PDA

View Full Version : Khổng Tử - Nhà giáo dục kiệt xuất của nhân loại thời cổ đại



khieman
04-18-2016, 05:01 PM
.


Khổng Tử
Nhà giáo dục kiệt xuất
của nhân loại thời cổ đại

http://cms.kienthuc.net.vn/zoomh/500/uploaded/ctvkhotrithuc/2014_08_05/khong%20tu/20092241005212_gped.jpg



Trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục xưa nay, có lẽ chưa có một người nào lại chiếm được một vị trí độc tôn, phi phàm như Đức Khổng Tử (551-479 TCN). Mặc dù ông sống cách chúng ta tới 25 thế kỷ, song lớp hậu thế ngàn năm sau ông, nhất là khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 (mở đầu bằng việc ra đời của triều đại nhà Đường ở Trung Quốc (618-907) trở về sau, Khổng Tử đã được các tầng lớp đế vương và Nho gia phương Đông (như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên...) tôn là "vạn thế sư biểu" (tấm gương sáng về người thầy của muôn đời), địa vị của ông sánh ngang với Đức Thích ca Mầu ni của Đạo Phật và Đức Giáo tổ Lý Đam (của Đạo Lão). Ngay cả khi thế chân kiềng của tam giáo Nho - Phật - Lão đã bị lung lay thì Nho giáo vẫn còn khá ổn định và vững chắc. Cho tới tận cuối thế kỷ 19.

Tương truyền Khổng Tử sinh ra ở đất Khúc Phụ, Sơn Đông thuộc nước Lỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc (722-480 TCN). Khi ông sinh ra, thân phụ là Thúc Lương Ngột đã quá lục tuần và đã trải qua hai đời vợ, sinh hạ được thảy 10 người con (9 gái, 1 trai tàn tật). Mẹ Đức Khổng là Nhan Thị. Bởi lẽ ông lúc sinh có một cái bướu nhỏ trên đầu, nên cha mẹ đặt tên là Khâu (Khâu trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là gò đống), tên chữ là Trọng Ni.

Khổng Tử được ba tuổi thì bố mất. Là người thông tuệ, lại lớn lên trong thời loạn lạc, các chư hầu luôn gây họa binh đao, tranh giành quyền bính, chiến tranh liên miên hàng thế kỷ khiến trăm họ lầm than, điêu đứng, Khổng Tử ôm mộng kinh bang, tế thế, lập chí giúp nước cứu đời, thực thi những hoài bão của mình. Song tới năm 35 tuổi, Đức Khổng vẫn không được vua các nước chư hầu tin dùng, ông bèn về quê hương mở trường dạy học theo đúng lẽ xuất xử của bậc đại quân tử "Tiến vi quan, đạt vi sư".

Tài năng xuất chúng và đức độ sáng trong của ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến các kẻ sĩ đương thời. Học trò từ khắp nơi đến theo học. Họ kính cẩn gọi ông là tôn sư, các môn sinh đã có lúc lên tới 3000 ngàn người, thật là một con số hiếm thấy trong lịch sử giáo dục thời cổ đại. Khổng Tử có bốn năm làm quan tại nước Lỗ với các chức vụ: Đại tư khấu, Nhiếp tướng sự (như chức Thủ tướng). Nhưng vua Lỗ hoang dâm, mê đắm tửu sắc, không màng tới chính sự vì vậy Khổng Tử đã nhìn thấy cái kết cục chẳng có gì tốt đẹp ở nhà vua, ông xin từ quan, dốc sức vào sự nghiệp dạy học và toàn tâm nghiên cứu, xác định lại các bộ sách đời trước và viết bộ Xuân Thu nổi tiếng.

Hạt nhân tư tưởng của học thuyết do Khổng Tử đề xướng và suốt đời truyền bá trong các lớp môn sinh là NHÂN. Chữ nhân theo quan niệm của ông mang một ý nghĩa hết sức rộng lớn, gắn bó chặt chẽ với đạo - đạo đức - lòng yêu thương con người, yêu thương vạn vật.

Theo Khổng Tử, gốc của NHÂN là hiếu đễ (Hiếu là sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ, đễ là lòng thương yêu, tôn kính của em đối với anh). NHÂN bao hàm cả hai mặt yêu và ghét phân minh, là lòng quan tâm, vị tha, xả thân vì người như chính Khổng Tử đã nói:

"Theo ta, người có đức nhân là như thế này: Bản thân mình muốn đứng vững trong cuộc sống thì cũng nên giúp người khác đứng vững trong cuộc sống. Mọi việc đều có thể từ mình mà nghĩ đến người khác, có thể nói đó là biện pháp thực hiện đạo nhân" (Luận ngữ - Ung dã).

Nhân theo Khổng Tử còn là:

"Cái gì mình không muốn thì đừng gán cho người" (Kỷ sở bất dục, vi thi ư nhân).

Để thực hiện được NHÂN, Khổng Tử cho rằng con người ta phải có Lễ. Lễ là các quy phạm đạo đức hợp thành một hệ thống quy tắc xử thế, là phương thức để bậc quân tử đạt tới chữ NHÂN. Nhân là nội dung bao hàm và là mục đích của Lễ vậy.

Trong suốt cuộc đời làm thày của mình, bên cạnh việc dạy chữ, bao giờ Đức Khổng cũng chú trọng vào việc dạy người, đề cao thuyết đức trị, phản đối pháp trị. Theo ông "đức trị" (đức độ của các ông quan thanh liêm) và lễ giáo (giáo dục, quản lý nhà nước của các bậc quân vương và các quan lại), Khổng Tử, có lẽ cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm trách nhiệm và bổn phận và suốt đời tuyên truyền, vận dụng nó vào việc giáo dục các sĩ tử. Ông ước ao, đặt kỳ vọng vào một xã hội lý tưởng mà "vua phải làm tròn phận sự của vua, bề tôi phải làm tròn phận sự của bề tôi, cha phải làm tròn phận sự của cha, con phải làm tròn phận sự của con".

Tư tưởng nội dung của học thuyết mà Khổng Tử áp dụng vào giáo dục mang tính nhập thế và tích cực. Ông đề xướng thuyết tôn hiền (tôn trọng người hiền tài, có đức độ) mạnh dạn giao phó cho họ những trọng trách, bổ nhiệm những người có năng lực ra làm quan (nhiệm năng).

Những tư tưởng ấy của Khổng Tử, trong bối cảnh rối ren của xã hội đương thời rất khó thực hiện, song đó là những quan niệm và đóng góp quý báu của ông.

Chính từ cuộc đời gương mẫu và đầy trách nhiệm với đời, với người của ông, nhất là cách dạy chữ gắn bó với dạy người, đề cao sự học của ông mà các thế hệ phong kiến sau này ở Phương Đông, các bậc vua chúa đều hết sức coi trọng đạo Nho do ông sáng lập, coi đạo Nho là rường cột trong việc củng cố và xây dựng thiết chế phong kiến.

Thời Khổng Tử đã đào tạo được hàng ngàn trò giỏi trong đó có 72 người hiền (Thất thập nhị hiền) nổi tiếng trong lịch sử. Một đời Khổng Tử đề cao việc học và chính ông cũng là tấm gương học tập không mệt mỏi. Ông cho rằng phàm là con người ai ai cũng phải học, vua phải học để làm vua, quan phải học để làm quan, dân phải học để làm dân. Đây là đóng góp hết sức căn bản của Đức Khổng Tử, ngay cả trong thời đại ngày nay, khi mà cánh cửa của nền kinh tế tri thức đang mở ra, hướng nhân loại vào kỷ nguyên tin học, kỷ nguyên KHKT, khi mà việc học tập thường xuyên, suốt đời đã trở thành hiện thực.

Nhớ Khổng Tử, chúng ta không chỉ nhớ một người thày vĩ đại, đồng thời còn nhớ một nhà sư phạm có đóng góp lớn lao trong việc chỉnh lý hệ thống và viết sách giáo trình, giáo khoa nữa. Những trước tác vĩ đại do ông sưu tầm, hiệu đính như, Kinh thi, Kinh thư, Kinh nhạc, Kinh lễ, Kinh dịch đã trở thành những tác phẩm kinh điển của bao thế hệ Nho giáo.

Ông lại viết bộ Kinh Xuân Thu, hợp thành bộ đại giáo khoa thư: Lục kinh, về sau bộ Kinh nhạc bị thất truyền chỉ còn lại một chương (Thiều) sáp nhập vào bộ lễ ký, vì thế hậu nho chỉ còn lại năm kinh (ngũ kinh). Khổng Tử còn một bộ sách vĩ đại nữa là Luận ngữ là cuốn sách ghi chép những lời nói, những câu chuyện hàm nghĩa giáo huấn sâu xa của ông đối với các đệ tử, cùng với nhiều ý kiến có liên quan tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, đạo đức, văn học, triết học...

Các tư tưởng và học thuyết về giáo dục của Khổng Tử về sau được các môn đệ tiếp tục kế thừa và phát triển và người có công đầu chính là Mạnh Tử (372-289 TCN) với học thuyết Nhân - Nghĩa đã trở thành "Khuôn vàng thước ngọc" của các triều đại phong kiến phương Đông trong việc trị quốc an dân. Vì thế đạo Nho do Đức Khổng sáng lập và Mạnh Tử kế tục còn gọi là đạo Khổng - Mạnh vậy.

TS: Trần Đăng Thao
(Nguồn: _www.binhthuan.vn)