm no cho dân chúng. Nếu dân chúng khổ cực, cơm không có ăn, áo không có mặc, bị bắt bớ giam cầm thì làm cách mạng làm chi ! Mầy đừng có ăn phở của thằng cha đó nữa. Tao ghét tụi tuyên truyền lắm !

Thấy ông Bảy nói có lý nhưng phở của bác Cơ ngon quá làm sao mà nhịn thèm cho được, thành ra tôi đành chịu để bác Cơ tuyên truyền mỗi ngày.

-Cậu không biết chớ học sinh ngoài ấy vất vả lắm cơ! Ngòai các buổi học ra phải đi lao động trồng khoai, trồng sắn ở các vùng cao. Các ngày lễ, ngày chúa nhựt phải đi đào kinh, đắp đê cho Bác với Đãng. Làm nhọc mệt mà không có gì để ăn cơ ! Không phải sung sướng như trong Nam nầy cơ!

Tôi nghe thấy lạ quá. Chúa Nhựt sao không được nghỉ, đào kinh để làm gì ? Tôi không hiểu được, bèn hỏi bác Cơ :

-Cực quá thì đừng thèm làm. Ai làm gì mình được.

Bác Cơ trợn mắt nhìn tôi :

-Không làm sao được cơ ! Đi học tập là chết ! Người nào có lý lịch xấu là kể như khó sống lắm cơ ! Cậu không hiểu nổi đâu, ở ngoài đó ăn con gà cũng phải xin phép nữa cơ !

Tôi ngẩn ngơ. Thế là tuyên truyền quá đáng rồi. Đi học tại sao lại chết được ? Ăn con gà phải xin phép ? Làm gì mà quá như vậy ! Tôi nói lại cho ông Bảy lò rèn nghe.

Ông Bảy cuời ngất :

-Đó mầy thấy tao nói đúng chưa. Nó là công an tuyên truyền mà. Con nít mà đào kinh làm sao nổi. Nội cái vụ ăn con gà phải xin phép là nói láo rõ ràng. Gà của mình nuôi thì cứ việc ăn. Xin phép ai ? Nói vừa vừa nguời ta còn tin. Nói quá ai thèm tin. Như nhà của tao ở đây ai mà vào xét hỏi trái phép là tao đuổi ra lập tức. Láng cháng là tao thưa tới tòa -xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Thằng cha Cơ chắc ở ngòai Bắc làm tay sai cho thực dân, phong kiến nên chống đối cách mạng. Cộng sản là gì ? Cộng sản là công bằng. Trong xã hội Cộng sản không có kẻ giàu, người nghèo, kẻ có quyền thế, nguời cùng đinh nghèo khổ bị bóc lột. Ai cũng như nhau, sống êm vui hạnh phúc. Mầy thấy như vậy có hay không? Chớ như trong Nam mình, người giàu thì xa xĩ thừa thãi mà kẻ nghèo thì không có gì mà ăn. Người làm cách mạng, cũng như tao rèn cục sắt, chỗ nào cao phải đập cho dẹp xuống, chỗ nào thấp phải gò cho cao lên. Như vậy mới gọi là cách mạng. Nếu cách mạng sai lầm, sao tao với ông ngoại mầy cho chú Út với cậu Bảy mầy đi ra Bắc ?



Ông Bảy nói xong, tôi chợt hiểu rõ. À, thì ra, cách mạng hay thiệt. Vậy là phải. Mấy thằng cha nhà giàu đáng ghét. Tịch thâu nhà lầu, xe hơi của tụi nó để chia cho nguời nghèo là phải quá rồi. Cái gì của nhân dân thì phải trả về cho nhân dân chớ.

-Nhưng bác phở Cơ cũng nghèo vậy ! Ở ngòai Bắc cũng bán xe phở đâu giàu có gì ? tại sao không thích cách mạng ?

-Mầy ngu quá. Vô đây nó nói vậy, biết đâu ở ngòai Bắc nó là nhà giàu, địa chủ, tư sản gì đó. Cái gì thích thì nói tốt. Cái gì ghét thì nói xấu. Nó ghét cách mạng thì nói xấu tàn tệ. Nếu chế độ mới lại xấu hơn chế độ cũ thì sao gọi là cách mạng được. Ở bên Nga, bên Tàu, nguời ta đã làm mấy chục năm nay rồi. Có chết ai đâu ?



-Ông Bảy ơi ! con nghe kể ở ngòai đó con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng nữa, cái gì cũng đi thưa công an hết, ghê quá !

-Thôi mầy ơi ! Nói như thằng cha phở Bắc thì mấy người đi làm cách mạng điên khùng hết rồi. Tao không tin. Mầy phải luôn luôn nhớ câu nói của tao là “cái gì thấy rõ thì mới tin” đừng bao giờ nghe nguời ta nói. Chừng nào tao thấy rõ tận mắt thì tao mới công nhận. Tụi thực dân, đế quốc nó tuyên truyền ghê lắm.



Tôi nhìn kỹ ông Bảy thấy ông nói rất thành thực. Khuôn mặt già da nhăn nheo nhưng ánh mắt cương quyết. Trong tia mắt đó, tôi chợt thấy vẻ xa xôi như trông ngóng, chờ đợi đứa con út thân yêu trở về. Chú Út, con ông đang làm cuộc cách mạng, cũng như cậu Bảy tôi, ở đất Bắc. Tôi nhớ lại khuôn mặt và ánh mắt của bác phở Cơ. Đường nét tuy có khác nhưng vẻ cuơng quyết và thành thực giống nhau. Lời nói của bác còn văng vẳng :

-Cậu cứ suy nghĩ, tại sao tôi phải bỏ hết cha mẹ, vợ con, bỏ hết quê hương xứ sở, liều chết để ra đi ? Tôi cũng là con nguời, cũng có tình cảm vậy ! Vậy thì tại sao cơ?

Ông Bảy thợ rèn đã vì cách mạng hy sinh để chú Út ra Bắc. Bác phở Cơ cũng vì cách mạng bỏ hết tài sản, vợ con để vào Nam. Sự thực chỉ có một mà sao lại có hai lối giải quyết khác nhau ? Câu hỏi đó ám ảnh tôi và câu trả lời thỏa đáng chưa có.



Cuộc chiến đẫm máu tàn khốc vẫn kéo dài. Mỗi ngày nhà cửa rung rinh vì bom đạn. Cảnh tang thương đổ nát không phải là chuyện trong tiểu thuyết nữa. Riết rồi con nguời trở nên chai lỳ đi. Ông ngoại tôi đã già, mất sau một cơn bịnh nhẹ. Ông Bảy thợ rèn trơ trọi, tuy nhiên nhờ hai người con trai lớn khá giả nên nhà cửa xây cất lại đẹp đẽ hơn. Lò rèn đã dẹp bỏ từ lâu. Chỗ đó trở thành garage sửa xe hơi. Lâu lâu tôi ghé thăm, ông Bảy đã trên bảy chục. Tuổi già nhưng nguời còn quắc thước lắm. Ông thường nhắc tới chú Út và than thở không biết có gặp được đứa con thân yêu trước khi về với ông bà không ?



Riêng bác phở Cơ thì ngày càng sung túc. Bác không còn bán phở ở xóm lò rèn nữa mà đã ra tỉnh mở hiệu phở to. Bác chăm chỉ cần mẫn. Quần áo điệu bộ cũng không khác hồi mới di cư vào. Quả thật “đại phú do thiên, tiểu phú do cần” Lúc nầy, thỉnh thỏang ông Bảy ra ăn phở ở hiệu bác Cơ. Chuyện chánh trị dẹp qua một bên. Tìm được một nguời bạn già đâu phải dễ. Mỗi lần ông Bảy gặp bác Cơ thì hai ông ngồi với nhau hằng giờ. Lâu lâu mới nói với nhau một tiếng. Thời buổi lộn xộn, nghe nhiều hay hơn là nói. Vả lại câu chuyện cách mạng đã quá lỗi thời rồi, cãi nhau cũng chẳng giai quyết được gì ! Cách mạng tốt hay xấu đâu có quan hệ gì tới hai ông già trên bảy muơi tuổi. Nó chỉ quan hệ tới những nguời còn trẻ như tôi...



*

Ngày đó, tôi gặp lại ông Bảy thợ rèn. Vầng trán của ông vẫn rộng nhưng ánh mắt thì buồn. Hai má ông lõm sâu cở bằng trái chanh nhỏ. Xương gò má nhô cao, dáng tiều tụy. Ông buồn quá, xách gậy đi lang thang lối xóm. Ngang nhà tôi, ông ghé vào nghỉ mệt. Tôi mời ông uống trà và hỏi thăm việc nhà cửa. Ông thở dài.:

-Thằng Hai bị bắt đi học tập, vợ đã về quê ở Mỏ Cày để sinh sống. Cái xe đò của thằng Ba bị lấy, tụi nó nói khéo là trưng dụng. Cái nhà bị Công Ty Giao Thông Vận Tải Đường Bộ mượn làm văn phòng. Gia đình phải làm đơn xin xỏ lắm mới được ở tạm sau nhà xe. Tao thấy mấy đứa cháu nội đi lao động mà đứt ruột đứt gan. Tháng rồi thằng Dân mới mười lăm tuổi bị bắt thăm trúng phải đi thủy lợi ở Chánh Lưu. Thằng nhỏ dầm mưa giải nắng, chịu không thấu, phần bị sốt rét nóng mê man, được chở về, hổm rày lo thuốc thang chữa chạy. Còn mấy đứa em nó thì đi buơi các đống rác, lượm giấy vụng, túi ny lông cũ để góp cho thầy giáo xây dựng kế họach nhỏ trong truờng. Riêng phần tao phải nuôi một con heo, muời con gà để xã thực hiện kế họach chăn nuôi tự túc luơng thực khu phố. Mỗi ngày tao phải đi kiếm đồ ăn cho heo gà. Mà cơm gạo bây giờ, mầy biết đó, nguời ta không có mà ăn nói chi tới súc vật. Cứ vài tháng ông Tổ Trưởng lại kiểm sóat coi có mất con nào không để báo cáo lên cấp trên lập thành tích tốt cho xã. Đến bây giờ tao mới hiểu lời của thằng cha phở Cơ...

Tôi đỡ lời ông Bảy :

-Cách mạng mới về, còn nhiều khó khăn, cũng như ông Bảy rèn cục sắt phải đốt... cho nóng đỏ.

Ông Bảy cuời mỉa :

-Hứ, rèn cái kiểu cộng sản. Tụi nó nhắm mắt lại mà đập. Chỗ cao xẹp xuống đã đành, chỗ thấp cũng dẹp lép. Tao già như vậy mà hôm trước còn bị giáo dục. Ngày lễ mừng sinh nhựt cụ Hồ có lịnh phải treo cờ trước nhà. Nhà tao bây giờ thụt tuốt phía sau, nó là cái garage, có phải là cái nhà đâu. Vậy mà thằng công an khu vực đi sồng sọc vào giữa nhà, hăm he đủ thứ. Tao đành phải đi kiếm mua để treo...

Tôi nhớ đến bác phở Cơ và những lời ông Bảy dạy dỗ ngày xưa, thấy thương ông quá, hỏi tiếp :

-Vậy còn chú Út, nghe nói làm lớn lắm mà không can thiệp gì cho gia đình sao?

Ông Bảy đương cầm tách nước trà đưa lên môi, nghe hỏi, không uống rồi để xuống, dáng ngập ngừng đắn đo. Hồi lâu ông nói nho nhỏ, giọng ngắt quảng :

-Nó về, tao mừng. Nhưng thôi, tao không muốn nhờ nó điều gì. Nó với mấy anh nó, với gia đình, bây giờ khác chí hướng. “Nguời ta” nhờ mình thì được, chớ mình nhờ “người ta” khó lòng lắm. Chuyện trong gia đình, tao cũng không muốn cho nó biết, không nên. Cũng may, tao chỉ làm nghề thợ rèn nghèo nhờ tiện tặn nên dư dả chút ít, nếu giàu có thì không biết bây giờ ra sao rồi. Dầu sao thì ở trong Nam, ai cũng là “ngụy” hết, thằng Út nó sợ lây rồi bị phê bình, kiểm thảo. Nó bây giờ có cụ Hồ với Đãng rồi, đâu cần có tao. Mầy đừng nhắc tới nó nữa...



Ông Bảy nói tới đó, ngồi thở dốc. Nỗi bực tức làm ông mệt nhòai. Không giận sao được, cả đời ông đầu tư trọn vẹn tình yêu vào cách mạng, nghĩa là trong đó có thằng con trai út của ông. Nào ngờ ông đã lỗ vốn nặng. Cách mạng về ấm no hạnh phúc tìm hòai không thấy. Chung quanh chỉ có khóc than đói khổ, tức tưởi, căm hờn. Riêng chú Út mặt mày giống hệch ông nhưng tình cảm và ý nghĩ giống Bác và Đãng. Cái dây liên hệ cha con mong manh quá. Ông Bảy phải trên hai mươi năm mới thấy điều đó. Ông đã trồng cái cây “cách mạng” thật là công phu, bây giờ lại hái cái trái đắng nghét.



Cuộc đời ông Bảy thợ rèn như lần đánh đề ngày xưa. Ông bàn con heo quay, nhè đâu cách mạng xổ ra con vịt cồ.



Võ Kỳ Điền