PDA

View Full Version : Thờ cúng: cho người chết và người sống



tieulacphong
10-08-2010, 02:11 AM
Thờ cúng: cho người chết và người sống
http://www.diendan.org/Doi-song/tho-cung-chet-va-song
Hà Dương Dực


Hà Dương Dực Cập nhật : 16/09/2010 11:50 ...Sự tại tâm đâu phải tại hình thức. Phật, Chúa còn tại tâm thì xá gì một vài hình thức nhiều hay ít hay khác nhau, miễn là trang nghiêm tưởng nhớ. Như vậy ý nghĩa cao siêu của tế lễ là một công việc không phải cho người đã khuất mà còn cho người hiện sống, không phải cho người chết, người sống mà còn cho tương lai. Tương lai của người đó, của gia đình người đó, của xã hội người đó sống...


Việt Nam thường tự nhận là dân tộc có tục lệ thờ cúng Tổ Tiên. Có người còn coi việc thờ phụng nầy như một tôn giáo và gọi là đạo thờ ông bà gọi là đạo thì có nhẽ không đủ tiêu chuẩn, theo nghĩa thông thường như là phải có vị sáng lập, phải có nền tảng triết lý về nhân sinh và vũ trụ, phải có các giáo điều về luân lý



Thắp hương báo tin cha, con đỗ vào đại học
nguồn : Quảng Trị Online
Tuy nhiên rõ ràng đại đa số người VN có tục lệ thờ cúng tổ tiên. Các tôn giáo có nhiều tín đồ ở VN (như Phật Giáo hay Gia Tô Giáo, Cao Đài Giáo) cũng đều công nhận việc thờ phụng ông bà.

Ý nghĩa của việc thờ cúng, ngày xưa, có nhẽ là một điều hiển nhiên, rõ ràng, không cần ghi chép, không cần mô tả hay diễn dịch vì đó là nếp sống tự ngàn năm rồi. Ý nghĩa đó đã được truyền miệng từ cha tới con, từ ông tới cháu.

Bàn Thờ bày như thế nào? Con cháu chỉ việc trông vào khi cha ông làm lễ là rõ. Thắp hương ra sao? ba hay bảy nén? Lễ bàn thờ mấy lễ và lễ như thế nào?

Tất cả các thắc mắc đó khi Bố Mẹ tôi còn sống tôi không nghĩ tới. Bây giờ tôi cũng không biết vì sao khi đó tôi không nghĩ tới, có nhẽ tôi đã nghe những điều cần nghe, cần biết khi tôi còn nhỏ ( từ 7.8 tuổi tới trên 20 ). Ngày nay khi tuổi mình đã trên 70 và con cái đã trưởng thành ở Mỹ, tôi lại thấy khó khăn truyền đạt những điều mình đã theo, đã làm, cho con cái, để con cái biết về một lối sinh hoạt của dân tộc VN, một lề lối sinh hoạt mà tôi tin là tốt, đáng bảo tồn và cần kiện toàn cho hợp đạo lý.

Trong quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương cụ Đào Duy Anh có ghi: Nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên ở giữa nhà. Trên bàn thờ, ngoài các đồ thờ, như đỉnh trầm, cây sáp, mâm bồng thì ở giữa có bài vị của tổ tiên. Ngoài các ngày giỗ tết ra, mỗi khi trong nhà có việc vui mừng như lễ cưới, lễ thọ, ăn mừng thi đậu, khao vọng hoặc có việc buồn như tang lễ thì cũng đặt lễ để cáo tổ tiên. (1)

Trong câu trên có hai chữ chúng tôi xin nói ngay là bài vị và bàn thờ

Bài vị: ngày xưa là một thanh tre chiều dài không quá một gang tay, bề ngang chừng ba ngón tay kẹp lại trên đó viết tên người chết. Bài vị được để đứng. ( ngày nay là hình )

Bàn thờ: nơi có bài vị. Con cháu đặt bài vị ở đâu thì ở đó là bàn thờ, đằng trước bài vị thì có bát lư hương. Bát lư hương là nơi để cắm hương, trong bát lư hương thường để gạo. Với nhà nghèo thì bát lư hương có khi chỉ là một bát thường dùng để ăn cơm, và để có thể cắm hương thì người ta đổ trong đó ít đất cát. (gạo đôi khi còn không có để ăn)

Tôi đã từng trông thấy bàn thờ giản dị như vậy.

Chì với đời sống vật chất càng ngày càng khá người ta mới bắt đầu có cây cắm nếnnhư cụ Đào Duy Anh viết.



Bàn thờ nhà thơ Xuân Diệu, nhà lưu niệm Xuân Diệu tại Bình Định, quê ông, nguồn: blog gia đình áo trắng
Cụ Đào Duy Anh lại viết thêm: việc tế tự tổ tiên lấy việc duy trì chủng tộc làm mục đích.

Câu nầy ngày nay phải hiểu là: việc tế tự tổ tiên có mục đích duy trì liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Như vậy việc cúng lễ có hai ý nghĩa rõ rệt :

1/ Ngày tết hay ngày giỗ: Để tưởng nhớ tới Ông Bà Cha Mẹ, nhớ tới các bậc sinh thành, nhớ công ơn nuôi dưỡng và dạy giỗ. Nhớ lời giáo huấn như anh em phải thương mến nhau, phải sống hòa thuận với mọi người, phải giúp đỡ kẻ khốn khó, phải yêu nước thương dân...

Người chết khi còn sống đã cho ta nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm, việc thờ phụng trước hết mang ý nghĩa biết ơn và cảm tạ.

2/ Di ảnh hay bài vị người đã khuất để trên bàn thờ giúp chúng ta nhớ lại kỷ niệm xưa. Đau buồn vì mất người thân yêu được an ủi phần nào vì chúng ta vẫn còn cảm thấy gần gũi. Bàn thờ là quá khứ, quá khứ có kỷ niệm, có vui, có buồn, quá khứ đó giúp tâm thần ta bình tĩnh hơn, giúp tâm lý ta bằng lòng với vui buồn đã đuợc chia sẻ với người đã khuất trong một thời gian. trong khía cạnh đó: Bàn thờ giúp người sống.

Có nhiều người cho rằng nói tới bàn thờ và cúng giỗ là mặc nhiên nhìn nhận rằng người ta có linh hồn. Linh hồn của con người thì trường tồn, mặc dầu thể xác chết. Linh hồn có thể lên Thiên Đường, Nhập Niết Bàn hay xuống địa ngục, hay vẫn còn lẩn quất đâu đây trên thế gian nầy. Ở đâu thì linh hồn vẫn có thể thông cảm được với con cháu, với người thân còn sống.

Đối với những người tin rằng con người chết đi là hết, không có linh hồn, không có Thiên Đường, Niết Bàn, Địa ngục hay gì gì đi nữa, thì việc thờ cúng có còn ý nghĩa gì không?

Điều thứ hai trên đủ trả lời thắc mắc nầy. Chúng tôi có được chứng kiến vài đám tang trong đó các người Mỹ hay Mễ hay Tây khi thấy có bàn thờ họ cũng đều tới thắp hương và nghiêm trang vái. Có nhẽ họ quan niệm việc lễ bái như vừa kể chăng?

Như vậy, thắp một nén hương trên bàn thờ cho không khí khác đi, trang nghiêm hơn, mỗi người có thể nhìn hình ảnh trên bàn thờ và sống tự nhiên với cảm giác vui buồn không bị đè nén. Cảm giác vui buồn tuôn chảy như dòng sông ra biển để con người sau giây phút trang nghiêm đó lấy lại nghị lực lấy lại niềm tin để sống thoải mái yên vui, hòa thuận cho hôm nay, cho ngày mai.

Trong những ý nghĩa đó các câu hỏi về nghi lễ sẽ dễ dàng được trả lời. Hương thắp lên để cho không khí buổi lễ trang trọng, khác bình thường, vậy thì không nhất thiết phải là mùi hương trầm, hương mùi ổi hay mùi táo cũng được, nếu điều ấy có ý nghĩa riêng với người tưởng niệm; ý nghĩa và cảm nhận trang trọng của hương trầm cũng chỉ là do lưu truyền từ đời này sang đời khác. Thắp một nén hay ba nén không khác nhau về ý nghĩa nếu người tưởng niệm không là phật tử, phật tử thắp ba nén hương vì tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng.

Lạy trước bàn thờ: chấp tay, đứng nghiêm trang trước bàn thờ, nhìn hình ảnh, nhìn lên ngọn nến sáng hay chấm đỏ của nén hương, của ngọn đèn nhỏ để tưởng nhớ người xưa, và chấm dứt bằng cúi đầu vái một hai ba vái có thể là đủ; nhưng nếu muốn theo đúng truyền thống thì khi cúng giỗ người đã khuất nên vái bốn vái.

Quỳ lạy đầu chấm đất là một hình thức xưa cũng có thể duy trì, nếu muốn, thiết nghĩ cũng không hại gì, và cũng không chứng tỏ gì hơn là sự trang nghiêm đứng trước bàn thờ. Như vậy một hay ba vái, hay ba lạy đều không phải là câu hỏi chính xác, vì không cần thiết phân biệt

Sự tại tâm đâu phải tại hình thức. Phật, Chúa còn tại tâm thì xá gì một vài hình thức nhiều hay ít hay khác nhau, miễn là trang nghiêm tưởng nhớ.

Như vậy ý nghĩa cao siêu của tế lễ là một công việc không phải cho người đã khuất mà còn cho người hiện sống, không phải cho người chết, người sống mà còn cho tương lai. Tương lai của người đó, của gia đình người đó, của xã hội người đó sống.

Trong ý nghĩa đó việc đốt vàng mã là một hủ tục cần bỏ, hủ tục nầy theo chúng tôi thì đã không có trong xã hội VN xưa. Cũng vậy, khi ta thắp nhang để tế lễ, một hay ba cây nhang là đủ, một nắm nhang chỉ làm mờ mịt nơi tôn nghiêm, làm khó thở cho trẻ em hay người già, nó chỉ có hại chứ không chứng tỏ được điều gì quan trọng trong tế lễ.

Việc tế lễ ở Chùa, Nhà thờ, ở Đình hay ở Tư Gia đều là những công việc thiêng liêng. Việt Nam có khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới là chúng ta vừa trải qua quá nhiều năm trong chinh chiến nên việc tế lễ cũng bị ảnh hưởng. Sau một thời gian dài đối đầu với gian nan, bất trắc người ta lại cần tới thờ phụng, tới tôn giáo.

Ảnh hưởng tốt không cần phải nói, nhưng ảnh hưởng xấu là việc tế lễ nhiều khi đã bị lợi dụng. Nhiều người chỉ nghĩ rằng đi lễ để cầu phúc, lộc hay thọ, hay để được lên Niết Bàn hay Thiên Đường...

Chỉnh trang lại việc tế lễ từ nội dung tới hình thức là việc cần làm.



*


Bàn rộng: Chúng tôi có nói " bàn thờ giúp người sống", người sống cần bàn thờ để tiếp tục sống thanh thản hơn. Theo chúng tôi đó là tình trạng tâm lý phổ quát của con người.

Xin kể hai trường hợp để giải thích tâm lý đó.

1/ Lời cầu nguyện của người dân địa phương ở Chicago, có đoạn người đã khuất an ủi người thân còn sống, xin trích một đoạn:

I am a thousand winds that blow
I am the diamond glints on snow
I am the sunlight on ripened grain
I am the gentle autumn rain
Do not think of me as gone
I am with you still, in each new dawn.

Tạm dịch :

Tôi là ngàn cánh gió chập chờn bay
Tôi là kim cương óng ánh trong tuyết
Tôi là ánh mặt trời trên đồng lúa chín
Tôi là làn mưa nhẹ mùa xuân
Đừng nghĩ rằng tôi biến mất
Tôi vẫn gần bên anh mỗi buổi bình minh.


2/ Ví dụ thứ hai mà chúng tôi muốn nói tới chính là bức tường nổi danh ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Bức Tường, The Wall, là tên gọi thông thường của đài kỷ niệm quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh VN mà tên chính thức là The Vietnam Veterans Memorial gọi tắt là VVM..

Nó có tên The Wall vì đài kỷ niệm đã được xây như một bức tường với tên các chiến sĩ tử trận được khắc trên nền đá xanh.





Với thiết kế độc đáo, lại được xây dựng hài hòa cùng khung cảnh chung quanh, Bức Tường ngay từ khi vừa hoàn thành đã được rất nhiều người khen ngợi. Từ khi đó tới nay đó là đài kỷ niệm được nhiều người thăm viếng nhất trong tất cả các đài kỷ niệm ở Hoa Thịnh Đốn. Nó nổi tiếng vì khả năng "healing" khả năng làm giảm bớt đau khổ của những người tới viếng thăm nó.

Chủ tịch Uỷ ban gây quỹ để xây VVM, Jan C Scruggs, sau khi xây xong đã nói "it has become somthing of a shrine" ("nó đã trở thành như một nơi thờ phụng").




Từ 1992 tối 2003 đã có trên 30.000 kỷ vật mọi người để lại ở Bức Tường, mà bảo tàng viện của Hoa kỳ Smithsonian Institutions National, đã có một thời gian trưng bày với nhan đề "Personnnal legacy: the healing of a nation".

Khả năng làm giảm bớt khổ đau của người vợ trẻ và đứa con côi khi cả hai được tô tên người chồng người cha trên tờ giấy, nhờ có bức tường đã khắc tên chồng cha họ. Dầu chồng cha họ có ở Niết Bàn hay Thiên Đường thì các nơi đó cũng xa xôi không gần gũi bằng tên khắc trên bức tường, tên khắc trên thẻ tre, bằng bài vị trước mắt có thể nhìn thấy, sờ thấy nó gần kề và thương yêu biết bao! (xin coi ảnh)





Bài thơ "The Healing Wall" của Patrick Overton, quý vị có thể tìm thấy trên google.com đã diễn tả đầy đủ khả năng làm vơi đi niềm ân hận của người chiến binh vì đã không chết trong chiến tranh thay cho những người đồng đội thân yêu.

Hay tấm ảnh mà người cựu chiến binh để lại ở chân Bức Tường với vài hàng chữ sau: "Dear Sir for 22 years I have carried your picture in my wallet. I was 18 years old that day that we faced one another on that trail in Chu lai VietNam. Why you did not take my life I will never know, you stared at me for so long... Forgive me for taking your life"

Thưa Ông, 22 năm qua tôi đã mang bức hình của ông trong ví tôi. Ngày đó tôi mới 18 tuổi khi chúng ta đối mặt nhau trên đường mòn Chu lai Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi tại sao ông không giết tôi. Ông nhìn tôi quá lâu... Xin lỗi đã giết ông.

Hay hàng chữ sau đây của con gái và người cựu chiến binh sau khi đi thăm The Wall "The war is over for my father now but it will always be with him. Our trip to the Vietnam Veterans memorial helped to bring us closer together. He is able to look forward to the future instead of dwelling on the past." (Bài "The Wall" của Kelly A. Dobos)

Với cha tôi chiến tranh dầu đã qua đi nhưng nó vẫn còn lại mãi mãi. Chuyến đi thăm VVM đã giúp chúng tôi gần nhau hơn. Cha tôi đã có thể nhìn về tương lai thay vì luôn luôn bận tâm về quá khứ.

Quý vị có thể tìm thấy trên google hàng trăm lá thư, bài thơ và câu chuyện về chiến tranh về khả năng làm dịu niềm đau của The Wall.

Một lý do chính: tại người ta tìm thấy tên người thân yêu ở đó. Ở Bức Tường.

Người ta ví Bức Tường như một ngôi Đền. Tôi không dám ví Bức Tường như một Bàn Thờ Lớn, một bàn thờ tập thể, nhưng Bài Vị quả là quan trọng.

Và người sống thật cần có nơi để cảm thấy gần gũi với người thân đã mất, có thể nhìn thấy, có thể chạm tay tới quá khứ, để được chia sẻ được an ủi.


Hà Dương Dực
Huntington Beach ngày 6/9/2010



Chú thích:

(1) Bài vị cũng gọi là linh vị, mộc vị, thần vị, thần chủ. Các đoạn trích trong sách Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Cụ Đào Duy Anh là ở các trang 203-206, sách do nhà sách Sống Mới xuất bản. Trong sách cụ Đào Duy Anh đề cập nhiều tới niềm tin ngày xưa về hồn phách, các ngày cúng lễ và một số thủ tục.