PDA

View Full Version : Cánh Cửa Thứ Chín



giavui
08-20-2014, 07:28 PM
Cánh Cửa Thứ Chín

Trần Thùy Mai
http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1408562897_thinkingofyou.jpg




Nghề nghiệp của anh buộc anh phải đi rất nhiều nơi, còn cuộc sống của tôi lại luôn ở đây: những ngày rất dài trong khu vườn lặng lẽ.

Một ngày, một giờ, một khoảnh khắc nào đó, đột nhiên hai cuộc đời riêng rẽ bỗng đi chéo qua nhau. Đó là một ngày cuối năm, ngày khởi đầu của tiết lập xuân. Anh gọi điện nhầm đến nhà tôi. Mặc dù biết đã nhầm, anh không gác máy. Và chúng tôi nhận ra nhau.

Sau đó ít lâu, chồng tôi bảo: "Bệnh của Quyên dạo này khỏi rồi sao?". Tôi chỉ cười lặng lẽ. Chứng thống kinh hành hạ tôi hơn hai năm nay. Những cơn đau khiến cơ thể tôi lạnh giá. Sau nhiều tễ thuốc đắng không chút kết quả, ông lang già cuối cùng đã khuyên tôi tìm tới sự tập luyện của tâm linh.

Buthayoga, đó là thứ nghệ thuật làm nóng cơ thể từ sự khởi động của cái tâm thường bị vùi sâu che khuất. Trong bốn bức tường rêu này tôi có đủ thời gian và sự tĩnh lặng để làm việc đó. Nhưng linh hồn tôi không tĩnh, tôi không phải là đạo sĩ. Tôi chỉ là một người đàn bà.

Giờ đây, tôi dần dần ra khỏi cơn đau. Nhờ một sự tình cờ. Một giọng nói. Đó là anh.

Có lần nào đó, tình cờ anh nhắc đến ngày lập xuân ấy. "Quyên có biết vì sao anh không gác máy không? Vì bỗng nhiên anh nghe trong giọng nói tưởng như bình thường của em một điều gì đấy, giống như tiếng kêu cứu của một người tù".

Còn tôi, ngược lại. Từ giọng nói anh, tôi thấy mầu xanh và những đám mây. Sau này tôi mới nhớ ra, đó là cảm giác khi thấy đường chân trời. Tôi đã có cảm giác ấy một lần, thuở còn bé, khi về thăm quê ngoại.

° ° °

A lô, Quyên đấy hả? Này, có phải em thường nghe người ta tả mặt trời mọc trên biển không? Vậy mà bây giờ anh đang nhìn thấy mặt trời lặn trên biển "Sao thế? Vậy là mặt trời lặn ở phía đông?".

"Không... - Anh cười, như thể đang nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi. - Chỉ vì hôm nay anh đang ở Hà Tiên. Nơi đây biển ở phía tây đất liền, thế thôi". Trong tiếng anh cười, như có tiếng sóng biển, có ánh hoàng hôn cháy rực trên sóng và phản quang của một vùng đất xa rất xa - Nơi tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi có thể thấy gì, ngoài khu vườn nhỏ bị che kín. Nhưng ở đây, mặt trời, biển và sóng đang hiện ra trong bốn bức tường của tôi: Tôi đi bên anh, trên bờ cát. Nắng buổi chiều rất tươi đổ bóng chúng tôi trên những làn sóng mịn. Rồi cả hai cùng ngồi trên chiếc thuyền con, rẽ sóng về phía hòn Phụ Tử. Tóc tôi bay rối tung, trong khi anh chỉ cho tôi những hòn núi đá nhấp nhô trong vịnh Thái-lan. Tất cả đều nhuốm mầu mặt trời chiều, mặt trời đỏ au đang từ từ lặn sâu vào sóng biển.

Ngoài cổng, Hòa đã về. Tôi ra mở cửa cho chồng. Chiếc Chaly trắng nổ máy xành xạch. Như mọi lần đi làm về, Hòa hỏi, giọng bình thản:

- ở nhà có việc gì không?

Cũng như mọi lần tôi trả lời:

- Không, chẳng có việc gì.

Tôi lấy nước cho Hòa rồi vào bếp sửa soạn bữa cơm. Hòa thả người xuống xích đu đọc báo. Làm sao Hòa biết, tôi vừa từ vịnh Thái-lan trở về, và giờ này trong tâm trí tôi vẫn chói rực một mặt trời trên biển tây.

Anh là người đầu tiên giúp tôi biết người ta có thể sử dụng điện thoại để san sẻ cuộc sống với nhau, chứ không phải chỉ để trao đổi những thông tin ngắn gọn. "Hôm nay Quyên có gì vui không?". Tôi cố lục tìm trong ngày dài của mình một điểm sáng nào đó. Những cuộn len. Những tấm áo đan dở. Sự mưu sinh tủn mủn...". A, nhớ ra rồi, trước nhà em có một cái ao, sáng nay có một bông súng hồng vừa nở". "Hôm nay, người hàng xóm đến cho một con mèo mầu lam đẹp lắm. Anh có tin có một con mèo mầu lam không?". Có hôm anh gọi cho tôi đúng vào lúc nấu xong bữa ăn chiều. "Quyên vừa nấu những gì, nói cho anh biết, cho anh thèm". Tôi kể cho anh nghe: canh mít nấu tôm, cá bống kho tiêu, rau muống luộc... Anh hít hà trong điện thoại. Tôi rủ: "Đến đây ăn cơm". "ừ, nhớ để phần anh nghe".

Dần dần tôi bắt đầu tập cách thổ lộ những gì đã nén quá sâu trong tâm trí, điều trước đây tôi chưa hề quen. Tôi nói với anh về thời thơ ấu, khi mẹ đã bỏ đi và cha tôi đùm bọc đàn con trong một tình thương mà tôi linh cảm có lẫn lộn cả oán thù. Mỗi lần có lỗi, tôi bị đánh mà không được khóc. Giờ đây trước những nỗi đau, tôi đã quen với lối khóc không trào lệ. Tôi đã câm nín như thế cả vào ngày đứa con trai lên mười được người em chồng đưa về San Diego làm con nuôi. Tôi ôm con vào ngực trước khi trao cho Hoành, bây giờ ngực tôi còn mãi hơi ấm nóng của đứa trẻ, khiến những phần còn lại của cơ thể tôi mãi mãi lạnh giá.

Chồng tôi thỏa mãn. Một căn nhà hương hỏa, một công việc ổn định, một người vợ hiền, một đứa con trai may mắn được đỡ đầu và chắc chắn sẽ thành đạt. Hòa bảo tôi: "Vợ chồng mình sẽ sinh thêm đứa nữa". Nhưng tôi không sinh nở. Chứng thống kinh hành hạ tôi. Mỗi tháng một lần, cơn đau bắt tôi cắn răng, không rên rỉ. Mỗi lần ngồi tập môn Buthayoga, tôi thành khẩn nguyện cho mình khỏi bệnh. Những ngón tay, theo đà thúc đẩy của một thứ ký ức siêu nhiên nào đó cứ xoa mãi trên bụng, trên thắt lưng tôi. Nhưng cánh cửa tâm linh không hề mở. Những ngón tay chịu không chạm nổi vào những vùng khuất trong tôi.

Nhưng bây giờ, trong bốn bức tường rêu đã có cả biển trời. Những cơn đau đã dịu xuống. Đã dứt.

"Alô, Quyên đó hả? Hôm nay có gì vui?". "Hôm nay là ngày rằm, người ta gánh hoa sen đến bán. Quyên mua hai bó hoa vừa trắng vừa hồng. Mua hạt sen để trưa nay nấu cháo chay". "Ngày rằm, Quyên ăn chay, còn anh đang ở rừng Xuyên Mộc. Người ta làm thịt thú rừng chiêu đãi, giết hai con nhím, một con cheo". "Ghê quá!". "ừ, lúc nãy sắp bị giết, con cheo cứ ứa nước mắt. Nhìn thấy thương quá, không ăn được miếng nào. Thôi, Quyên hãy tới đây đi. ở đây có một dòng suối nước nóng, ngâm chân xuống thì uống bao nhiêu rượu cũng không say. Anh sẽ chỉ cho Quyên cây dầu lớn, có hoa rụng trắng xóa cả bãi cỏ". Tôi cùng anh lang thang trên bãi hoa dầu trắng phau, rồi đi ra suối Bang mắc võng trên dòng nước. Tiếng suối chảy lúc trong vắt, lúc trầm đục đủ cung bậc. Trên đầu tôi, trời cao và xanh bao la.

"Quyên ơi, em đã đến đây thì cũng có thể bay lên trời với anh được". Chợt tôi thấy mình vút lên trời xanh. Tôi thấy anh ở bên tôi. Chúng tôi đang bay lên, và đang lơ lửng trước vực thẳm.

° ° °

Đó là ngày anh không chịu dừng lại ở tưởng tượng để chỉ đòi ăn canh mít non và cá bống kho tiêu qua đường điện thoại. Anh nói với tôi huyền thoại về chín cánh cửa. "Ngày xưa có người lạc vào sơn động và kết duyên với chúa Tiên. Một hôm chúa Tiên đi chầu Trời, giao cho chàng một xâu chín chiếc chìa khóa và dặn chàng mở cửa nào tùy thích, chỉ trừ cánh cửa thứ chín. Trong tám ngày chàng lần lượt mở tám cửa, mỗi khung cửa dẫn vào một cảnh giới tuyệt vời như trên thiên đường... chỉ còn cánh cửa thứ chín, chàng trai tự nhủ, mình không mở ra. Nhưng...".

Cánh cửa thứ chín. Cánh cửa biết mở ra là tai họa mà mọi người cuối cùng đều đã mở. "Quyên ơi, Quyên hiểu anh muốn nói gì không?". "Em hiểu. Em thấy sợ".

"Tại sao?". Tôi không biết làm sao giải thích nỗi sợ hãi của mình. Dường như đã đến lúc tôi có thể nhận diện thứ tình cảm trong lòng mình: Đấy chính là tình yêu đang mỗi lúc một lớn lên, và tôi linh cảm cuộc đời tôi sẽ sụp đổ dưới sức nặng của tình yêu ấy.

Một ngày cuối hè, anh lại đi qua phố cổ. Anh muốn gặp tôi. Tôi ấp úng, cố gắng diễn tả cho anh biết rằng người ta thường khuyên đừng đùa với lửa. Đùa với lửa, sẽ bỏng tay, và tôi tự biết mình không chịu nổi xót xa.

Nhưng anh hứa không làm tôi bỏng. Không phải những hồi chuông điện thoại làm rối tâm tư tôi. Làm rối linh hồn tôi, chính là nỗi khát khao được nhìn thấy, dù trong một chút, cuộc đời bao la mà trước nay tôi mới chỉ nhìn trong tưởng tượng.

Chín giờ tối, đúng vào đêm hạ chí, tôi ra khỏi nhà, qua cánh cổng gỗ cũ xưa, rồi đi men theo bờ hồ trước mặt. Hoa sen cuối mùa lan tỏa mùi thơm trong ánh trăng. Anh đang chờ tôi bên kia hồ, dưới gốc cây xà cừ. Bóng đêm lẫn bóng trăng bao trùm thân thể tôi. Hai chân run run, tôi lúng túng, hoảng hốt, cảm thấy thất thố vì đã đến một nơi quá bất lợi cho mình. Nhưng ngay lúc ấy tôi cũng không kiềm chế được mong muốn lao sâu vào khám phá một thế giới - Anh, anh cũng là một thế giới.

Anh bước lại bên tôi, hay tôi đang chạy đến với anh, tôi không biết nữa. Rồi tôi cảm thấy tay anh, mắt anh, môi anh, tất cả rất giản dị, rõ nét và rất giống hình ảnh trong trí tưởng tượng của tôi. Anh rất ấm, và rất dịu dàng.

Đúng như lời hứa, anh đã không làm tôi bỏng.

Tôi không bỏng. Tôi cháy.

° ° °

Lúc tôi trở về nhà, cánh cổng nặng khép hờ rên rỉ dưới tay tôi. Hòa đã ngủ say, tờ báo rơi trên ngực. Suốt đêm tôi như đang nằm duỗi trong một đám sương mù, lâng lâng, êm ái. Cũng trong đêm ấy, ước mơ được rực cháy suốt quãng đời còn lại chợt như một ám ảnh điên rồ thiêu đốt tâm trí tôi.

Trời mờ sáng, tôi ra sân, đi lảo đảo như người mộng du. Vượt qua cánh cổng, vượt qua cây xà cừ, vượt qua con đường sương trắng, tôi như người điên đập cửa căn phòng lạ.

Người đàn ông của tôi hiện ra trước mặt.

Trong lúc đi trên đường, bên tai tôi cứ lùng bùng những điều định nói cùng anh. Tôi sẽ nói rằng tôi không thể tiếp tục sống trong bốn bức tường lạnh lẽo. Tôi sẽ nói muốn cùng anh đi vớt mặt trời trên biển tây. Tôi sẽ chịu bỏng, chịu cháy, để được đau đớn, được yêu thương. Tôi muốn chịu đựng mọi thứ trên đời, ngoại trừ sự tẻ lạnh.

Nhưng lúc này, dưới ánh sáng quá rõ của ban ngày, anh hiện ra rất xa lạ với hình ảnh anh trong bóng trăng. Một người đàn ông đến từ một cõi đời khác... Tôi thấy mình đứng trên hành lang, trước người đàn ông này một cách vô lý, ngớ ngẩn và trơ tráo. Kêu lên một tiếng, tôi đâm đầu chạy ra đường. Có tiếng xe đâu đó thắng gấp...

Không hiểu sao lúc đó tôi không biết sợ. Mãi đến lúc ngồi trên xích lô qua đường phố dài, cả người tôi mới bắt đầu run lên, cơn run rẩy không cưỡng được của người suýt chết.

Hòa đang cho chim ăn trước hiên nhà. "Em đi đâu sớm thế?". Giọng Hòa bình thản như mọi câu nói vào mọi giờ, mọi ngày khác. Tôi gắng gượng thốt lên một lời nói dối qua loa rồi bước vào nhà.

"Sáng nay anh đi làm sớm, em cho anh ăn mì với hai quả trứng". Hòa bảo, không ngoái lại. "Vâng, bánh mì với hai quả trứng". Tôi vào bếp với đôi chân chưa hết run. Hòa không biết nấu ăn, cũng không hề có thói quen ăn tiệm. Anh không thể nào xoay xở được nếu không có tôi. "Ngày mai là ngày hiệp ky, nhớ chuẩn bị đồ lễ đưa sang từ đường". "Vâng, em nhớ". Tôi trả lời, những câu trả lời như tiếng vang không âm sắc.

Khi chiếc Chaly trắng xành xạch đi rồi, tôi để rơi mình xuống ghế. Cơn đau chợt quặn thắt, mồ hôi rịn ra ướt cả hai tay tôi.

Một hồi chuông reo.

"Quyên ơi, em nghe đây: một người tù hèn nhát thì sẽ mãi mãi là một người tù".

Tôi không dám nghe. Tay tôi run rẩy tháo rời dây điện thoại. Anh đã nói đúng, nhưng rất có thể chính anh cũng có bốn bức tường, hai cánh cổng ở đâu đó, và dù đi khắp nơi trên thế gian anh cũng không ra khỏi những thành trì, như tôi...

Cả tuần sau, máy điện thoại tắt ngấm. Tôi hiểu thế nào là sự trống rỗng của lặng im. Căn phòng lạnh, yên lặng đè lên tim tôi như một khối nặng trịch vô hình. Sự yên lặng khắc khoải, đau nhói âm thầm trong lúc đi, đứng, nói cười, cố sống cuộc đời bình thường.

Vẫn biết chân trời là nơi không đến được, nhưng dù sao tôi cũng phải có một chân trời.

Đến ngày thứ tám, tôi nối lại đường dây. Nhưng chiếc máy không hoạt động nữa. Chồng tôi đã trả số thuê bao. "Anh thấy nó chẳng có lợi lộc gì mà nhiều khi lại thêm mất ngủ. Chưa bao giờ anh thấy khỏe như tuần qua, khi máy hư". Tôi lặng lẽ nhìn chồng tôi với đôi mắt của người chết đuối. Cơn đau hành hạ tôi. Tôi âm thầm chịu, không rên rỉ.

Đêm ấy tôi nằm mơ thấy một con nai trúng tên, nằm khắc khoải chờ chết trong một xó rừng.

Sáng sớm hôm sau, trong lúc tập Buthayoga, hai tay tôi chợt rời thắt lưng, tự hướng về phía đầu, xoa mãi vào huyệt bách hội. Chợt như có dòng nước lũ xoáy mạnh làm vỡ cả con đập chắn ngang. Hoàn toàn không ngờ trước, tôi bỗng òa khóc, khóc tức tưởi, không sao cưỡng được. Những giọt lệ trào ra từ khóe mắt, những cơn rền rĩ thoát ra từ lồng ngực. Tôi khóc to, khóc thảm thiết, một thứ khóc vô thức kỳ lạ, giữa lúc tâm trí phiêu bồng như đang chìm giữa sương mù.

Cơn khóc dừng khi tôi chìm vào giấc ngủ mê. Khi tỉnh dậy, tôi biết Buthayoga lần đầu tiên đã chạm đến điều gì trong linh hồn tôi.

Chứng thống kinh của tôi đã dứt.

Những hồi chuông điện thoại đã tắt. Không còn mây trời, biển và rừng trong bốn bức tường xây kín. Không còn gì nữa, và tôi cũng không còn đợi.

Tôi cam tâm dừng mình lại trong hai cánh cổng: Cánh cửa thứ chín của mỗi đời người.

Tối hôm sau, trong bữa ăn, chồng tôi bảo:

- Sáng hôm qua mình tập cái môn dưỡng sinh quỷ quái gì mà cứ rền rĩ y như có ai chết không bằng.

Tôi lặng yên. Làm sao nói cho Hòa hiểu được, một thế giới vừa bị lấp vùi. Tôi đã tự chôn mình cùng với thế giới ấy, và giờ đây tôi đang khóc tôi.


27-7-1997