PDA

View Full Version : Khi Tâm Hồn Được Khai Phóng



khieman
07-12-2016, 01:53 AM
.


Khi Tâm Hồn Được Khai Phóng

Hỏi :

- Sao ông không giúp đời bằng cách thực tế mà lại phí thời giờ đi thuyết giảng như vậy?

J. Krishnamurti đáp :

- Thế bạn muốn nói gì khi dùng chữ thực tế? Bạn muốn nói về chuyện mang đến một sự đổi thay trên thế giới, một sự điều chỉnh hài hòa hơn trong nền kinh tế, một sự phân phối tài nguyên tốt đẹp hơn, một mối quan hệ thân tình hơn, hay nói một cách lỗ mãng, là giúp bạn kiếm được việc làm tốt hơn. Bạn muốn thấy có sự đổi thay trên thế giới, – mọi người thông minh đều muốn, – và bạn muốn có một phương pháp để làm chuyện đổi thay đó, và vì thế, bạn hỏi tôi tại sao lại phí thời giờ đi thuyết giảng thay vì làm việc gì đó cho chuyện thay đổi.

Vậy xin hỏi rằng có thật tôi đang làm chuyện phí thời giờ vô ích chăng? Sẽ là chuyện phí thời giờ thật đấy, nếu tôi giới thiệu một hệ tư tưởng mới để thay đổi hệ tư tưởng cũ, mẫu mực cũ. Có thể đó là điều bạn muốn tôi làm. Nhưng thay vì chỉ ra một “cái gọi là đường lối thực tế ” để hành động, để sống, để kiếm việc làm tốt hơn, để tạo ra một thế giới đẹp đẽ hơn, thì việc tìm cho ra cái gì là chướng ngại vật đã thực sự ngăn cản một cuộc cách mạng toàn diện, không phải là cuộc cách mạng nửa vời , mà là từ nền tảng, một sự thay đổi quyết liệt, từ gốc rễ, không chỉ trên quan niệm, lý thuyết suông, đó không phải là điều quan trọng chăng? Bởi vì những lý tưởng, những niềm tin, những ý thức hệ, những giáo điều, đều ngăn cản hành động.

Thế giới không thể chuyển biến toàn diện, không thể là một sự đổi thay triệt để, khi mà hành động còn được đặt căn bản trên quan niệm, bởi vì khi đó hành động chỉ là phản ứng và quan niệm, lý thuyết, được coi là quan trọng hơn hành động rất nhiều. Một cách chính xác, đây có phải là chuyện đang xảy ra trên thế giới chăng? Muốn hành động, chúng ta phải tìm ra điều chướng ngại nó đã cản trở hành động.

Nhưng thật ra thì phần lớn chúng ta không thích hành động, đó là điều gay go của chúng ta. Chúng ta thích bàn cãi, chúng ta thích thay đổi ý thức hệ này sang ý thức hệ khác, và vì thế, chúng ta cứ lảng tránh chuyện hành động bằng những lý thuyết suông. Chắc chắn là như thế thì quá đơn giản rồi, phải vậy không?

Thế giới ngày nay phải đối diện với rất nhiều vấn đề: nạn nhân mãn, nạn thiếu thực phẩm, sự phân chia loài người thành nhiều chủng tộc, giai cấp, vân vân. Tại sao không có một nhóm người ngồi xuống để cùng nhau giải quyết vấn đề chủ nghĩa quốc gia, dân tộc? Nhưng mà nếu chúng ta muốn trở thành quốc tế hòa đồng trong khi còn bám chặt lấy tinh thần quốc gia của chúng ta, thì chúng ta lại tạo ra một vấn đề khác. Và đó là điều phần đông chúng ta đang làm.

Vậy thì bạn thấy đó, rõ ràng là những điều lý tưởng, những tiêu chuẩn, đã ngăn cản hành động. Một chính khách, nhà thẩm quyền đầy uy tín, đã nói rằng thế giới có thể sắp xếp lại để mọi người đều được cung cấp thực phẩm. Vậy tại sao lại không làm được chuyện đó? Bởi vì có sự mâu thuẫn giữa những quan điểm, những niềm tin và chủ nghĩa dân tộc. Cho nên, chính những quan niệm đã ngăn cản sự cung cấp đồ ăn cho con người. Và phần đông chúng ta hiện đang đùa giỡn với những quan niệm mà vẫn cứ tưởng rằng chúng ta đang tích cực làm cách mạng, tự mê hoặc mình với những từ ngữ như là thực tế.

Điều quan trọng là chúng ta hãy tự giải thoát ra khỏi những quan niệm, khỏi sự phân biệt chủng tộc, khỏi những niềm tin và giáo điều, từ đó, chúng ta có thể hành động, không phải nương theo một mẫu mực hoặc một hệ tư tưởng, mà chỉ tùy theo nhu cầu đòi hỏi mà thôi.

Chắc chắn là việc đi tìm những sự cản trở, những chướng ngại đã ngăn cản công cuộc này thì không phải là phí thời giờ, không phải là những chuyện huênh hoang, rỗng tuếch. Điều bạn nói hiển nhiên là vô nghĩa. Những tư tưởng, niềm tin, quan điểm chính trị và kinh tế của bạn thật ra đã làm phân hóa giữa con người với nhau và đưa tới chiến tranh. Chỉ khi nào tâm trí được giải thoát khỏi những quan niệm và niềm tin thì nó mới có thể hành động một cách công chính được.

Một nhà ái quốc nặng lòng với dân tộc, có thể sẽ không bao giờ biết bốn bể đều là anh em (tứ hải giai huynh đệ) là thế nào, dù anh ta có thể cũng nói về điều đó đấy, nhưng ngược lại, trong hành động của anh ta, về mặt kinh tế và trong mọi chiều hướng, đều dẫn tới chiến tranh.

Cho nên chỉ khi nào tâm trí giải thoát khỏi mọi loại khái niệm, không chỉ hời hợt trên bề mặt, mà là từ nền tảng, thì mới có hành động công chính và do đó mới có sự chuyển hóa triệt để và bền vững. Mà sự giải thoát khỏi được những khái niệm, quan điểm, thì chỉ có thể xẩy ra qua sự tự tỉnh thức và tự giác.


J. Krishnamurti — On Relationship
Người dịch: Danny Việt (ĐPK)