PDA

View Full Version : Hàn Sơn Tự và Bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc



sophienguyen
11-21-2014, 02:55 AM
Giai thoại về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc
Minh Tâm


Chùa Hàn San ở Tô Châu là một chùa không lớn lắm, thế nhưng chùa lại khá nổi tiếng. Đó là nhờ ở bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:
Phong Kiều Dạ Bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa:

Cầu phong, đêm neo thuyền

Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời
Cây phong bến sông, ánh đèn chài, trước giấc ngủ buồn
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn Sơn
Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách .

Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt nam đã dịch thơ như sau:
Bản dịch của Tản Đà :
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Bản dịch của Trần Trọng Kim :
Quạ kêu trăng lặn sương rơi
Lửa chài cây bãi đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Bản dịch của Ngô-Tất-Tố:
Quạ kêu sương tỏa trăng lui
Đèn chài cây bến đối người nằm khô
Chùa đâu trên núi Cô Tô
Tiếng chuông đưa đến bên đò canh khuya

Bản dịch của Trần Trọng San :
Quạ kêu trăng lẩn sương trời
Buồn hiu giấc ngủ lửa chài bến phong
Đêm Cô Tô vẳng tiếng chuông
Chùa Hàn Sơn đến thuyền sông Phong Kiều

Bản dịch của Ái Cầm:
Thuyền đậu bến phong kiều

Quạ kêu trăng khuyết trên cành sương
Đốm lửa hắt hiu giữa đêm trường
Cô Tô thuyền đỗ sầu in bóng
Hàn Sơn Chùa vọng tiếng chuông ngân

Trăng khuyết trên cành sương quạ kêu
Lửa chài sông quạnh bến cô liêu
Cô Tô thuyền đậu trong đêm vắng
Chuông Hàn Sơn động sóng đìu hiu

Tuy bài thơ rất hay, có cảnh, có vật, có âm thanh ... nhưng nhiều người đã đặt 3 nghi vấn như sau:

Nghi vấn 1:
Câu số 1:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên : liệu có con chim quạ nào mà kêu vào lúc trăng lặn hay không ? Từ đó, có nhiều nhà nghiên cứu cho biết có thể ô đề là tên một địa danh và câu thơ phải viết lại là:
Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên
thì mới đúng.
Thuyết nầy có nhiều người phản đối vì cho rằng quạ vẫn có thể kêu ban đêm như thường tuy là ít thấy.
Nghi vấn 2:
Câu số 2:
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên
Lại có nhà nghiên cứu cho rằng giang phong và sầu miên không có nghĩa là sông, cây phong, buồn và ngủ, mà cũng là những địa danh.
Giang Phong là viết tắt của Giang Thôn Kiều và Phong Kiều, Sầu Miên là núi Sầu Miên.
Do đó câu thơ phải viết lại:
Giang Phong ngư hỏa đối Sầu Miên
Thuyết nầy cũng bị phản đối vì ở Tô Châu đất đai bằng phẳng không thể có núi Sầu Miên được (người viết bài nầy đã may mắn có dịp thăm chùa Hàn San ở Tô Châu thì cũng có cùng một nhận xét như vậy, do đó nếu có bức tranh nào vẽ cảnh chùa Hàn San mà nằm bên sườn núi thì họa sĩ đã vẽ ... trật lất ). Ngoài ra, nếu xét về âm điệu của bài thơ thì chữ sầu miên có nghĩa là buồn không ngủ được thì đặc sắc hơn nhiều so với nếu sầu miên là một địa danh.
Nghi vấn 3:
Câu cuối cùng: Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền: ngay cả nhà thơ Đỗ Phủ cũng chê câu nầy là không thực tế vì làm gì mà lại nghe được chuông chùa vào lúc nữa đêm.

Để giải thích điều nầy, người ta hay truyền tụng một giai thoại như sau:
Trương Kế đến chơi gần chùa Hàn San và ngẫu hứng làm được hai câu thơ đầu của bài Phong Kiều Dạ Bạc:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Tới đó thì nhà thơ “bí” tìm không ra hai câu nữa.
Trong khi đó trong chùa Hàn San có một vị sư già, đêm nay sư không ngủ được và cũng làm được hai câu thơ:
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu, bán tự cung.

Nghĩa là:
Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời

Rồi thì sư cụ cũng “bí” giống như Trương Kế.
Chú tiểu thấy vậy mới hỏi: Bẩm sư phụ , vì sao ngài không được vui. Nhà sư mới cho chú tiểu biết về tâm sự đang “bí” thơ của mình.

Chú tiểu ra nhà sau, chợt nhìn thấy bóng trăng dưới hồ mà sáng tác được hai câu thơ. Chú trình lại với sư phụ. Đó là:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.
Nghĩa là:
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không

Sư cụ vổ tay hoan hỉ, đúng là thiên tài, và bài thơ đã đầy đủ
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu, bán tự cung.
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán cầm thủy để, bán phù không.

Lúc đó đã nữa đêm, sư dạy chú tiểu đánh chuông để tạ ơn đức Phật về sự hoàn thành bài thơ.

Tiếng chuông vọng đến thuyền của Trương Kế gợi ý cho ông ta làm thêm hai câu thơ cuối của bài thơ:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền .

Nhờ tiếng chuông nữa đêm nầy mà ta có bài thơ nổi tiếng của Trương Kế.

Để kết luận: người viết bài nầy chỉ ghi lại những nghi vấn chung quanh một bài thơ cổ rất nôi rtieengs và xin để bạn đọc tự tìm hiểu sự đúng sai của người đọc, người dịch ... Thật ra, chỉ có Trương Kế sống lại thì mới trả lời đúng ba nghi vấn văn chương kể trên. Chỉ có một nhận xét của chúng tôi ở đây là: một nhà thơ không cần làm nhiều thơ mà chỉ cần làm một bài cho thiệt hay như bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế trên đây, như thế là đã đủ nổi tiếng muôn đời rồi.

Đó cũng giống như trường hợp của nhà thơ Hữu Loan với bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Việt Nam mình...
http://www.aihuucongchanh.com/baiviet/benphongkieu2.jpg
Bến phong kiều - Tô Châu