PDA

View Full Version : Lời Nguyền Dười Trăng



giavui
12-03-2014, 11:36 PM
Lời Nguyền Dưới Trăng

Song Quân


http://ttv211.free.fr/images/stories/ThuyenNhan/ThuyenNhan04.jpg

Những tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ có dịp nhắc lại chuyện xưa nữa, gần 14 năm trôi qua kể từ ngày bỏ nước ra đi, xa rời cố hương yêu dấu, lìa bỏ cha mẹ anh chị em, lìa bỏ vợ con bạn bè và cả những khung trời thân yêu xưa cũ ...

Đó là là cả một nỗi niềm chua xót day dứt vô vàn, tôi đã cố nhiều lần không nghĩ đến, cố không dám moi trong ký ức những kỷ niệm thân yêu ngày xưa, mà để hình dung, mà để tưởng tượng, để mà sống triền miên trong niềm hạnh phúc hư vô của môt thời quá khứ son trẻ. Cũng chỉ vì mỗi jhi nghĩ đến ngay tự trong tôi, trong tâm khảm của chính mình luôn hằn lên nỗi đau nhức nhối, để luôn cảnh tỉnh cho tôi biết rằng cái thời điểm diễm phúc tuyệt vời của ngày xa xưa ấy giờ đã qua rồi, và qua đi từ lâu và hơn thế nữa đất nước giờ đây đã ngập chìm trong màu máu tanh tưởi. Quê hương thần tiên của tôi giờ đã nằm trong tay bọn vô thần, bọn tôn vinh một thứ chủ nghĩa ý thức hệ quái đản.

Đau đớn đã quá nhiều rồi, và thêm vào đó có càn phải chắc lại không ? Gợi ra làm gì những chua xót của chuyến vượt biên đầy gian nan, đầy sóng gió trên biển cả mênh mông, vật vã với thiên nhiên để cốt tìm một chân trời nào đó, nơi có tình người, có lẽ sống, một nơi mà con người có đủ thứ tự do căn bản định hướng cho cuộc đời, một nơi có đời sống văn minh nhân bản đúng nghĩa của nó. Và để có được những điều ấy mà hơn hai triệu người Việt Nam nói chung và bản thân tôi nói riêng, đã phải đem sinh mạng của chính mình ra đánh đổi như một canh bạc, được thì có tất cả, nhược bằng không thì cũng đành phó mặc cho số phận vậy.

Riêng bản thân tôi may mắn nhờ ơn trên phù hộ đã đến được bến bờ bình an, dù cho cuộc hành trình này chúng tôi đã trải qua ít nhiều chua xót và đầy xúc động, tàu chúng tôi tuy không gặp những điểu nguy hiểm kinh khủng nhưng những con tầu khốn khổ khác nhuugn ít nhiều bién chuyển định mệnh trong chuyến đi cũng đã làm cho tôi ray rứt xót xa một thời gian dài. Gần 14 năm trôi qua rồi. Thật sự thời gian đó không đủ để cho tôi xoá đi những hồi ức cũ và có thể trong tương lai vĩnh viễn một kiếp đời tôi sẽ không thể nào quên những cảm giác bàng hoàng thảng thốt của tôi khi ấy.

Câu chuyện dưới trăng trên biển cả mênh mông đêm ấy đối với tôi không có giá trị như một kỷ niệm đẹp đầy lãng mạn trữ tình, mà thay vào đó là một lời nguyền đáng sợ báo trước một cái chét đầy tức tưởi, đau thương của một cô gái ... Bao năm tháng đã trôi qua rồi, biết bao vật đổi sao dời, dòng đời cứ thản nhiên trôi nhưng lòng tôi cứ mãi quặn thắt, nỗi ray rứt luôn gặm nhấm tâm khảm không bao giờ nguôi ngoai, mỗi lần nghĩ lại, nhớ lại buổi nói chuyện đêm ấy dưới trăng vằng vặc và tôi không bao giờ ngờ rằng chính tôi là người được chọn để báo trước cho một định mệnh đầy đau thương tức tưởi ... Mãi dến hôm nay dù đã quá xa, quá lâu đi rồi, cái kỷ niệm buồn xa xưa đó tôi đã luôn dằn nó trong ký ức của mình, và mãi mãi vẫn còn trong tiềm thức và luôn hiện hữu trong cuộc đời tôi không bao giờ quên nổi.

Tình cờ lại có chương trình kể chuyện Biển Đông, hiểu được ý nguyện của những người tổ chức, thật sự trong tôi những cảm giác rùng mình xa xưa trở về thôi thúc mãnh liệt. Cái ý tưởng của ban tổ chức thật là hay, chỉ nghĩ đến thôi là tôi đã thấy tâm tư tôi nhẹ hẳn đi. phải kể ra thôi. Tuy rằng với bạn đọc thì đây chỉ là một chuyện nhỏ thương tâm so với những hãi hùng của bao chuyến tàu bạc mệnh khác, nhưng đối với tôi là người trong cuộc được nói ra, được chia xẻ về những ẩn ức về tâm lý có lẽ rồi tôi sẽ được nhẹ nhàng thanh thản cõi lòng hơn chăng ? Bài biết này tôi không mong gì hơn trước là cất đi gánh nặng trong lòng mình và hơn thế nữa là hy vọng sẽ góp thêm vào lịch sử một chút đau thương mà dân tộc mình vốn quá nhiều thiệt thòi đau khổ, mong lắm thay !

Trước tiên tôi muốn hỏi các bạn có tin vào tâm linh hay không ? Các bạn có tin vào sự linh cảm huyền bí báo trước những điều sắp xảy ra không ? Và sau nữa là những giấc mơ trong đó được kết thành bởi những ám ảnh nặng nề về tinh thần, về những giác quan mà hiện nay khoa học chưa giải thích được. Riêng tôi thì tôi tin lắm, tôi tin tưởng vô cùng bởi vì chính tôi là một nhân chứng được chứng kiến những điều kỳ lạ đó. Tôi muốn kể một câu chuyện xảy ra cho tôi và một chuyện nữa bi thảm hơn, cảm động hơn và tràn đầy thương tâm đã xảy ra cho một cô gái đi chung tàu với tôi.

Trường hợp của tôi có thể là do một ám ảnh mơ hồ nào đó mà vì quá ao ước nên trong vô thức tôi đã cảm nhận được. Số là sau 30 lần đi không lọt. bị bể, bị rượt chạy cũng có, rồi xuống tàu nhỏ đón hụt tàu lớn cũng có, có khi lên tàu lớn rồi không ra cửa biển được, rồi nào bị gạt, bị gài. Tổng cộng tôi bị đưa đi gỡ lịch 2 lần gần 3 năm, có như vậy mới nếm được mùi đời, mới rõ được bộ mặt gian trá của lũ cướp đã làm đau thương và nhục nhã cho cả một dân tộc.

Có như vậy tôi mới rõ được quyết định bỏ nước ra đi của tôi là hoàn toàn đúng, những chuyện bị gài, bị bắt ... không hề làm tôi nản trí sờn lòng, những việc đó chỉ làm tăng thêm trong tôi sự quyết tâm thực hiện cho kỳ được, vì luôn luôn tôi quan niệm rằng ở đời này muốn làm một điều gì trước hết phải có ý chí, nghị lực, cộng thêm vào đó một chút may mắn nữa thì hy vọng thành công sẽ rất lớn, vì vậy thua keo này tôi cố tìm, cố bày keo khác. Đầu năm 1989 tình cờ tôi được bạn bè giới thiệu qua Miên đi, tôi muốn nói gọn ở điểm này vì lẽ khâu tổ chức cũng chẳng khác gì những nơi khác, quẩn quanh cũng chỉ bằng nấy chuyện nên dù có kể ra cũng sẽ làm bạn đọc nhàm chán thôi. Vả lại bài viết có giới hạn nên tôi muốn đi vào câu chuyện chính ngay.

Vào thời điểm sau cùng được thông báo lên đường, cái chân tôi vẫn còn đau lắm. Trước đó một tuần chúng tôi đi Hồng Ngự, sau đó qua bến phà Nek Lương để vào Miên thì rủi xe bị lật ở nga ba An Hữu, vì là xe khách chạy lậu nên họ chỉ chở những người bị thương nặng đến bệnh viện thôi, còn sơ sơ nứt xương ngón chân như tôi thì họ bỏ mặc cho nằm đó, cố gượng đau tôi leo lên ruộng và bao xe ôm về Sài Gòn, tôi vào ngay bệnh viện bó bột và bất chấp lời khuyên của bác sĩ phải dưỡng ba tuần, tôi đón xe đò khác đi ngay cho dù cả thân mình đau ê ẩm và xương ngón chân bị nứt hành tôi nhức nhối vô cùng. Ngay tối hôm đó tôi tới Nam Vang và gần một tuần sau thì được tin chuẩn bị đi, sau khi biết chắc chắn là đi tôi mượn cưa, cưa bỏ ngay lớp băng bột đi.

Sáng hôm sau bằng nhiều phương tiện chúng tôi được tập chung trong một nhà kho kín đáo và nằm chờ xe đến. Trời hôm ấy nắng nhẹ, gió mát thổi từng cơn làm dịu cả lòng người, lòng tôi rộn vui vì nghĩ đây là một điềm lành và yên tâm ngồi chờ xe đến. Sự háo hức và hồi hộp làm tôi đánh mất óc nhận xét và phán đoán, xe chạy ngang qua trung tâm thành phố mà hầu hết là chung cư, vì vậy ai có ngồi trên lầu tình cờ nhìn xuống sẽ thấy rõ chúng tôi mồn một vì chúng tôi chẳng có gì để che dấu cả, ai nấy chỉ cố thu mình cho gọn lại, chỉ ước ao mình nhỏ như kiến để chẳng ai nhìn thấy ... và thế là việc gì đến phải đến, xe chúng tôi ra khỏi thành phố vừa gần đến ngã ba Svay Rieng là một đoàn xe Cup Honda rượt theo vây chúng tôi lại, nhìn những tên công an răng hô mã tấu hí hửng cười lòng tôi lại quặn thắt ngáo ngán thở dài ... Ôi ông trời ơi ! chúng tôi có tội lỗi gì đâu, chúng tôi có đòi hỏi gì đâu, chỉ mong được sống yên ổn tự do và cái điều ấy chúng tôi đã có được hưởng và vào một cái thời điểm đen đủi mà chúng tôi đã bị cướp đi một cách đầy tức tưởi và trắng trợn ... Ới, ơn trên sớm cho chúng con thoát khỏi những trấn áp bạo tàn, xin ơn trên phù hộ cho chúng con sớm được hưởng một đời sống yên ổn tự do và hạnh phúc.

Thế rồi bỗng dưng không hiểu là tôi có lòng thành tâm cầu khẩn hay là một ám ảnh ao ước về tâm lý quá lớn mà tự nhiên có chuyện lạ xẩy ra, là khi chúng đem chúng tôi về đồn, gom chúng tôi lại một chỗ trong khi làm thủ tục đem nhốt thì bỗng nhiên tai tôi nghe văng vẳng một tiếng nói : " Đi đi, hãy đi về đi !" ... và tự nhiên có một lực kỳ lạ hay là bản năng thôi thúc mà tôi đã bước qua những tên công an cô hồn đang canh gác gần đó và ra đường cái trốn mất. Sau này các bạn bị bắt chung có hỏi sao liều thế và thực sự tôi đã không trả lời được.

Một tuần sau khi đã chuộc mọi người ở tù ra đông đủ là chúng tôi lên đường ngay, kỳ này cẩn thận hơn chúng tôi ... Được thoải mái ngồi trên một chiếc xe bus du lịch xuôi về hướng cảng Shihanoukville. Vài tiếng sau xe rẽ vào một cánh rừng và từ đây chúng tôi phải băng rừng mà đi, đến lúc này thân tôi mới thật khốn khổ, hai ngón chân chưa lành nhức nhối vô cùng mà đi trong rừng thì mạnh ai nấy theo bước chân người kia, họ đi gần như chạy vậy, khổ thân tôi phải cố nhịn đau ráng theo cho kịp. Tôi cứ lẽo đẽo đi theo sau cùng, hai chân gần như mất hẳn cảm giác, cũng may ở trong rừng mau tối, mọi người phải đi chậm lại nhờ vậy tôi cũng ráng theo kịp.

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đến bờ biển, nơi này khuất nẻo, như một cái vịnh nhỏ, cách xa bờ khoảng 200m đã có sẵn một chiếc tầu neo ở đó, lù lù đen đặc trong đêm tối. Cũng may lần này có chủ đi theo tiễn đưa nên mọi người được sắp xếp lên tàu đâu vào đó, sự hỗn loạn khi lên tàu không diễn ra như một vài lần trước tôi đã bị. Khi mọi người đã yên vị trí là chúng tôi khởi hành ngay, đêm ấy thời tiết mát mẻ, chung quanh đều an ổn tạo cho tôi một cảm giác sảng khoái vô cùng. Đứng trên mũi tàu nhìn trời nước một mầu đen sẫm, sau lưng là núi rừng trùng điệp âm u, xa xa bên phải những bọt sóng đèn lăng quăng hiu hắt trải dài quấn quýt trên mặt nước đen ngòm rọi từ cảng Shihanouville. Những le lói vàng ảo trong bóng đêm mờ mịt bất chợt gợi cho tôi chạnh lòng nhớ quê nhà, nhớ gia đình cha mẹ vợ con và nỗi buồn ly hương man mán dâng lên đầy cảm xúc, đúng là :

Thôi thế cũng xong một đoạn đời Giã từ cố quận, lệ đầy vơi Sầu dâng tê tái hờn vong quốc Khóc kiếp giang hồ phận nổi trôi

Đã ba ngày đêm rồi vẫn chỉ toàn mênh mông trời nước một mầu, xa xa thỉnh thoảng xuất hiện một vài chấm đen ở chân trời xa thăm thẳm, khi ẩn khi hiện, sự thèm khát đủ thứ luôn tạo cho chúng tôi những cảm giác lạ lùng, những cơn nóng bức như thiêu như đốt dưới ánh mặt trời sáng tạo thêm nhiều ảo ảnh giả tưởng kích thích vô cùng sự đói khát mà chưa bao giờ chúng tôi gặp phải. Rồi ngày cũng qua đi, chiều đã tàn, hoàng hôn buông xuống khi mọi người đang ngầy ngật ngủ say mê mệt, tôi chợt sảng khoái một chút vì khi đêm về cũng chính là lúc tôi mệt nhất vì xuốt cả ngày tôi rất là bận rộn, khi thì đôn đốc anh em bơm nước ra, khi thì người này sốt người kia ói, khi thì bận chia nước cho đều, vả lại còn phải canh giữ hai thùng nước nữa, khi rảnh tay một tí lại leo lên mui tầu quan sát khắp phương trời để mong tìm một cứu cánh nào đó, cho dù tôi vẫn biết rõ ràng điều đó khó còn có thể xẩy ra nữa khi cả thế giới đều đã quá mệt mỏi với người tỵ nạn Việt Nam, và cũng như chúng tôi không ngờ rằng những ngày chuẩn bị xuống tàu ra đi là ngày các trại tỵ nạn Đông Nam Á đóng cửa vĩnh viễn.

Đêm thứ Ba rạng ngày thứ Tư, như thường lệ tôi ra sau lái nằm nghỉ một chút, vừa mới chợp mắt mơ màng thì nghe có tiếng động nhẹ, mở mắt nhìn thì ra là một cô gái người Hoa ngồi ở trong cabin, những ai có con nhỏ chúng tôi đều ưu tiên dành cho họ chỗ tốt. Và đây là những gì chúng tôi đã nói với nhau tôi vẫn còn nhớ được phần nào.

Cô ấy nhẹ nhàng hỏi tôi bằng tiếng Việt khá chuẩn :
- " Xin phép anh cho em nằm cạnh được không ?".

Ngạc nhiên tôi vội đáp :
" Không sao cô nằm đi, nhưng sao cô không ở trong cabin, ở ngoài này đêm khuya khá lạnh và gió dữ lắm".

Cô lắc đầu bảo :
"Anh cứ cho em nằm đây đi, em không hiểu sao em sợ quá ! Em lạnh và cô độc quá ! Em lại vừa nằm mơ thấy lạ quá nên em sợ, em run quá, em muốn nói với anh điều này ...".

Cô tuôn một hơi không đầu không đuôi, tôi chẳng hiểu gì cả, và tôi cũng thấy lạ lùng nữa, vì cô ở trong khoang đã ba ngày đêm rồi, suốt ngày chỉ ôm con nằm ngủ thôi ... Tôi cũng khá mệt nên không còn thì giờ thắc mắc nữa, tôi nhích qua và đưa mền cho cô đắp. Cô vừa run rẩy vừa thổn thức ...

Tôi hỏi lại :
" Cô lạnh hả ? Cô đau hay sao ? Có cần thuốc không ?".

Thì bỗng nhiên cô bật khóc, cô nói như mê sảng :
" Anh ơi em sợ quá ! Em lạnh quá ! Áo quần em ướt hết rồi ".

Tôi thấy kỳ kỳ lại hỏi tiếp :
"Cái gì vậy ? Cô làm sao vậy ? ".

Cô sụt sùi khóc và nói trong tiếng nấc nghẹn ngào :
- "Anh ơi em mơ thấy kỳ lạ quá ! Em thấy có một người đàn bà tóc xoã rũ rượi, mặc một cái áo dài trắng toát, bà ta lướt đi chầm chậm trên mặt nước, đến gần em bà chỉ ngay mặt em mà nói, ta nguyền rằng ngươi phải đi khỏi nơi đây để lo cho con và cho mọi người. Vừa nói bà vừa vẩy nước vào mình em, lạnh quá và sợ quá nên em giật mình tỉnh dậy, em không dám ở trong đó nữa. Ôi em sợ quá ! ... ".

Rồi cô lại thở hắt ra, đôi mày nhướng lên sáng rực trong một thoáng rồi lại mơ màng xa xăm và rồi cô bật ngồi dậy như chợt tỉnh, rồi ... run giọng cô nói :
" Anh ơi em tin anh ! Cho em gửi con anh chăm sóc giùm, bé Mimi nó còn nhỏ lắm, em chỉ tin anh thôi, anh nhớ nghe anh !".

Rồi cô lại lẩm bẩm gì đó xong lại nằm vật xuống hai tay khua nhè nhẹ trước mặt, cô bắt đầu cất tiếng hát, giọng ca của cô nghe khàn khàn buồn não ruột và ngậm ngùi đứt quãng, tuy không hiểu lời vì cô hát bằng tiếng Hoa nhưng bản nhạc này tôi có biết. Đây là một bản nhạc hay của vùng Trung Mỹ và tôi được nghe bằng tiếng Anh do hai ca sĩ nổi tiếng thập niên 60 ca, đó là bản "El Condo Pasa" do Simon & Garfunkel hát. Tôi nghe đã nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe bằng tiếng Hoa, lời thì tôi không hiểu nhưng tôi cũng cảm nhận được âm hưởng của cô hát như chất chứa cả một nỗi niềm tuyệt vọng đầy nỗi ưu sầu như mang cả những lời tạ từ mãi mãi đi về cõi hư vô nào ...

Đêm đã về khuya lắm rồi, tôi cảm thấy hơi nhức đầu và mệt mỏi thực sự, muốn an ổn để ngủ một tí nên tôi rời cô leo lên nóc cabin nằm, và chẳng bao lâu tôi thiếp đi để rồi bật choàng dậy lúc gần sáng khi nghe có tiếng hét : " Có người rớt xuống biển ".

Tôi cố mở mắt nhìn, sau đuôi tàu kéo dài hai vệt nước vẫn còn hơi mờ mờ sương sớm, tôi còn nhìn thấy một cái đầu người hai tay đang quạt nước, tạm yên tâm vì nghĩ rằng người đó biết lội, tôi cũng la hét phụ cùng mọi người, hối tài công quay lại. Đến khi tàu quay sát lại bên người rớt xuống, tôi vẫn không biết đó là người nhảy xuống cứu mà cứ nghĩ rằng đó là người bị rớt xuống biển, trời mới hừng sáng ai cũng còn say ngủ, nên chẳng ai biết gì, thực sự nếu tôi biết rằng cô ấy rớt xuống biển không hiểu tôi có nhảy xuống cứu không ? Và xuống rồi thì số phận tôi sẽ ra sao khi đang mặc bộ đồ ấm dầy như đang mặc ? Như vậy có phải chăng lời nguyền kia đã ứng nghiệm và cô ấy đến số phải ra đi, đi cho con cô ấy và chúng tôi được sống.

Tôi còn nhớ rằng tâm trạng tôi lúc ấy bình ổn trở lại khi trên tàu quăng giây xuống cho người ấy leo lên, và cũng chẳng bao lâu sau tôi lại bực bội vô cớ vì vòng đầu không cứuđược, lý do là trên tầu quăng dây xuống nhưng lại không cột vào tầu, phải đến vòng hai mới cứu được ... Sau khi thoa bóp, chà sát bằng dầu nóng, thì anh kia tỉnh lại. Bằng một giọng yếu ớt hoảng hốt anh cho hay một tin kinh hoàng rằng anh chỉ là người nhảy xuống cứu, còn người kia thì tuột tay mất rồi, chúng tôi xúc động quay lại vòng vòng tìm, riêng tôi khi biết người rớt xuống biển là cô ấy thì tôi đã run rẩy toàn thân. Một nỗi xúc cảm trào dâng ngùn ngụt, tôi đã la hét không cho tàu bỏ đi mà quay lại hai ba vòng để tìm, nhưng hỡi ơi chỉ là vô vọng. Đó đây chỉ là sự mênh mông im lặng ghê rợn, không một nơi nào có dấu hiệu vừa cướp đi sinh mạng một cách phũ phàng, thật là đau đớn và nỗi đau càng tăng lên khi anh bạn đã hồi tỉnh kể lại rằng anh dậy sớm nấu cơm và kịp nhìn thấy cô ấy hụt chân rơi xuống là anh bay theo xuống và chụp kịp được, anh bảo cô bình tĩnh chờ tàu quay lại, và khi tàu quay lại sát bên anh chụp được dây từ trên tàu ném xuống anh đã bảo cô : " mình sống rồi, cô vịn vai để tôi phăng dây ", nhưng hỡi ơi đầu dây kia trả lại không cột vào tầu, khi anh phăng sợi dây thì tầu từ từ trôi đi, người anh bắt đầu chìm xuống và ngay khi ấy vai anh nhẹ hẫng đi, cô ấy đã buông anh ra mà đi rồi, tay chân anh lúc ấy mỏi nhừ, anh đã đuối không còn cách gì chụp lại cô ấy được ...

Thế là cô ấy đã đi, đi thật sự rồi, cô đi một cách đầy đau xót, đi để ứng với lời chiêm bao cho một lời nguyền siêu nhiên không thể tránh được, cô ấy đi cho bé Mimi và chúng tôi được sống, một sự ra đi huyền bí đã được cô ấy linh cảm trước, những gì cô ấy nói với tôi đêm qua giờ trải ra rõ ràng và tôi là người đã được cô chọn để trao gởi và trối trăn cho những ước muốn sau cùng, mà vì mệt mỏi tôi không nhận ra được, mà nếu có nghĩ đến thì tôi cũng chỉ kết luận là cô ấy vì quá lo nghĩ khiến thần kinh bị căng thẳng nên nói năng hồ đồ lẩm cẩm vậy thôi.

Khi đã hết cách rồi cũng đến lúc phải tiếp tục hành trình, lòng lâng lâng đau xót tôi rót dâng cô một chum nước, một ít cơm, ít cá khô và chân thành khấn vái :" Kính xin linh hồn cô sớm được siêu thoát và xin cô phù hộ cho tầu chúng tôi đến được bờ bến bình an. Về phần cháu, chúng tôi xin hết sức chăm sóc và sẽ tìm cho cháu sớm được đoàn tụ với gia đình ". Và thật kỳ diệu, tuy tai nạn vẫn còn tiếp diễn kể cả những khi tôi cận kề với cái chết khi tàu bị hư máy lênh đênh trôi dạt trên biển cho đến khi gặp được một tàu đánh cá Thái Lan. Không cần biết là loại người gì, hiền hay dữ, chúng tôi chèo chống đến sát bên rồi tôi và một người bạn uống mấy ngụm nước mắm cho ấm người xong là nhẩy xuống biển lội qua tàu họ bám lưới leo lên, mặc cho họ dí búa hăm doạ, vì ở lại cũng chết thôi thì cứ lì lợm mặc may còn có cơ sống sót. Có lẽ nhờ vong hồn cô độ trì nên chúng lại nhẹ dạ nghe lời chúng tôi, không lấy vàng bạc chỉ vét hết số tiền Miên chúng tôi còn giữ lại và sau đó họ kéo thuyền chúng tôi vào bờ, khi ấy trời đã gần sáng, xa xa tít mù là một dải đất mờ mịt, thì cũng vừa lúc họ cắt dây kéo tàu, vì họ được lệnh không được cứu người tỵ nạn.

Chúng tôi tranh thủ chèo bằng mọi phương tiện trước khi gió đổi hướng thổi ra khơi, nhắm hướng nơi vệt đen thăm thẳm ấy là đất liền, là cõi sống, là nơi chúng tôi bắt đầu sống cho một cuộc đời mới, tươi sáng và có ý nghĩa hơn. Phỏng chừng hai tiếng đồng hồ sau tầu chúng tôi tiến gần sát bờ, khi ấy những tàu đánh cá Thái Lan mới hay biết, họ ào ra hơn mười chiếc vây boc lấy chúng tôi lại.

Đến đây xin kết thúc câu chuyện, với các bạn câu chuyện này có chăng chỉ đem lại một xúc cảm nho nhỏ đáng thương thoáng qua rồi cũng sẽ vào quên lãng, nhưng với tôi, được kể ra sự thật những trăn trở trong lòng tôi cũng vơi đi ít nhiều. Ôi nhẹ nhõm biết bao khi tạm không cất giữ trong ký ức những hoài niệm với quá nhiều chuyện chua xót. Tôi xin kể nốt những điều sau cùng của câu chuyện thương tâm này.

Vì tôi là đàn ông nên không tiện giữ cháu bé của gười con gái vắn số kể trên, vì vậy cả tàu đồng ý giao cho mẹ của chủ tàu nuôi, thỉnh thoảng chúng tôi đến vui đùa với cháu, và có một đôi lần đang nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt thì cháu quay lại ngay giữa trời mà nói bằng tiếng Hoa như là đang nói chuyện với ai đó, làm cho chúng tôi phải rùng mình. Cháu ở được nửa năm thì VNHCR cho đưa cháu về Việt Nam theo yêu cầu của bố cháu, vì anh ta không muốn bé Mimi qua Canada đoàn tụ với gia đình bà ngoại.Tôi cũng có liên lạc với người nhà ở Việt nam để thỉnh thoảng đến thăm cháu.

Thêm một điều nữa vẫn còn gây thắc mắc trong tôi là khi tôi kể lại câu chuyện thì có một anh bạn người Hoa nói : "Nghe anh kể mà tôi rùng mình" Hỏi vì sao thì anh ta đáp : " Tôi còn nhớ bản nhạc cô ấy hát có câu : xin cha mẹ tha thứ tội bất hiếu của con, con xin mượn dòng nước này đưa con về với gia đình ".Lời anh ta dịch đúng hay không thật sự tôi không biết. Chỉ xin kể lại với một sự đồng cảm trong nỗi chua xót đến tận cùng.

Cuối cùng tôi xin được mượn những dòng chữ này để kính dâng lên cô lời khấn nguyện cho linh hồn cô sớm được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng, và mong cô tha thứ cho tôi đã không làm tròn được ước nguyện sau cùng của cô.

Người ta thường nói chết là hết, giữa cô và tôi mình có quen biết gì nhau đâu thế mà sao bao năm qua rồi lóng tôi sao vẫn còn nhiều cay đắng thế.

Ôi !

Ngỡ ngàng trông như một giấc chiêm bao Thoảng không rơi rụng giữa ba đào Thương kiếp hồng nhan đà bạc mệnh Hồn phơi phách rụng lá nơi nào !

Song Quân, C/N 2011/01


* An Trần * Học lực : Năm thứ nhất Đại Học Luật Khoa Sài Gòn.
* Nhập ngũ : 23/09/1973 tại trường Đồng Đế, Nha Trang.
* Ra trường : 15/09/1973 * Phục vụ tại : Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang * Chức vụ : Sĩ Quan Huấn Luyện Không Quân Phi Hành * Vượt biên : năm 1989 * Sang Pháp năm 1991 * Sang Mỹ năm 1995 * Hiện cư ngụ tại Garden Grove, California