giavui
12-31-2013, 08:25 PM
Tôi như là con ốc bơ vơ nằm trên cát một mình…
Huân Long
Tôi như là con ốc bơ vơ nằm trên cát một mình…
(Nha Trang ngày về - Minh kỳ)
Kể ra việc tôi về thăm nhà lần này thật quá muộn so với nhiều người. Cho nên hẳn nhiên là rất buồn. Buồn không phải vì người yêu đã bỏ đi. Buồn không phải vì cảnh cũ hết còn như trước. Mà thiệt sự buồn vì chẳng cái gì ra cái gì.
Như lúc này đây, tôi đang ngồi trên tầng tám của ngôi khách sạn đồ sộ chặn ngang giữa con đường chính trước biển. Nghe nói chủ nhân là cháu rể của một vị Tổng Thống lân bang bị trưất phế, phải sống lưu vong và chết nơi xứ người. Đồng tiền được đưa về để dựng lên cái khách sạn hoành tráng này, trấn áp nguyên con đường, một thời đã gây ra bao tranh cãi và bị khó dễ ngăn chặn tới lui đến dăm lần bảy lượt rồi mới chịu cho hoàn tất.
Tôi nghĩ đến những lấn cấn trong việc này. Nguyên thửa đất vốn trước đây là nhà nghỉ mát của vị Tư Lệnh Vùng. Thời cuộc nhiễu nhương, hưng phế trải qua nên bây giờ người ta muốn xóa sạch đi tận gốc những gì xưa cũ để không còn lưu lại vết tích.
Tay thương gia này đánh hơi được thời mở cửa đã nhanh chân về xí miếng đất mở khách sạn bốn sao. Đồng tiền trong tay nên mua gì chẳng được. Kể cả mua tiên. Thế nhưng cũng trật trầy lên xuống mấy phen vì người ta cố tình đưa ra bao nhiêu thủ tục, nhằm moi dần cái túi nhiều đô la rồi mới khứng chịu.
Bây giờ khách sạn nằm chễm chệ giữa đường. So ra đại khách sạn kế bên dường như bị che khuất, nên nhỏ nhoi thật đáng tội nghiệp. Trông qua cửa sổ mở lộng gió thì bên kia đường là biển. Từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy một vạt nhỏ xanh lè. Còn cơ man là dừa lao xao trong gió.
Nắng vẫn còn cao. Từng vạt nắng đậm màu nhảy múa như con choi choi trước cái nhìn của tôi. Dạo còn ở nhà, tôi vẫn hay ra khu vực này để tìm chút khí thoáng sau những giờ mệt mỏi vì sinh kế. Tôi hay ngồi trên bệ xây của đầi liệt sĩ nhởn nhơ nhìn người ra tắm hay chơi bóng với nhau.
Dăm ba đứa trẻ tung tăng chạy nhảy. Một nhóm học sinh từ trường về cũng nghêu ngao dạo quanh một tẹo mới cùng nhau về nhà sau đó. Lúc sau này, việc đi ra biển ít còn được xem là nhàn cư vi bất thiện nữa và cuộc sống cũng bớt khắt khe, con người giảm bớt sự đa nghi thì đôi khi tôi còn dẫn theo mấy đứa cháu nội, ngọai ra cho chúng đùa vui.
Hồi đó, tôi nghe đốn là có nhiều chuyến vượt biên đã chọn chính nơi đây làm bến khởi hành. Việc mua bán bãi chồng chéo lên nhau nghe mà muốn chóng mặt. Kẻ nhận bán rồi lỉnh đi cho người khác mở cuộc chặn bắt, vậy mà số chuyến thoát đi vẫn nhiều hơn số bị dẫn vào đồn.
Dạo ấy, ai ra biển bơi khi trời vừa chập choạng tối là tàu tuần biên phòng lướt vào rọi đèn kiểm soát ngay. Những cặp mắt cú vọ xục xạo làm ra vẻ chăm chú với nhiệm vụ, thực ra là để lấy điểm với cấp trên, chứ các chuyến ra đi vẫn ào ào xảy đến.
Dăm thì mười họa, việc ăn chia không thành, vài chiếc thuyền xấu số bị bắt, xác tàu kéo lên vứt chỏng trơ nơi bãi, còn người thì bị đưa vô đồn chờ lấy khẩu cung. Có tối đi dạo dài theo biển, tôi đã nghe tiếng kêu la từ trong đồn biên phòng vọng ra rõ mồn một. Người ta đồn nhóm vượt biên bị tra tấn để moi tiền, hoặc để truy ra người cầm đầu lĩnh án.
Tôi lúc đó cũng nôn lắm. Nhưng chịu. Vì có bao vốn liếng hoặc tài sản đều tiêu tùng ráo trọi sau ngày tan hàng. Ba căn nhà, một sạp hàng đều theo gió bay đi. Trắng tay mà vẫn không ai chịu tin, cứ rêu rao dư luận là “ dân Bắc Kỳ họ kín đáo lắm, có tiền họ chôn dấu đi rồi làm ra vẻ khổ sở. “
Chả biết có phải là để thử thách chăng mà thỉnh thoảng có người đến gạ gẫm rủ tôi đi, chung 2 cây đầu người là sang đến bờ bến tự do ngay. Tôi chối bây bẩy, mãi đến khi mọi người đi dần hết và chương trình cưu mang thuyền nhân đã khóa chặt cửa ở khắp các nước thì tôi mới không còn ai đến mọc mời. Bởi lúc đó, người ta mới tin là tôi chỉ còn cái xát xi mục rệu.
Bây giờ ngồi ôn lại chuyện đời, tôi thấy đầu óc vẫn còn quay mòng mòng. Mười một năm ra đi, quyết tâm chẳng hẹn lấy một lần về, vậy rồi số mình định là vậy, mà thành bại đâu do nơi mình nên được. Vậy là lại về. Ngồi ở tầng lầu tám nhìn biển buổi chiều mà lòng lãng đãng trôi giạt nơi đâu.
Tiếng mấy chú xe ôm oang oang từ dưới vọng lên rõ rệt. Câu chuyện của mấy chú quẩn quanh chỉ là giá thị trường cao thấp, rồi chen vào là phê bình mối này mối nọ của khách đi xe. Nhìn qua phía biển, đài liệt sĩ vẫn phơi thây cùng tuế nguyệt. Có điều là thời gian đã điểm nhiều vết sứt mẻ phong trần.
Từ bên này cách với khối kiến trúc bên kia là cả một đoạn đường mà tôi vẫn thấy rõ những vết lở lói như đã nói. Các gờ tường đã có vài chỗ bị bong. Thì ra chẳng có gì tồn tại mãi, cho dù có là được đúc bằng xi măng chèn cốt sắt. Phương chi cũng đã mấy chục năm qua rồi, các anh hùng liệt sĩ đã yên thân với huy hoàng chiến thắng. Bây giờ mọi đầu óc còn lo đua chen nhau làm giàu cho bản thân nên mấy ai còn nghĩ đến việc gia cố tượng đài. Có xảy sơ sót tí ti hay lơ là chút đỉnh, chắc các người chết hẳn cũng vô cùng thông cảm.
Tính tôi vốn hay để ý vặt. Dạo còn ở nhà, tôi có lần đã cảm hoài vì các vòng hoa đặt lên đài nhân ngày thương binh liệt sĩ đến héo rữa ra mà vẫn chẳng thấy ai lo dẹp đi. Tôi đã thấy ủ ê mà thương cho người chết chẳng còn miệng để nói. Từ đó tôi nghĩ ấy họ cùng là người chiến thắng với nhau mà vẫn hẩm hiu chẳng khác chi kẻ thất trận chúng tôi.
Tôi lại có tật hay đi bộ dài theo bãi cát. Muốn có dịp để những tế bào cát mịn màng ve vuốt bàn chân, thấu được sự nhuyễn nhàng của thiên nhiên tác động vào con người. Mười một năm sau trở về, tôi còn giữ nguyên ý thích đó.
Sáng nay thức dậy tôi đã làm một chuyến đi chân để hít khí trời trong lành. Nhưng tôi đã giật mình vội vàng nhảy lên khỏi bãi cát với cõi lòng khiếp hãi. Cũng may là mình còn chưa ham hố để mắt chỉ nhìn lên trời xanh, mặc chân bước lãng du, chứ nếu không tai họa vướng vào bản thân thì ân hận vô vàn.
Còn nếu chẳng may trời tối la cà đi dạo, vô phúc dẵm phải các vật bất nhân này thì liệu tai họa nào sẽ xảy đến cho tôi.
Ít lâu nay, những tai ương xã hội diễn ra rất nhiều. Người nghiện rủ nhau tìm các nơi vắng để chích choác bất cần đời, rồi quăng bỏ các vật tiêm sau đó. Người bị nhiểm bệnh chờ đi dần vào cõi chết còn kể chi đến sự gìn giữ cho nhau. Có khi họ còn xem đó là một đòn thù đối với cuộc đời nhởn nhơ của thiên hạ.
Bây giờ suốt dọc dài bãi biển hàng quán mọc tưng bừng. Tiếng nhạc mở suốt từ sáng tới tối, khách du lịch tấp nập tới đi, tây ba lô cũng ùn ùn tham gia vào các cuộc ăn uống, nghỉ ngơi, thuê tàu ra đảo hay nằm phơi tắm nắng.
Bãi biển như cái vú sữa nuôi đủ mặt người. Bà già, trẻ con, ăn xin, dịch vụ. Những tấm bảng mời gọi thăm đảo dựng rải rác đó đây. Một chị cai gà đã một thời làm trong căn cứ Mỹ hồi trước nay cũng đứng ra làm vai trò bao thầu đưa đám tây ba lô đi lặn, bắn cá ồn ào. Dưới trướng chị ta, nào là tài xế xe ôm, taxi, gái gỏng, và cả người cho thuê phao, súng săn, ống thở, chân nhái. Xem ra cũng cưu mang được khối gia đình.
Từ ngày đổi chủ, bãi biển độc quyền biến thành khách sạn và nhà nghỉ. Các cơ quan dân chính, chuyên môn lẫn quân đội tranh nhau biến đổi thành nhà cho du khách thuê, cạnh tranh nhau chí chóe. Những băng đón mời khách nhận tiền đầu, có khi làm môi giới chỗ này không xong thì đá gà luôn sang chỗ khác. Đồng tiền rủng rỉnh kiếm được lại đổ vào cuộc rượu hay binh xập xám với nhau. Vợ con chẳng mấy khi biết được những món làm thêm đó.
Mười một năm trước, những buổi sáng tinh sương đi ra còn gặp đám còng bò ngoằn ngoèo trên cát. Thấy bóng người, chúng giúi giụi trốn vào hang, những vết chân lăng xăng còn in hằn dấu. Có khi còn gặp vài con ốc nằm lẻ loi hay những mảnh vỡ sứt sẹo giăng đầy.
Hôm nay trở về những thứ đó cơ hồ không còn nữa. Số người tập trung ra bãi đông quá, dấu chân xục xạo khắp nơi. Cho nên sinh vật dần cũng tìm nơi lẩn trốn. Bọn trẻ giờ khó kiếm ra một bóng con còng gió chạy đuổi làm trò cười.
Tất cả trở thành một nỗi thầm lặng đều đều không dứt. Người ngồi trên bệ đá dường như đang nghĩ nhớ đâu đâu. Vệt núi thẫm giăng ngang bên ngoài biển lù lù như mụt nấm. Biển đen ngòm khi bóng tối phủ quanh. Chút đèn sáng trên bờ không soi tới mặt nước biển mặn. Chỉ có gió ào ào và tiếng tàu dừa cọ nghiến răng kẽo kẹt.
Tôi bước xuống cổng tòa khách sạn khi trời tối. Vài anh xe ôm rối rít hỏi thăm. Người đề nghị một quán cà phê, một vòng dạo thành phố. Kẻ gạ đưa đến một địa điểm nhảy nhót, vui chơi. Có anh huỵch toẹt mời đi đến một em nào đó. Tôi lắc đầu từ chối.
Tôi chẳng phải thần thánh gì. Nhưng tại sao tôi thấy dường như mình không thuộc về thành phố này nữa. Tôi có nỗi sầu dâng đầy khi khó tìm ra một góc phố ngày xưa. Mười một năm trời cứ ao ước một lần về. Song về rồi lại thấy mình thật vô cùng xa lạ.
Chợt từ đâu tôi nghe tiếng nhạc trầm trầm thoáng qua. Một bài hát về thành phố hôm nao tôi đã sống. Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya… tôi như là con ốc bơ vơ nằm trên cát một mình…Người, người ơi… Và tôi thầm hỏi tôi là con ốc hay con ốc chính là tôi đang nằm thoi thóp chờ giọt sương rơi xuống.
Tôi vội vàng trở lui vào khách sạn. Hấp tấp bước vào thang máy, nhấn nút số 8 để nghe cái giựt chuyển động của ô máy mà cảm tâm hồn vỡ vụn ra từng mảnh rụng rời.
Bên dưới, đám xe ôm vẫn cãi nhau ỏm tỏi. Con đường sát biển đèn đã bật lên. Các quán bắt đầu sinh hoạt mạnh.
Huân Long
Huân Long
Tôi như là con ốc bơ vơ nằm trên cát một mình…
(Nha Trang ngày về - Minh kỳ)
Kể ra việc tôi về thăm nhà lần này thật quá muộn so với nhiều người. Cho nên hẳn nhiên là rất buồn. Buồn không phải vì người yêu đã bỏ đi. Buồn không phải vì cảnh cũ hết còn như trước. Mà thiệt sự buồn vì chẳng cái gì ra cái gì.
Như lúc này đây, tôi đang ngồi trên tầng tám của ngôi khách sạn đồ sộ chặn ngang giữa con đường chính trước biển. Nghe nói chủ nhân là cháu rể của một vị Tổng Thống lân bang bị trưất phế, phải sống lưu vong và chết nơi xứ người. Đồng tiền được đưa về để dựng lên cái khách sạn hoành tráng này, trấn áp nguyên con đường, một thời đã gây ra bao tranh cãi và bị khó dễ ngăn chặn tới lui đến dăm lần bảy lượt rồi mới chịu cho hoàn tất.
Tôi nghĩ đến những lấn cấn trong việc này. Nguyên thửa đất vốn trước đây là nhà nghỉ mát của vị Tư Lệnh Vùng. Thời cuộc nhiễu nhương, hưng phế trải qua nên bây giờ người ta muốn xóa sạch đi tận gốc những gì xưa cũ để không còn lưu lại vết tích.
Tay thương gia này đánh hơi được thời mở cửa đã nhanh chân về xí miếng đất mở khách sạn bốn sao. Đồng tiền trong tay nên mua gì chẳng được. Kể cả mua tiên. Thế nhưng cũng trật trầy lên xuống mấy phen vì người ta cố tình đưa ra bao nhiêu thủ tục, nhằm moi dần cái túi nhiều đô la rồi mới khứng chịu.
Bây giờ khách sạn nằm chễm chệ giữa đường. So ra đại khách sạn kế bên dường như bị che khuất, nên nhỏ nhoi thật đáng tội nghiệp. Trông qua cửa sổ mở lộng gió thì bên kia đường là biển. Từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy một vạt nhỏ xanh lè. Còn cơ man là dừa lao xao trong gió.
Nắng vẫn còn cao. Từng vạt nắng đậm màu nhảy múa như con choi choi trước cái nhìn của tôi. Dạo còn ở nhà, tôi vẫn hay ra khu vực này để tìm chút khí thoáng sau những giờ mệt mỏi vì sinh kế. Tôi hay ngồi trên bệ xây của đầi liệt sĩ nhởn nhơ nhìn người ra tắm hay chơi bóng với nhau.
Dăm ba đứa trẻ tung tăng chạy nhảy. Một nhóm học sinh từ trường về cũng nghêu ngao dạo quanh một tẹo mới cùng nhau về nhà sau đó. Lúc sau này, việc đi ra biển ít còn được xem là nhàn cư vi bất thiện nữa và cuộc sống cũng bớt khắt khe, con người giảm bớt sự đa nghi thì đôi khi tôi còn dẫn theo mấy đứa cháu nội, ngọai ra cho chúng đùa vui.
Hồi đó, tôi nghe đốn là có nhiều chuyến vượt biên đã chọn chính nơi đây làm bến khởi hành. Việc mua bán bãi chồng chéo lên nhau nghe mà muốn chóng mặt. Kẻ nhận bán rồi lỉnh đi cho người khác mở cuộc chặn bắt, vậy mà số chuyến thoát đi vẫn nhiều hơn số bị dẫn vào đồn.
Dạo ấy, ai ra biển bơi khi trời vừa chập choạng tối là tàu tuần biên phòng lướt vào rọi đèn kiểm soát ngay. Những cặp mắt cú vọ xục xạo làm ra vẻ chăm chú với nhiệm vụ, thực ra là để lấy điểm với cấp trên, chứ các chuyến ra đi vẫn ào ào xảy đến.
Dăm thì mười họa, việc ăn chia không thành, vài chiếc thuyền xấu số bị bắt, xác tàu kéo lên vứt chỏng trơ nơi bãi, còn người thì bị đưa vô đồn chờ lấy khẩu cung. Có tối đi dạo dài theo biển, tôi đã nghe tiếng kêu la từ trong đồn biên phòng vọng ra rõ mồn một. Người ta đồn nhóm vượt biên bị tra tấn để moi tiền, hoặc để truy ra người cầm đầu lĩnh án.
Tôi lúc đó cũng nôn lắm. Nhưng chịu. Vì có bao vốn liếng hoặc tài sản đều tiêu tùng ráo trọi sau ngày tan hàng. Ba căn nhà, một sạp hàng đều theo gió bay đi. Trắng tay mà vẫn không ai chịu tin, cứ rêu rao dư luận là “ dân Bắc Kỳ họ kín đáo lắm, có tiền họ chôn dấu đi rồi làm ra vẻ khổ sở. “
Chả biết có phải là để thử thách chăng mà thỉnh thoảng có người đến gạ gẫm rủ tôi đi, chung 2 cây đầu người là sang đến bờ bến tự do ngay. Tôi chối bây bẩy, mãi đến khi mọi người đi dần hết và chương trình cưu mang thuyền nhân đã khóa chặt cửa ở khắp các nước thì tôi mới không còn ai đến mọc mời. Bởi lúc đó, người ta mới tin là tôi chỉ còn cái xát xi mục rệu.
Bây giờ ngồi ôn lại chuyện đời, tôi thấy đầu óc vẫn còn quay mòng mòng. Mười một năm ra đi, quyết tâm chẳng hẹn lấy một lần về, vậy rồi số mình định là vậy, mà thành bại đâu do nơi mình nên được. Vậy là lại về. Ngồi ở tầng lầu tám nhìn biển buổi chiều mà lòng lãng đãng trôi giạt nơi đâu.
Tiếng mấy chú xe ôm oang oang từ dưới vọng lên rõ rệt. Câu chuyện của mấy chú quẩn quanh chỉ là giá thị trường cao thấp, rồi chen vào là phê bình mối này mối nọ của khách đi xe. Nhìn qua phía biển, đài liệt sĩ vẫn phơi thây cùng tuế nguyệt. Có điều là thời gian đã điểm nhiều vết sứt mẻ phong trần.
Từ bên này cách với khối kiến trúc bên kia là cả một đoạn đường mà tôi vẫn thấy rõ những vết lở lói như đã nói. Các gờ tường đã có vài chỗ bị bong. Thì ra chẳng có gì tồn tại mãi, cho dù có là được đúc bằng xi măng chèn cốt sắt. Phương chi cũng đã mấy chục năm qua rồi, các anh hùng liệt sĩ đã yên thân với huy hoàng chiến thắng. Bây giờ mọi đầu óc còn lo đua chen nhau làm giàu cho bản thân nên mấy ai còn nghĩ đến việc gia cố tượng đài. Có xảy sơ sót tí ti hay lơ là chút đỉnh, chắc các người chết hẳn cũng vô cùng thông cảm.
Tính tôi vốn hay để ý vặt. Dạo còn ở nhà, tôi có lần đã cảm hoài vì các vòng hoa đặt lên đài nhân ngày thương binh liệt sĩ đến héo rữa ra mà vẫn chẳng thấy ai lo dẹp đi. Tôi đã thấy ủ ê mà thương cho người chết chẳng còn miệng để nói. Từ đó tôi nghĩ ấy họ cùng là người chiến thắng với nhau mà vẫn hẩm hiu chẳng khác chi kẻ thất trận chúng tôi.
Tôi lại có tật hay đi bộ dài theo bãi cát. Muốn có dịp để những tế bào cát mịn màng ve vuốt bàn chân, thấu được sự nhuyễn nhàng của thiên nhiên tác động vào con người. Mười một năm sau trở về, tôi còn giữ nguyên ý thích đó.
Sáng nay thức dậy tôi đã làm một chuyến đi chân để hít khí trời trong lành. Nhưng tôi đã giật mình vội vàng nhảy lên khỏi bãi cát với cõi lòng khiếp hãi. Cũng may là mình còn chưa ham hố để mắt chỉ nhìn lên trời xanh, mặc chân bước lãng du, chứ nếu không tai họa vướng vào bản thân thì ân hận vô vàn.
Còn nếu chẳng may trời tối la cà đi dạo, vô phúc dẵm phải các vật bất nhân này thì liệu tai họa nào sẽ xảy đến cho tôi.
Ít lâu nay, những tai ương xã hội diễn ra rất nhiều. Người nghiện rủ nhau tìm các nơi vắng để chích choác bất cần đời, rồi quăng bỏ các vật tiêm sau đó. Người bị nhiểm bệnh chờ đi dần vào cõi chết còn kể chi đến sự gìn giữ cho nhau. Có khi họ còn xem đó là một đòn thù đối với cuộc đời nhởn nhơ của thiên hạ.
Bây giờ suốt dọc dài bãi biển hàng quán mọc tưng bừng. Tiếng nhạc mở suốt từ sáng tới tối, khách du lịch tấp nập tới đi, tây ba lô cũng ùn ùn tham gia vào các cuộc ăn uống, nghỉ ngơi, thuê tàu ra đảo hay nằm phơi tắm nắng.
Bãi biển như cái vú sữa nuôi đủ mặt người. Bà già, trẻ con, ăn xin, dịch vụ. Những tấm bảng mời gọi thăm đảo dựng rải rác đó đây. Một chị cai gà đã một thời làm trong căn cứ Mỹ hồi trước nay cũng đứng ra làm vai trò bao thầu đưa đám tây ba lô đi lặn, bắn cá ồn ào. Dưới trướng chị ta, nào là tài xế xe ôm, taxi, gái gỏng, và cả người cho thuê phao, súng săn, ống thở, chân nhái. Xem ra cũng cưu mang được khối gia đình.
Từ ngày đổi chủ, bãi biển độc quyền biến thành khách sạn và nhà nghỉ. Các cơ quan dân chính, chuyên môn lẫn quân đội tranh nhau biến đổi thành nhà cho du khách thuê, cạnh tranh nhau chí chóe. Những băng đón mời khách nhận tiền đầu, có khi làm môi giới chỗ này không xong thì đá gà luôn sang chỗ khác. Đồng tiền rủng rỉnh kiếm được lại đổ vào cuộc rượu hay binh xập xám với nhau. Vợ con chẳng mấy khi biết được những món làm thêm đó.
Mười một năm trước, những buổi sáng tinh sương đi ra còn gặp đám còng bò ngoằn ngoèo trên cát. Thấy bóng người, chúng giúi giụi trốn vào hang, những vết chân lăng xăng còn in hằn dấu. Có khi còn gặp vài con ốc nằm lẻ loi hay những mảnh vỡ sứt sẹo giăng đầy.
Hôm nay trở về những thứ đó cơ hồ không còn nữa. Số người tập trung ra bãi đông quá, dấu chân xục xạo khắp nơi. Cho nên sinh vật dần cũng tìm nơi lẩn trốn. Bọn trẻ giờ khó kiếm ra một bóng con còng gió chạy đuổi làm trò cười.
Tất cả trở thành một nỗi thầm lặng đều đều không dứt. Người ngồi trên bệ đá dường như đang nghĩ nhớ đâu đâu. Vệt núi thẫm giăng ngang bên ngoài biển lù lù như mụt nấm. Biển đen ngòm khi bóng tối phủ quanh. Chút đèn sáng trên bờ không soi tới mặt nước biển mặn. Chỉ có gió ào ào và tiếng tàu dừa cọ nghiến răng kẽo kẹt.
Tôi bước xuống cổng tòa khách sạn khi trời tối. Vài anh xe ôm rối rít hỏi thăm. Người đề nghị một quán cà phê, một vòng dạo thành phố. Kẻ gạ đưa đến một địa điểm nhảy nhót, vui chơi. Có anh huỵch toẹt mời đi đến một em nào đó. Tôi lắc đầu từ chối.
Tôi chẳng phải thần thánh gì. Nhưng tại sao tôi thấy dường như mình không thuộc về thành phố này nữa. Tôi có nỗi sầu dâng đầy khi khó tìm ra một góc phố ngày xưa. Mười một năm trời cứ ao ước một lần về. Song về rồi lại thấy mình thật vô cùng xa lạ.
Chợt từ đâu tôi nghe tiếng nhạc trầm trầm thoáng qua. Một bài hát về thành phố hôm nao tôi đã sống. Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya… tôi như là con ốc bơ vơ nằm trên cát một mình…Người, người ơi… Và tôi thầm hỏi tôi là con ốc hay con ốc chính là tôi đang nằm thoi thóp chờ giọt sương rơi xuống.
Tôi vội vàng trở lui vào khách sạn. Hấp tấp bước vào thang máy, nhấn nút số 8 để nghe cái giựt chuyển động của ô máy mà cảm tâm hồn vỡ vụn ra từng mảnh rụng rời.
Bên dưới, đám xe ôm vẫn cãi nhau ỏm tỏi. Con đường sát biển đèn đã bật lên. Các quán bắt đầu sinh hoạt mạnh.
Huân Long