PDA

View Full Version : Lũ lụt VN: Cả nước hướng về khúc ruột Miền Trung



NBNTB
10-08-2010, 12:06 PM
Trước những thiệt hại to lớn về người và của ở các tỉnh miền Trung do mưa lũ gây ra, từ trung ương đến địa phương đã có nhiều hoạt động hướng về vùng lũ, chia sẻ khó khăn với khúc ruột miền Trung.


Chiều 5/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách để đối phó với mưa, lũ đang lên nhanh và diễn biến phức tạp.
Công điện nêu rõ, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cần tập trung chỉ đạo cứu trợ những người dân chưa sơ tán kịp tại các khu vực bị ngập sâu, các tàu thuyền gặp nạn trên biển; cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân, bảo đảm không để người dân nào bị đói, khát. Tiếp tục chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ, cơ số thuốc chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ các địa phương ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Trước những thiệt hại nặng nề về người và của do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban MTTQVN Thành phố Hà Nội đã gửi điện thăm hỏi đến đồng bào các vùng bị thiên tai.
Thành phố Hà Nội cũng quyết định gửi mỗi tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ 1 tỉ đồng do nhân dân Thủ đô và các cơ quan, tổ chức ở Hà Nội quyên góp để sẻ chia, góp phần giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cử đoàn công tác đánh giá thiệt hại và cứu trợ tại Hà Tĩnh; quyết định cứu trợ khẩn cấp nhân dân Quảng Bình và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh: 400 thùng hàng gia đình (gồm chăn, màn, bộ đồ nấu ăn và nhiều vật dụng thiết yếu khác), 50 lều bạt và 50 triệu đồng tiền mặt; hỗ trợ nhân dân Nghệ An: 200 thùng hàng gia đình và 50 triệu đồng. Tổng số tiền, hàng cứu trợ đợt đầu cho 3 tỉnh trị giá: 820 triệu đồng.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và một số Hội Chữ thập đỏ các quốc gia để vận động thêm nguồn trợ giúp đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cũng đã gửi điện thăm hỏi các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ. Thông qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới các gia đình có người bị chết, mất tích 5 triệu đồng/người; người bị thương 1,5 triệu đồng/người để góp phần giúp đỡ các gia đình khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Minh Khôi (Dân Trí)

NBNTB
10-08-2010, 12:17 PM
Lũ lịch sử trở lại, gần 20.000 hộ dân chìm trong nước

Trận mưa lớn kỷ lục có nơi lên trên 800mm đã nhấn chìm 4 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy trong biển nước. Gần 20.000 hộ dân bị ngập, 251 tàu cá còn lênh đênh trên biển, Quảng Bình đang đối diện với trận lũ lịch sử.


Cơn mưa lớn kinh hoàng tiếp tục xối nước xuống Quảng Bình, lượng mưa nơi cao nhất đo được là 810 mm. Nước thượng nguồn đổ về nhiều cộng với mưa lớn ở hạ lưu các sông Kiến Giang, Gianh lên nhanh trông thấy, đều vượt xa mức báo động 3.

Đến chiều 4/10, mưa có dấu hiệu chững lại ở vùng Tuyên Hóa, Quảng Trạch nhưng cuối ngày, trận mưa lớn tiếp tục trở lại khiến người dân vùng ven sông Gianh đối mặt với hiểm nguy lớn trong đêm 4/10.
Lúc 20 giờ, ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Hiện nước sông Gianh đang lên cao, 9 xã vùng nam Quảng Trạch chia cắt hoàn toàn. Trong đêm việc cứu hộ rất khó khăn, huyện chỉ biết chỉ đạo các xã đưa thuyền bè đến các điểm xung yếu sẵn sàng cứu dân, và chủ động mở cửa tầng 2 các trường học, UBND xã để di chuyển dân đặc biệt là người già, trẻ em.

Ông Mai Công Danh - Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa sau trọn ngày lăn lộn trên sông Gianh cũng thông báo: Nước thượng nguồn dâng trở lại, hàng nghìn hộ dân đang bị đe dọa thực sự. Chưa bao giờ Tuyên Hóa ngậ nhiều đến thế. Huyện đang làm những gì tốt nhất có thể để cứu dân qua cơn lũ lịch sử này.

Tính đến cuối ngày 4/10, đã có gần 20.000 hộ dân bị ngập trong lũ, trong đó có hàng nghìn hộ nước ngập tới nóc. Trong toàn tỉnh đã có 3 người chết vì lũ cuốn trôi, trong đó có trường hợp thi hài hiện chưa mai táng được phải di chuyển lên tầng 2 của trường học để bảo quản.

Tại rốn lũ Tuyên Hóa - Quảng Trạch, tỉnh đã lập trạm chỉ huy tiền phương đặt tại xã Cảnh Hóa và cắt cử lực lượng Công an, Bộ đội gồm 250 cán bộ chiến sỹ cùng canô cao tốc và phương tiện cứu hộ đến hiện trường từ đêm 3/10 để sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi vùng ngập nặng.

Tại các vùng ngập lụt, điện đã được cắt để đảm bảo an toàn, học sinh cũng được nghỉ học vì nhiều trường và đường sá ngập sâu.

Ngày 4/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã lập 3 đoàn kiểm tra, chỉ đạo PCLB tới các điểm nóng Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy và tuyến biển. Đoàn công tác phía nam của BCH PCLB tỉnh đã gặp tai nạn giao thông trên đường, khiến một xe bị lật, ông Đinh Phú Bình - Phó Giám đốc sở Tài chính bị ngã gãy tay.

Đáng lo ngại, trong số gần 4.200 tàu cá toàn tỉnh hiện vẫn còn 251 tàu với gần 1.800 ngư dân chưa về được đất liền, nhiều tàu mất liên lạc.

Trong ngày, đã có 8 tàu gặp nạn. Hiện công tác cứu hộ đang gặp khó khăn: trong số 11 thuyền viên tàu BĐ 94189 bị đánh chìm ở cửa biển Nhật Lệ, có một thuyền viên bị sóng đánh trôi dạt ra gần phao số 0 nhưng các lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể ứng cứu do sóng, gió quá lớn.

Cũng đến cuối chiều, tổng cộng 16 thuyền viên tàu cá QB 93481 (ở xã Quảng Phú) và xà lan của công ty TNHH Kim Sơn bị nạn vẫn chưa rõ sống chết, các lực lượng cứu hộ đang tìm cách tiếp cận các con tàu nói trên.

Do các tuyến đường huyết mạch đều bị chia cắt hoàn toàn, công tác kiểm tra thực tế lũ lụt gặp trở ngại. Với diễn biến thời tiết hiện nay, trong ngày 5/10 tình hình khó khả quan hơn.

Hồng Kỹ (Dân Trí)

NBNTB
10-12-2010, 01:38 AM
Miền Trung tang thương vì lũ dữ


Suốt mấy ngày qua Hà Tĩnh chìm trong biển nước, các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang... hàng vạn hộ dân bị cô lập, mọi phương tiện lưu thông bị tê liệt. Hơn 3 vạn học sinh buộc phải nghỉ học kéo dài để tránh lũ. Đến sáng qua, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của huyện Hương Khê mới kịp đến 17 xã với gần 17.000 hộ, khoảng 67.000 nhân khẩu bị nước lũ cô lập. Nhưng sáng qua Hà Tĩnh lại có thêm một trường hợp ở huyện Đức Thọ chết do bị lũ cuốn (chưa xác định được danh tính), nâng số người chết do mưa lũ lên 9 người. Trước nỗ lực tìm kiếm của các chiến sĩ ở Tỉnh đội Hà Tĩnh, 7 giờ sáng qua đã tìm thấy thi thể của chiến sĩ Đoàn Trọng Giáp và cô giáo Trần Thị Hoa. Tại huyện Cẩm Xuyên, các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vinh, Cẩm Vịnh, Cẩm Mỵ vẫn bị cô lập. Huyện Vũ Quang cũng có 7 xã với hơn 1.800 hộ dân bị ngập. Hiện thóc gạo của người dân bị lũ cuốn trôi hoặc ngập trong nước, nguy cơ thiếu đói hiển hiện trước mắt...

Tại Quảng Bình, 7/8 huyện thị của tỉnh ngập sâu trong nước. Riêng TP Đồng Hới bị chia cắt cục bộ. Tỉnh đã huy động mọi lực lượng tàu thuyền có thể, nhưng do lũ chảy xiết nên rất khó tiếp cận. Lực lượng Quân khu 4 ứng cứu cũng phải dừng lại vì bị tắc đường bộ. Mọi hy vọng đều dồn hết vào trực thăng cứu hộ. Nhưng lũ lớn đến mức bất ngờ khiến mọi phương án chuẩn bị trước đều bất lực. Theo thống kê sơ bộ, đến chiều hôm qua toàn tỉnh đã có 11 người chết và mất tích. Lúc 16 giờ 30, một chiếc trực thăng cất cánh tại sân bay Đồng Hới tiếp cận vùng nam huyện Quảng Trạch.

Tại Quảng Trị, 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt với số lượng trên 10.000 hộ dân (trong đó: ngập từ 0,5m đến trên 1,0m là 6.922 hộ). Đã có 3 người bị thiệt mạng. Lãnh đạo tỉnh hôm qua đã phát văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.500 tấn gạo và 3.000 áo phao cứu sinh.

Tại Thừa Thiên-Huế, đến chiều qua toàn tỉnh có 7.200 ngôi nhà và 1.800 ha hoa màu bị ngập, giao thông nhiều nơi bị tê liệt. Thiệt hại nặng nhất là giao thông, cơn lũ đi qua đã để lại hàng trăm điểm sạt lở và xói lở trên các tuyến QL1A, QL49A, QL49B, tỉnh lộ 4, 8, 9, 10A, 11B, 14B, 16... Tại TP Huế có một cháu bé 4 tuổi ở phường Thuận Lộc sẩy chân chết đuối trên sông Ngự Hà...

Tại Nghệ An, đến hôm qua đã có 10 tàu cá với 74 ngư dân gặp nạn trên biển, trong đó 3 tàu bị chìm và 7 tàu bị hỏng máy. Đến chiều tối qua, cơ quan chức năng đã liên lạc với các chủ tàu, cứu hộ thành công 3 tàu, đưa 46 ngư dân vào bờ, trong đó có 2 người tử nạn do chìm tàu. 7 tàu còn lại đang trôi tự do trên biển, lực lượng cứu nạn của Bộ đội biên phòng đang đưa tàu ra ứng cứu và kêu gọi những tàu thuyền trong khu vực đến tham gia cứu nạn. Trong khi đó ở ga Vinh, 4 tàu khách (S1, S3, S5, S7) từ Hà Nội đi Sài Gòn bị mắc kẹt từ đêm 4.10 đến tối qua vẫn chưa thể chuyển bánh. Huyện Diễn Châu có thêm 1 người chết đuối, nâng số người chết và mất tích ở Nghệ An lên 8 người trong đợt mưa lũ này (trong đó có 2 người chết do sét đánh ngày 2.10 tại H.Yên Thành).


Theo Thanh Niên Online

NBNTB
10-12-2010, 01:39 PM
Miền Trung vừa khốn đốn vì lũ lại chuẩn bị đón lũ

Đến 18 giờ chiều qua (10/10/2010), số người chết vì lũ lụt miền Trung tăng thêm 2 người, nâng tổng số người thiệt mạng lên 66 người. 2 xã Quảng Bình còn ngập nước.


Ban chỉ đạo PCLBTW cho biết, theo báo cáo của các địa phương, tình hình thiệt hại về người do đợt mưa lũ tính đến 18 giờ chiều qua (10/10/2010), số người chết vì lũ lụt tại 5 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) là 66 người, tăng 2 người so với báo cáo nhanh ngày 10/10 (Quảng Bình: 1, Nghệ An: 1).

Lũ lụt cũng làm cho 17 người mất tích: 17 người (giảm 2 người) và 75 người bị thương. Ước tổng thiệt hại tại 5 địa phương trên vẫn là 2.562 tỷ đồng.

Cũng theo Ban chỉ đạo PCLBTW, tính đến 18 giờ chiều qua (10/10), tại tỉnh Hà Tĩnh không còn xã nào bị ngập. Nhưng tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngập 2 xã và 2 thôn thuộc 3 huyện (xã Tân Hóa huyện Minh Hóa; xã Liên Trạch huyện Bố Trạch; 2 thôn thuộc huyện Quảng Ninh).

Trung Bộ có khả năng xuất hiện đợt lũ nhỏ 1-2 ngày tới

Theo Trung tâm dự báo KTTVTW, tại Trung Bộ và Tây Nguyên từ đêm 9/10, trên các sông ở Ninh Thuận và bắc Bình Thuận đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,0-3,0m. Đỉnh lũ trên sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ: 26,25m, trên BĐ1: 0,25m; sông Lũy tại trạm Sông Lũy: 27,42m, trên BĐ2: 0,42m; mực nước các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa có dao động nhỏ; các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế xuống dần; các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.

Còn tại Nam Bộ trong tuần, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long; vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) lên theo triều; một số trạm chính vùng cuối nguồn đạt mức BĐ2 - BĐ3. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu: 3,04m (ngày 9/10); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2,59m (ngày 9/10). Mực nước sông Đồng Nai tại Tà Lài lên dần vào hai ngày cuối; mực nước cao nhất tuần tại Tà Lài là 111,63m (ngày 10/10).

Theo đó, dự báo tại Trung Bộ và Tây Nguyên từ ngày 12-13/10, trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có lũ nhỏ.

Từ ngày 15/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ; các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ.

Còn tại Nam Bộ trong một vài ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng ĐTM và TGLX tiếp tục lên chậm; tại Tân Châu có khả năng đạt mức 3,1m; tại Châu Đốc: 2,65m ; vùng ĐTM và TGLX dao động ở mức BĐ2- BĐ3 sau đó xuống theo triều.

Đến ngày 15/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,9m; tại Châu Đốc ở mức 2,35m. Trong 5 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần. Tại Tân Châu có khả năng ở mức 2,70m; tại châu Đốc ở mức 2,20m.

Trong tuần, trên sông Đồng Nai tại Tà Lài có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ.


Kiều Minh (VietBao.com)

NBNTB
10-13-2010, 07:49 PM
Lũ lụt miền Trung: Người chết và bị thương vẫn tăng


Đến 18 giờ chiều qua (9/10/2010), số người chết vì lũ lụt miền Trung lên đến 64 người, tăng 2 người so với báo cáo trước đó, số người bị thương lên tới 75 người, tăng thêm 20 người so với báo cáo trước đó.


Quảng Bình đứng đầu thiệt hại về người và của do lũ

Theo Ban chỉ đạo PCLBTW, hiện có 46 người chết (Quảng Bình 44 người, Hà Tĩnh 12 người, Nghệ An 5 người, Quảng Trị 3 người); Cùng với đó, 22 người mất tích, giảm 1 người (ở Quảng Bình) so với báo cáo nhanh ngày 9/10; 75 người bị thương (Quảng Bình 64 người, Hà Tĩnh 5 người, Quảng Trị 4 người và Nghệ An 2 người).



http://www2.vietbao.vn/images/vi975/xa-hoi/75266346-s10_1.jpg
Xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chìm sâu trong mưa lũ


Có 2 người chết tăng thêm ở tỉnh Quảng Bình, còn trong số 20 người bị thương tăng thêm so với báo cáo trước đó thì có đến 19 người cũng của tỉnh Quảng Bình, 1 người của tỉnh Quảng Trị. Như vậy, Quảng Bình vẫn là tỉnh thiệt hại lớn nhất về người trong đợt lũ lụt tại miền Trung.

Về tình hình ngập lụt, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB của tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, tính đến 18 giờ chiều qua (9/10), tại Hà Tĩnh còn ngập 5 xã của 2 huyện (Hương Khê: 3 xã; Vũ Quang: 2 xã). Tại Quảng Bình còn ngập với tổng số 9 xã và 5 thôn của 5 huyện (Minh Hóa 3 xã; Bố Trạch 4 xã; Lệ Thủy 2 xã, 2 thôn; Quảng Ninh: 2 thôn; Tuyên Hóa 1 thôn).

Đến nay, theo Ban chỉ đạo PCLBTW, tổng thiệt hại của 5 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế do mưa lũ lên tới 2.562 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh Quảng Bình vẫn đứng đầu thiệt hại cả về tài sản, vật chất, ước thiệt hại hiện nay của Quảng Bình lên tới 1.392,547 tỷ đồng; tiếp đó là Hà Tĩnh thiệt hại 845,658 tỷ đồng; Quảng Trị thiệt hại 205,545 tỷ đồng; Nghệ An thiệt hại 76 tỷ đồng; Huế thiệt hại 42,458 tỷ đồng.

Huy động mọi lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn

Hiện công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả của mưa, lũ và đối phó với ATNĐ vẫn đang được triển khai khẩn trương, theo đó, sáng qua (9/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã đến thăm và kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ, lụt tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình.

Cùng với đó, Văn Phòng Ban chỉ đạo PCLBTW thường xuyên liên lạc với Văn phòng Ban chỉ huy PCLB các tỉnh để nắm tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ và chỉ đạo đối phó với ATNĐ, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị nạn và tình hình thiệt hại.

Tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục công tác cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ và tàu gặp nạn trên biển.

Theo báo cáo số 35/BC-PCLB ngày 9/10/2010 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã thông, chỉ còn một số tuyến giao thông liên thôn, xã còn bị tắc do ngập nước.

Ban chỉ đạo PCLBTW cho biết, công việc cần triển khai tiếp theo vẫn là huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn dân tại các vùng bị ngập lụt và tàu thuyền đang bị trôi dạt trên biển; Tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng;

Đồng thời, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực lũ đã rút; Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, nắm vững các thông tin về tình hình cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong vùng ngập lũ và các tàu thuyền trên biển, cũng như diễn biến của áp thấp nhiệt đới, báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.


Kiều Minh - Việt Báo (Theo VTC)

NBNTB
10-14-2010, 08:25 PM
Ngoại trưởng Mỹ chia buồn với nạn nhân lũ lụt Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gửi điện chia buồn với các nạn nhân của trận lũ lụt tồi tệ tại miền Trung Việt Nam và cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã đề nghị được tham gia cứu trợ khẩn cấp các nạn nhân trong vụ thiên tai này.

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/10/11/1110.lu.jpg
Quảng Bình là tỉnh hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất của đợt lũ lần này




Trong tuyên bố đưa ra cuối tuần trước, bà Hillary nói: Thay mặt Tổng thống Barack Obama và nhân dân Mỹ, tôi xin gửi lời chia buồn sau những phá hủy và mất mát sinh mạng do mưa lớn và lụt lội gây ra ở Việt Nam.

Đại sứ quán của chúng tôi tại Hà Nội đã đề nghị hỗ trợ lập tức và đang làm việc với các giới chức địa phương. Chúng tôi đang hướng tới và cầu nguyện cho mọi người ở Việt Nam, đặc biệt những người chịu ảnh hưởng vì bi kịch này.

Quảng Bình là tỉnh hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều khu vực tại Quảng Bình hiện vẫn còn bị ngập, mặc dù nước lũ đang rút dần. Các quan chức cho biết thiệt hại của đợt thiên tai này ước tính khoảng hơn 2.200 tỉ đồng.

Giới chức trách đang tập trung vào công tác chuyển đồ cứu trợ tới cho hàng nghìn người chịu ảnh hưởng vì lũ lụt. Công việc khắc phục giao thông trên các tuyến đường tắc nghẽn cũng đang được thực hiện. Một lo ngại khác là tình trạng dịch bệnh có thể lan tràn do ô nhiễm môi trường sau lũ.


Hà Khoa (Theo AFP, BBC) - Dân Trí

NBNTB
10-19-2010, 09:15 AM
Thêm người chết vì bão lụt ở VN



http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2010/10/19/101019073948_vietnam_flood_466x262_nocredit.jpg

Số nạn nhân chết vì lũ lụt ở miền Trung lên tới khoảng 40 người với nhiều xã ở Nghệ An bị cô lập và giao thông toàn vùng ngưng trệ.


Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập nước và số lượng các xã bị cô lập đang tiếp tục lan rộng tại Nghệ An trong cảnh truyền thông Việt Nam đưa tin là "người dân vùng lũ đói, khát và sợ hãi".

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đều có người chết, chưa kể số người mất tích.

Một số tờ báo Việt Nam trích lời quan chức nhà nước nói đến sáng 19/10, số người chết là 35.

Nhưng AP đến chiều cùng ngày cũng trích nguồn từ giới chức thì cho hay con số nạn nhân thiệt mạng lên tới 41 chỉ trong đợt này.

Vụ tìm kiếm nạn nhân chiếc xe khách bị cuốn xuống sông Lam ở Hà Tĩnh bị nước to ngăn cản.

Hiện con số hành khách xe bị nước cuốn là 19.

Có 18 người từ xe bơi được vào bờ và trèo bám vào cây cột để rồi được cứu thoát.

AP trích lời quan chức công an huyện Nghi Xuân nói dòng nước rất lớn, cản trở việc cứu hộ.

Mưa 120 cm ập xuống các tỉnh miền Trung, khiến chừng 200 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, 142 nghìn người phải sơ tán.

Bão Megi đã ập vào Philippines và tiến tới đảo Hải Nam, Trung Quốc nhưng mưa lớn tác động mạnh đến tình hình tại miền Trung VN.

Cơ quan khí tượng Việt Nam nói do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông của Biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12.

Bão cũng khiến biển động dữ dội với vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.


BBC Vietnamese

NBNTB
10-20-2010, 11:36 PM
Cứu trợ miền Trung gặp khó khăn

Công việc cứu trợ cho người dân các vùng bị lũ lụt ở miền Trung bị cản trở vì thời tiết xấu và giao thông gián đoạn.

http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2010/10/07/101007073742_heli_226.gif

Quân khu 4 đã điều hai trực thăng và binh lính tới Quảng Bình

Tuy mưa đã tạnh và nước bắt đầu rút, hàng trăm nghìn ngôi nhà của dân vẫn chìm dưới nước lũ, nhất là ở các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Truyền thông trong nước cho hay ít nhất 45 người thiệt mạng trong đợt lũ lụt khủng khiếp vừa xảy ra. Quảng Bình là tỉnh bị thiệt hại lớn nhất về cả người và của.

Quan chức tỉnh này cho hay thiệt hại vật chất ở Quảng Bình ban đầu được ước tính vào khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tại đây, các phương tiện giao thông đều được huy động vào việc cứu trợ và cứu nạn.

Trực thăng và binh lính của Quân khu 4 đã chở 5 tấn mỳ ăn liền và nước uống ứng cứu người dân vùng rốn lũ.

Tuy nhiên vẫn còn khoảng 900 ngôi nhà ở Quảng Bình, nhất là tại các huyện miền núi như Minh Hóa và Tuyên Hóa, bị cô lập hoàn toàn và không thể tiếp cận được vì thời tiết xấu và địa hình hiểm trở.

Đường quốc lộ xuyên Việt qua tỉnh Quảng Bình nhiều nơi còn nằm sâu dưới nước.

Giao thông gián đoạn trong toàn tỉnh.

Ngành đường sắt ước tính phải mất 4-5 ngày nữa mới có thể thông lại đường tuyến đường sắt Bắc Nam qua các khu vực bị lũ.

Ngoài khơi, còn nhiều tàu cá và ngư dân vẫn mất liên lạc kể từ đầu đợt lũ lụt.

Cơ quan y tế thì cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền qua đường nước.


BBC Vietnamese

NBNTB
10-20-2010, 11:45 PM
Việt kiều Mỹ quyên góp 50.000 USD ủng hộ miền Trung


Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Houston, Mỹ cho biết tính đến ngày 18/10, một số Việt kiều tại bang Texas đã đóng góp 50.000 USD ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận lũ lụt trong những ngày vừa qua.

http://www.vietnamplus.vn/avatar.aspx?ID=66706&at=0&ts=300&lm=634231649526430000
Người dân Hà Tĩnh trong cơn lũ.


Đợt đóng góp được thực hiện theo lời kêu gọi của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Houston.

Trong số tiền đóng góp này, 20.000 USD đã được chuyển trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An.

Số tiền còn lại được Tổng lãnh sự quán Việt Nam chuyển về qua Bộ Ngoại giao để giúp đỡ đồng bào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị./.


Source (TTXVN/Vietnam+)

NBNTB
10-21-2010, 02:58 PM
[center]Hồng Thập Tự cứu trợ lụt miền Trung VN


Việc cứu trợ bão lụt vẫn đang được tiếp tục tại miền Trung Việt Nam theo sau hai đợt lũ lụt từ đầu tháng Mười với Hồng Thập Tự quốc tế nay vào cuộc tham gia cứu trợ.


Theo các con số của tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế thì hơn 60 người chết, 27 người khác được khẳng định đã chết, với 25 người mất tích và lũ lụt đã ảnh hưởng tới cuộc sống của gần nửa triệu người.

Trong cuộc phỏng vấn của BBC Việt Ngữ, ông Bhupinder Tomar, Giám đốc Hồng Thập Tự quốc tế tại Việt nam, cho biết về tình hình lũ lụt và những nỗ lực của tổ chức này trong việc cứu trợ tại đây.

Ông B.Tomar: Đây là đợt lụt thứ hai trong vòng ba tuần tại năm tỉnh miền Trung Việt Nam. Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã bị ảnh hưởng của cả hai đợt lũ lụt. Chúng tôi đã cung cấp thức ăn và nước uống. Thức ăn cụ thể là mỳ ăn liền và nước sạch bao gồm nước chai và bình và viên lọc nước cho những nơi mà người dân không có được nước sạch sử dụng. Cho tới nay chúng tôi cũng đã quyên góp được 300 ngàn đô la Mỹ từ nhiều tổ chức khác nhau, kể cả từ chính phủ Mỹ và từ quỹ cứu trợ khẩn cấp mà chúng tôi có được, cùng với hơn 100 ngàn đô la do Hồng thập tự Việt Nam quyên góp được để giúp khoảng 20-30 ngàn gia đình tại Việt Nam.

BBC: Ông có thể cho biết khó khăn nhất hiện Hồng thập tự đang phải đương đầu trong việc cứu trợ hiện nay là gì?

ÔNG B.TOMAR: Hiện có hai nhóm cần được trợ giúp: nhóm bị ảnh hưởng của đợt lũ trước, từ hôm 1-6 tháng 10, và nhóm bị ảnh hưởng do cả hai đợt lũ lụt. Tôi cho rằng khó khăn là với những người bị ảnh hưởng của cả hai đợt lụt vì họ đã đang ở trong tình trạng không có nơi trú thân ổn định, như ở trên nóc nhà hay trong các nơi ở tạm và nay tình trạng này sẽ còn kéo dài.

Đây chính là lo ngại của chúng tôi nếu tình trạng này vẫn không thay đổi. Thách thức trong việc giúp những người bị ảnh hưởng của đợt lụt trước mà nay nước đã rút đi là cung cấp đồ ăn nước uống và chỗ ở cho họ và đặc biệt là cung cấp hạt giống cho vụ mùa sắp tới vì một lượng hạt giống lớn đã bị mất do lũ lụt, có những nơi mức nước lên cao tới 2-3m. Có nơi người dân nói là nước cao nhất từ 150 năm nay.

BBC: Một điều là năm nào cũng vậy vào mùa này, miền Trung lại bị ảnh hưởng nặng nề về bão lụt và những gì Hồng Thập Tự làm hiện nay là giải quyết cứu trợ khẩn cấp và trước mắt. Vậy liệu một tổ chức như Hồng Thập Tự có thể làm gì về lâu về dài để khi bị bão lụt người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như hiện nay?

ÔNG B.TOMAR: Đây quả là một câu hỏi rất thú vị. Tôi cho rằng thách thức đối với miền Trung Việt Nam đó vừa là mức độ ảnh hưởng trở nên ngày một nghiêm trọng hơn và đồng thời vừa là tình trạng không biết trước điều gì sẽ xảy ra cũng gia tăng.

Những nỗ lực luôn là không đủ để đáp ứng được các nhu cầu cứu trợ, và chúng ta luôn phải chạy theo để cố gắng đáp ứng những nhu cầu này. Do vậy chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề trên phương diện về lâu về dài bằng cách đầu tư vào việc chuẩn bị và sẵn sàng phòng chống thiên tai trong nhân dân và đồng thời xem xét việc gia tăng sức chống đỡ của cộng đồng bằng cách đầu tư vào các hệ thống thủy lợi và đầu tư vào khía cạnh quản lý trong việc phòng chống thiên tai.

Hồng Thập Tự có kinh nghiệm lâu năm tại Việt Nam trong lĩnh vực này. Năm nay chúng tôi sẽ làm đánh giá dự án 15 năm của Hồng Thập Tự tại Việt Nam theo đó chúng tôi đã giúp 500-600 cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức người dân, và tự cứu giúp mình như di tản, cũng như trong việc cung cấp các thuyền cứu trợ, áo phao v.v. để người dân có thể được di tản kịp thời và có liên lạc với các hệ thống cảnh báo đã được định hình khá tốt tại Việt Nam.

BBC: Chính phủ Việt Nam đã làm những gì trong việc cứu trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng cũng như trên phương diện phòng chống thiên tai?

Ông B.Tomar: Tất nhiên là còn rất nhiều việc phải làm nhưng trên phương diện về ý định của chính phủ cũng như về việc đề ra chính sách cũng như khuyến khích các tổ chức như của chúng tôi đầu tư vào việc phòng chống thì chính phủ Việt Nam đi đầu so với nhiều chính phủ các nước khác trong vùng và trên thế giới.

Lấy một ví dụ là chính phủ Việt Nam có chương trình 10 năm bắt đầu từ năm nay xem xét thường xuyên ít nhất là 6000 xã dễ bị ảnh hưởng vì thiên tai để xem có thể cải thiện trên những mặt nào.

Chính phủ Việt Nam nói họ sẽ tăng cường hỗ trợ bằng cách cung cấp cho những xã này 50-55% nguồn lực và sẽ tìm cách phối hợp với các tổ chức khác như của chúng tôi để có thêm phần nguồn lực còn lại. Chỉ có điều, một thách thức đó là nhu cầu thì luôn lớn hơn là nguồn lực có được.

BBC Vietnamese