giavui
11-24-2010, 04:41 AM
Phận Đàn Bà
Hoàng Phương Nhâm
Đi học về, vừa bước vào sân tôi đã nhìn thấy mẹ lúi húi làm thịt gà ngoài giếng. Vẫn nguyên cặp sách trên lưng, tôi nhào đến cạnh mẹ, sung sướng và ngạc nhiên:
- A! Hôm nay được ăn cơm thịt gà rồi! Có sự kiện gì đặc biệt à mẹ?
Không như mọi bận, mẹ nói với giọng buồn buồn:
- Thôi, con vào cất sách vở đi rồi ra giúp mẹ một tay. Hôm nay nhà mình có khách.
Tôi vấn cố nèo một câu:
- Vị khách này chắc ở diện "đặc biệt quan trọng" phải không mẹ?
Mẹ không trả lời chỉ khẽ gật đầu và giục:
- Con có nhanh lên không nào!
Tôi nghĩ, chắc hôm nay chị Thuý đưa người yêu về trình diện với mẹ. Mấy hôm trước tôi đã nghe chị nói với mẹ như vậy. Nhưng hôm ấy, mẹ có vẻ vui hơn hôm nay nhiều. Sợ mẹ lại giục lần nữa, tôi chạy ào vào nhà và tôi sững sờ khi gặp một người đàn ông dáng khắc khổ, rụt rè đứng sau mành như đang đón đợi. Người đàn ông mà tôi đã thề là không bao giờ mong ngóng. Tôi căm thù ông ta. Người mà khi tôi mới lên sáu tuổi, tôi đã mài dao giấu dưới gối chờ ông quay lại. Tám năm trôi qua, nhiều khi tôi không còn nhớ đến con dao ấy nữa và cũng không hiểu nó biến mất từ lúc nào. Bây giờ bất ngờ nhìn thấy gương mặt này, cơn giận của tôi lại bừng bừng bốc lửa. Tôi không nghe người ấy nói gì mà quay ngoắt người chạy ra giếng. Mẹ tôi vẫn bình thản như chẳng có chuyện gì xảy ra.
- Mẹ! - Tôi gằn giọng - Ông ta về đây làm gì?
Mẹ tôi không trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ giục:
- Con nhanh lên còn ra giúp mẹ một tay nào!
Tôi vùng vằng:
- Nhưng mà...
Mẹ tôi nhẹ nhàng:
- Thôi nào, hộ mẹ tí đã rồi hẵng hay. Đi, con gái!
Vẫn vùng vằng, tôi miễn cưỡng đi vào. Tôi không vào nhà để cất cặp sách và thay quần áo vì không muốn nhìn thấy gương mặt người ấy, người đã làm cho mẹ con tôi khốn khổ trong bao nhiêu năm trời. Tôi quăng cặp sách lên mặt bể rồi vào bếp nấu cơm. Tôi cầm que cời đập vào cái thành xoong vô tội vì nó to hơn mọi bữa. Mẹ tôi vẫn không tỏ thái độ gì, vẫn như ngày xưa, nhẹ nhàng, ân cần với người ấy ngay cả khi người ta thú với mẹ rằng đã trót đem lòng yêu thương người đàn bà khác. Rằng đã lỡ sắp có con với người ta. Khi đó, tôi đang chuẩn bị đi học lớp Một.
Dì Xuyến kể, trước đây tôi cũng có một người bố. Bố của tôi là một người rất tuyệt vời. Bố yêu mẹ khi cả hai người còn đang học cấp ba trường huyện. Hồi ấy, những người bạn của bố và mẹ đều ao ước có một mối tình như thế. Bố đi bộ đội, mẹ vào học trường trung cấp nông nghiệp tỉnh. Sau năm năm ở bộ đội, bố chuyển sang công tác tại Sở Giao thông vận tải với một chức vụ nhiều người mơ ước. Bố mẹ cưới nhau và một năm sau, chị Thuý được sinh ra trong ánh hào quang rực rỡ của tình yêu. Lúc đón mẹ và chị Thuý từ nhà hộ sinh về, bố nâng chị giơ lên khoe với mọi người, vụng về đến nỗi làm chị đau, chị oa oa khóc rồi tè ướt cả ngực áo bố. Mọi người cười ngả nghiêng. Bố lấy làm hãnh diện vì điều đó nên trước khi trao chị Thuý cho mẹ,Õ bố còn âu yếm thơm lên khuôn mặt nhăn nheo của chị. Dù sao thì chị Thuý cũng vẫn còn có những tháng năm sung sướng. Chị được sự yêu chiều cả bố lẫn mẹ. Sau này, chị kể cho tôi nghe rằng, dù trời nắng nóng đến mấy mỗi khi đi làm về, bố không kịp thay quần áo đã bò ra nhà làm ngựa cho chị nhong nhong trên lưng. Những ngày nghỉ, bố chẳng mấy khi đi đâu mà chỉ quanh quẩn ở nhà cho mẹ sai vặt và làm cho chị những đồ chơi tinh xảo như được mua từ cửa hàng về vậy. Chị Thuý lớn dần, chị càng lớn bố càng có vẻ bận việc và ít về nhà hơn và nếu có về cũng chỉ ghé vội qua nhà, để lại cho hai mẹ con ít tiền hay một vài thứ đồ dùng gì đó rồi lại đi luôn chứ không nghỉ qua đêm ở nhà. Năm chị Thuý lên sáu tuổi, bố tôi về nghỉ ở nhà hẳn một ngày. Bố có vẻ buồn buồn và dường như có điều gì đấy định nói với mẹ mà không nói được. Mẹ thì vẫn dịu dàng chăm sóc bố. Thấy bố buồn, mẹ càng yêu thương bố hơn. Chiều đến, bố bắt gặp mẹ lặng lẽ khóc trong bếp và thế là đêm ấy bố ở lại. Dì Xuyến bảo, tuổi của tôi phải bắt đầu tính từ đêm hôm ấy. Khi có tôi, những đồ chơi bố làm cho chị Thuý dạo nào chị chỉ giữ lại một con búp bê gỗ còn chị cho tôi tất cả vì khi ấy bố đã chuyển công tác đi nơi xa ít khi về nhà được. Từ khi ấy mẹ tôi trở nên trầm lặng hơn trước nhưng đối với mọi người trong nhà, mẹ lại tỏ ra ân cần hơn. Ông bà nội ngoại của chúng tôi đều đã già cả. Dì Xuyến lại đi học xa, mẹ tôi như con thoi đi về cả hai bên. Còn bố tôi thì cứ đi công tác biền biệt mãi, nhiều năm, tết đến bố cũng không về, thư từ cũng chẳng có. Một mình mẹ tất bật sắm sửa mọi thứ để cả nhà đón năm mới như mọi nhà khác. Mẹ bảo, bố không về được là vì bận công tác đặc biệt. Mẹ đưa chị em tôi đi tết hết bên nội rồi bên ngoại. Hồi ấy, cả chị Thuý và tôi đều còn bé, chúng tôi còn mải vui với những bộ quần áo mới, với những đồng tiền mừng tuổi và nhiều thứ khác trong dịp tết nên nỗi buồn thiếu vắng bố chỉ thoáng qua. Chúng tôi luôn yên chí rằng bố đang bận một công việc gì đó quan trọng lắm. Thú thật, lúc đó có ai hỏi về bố, tôi còn lấy làm hãnh diện, vênh mặt mà trả lời rằng: "Bố cháu đi công tác!" và tôi nghĩ họ sẽ hiểu rằng công việc ở cơ quan mà thiếu bố thì sẽ hỏng bét, không thể có người thứ hai thay thế được bố! Điều đó làm cho tôi tự hào vì tôi là con gái của một người như thế.
Năm tôi lên sáu tuổi, mẹ và chị Thuý đưa tôi đi học lớp Một. Trước khi vào lớp, tôi hỏi:
- Mẹ! Đây là một sự kiện quan trọng đối với con phải không?
Mẹ nhìn tôi mỉm cười:
- Ai bảo con vậy?
- Chị Thuý!
Mẹ âu yếm xoa đầu tôi:
- Chị Thuý nói đúng đấy con ạ! Hôm nay đối với con thật quan trọng vì con bắt đầu đi học.
Tôi vội ngắt lời:
- Vậy mà bố không có ở đây với con. Tiếc quá!
Mẹ không nói gì. Chị Thuý quát khẽ:
- Thôi, nói năng lung tung thế đủ rồi. Vào lớp đi chẳng bọn chúng nó ngồi hết chỗ!
Chị khẽ ẩy vào vai tôi. Tôi chạy đi nhưng vẫn ngoái đầu lại nhìn mẹ và chị Thuý. Tôi thấy mẹ gật đầu mỉm cười. Nụ cười ấy không tươi như lúc trước. Khi ấy, tôi không hiểu gì và tôi cũng không quan tâm lắm đến mọi chuyện xung quanh, vì tôi còn đang mải nghĩ đến những đứa bạn mới ngồi bên cạnh và nghĩ đến những trò chơi mới đang đợi ở sân trường.
Gần tết năm ấy bố tôi về ở nhà vài hôm. Cả tôi và chị Thuý đang thích mê đi vì những món quà tết của bố cho và những bộ quần áo còn thơm mùi vải mới. Nhưng còn già nửa tháng nữa mới đến tết, chúng tôi lại cất tất cả những thứ đó vào tủ để dành. Đi học về, tôi quấn quýt với bố, kể cho bố nghe tất cả những chuyện của mình ở nhà, ở lớp nhưng bố cứ ậm ừ cho qua chuyện làm tôi thấy chán. Hình như bố đang có điều gì khó xử và giữa bố và mẹ có chuyện gì đó muốn giấu không cho cho chị em tôi biết nên hai người đang nói chuyện hễ thấy chúng tôi lại dừng. Mẹ như muốn nuốt tiếng thở dài vào bụng. Đêm ấy, chúng tôi đi ngủ đã lâu, tôi chợt thức giấc vì mót đi tiểu. Nhìn ra nhà ngoài thấy đèn vẫn sáng, tôi định gọi mẹ, bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng sụt sịt. Hình như mẹ khóc. Tôi ngạc nhiên. Sao mẹ lại khóc? Vẫn im lặng. Một lúc sau, mẹ hỏi:
- Thế mình định bao giờ đi?
Tiếng bố khàn khàn, nặng nhọc:
- Cũng không thể nấn ná được nữa... Cô ấy sắp đến ngày sinh... Đợt này lên chắc tôi không còn được làm việc ở cơ quan nữa... Tôi cũng không còn là đảng viên... Mình với các con tha lỗi cho tôi. Tôi không thể giấu mình và các con mãi được...
Tiếng mẹ run run nhưng có vẻ đã lấy lại được sự bình tĩnh:
- Tôi xin mình đừng nói cho các con biết. Cứ để sau này chúng lớn đã... Mình nói với tôi thế là được rồi...
Giọng nói của mẹ tắc nghẹn trong im lặng. Tôi nằm cứng đơ như khúc gỗ không phải vì mót tiểu mà vì ức lên tận cổ. Tôi đã lờ mờ đoán được chuyện gì sắp xảy ra. Thì ra, lâu nay bố không về với mẹ con tôi vì đã đi theo người đàn bà khác. Bố đã bỏ mẹ con tôi, không còn yêu thương chúng tôi vì bố sắp có một đứa con khác. Tất cả những điều tốt đẹp về bố bỗng vỡ oà trước mắt tôi. Thương mẹ bao nhiêu tôi lại căm bố bấy nhiêu. Trong tôi chợt bùng cháy dữ dội một ý nghĩ, không thể để cho ông ấy đi với người khác, không một đứa trẻ nào được làm con ông ấy nữa. Tôi phải giết ông ấy ngay đêm nay! Phải, ngay đêm nay!
Mãi lâu tôi mới nghe thấy tiếng mở mành, chắc ai đó đã đi ra sân, tôi vờ ngái ngủ gọi: Mẹ ơi! Mẹ chạy vào. Tôi vờ nhõng nhẽo đòi đi tiểu. Mẹ vén màn cho tôi ra. Tôi không đi tiểu mà lẻn vào bếp mò mẫm mãi mới nhặt được con dao tôi vẫn dùng thái các thứ lá để chơi bán hàng. Tôi vội giắt trong cạp quần đem vào giấu dưới gối rồi đi nằm. Tôi chờ cho ông ấy ngủ sau.
Sáng hôm sau, tôi giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng chị Thuý hỏi:
- Có chuyện gì thế mẹ? Sao mắt mẹ lại sưng mọng thế kia? Nhện nó đái vào mắt mẹ à?
Tôi chạy bổ ra ngoài thấy mẹ lắc đầu cười. Mẹ nói:
- Là bố con không thể ở nhà ăn tết cùng mẹ con mình được!
- Thế bố đâu rồi, mẹ?
- Bố đã đi cho kịp chuyến tàu.
Tôi sững sờ nhìn mẹ và chưa bao giờ thấy mẹ cười mà buồn đến vậy! Chị Thuý nhìn tôi, bịt mũi cười ngặt nghẽo:
- Mẹ! Mẹ nhìn nó kìa!
Tôi vội sờ tay xuống thấy quần mình còn ẩm và có mùi khai. Tôi không cười mà bật khóc nức nở vì đã để ông ấy đi mất. Mẹ không cười nữa, kéo tôi vào lòng, bảo:
- Thôi, để mẹ lấy quần khác thay cho con rồi còn đi học chứ!
Tôi vùng vằng:
- Con không đi học nữa đâu!
Mẹ dỗ dành:
- Ấy không. Không đi học sao được! Nào chị Thuý lấy bộ quần áo khác để mẹ thay cho em rồi dẫn em đi học kẻo muộn!
Tôi gào lên:
- Không đi học! Không đi học!
Tôi giằng lấy bộ quần áo từ tay chị Thuý đưa lên miệng nhe răng cắn xé. Chị Thuý lùi lại, kêu lên:
- Mẹ ơi! Nó điên thật rồi!
Lúc ấy, tôi điên thật. Trong tay tôi không phải là bộ quần áo mà là người đàn ông ấy. Mẹ bế tôi lên vỗ về âu yếm. Tôi ôm ghì lấy cổ mẹ và tấm tức khóc. Hôm ấy, ngồi trong lớp đầu óc tôi quay cuồng. Tôi không thể cầm bút viết nổi một con chữ nào trong giờ tập viết. Người tôi nóng hầm hập. Cô giáo phải dừng giờ dạy ở lớp để đưa tôi sang trạm xá. Đợt ấy, tôi ốm đến qua tết mới khỏi. Những ngày nằm bẹp trên giường, tôi chỉ mơ thấy cầm dao đuổi theo người đàn ông ấy.
Bẵng đi gần chục năm, tôi đã coi như quên người ấy. Trong cuộc sống của mẹ con tôi, tôi cố tìm mọi cách để không còn hình bóng gì của người ấy nữa. Tôi đã cố xoá nhoà những kỷ niệm buồn trong quá khứ. Chị Thuý đã đi làm ở phòng nông nghiệp huyện và đã có người yêu. Người yêu của chị Thuý phải công nhận là đẹp trai, có tài kể chuyện, lại rất khéo tay, làm việc gì cũng được. Chị Thuý yêu anh, ngưỡng mộ anh như thần tượng. Chị luôn thấy mình nhỏ bé trước anh. Còn tôi, tôi cứ thấy có gì gờn gợn trong ánh mắt, nụ cười của con người hào hoa ấy.
° ° °
Nồi cơm sôi trào xuống bếp gio, tôi vội lấy que cời xâu vào quai vung xoong để mở ra cho khỏi trào. Một mùi thơm giống như hương cốm mới ngào ngạt cả gian bếp. Mùi thơm của gạo tám. Tôi bỗng nhớ đến những bữa cơm thời xa xưa, khi mà tôi còn bé tí. Những lúc ấy tôi được ngồi trong lòng người đàn ông còn trai trẻ và thoả sức thò tay bốc nhón những thứ mình thích trong mâm mà không sợ bị mẹ đánh vào tay. Mùi thơm này lâu lắm rồi tôi không được ngửi, bởi vì sức mẹ chỉ đủ nuôi chị em tôi bằng hạt gạo khô xác, nở như bông, không còn cả mùi của cám. Nhìn những hạt gạo trắng bóng cười trong nồi tôi bỗng thấy tủi thân, nước mắt giàn giụa trên má. Những giọt nước mắt xót thương cho chính ba mẹ con tôi. Đến trưa, chị Thuý đi làm về cũng ngạc nhiên, ô a kêu lên như tôi khi thấy mâm cơm thịnh soạn đặt trên bàn. Chị còn thò tay nhón một miếng thịt gà rang bày trên đĩa bỏ vào miệng vừa nhai vừa cười khúc khích khi bị mẹ mắng. Lúc biết người khách về nhà mình là ai, chị chỉ thốt lên: "Thế ư mẹ?". Hình như chị còn chạy vào nhà chào người ấy. Về sau, tôi trách chị, chị bảo: "Là tao muốn xem ông ấy bây giờ thế nào thôi". Lúc sắp cơm ra tôi mới biết, ông ấy không về một mình mà còn đem theo một đứa con trai chừng sáu bảy tuổi. Thằng bé gày gò, ngơ ngác, vẻ sợ sệt hiện rõ trên nét mặt của nó và lúc nào nó cũng nép sau lưng ông ấy. Tôi nhìn nó bằng ánh mắt căm thù. Chính nó là kẻ đã cướp mất bố của tôi. Tôi căm nó và chỉ muốn tiện chân cho nó một cú đá "thọt dái lên cổ" mới bõ hận. Sắp xong bữa, mẹ vào nhà dắt thằng bé ra giếng, lấy khăn mặt của mình rửa ráy cho nó. Thằng bé có vẻ sợ hãi cứ cúi gằm mặt nhìn xuống đất. Mẹ vừa rửa vừa tỉ tê nói với nó điều gì đó như dỗ dành. Tôi đi ra giếng định sẽ cho nó một câu gì để bõ tức, nhưng gặp ánh mắt đau đáu như van xin của mẹ nhìn tôi nên lại thôi. Mẹ vén ống quần của thằng bé lên. Khiếp, chân với cẳng gì mà như hai cái ống nứa tép. Tôi chỉ gạt mạnh một cái là gãy. Những ngón tay mẹ nhè nhẹ kỳ vết đất bám quanh cổ chân thằng bé đầy vẻ xót xa. Ngày xưa, mẹ cũng kỳ cọ chân cho tôi như vậy. Sao bây giờ mẹ lại cũng rửa chân cho thằng bé như đã rửa cho tôi? Mẹ đang san sẻ tình thương của tôi sang cho nó. Cho cái thằng đã cướp mất bố của tôi. Uất ức tôi huỳnh huỵch chạy vào trong bếp.
Bữa trưa hôm ấy tôi định không ăn cùng mọi người. Tôi kêu đau bụng. Mẹ năn nỉ mãi tôi mới miễn cưỡng ngồi xuống góc chiếu. Mẹ xới cơm cho cả nhà, ân cần giục mọi người ăn cho nóng. Tôi để ý thấy mẹ vẫn điềm đạm như mọi ngày. Mẹ với tay sang phía bên kia mâm lấy chai rượu rót ra chén nâng bằng cả hai tay đặt xuống trước mặt ông ấy. Đã lâu lắm trong nhà tôi mới có hơi rượu cay nồng ngào ngạt trong bữa ăn. Mẹ gắp cái đầu gà luộc đặt vào bát cho ông ấy rồi giục khẽ:
- Mình uống rượu đi! Rượu nhà nấu đấy mà. Mình uống thử xem có ngon không?
Chị Thuý thật thà:
- Lâu lắm rồi mẹ chỉ nấu rượu để bán mà không để lại chai nào.
Tôi không cần giữ ý, sẵng giọng:
- Để lại cho ai uống mà để!
Ông ấy vừa nhấc chén rượu lên lại run run đặt xuống mâm. Hình như ông ấy khóc. Khóc mà không hề có nước mắt chảy ra như tôi vẫn khóc. Làm như không có chuyện gì, mẹ đưa tay đón thằng bé đang ngồi nép cạnh ông ấy sang để cho nó ngồi vào lòng mình, xé thịt gà cho nó ăn. Thằng bé muốn chết ngẹn nhưng thi thoảng nó vẫn liếc nhìn tôi đầy vẻ sợ sệt. Mỗi lần thấy nó nhìn mình, tôi lại trợn mắt thầm dọa: "Đợi đấy, rồi tao sẽ cho mày biết tay!". Thằng bé vẫn lén nhìn trộm tôi và vẫn nuốt vội những miếng thịt gà to tướng. Chắc lâu lắm nó mới được ăn bữa cơm như thế này. Nó có biết đâu rằng chị em tôi cũng không hơn gì nó.
Hôm sau, lúc ngồi xem mẹ cất rượu, tôi hỏi:
- Bao giờ ông ấy đi, mẹ?
- Cũng lâu lâu, con ạ!
Tôi giận dỗi:
- Giữ ông ấy lại làm gì? Đây không còn là nhà của ông ấy nữa!
Mẹ giận dữ vung tay mạnh về phía tôi. Tôi nhắm mắt chờ đội một cái tát nhưng mẹ lại buông thõng bàn tay xuống và ghé mắt vào cửa bếp thổi lửa. Tôi đứng dậy ấm ức bỏ ra ngoài. Nếu tôi là mẹ, tôi đã kéo chà rào rấp ngõ từ lâu. Đằng này... Tự nhiên, từ thương mẹ, tôi đâm giận lây cả mẹ. Chị Thuý thì cứ vô tư vùi đầu vào công việc và say mê với tình yêu của mình để mặc cho mỗi mình tôi với nỗi ấm ức không có cách nào giải toả. Ông ấy thì hầu như suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong nhà, thằng bé cứ bám riết lấy ông ấy như con chó trung thành với chủ. Nó luôn nhìn mọi người với con mắt sợ sệt. Mẹ lúc nào cũng ngọt ngào với nó mà nó có vẻ vẫn sợ. Còn tôi, chỉ chờ dịp là tìm cách hăm doạ nó, chí ít là tôi cũng trợn mắt lên. Có lần tôi vờ vô ý dẫm chân lên nó. Nó đau đến chảy nước mắt mà không dám hé răng kêu một tiếng. Nhưng thực ra tôi cũng chẳng khoái gì với việc đó. Ánh mắt của thằng bé và sự lặng lẽ của ông ấy chỉ làm tôi cảm thấy nặng nề thêm. Tôi thấy mình cô đơn ngay trong nhà mình. Tôi nhìn ai cũng với vẻ cảnh giác, xa lạ. Gặp ánh mắt say đắm của ông anh rể tương lai nhìn chị Thuý, tôi cũng thấy đằng sau đó có ẩn chứa một điều gì đó đầy sự bất trắc. Dì Xuyến thì mãi vẫn không lấy chồng làm cho bà ngoại lo lắng đến phát bệnh. Bà mắng, dì cười trừ nói là sợ đàn ông. Tôi thì không sợ mà tôi ghét, tôi hận họ.
Chiều thứ bảy, tan học, tôi tìm đến chỗ dì Xuyến làm. Tôi ở với dì suốt ngày chủ nhật và xin dì cho tôi ở với dì ít hôm. Dì phải nhờ người nhắn về nhà cho mẹ khỏi lo. Dì còn hứa cho tôi mượn xe đạp để đi học. Tôi hỏi dì bao nhiêu là chuyện. Chỉ riêng chuyện về ông ấy là tôi tránh. Là người tế nhị, dì cũng không hề đả động đến chuyện trở về của ông ấy, chuyện mà cả làng tôi ở chỗ nào cũng thấy người ta xì xào bàn tán. Từ chỗ dì Xuyến làm đến trường học của tôi cách khoảng sáu bảy cây số. Dì Xuyến bảo nếu tôi đủ sức đạp xe hơn chục cây số đi về mỗi ngày thì tôi có thể muốn ở với dì bao lâu cũng được, dì sẽ xin mẹ cho. Tôi ôm lấy cổ dì. Dì đẩy tôi ra, dí ngón tay vào trán tôi, mắng: "Còn bé lắm đấy!". Tôi cười, dụi mặt vào ngực dì. Tôi thấy mùi dì cũng thơm như mùi mẹ. Tối tối, tôi ngồi học bài, bên cạnh dì Xuyến ngồi loay hoay may vá. Tôi khoái chí nghĩ, không lấy chồng như dì Xuyến lại hoá hay. Sau này, tôi cũng sẽ sống như dì Xuyến. Có tôi, dì có vẻ vui hơn. Lúc rảnh rỗi hai dì cháu tôi lại kéo nhau đi chợ, dù đi chả để mua sắm thứ gì. Tôi cũng nguôi dần chuyện ông ấy nên hàng tháng liền dì cháu tôi không nghĩ đến chuyện về nhà. Tôi lại chuyên tâm cho việc học và thi thoảng lại có thể khe khẽ cất lên những câu hát vu vơ.
Một hôm đi học về, tôi thấy mảnh giấy để trên bàn. Dì Xuyến dặn: "Cơm trong chạn, cháu cứ ăn rồi học bài. Dì có việc về qua nhà. Tối sẽ lên!". Đọc xong, tự dưng tôi thấy nao nao. Tôi nhớ mẹ. Tôi chẳng muốn ăn cơm, cũng chẳng muốn học bài. Suốt buổi chỉ ngồi bó gối ngóng ra đường chờ dì Xuyến. Tôi chờ mãi đến quá giờ cơm chiều dì Xuyến mới về. Hai dì cháu tôi hâm lại cơm nguội và ngồi ăn với nhau không một chút hào hứng. Tối hôm ấy, không hiểu sao tôi học mãi mà chẳng thuộc được chữ nào. Ngồi bên cạnh, dì Xuyến cứ mải làm cái gì đó như chẳng hề có tôi tồn tại trong phòng. Không hiểu ở nhà có chuyện gì không mà từ lúc về đến giờ dì chẳng nói với tôi một câu làm tôi đoán già đoán non mãi. Cuối cùng, tôi đành hỏi:
- Ở nhà có chuyện gì không hở dì?
Không ngẩng lên, dì hỏi lại:
- Chuyện gì là làm sao?
- Là bà ngoại, ông bà nội cháu, mẹ cháu có khoẻ cả không?
- Khoẻ.
- Chị Thuý có hay về không?
- Có.
Như những câu hỏi của tôi không làm dì bận tâm nên dì vẫn cắm cúi với công việc của mình. Hồi lâu, tôi lại hỏi:
- Dì, mẹ không nhắn gì cháu sao?
- Có đấy! - Dì đáp.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao dì không nói với cháu?
Dì Xuyến chậm rãi:
- Nhưng cháu không muốn nghe điều này.
- Sao dì biết?
- À, vì cháu đã không thích ở nhà mà lên đây với dì.
Tôi hiểu và im lặng. Dì Xuyến cũng im lặng. Tôi vờ như không quan tâm đến điều đó nên cúi đầu xuống trang vở nhưng rồi mãi cũng chẳng có chữ nào đọng lại trong đầu. Tôi chỉ nghe tiếng con mọt nghiến kèn kẹt trong một cái chân giường phía sát tường. Chắc con mọt này đã già lắm rồi nên tiếng nghiến gỗ rời rạc đứt ra thành từng đoạn ngắn, lúc to, lúc nhỏ. Tôi có cảm giác tiếng con mọt cứ chậm rãi, nhẫn nại nghiến tôi đứt dần ra từng đoạn làm tôi phải vén áo của mình lên xem. Cứ mãi như vậy, tôi không thể chịu nổi.
- Cháu muốn nghe, dì Xuyến ạ!
Dì Xuyến đến ngồi cạnh tôi, khe khẽ thở dài:
- Bố cháu, à ông ấy đang ốm. Nặng lắm! Chắc khó qua khỏi. Mẹ cháu muốn cháu về...
Dì chỉ nói vậy và đặt tay lên vai tôi bóp nhẹ rồi đứng dậy đi ra ngoài để lại tôi ngồi một mình với những con chữ nhảy múa lung tung trên trang vở.
Ông ấy ốm! Làm sao mà ốm! Lại còn chắc khó qua khỏi! Nghĩa là ông ấy đang phải cận kề bên cái chết. Ngay từ hôm về, ông ấy trông lọm khọm như người sáu bảy mươi tuổi, da dẻ lúc nào cũng vàng ệch như xát nghệ. Mẹ chăm mãi cũng chỉ có mỗi thằng bé là phổng phao lên được tí chút. Nó đã gần chín tuổi mà trông không bằng con người ta lên năm, lên sáu. Sao mà tôi ghét nó thế! Cho dù chưa lúc nào nó dám nhìn thẳng vào tôi. Đêm nằm cạnh dì Xuyến, tôi hỏi:
- Mẹ thằng bé có về không?
- Nó không còn mẹ! Nó chẳng có cậu, cũng chẳng có dì và cũng không còn ông bà ngoại...
Tôi bỗng thấy lạnh toát một bên người.
Hôm sau, tôi dạy sớm gói ghém bộ quần áo cho vào túi. Dì Xuyến lấy xe đạp lai tôi về. Nhà tôi có đông người qua lại. Tôi len lén lách moi người vào trong nhà sao cho không ai để ý đến sự có mặt của mình. Mẹ đang ngồi cạnh giường bón cho người ốm thìa nước cháo. Thằng bé đứng ở phía cuối giường. Nó như cũng đang cố thu nhỏ người lại. Thấy tôi vào, nó từ từ ngồi nép xuống đất như lẩn trốn. Người ốm chợt nhìn thấy tôi. Lần đầu tiên kể từ hôm ông ấy về, tôi nhìn thẳng vào mặt ông ấy với ánh mắt không giận dữ. Một vẻ gì bỗng bừng lên làm rạng rỡ gương mặt u tối, người ốm cố vươn cánh tay về phía tôi, nặng nhọc nói từng lời rời rạc:
- Thanh... con... tha... lỗi... cho... bố...
Nước mắt tôi bỗng túa ra. Người ốm vẫn nhìn tôi như cầu khẩn. Tôi khẽ gật đầu. Người ốm ngả hẳn đầu xuống gối, miệng hơi nhếch lên như mỉm cười rồi từ từ nhắm mắt. Ai đó kêu lên: "Thôi, ông ấy đi rồi!". Mẹ như đổ gục xuống cạnh giường. Thằng bé vụt qua mặt tôi, chồm lên giường ôm chặt lấy người ốm. Không ai nghe thấy tiếng nó khóc. Không ai giằng được nó ra khỏi giường. Một phút sững sờ, tôi bổ đến, ôm ghì lấy nó. Thằng bé bỗng quay hẳn người lại, rúc mặt vào ngực tôi. Nó khóc. Tiếng "Bố!" nghẹn đắng trong cổ tôi không sao thoát ra được.
° ° °
Sau đấy, mẹ vẫn lầm lụi sống nuôi ba chị em tôi. Thằng bé bắt đầu đi học. Về nhà, tôi dạy kèm cho nó để đuổi kịp bọn trẻ cùng tuổi. Tối đến, tôi rửa chân tay cho nó. Nó tin cậy chìa bàn chân ra cho tôi mà không sợ tôi bẻ gãy. Càng ngày, tôi càng thấy gắn bó với nó và nó cũng dần dần sống cởi mở với mọi người.
Dù muộn màng nhưng rồi dì Xuyến cũng lấy chồng. Chồng dì là một bác bộ đội trong ngày 22-12 hàng năm có huân huy chương đeo nặng cả ngực áo. Hình như dì chờ người ấy vì đấy không phải là ai xa lạ mà chính là bác Đông cùng làng. Chẳng hiểu bác là gì mà đi biền biệt mãi đến bây giờ mới về làng để làm đám cưới.
Tôi hỏi dì Xuyến:
- Sao người ta lại cứ phải lấy chồng, dì nhỉ?
Ôm ngang lưng tôi, dì Xuyến thở dài:
- Phận đàn bà, con ạ!
Hoàng Phương Nhâm
Đi học về, vừa bước vào sân tôi đã nhìn thấy mẹ lúi húi làm thịt gà ngoài giếng. Vẫn nguyên cặp sách trên lưng, tôi nhào đến cạnh mẹ, sung sướng và ngạc nhiên:
- A! Hôm nay được ăn cơm thịt gà rồi! Có sự kiện gì đặc biệt à mẹ?
Không như mọi bận, mẹ nói với giọng buồn buồn:
- Thôi, con vào cất sách vở đi rồi ra giúp mẹ một tay. Hôm nay nhà mình có khách.
Tôi vấn cố nèo một câu:
- Vị khách này chắc ở diện "đặc biệt quan trọng" phải không mẹ?
Mẹ không trả lời chỉ khẽ gật đầu và giục:
- Con có nhanh lên không nào!
Tôi nghĩ, chắc hôm nay chị Thuý đưa người yêu về trình diện với mẹ. Mấy hôm trước tôi đã nghe chị nói với mẹ như vậy. Nhưng hôm ấy, mẹ có vẻ vui hơn hôm nay nhiều. Sợ mẹ lại giục lần nữa, tôi chạy ào vào nhà và tôi sững sờ khi gặp một người đàn ông dáng khắc khổ, rụt rè đứng sau mành như đang đón đợi. Người đàn ông mà tôi đã thề là không bao giờ mong ngóng. Tôi căm thù ông ta. Người mà khi tôi mới lên sáu tuổi, tôi đã mài dao giấu dưới gối chờ ông quay lại. Tám năm trôi qua, nhiều khi tôi không còn nhớ đến con dao ấy nữa và cũng không hiểu nó biến mất từ lúc nào. Bây giờ bất ngờ nhìn thấy gương mặt này, cơn giận của tôi lại bừng bừng bốc lửa. Tôi không nghe người ấy nói gì mà quay ngoắt người chạy ra giếng. Mẹ tôi vẫn bình thản như chẳng có chuyện gì xảy ra.
- Mẹ! - Tôi gằn giọng - Ông ta về đây làm gì?
Mẹ tôi không trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ giục:
- Con nhanh lên còn ra giúp mẹ một tay nào!
Tôi vùng vằng:
- Nhưng mà...
Mẹ tôi nhẹ nhàng:
- Thôi nào, hộ mẹ tí đã rồi hẵng hay. Đi, con gái!
Vẫn vùng vằng, tôi miễn cưỡng đi vào. Tôi không vào nhà để cất cặp sách và thay quần áo vì không muốn nhìn thấy gương mặt người ấy, người đã làm cho mẹ con tôi khốn khổ trong bao nhiêu năm trời. Tôi quăng cặp sách lên mặt bể rồi vào bếp nấu cơm. Tôi cầm que cời đập vào cái thành xoong vô tội vì nó to hơn mọi bữa. Mẹ tôi vẫn không tỏ thái độ gì, vẫn như ngày xưa, nhẹ nhàng, ân cần với người ấy ngay cả khi người ta thú với mẹ rằng đã trót đem lòng yêu thương người đàn bà khác. Rằng đã lỡ sắp có con với người ta. Khi đó, tôi đang chuẩn bị đi học lớp Một.
Dì Xuyến kể, trước đây tôi cũng có một người bố. Bố của tôi là một người rất tuyệt vời. Bố yêu mẹ khi cả hai người còn đang học cấp ba trường huyện. Hồi ấy, những người bạn của bố và mẹ đều ao ước có một mối tình như thế. Bố đi bộ đội, mẹ vào học trường trung cấp nông nghiệp tỉnh. Sau năm năm ở bộ đội, bố chuyển sang công tác tại Sở Giao thông vận tải với một chức vụ nhiều người mơ ước. Bố mẹ cưới nhau và một năm sau, chị Thuý được sinh ra trong ánh hào quang rực rỡ của tình yêu. Lúc đón mẹ và chị Thuý từ nhà hộ sinh về, bố nâng chị giơ lên khoe với mọi người, vụng về đến nỗi làm chị đau, chị oa oa khóc rồi tè ướt cả ngực áo bố. Mọi người cười ngả nghiêng. Bố lấy làm hãnh diện vì điều đó nên trước khi trao chị Thuý cho mẹ,Õ bố còn âu yếm thơm lên khuôn mặt nhăn nheo của chị. Dù sao thì chị Thuý cũng vẫn còn có những tháng năm sung sướng. Chị được sự yêu chiều cả bố lẫn mẹ. Sau này, chị kể cho tôi nghe rằng, dù trời nắng nóng đến mấy mỗi khi đi làm về, bố không kịp thay quần áo đã bò ra nhà làm ngựa cho chị nhong nhong trên lưng. Những ngày nghỉ, bố chẳng mấy khi đi đâu mà chỉ quanh quẩn ở nhà cho mẹ sai vặt và làm cho chị những đồ chơi tinh xảo như được mua từ cửa hàng về vậy. Chị Thuý lớn dần, chị càng lớn bố càng có vẻ bận việc và ít về nhà hơn và nếu có về cũng chỉ ghé vội qua nhà, để lại cho hai mẹ con ít tiền hay một vài thứ đồ dùng gì đó rồi lại đi luôn chứ không nghỉ qua đêm ở nhà. Năm chị Thuý lên sáu tuổi, bố tôi về nghỉ ở nhà hẳn một ngày. Bố có vẻ buồn buồn và dường như có điều gì đấy định nói với mẹ mà không nói được. Mẹ thì vẫn dịu dàng chăm sóc bố. Thấy bố buồn, mẹ càng yêu thương bố hơn. Chiều đến, bố bắt gặp mẹ lặng lẽ khóc trong bếp và thế là đêm ấy bố ở lại. Dì Xuyến bảo, tuổi của tôi phải bắt đầu tính từ đêm hôm ấy. Khi có tôi, những đồ chơi bố làm cho chị Thuý dạo nào chị chỉ giữ lại một con búp bê gỗ còn chị cho tôi tất cả vì khi ấy bố đã chuyển công tác đi nơi xa ít khi về nhà được. Từ khi ấy mẹ tôi trở nên trầm lặng hơn trước nhưng đối với mọi người trong nhà, mẹ lại tỏ ra ân cần hơn. Ông bà nội ngoại của chúng tôi đều đã già cả. Dì Xuyến lại đi học xa, mẹ tôi như con thoi đi về cả hai bên. Còn bố tôi thì cứ đi công tác biền biệt mãi, nhiều năm, tết đến bố cũng không về, thư từ cũng chẳng có. Một mình mẹ tất bật sắm sửa mọi thứ để cả nhà đón năm mới như mọi nhà khác. Mẹ bảo, bố không về được là vì bận công tác đặc biệt. Mẹ đưa chị em tôi đi tết hết bên nội rồi bên ngoại. Hồi ấy, cả chị Thuý và tôi đều còn bé, chúng tôi còn mải vui với những bộ quần áo mới, với những đồng tiền mừng tuổi và nhiều thứ khác trong dịp tết nên nỗi buồn thiếu vắng bố chỉ thoáng qua. Chúng tôi luôn yên chí rằng bố đang bận một công việc gì đó quan trọng lắm. Thú thật, lúc đó có ai hỏi về bố, tôi còn lấy làm hãnh diện, vênh mặt mà trả lời rằng: "Bố cháu đi công tác!" và tôi nghĩ họ sẽ hiểu rằng công việc ở cơ quan mà thiếu bố thì sẽ hỏng bét, không thể có người thứ hai thay thế được bố! Điều đó làm cho tôi tự hào vì tôi là con gái của một người như thế.
Năm tôi lên sáu tuổi, mẹ và chị Thuý đưa tôi đi học lớp Một. Trước khi vào lớp, tôi hỏi:
- Mẹ! Đây là một sự kiện quan trọng đối với con phải không?
Mẹ nhìn tôi mỉm cười:
- Ai bảo con vậy?
- Chị Thuý!
Mẹ âu yếm xoa đầu tôi:
- Chị Thuý nói đúng đấy con ạ! Hôm nay đối với con thật quan trọng vì con bắt đầu đi học.
Tôi vội ngắt lời:
- Vậy mà bố không có ở đây với con. Tiếc quá!
Mẹ không nói gì. Chị Thuý quát khẽ:
- Thôi, nói năng lung tung thế đủ rồi. Vào lớp đi chẳng bọn chúng nó ngồi hết chỗ!
Chị khẽ ẩy vào vai tôi. Tôi chạy đi nhưng vẫn ngoái đầu lại nhìn mẹ và chị Thuý. Tôi thấy mẹ gật đầu mỉm cười. Nụ cười ấy không tươi như lúc trước. Khi ấy, tôi không hiểu gì và tôi cũng không quan tâm lắm đến mọi chuyện xung quanh, vì tôi còn đang mải nghĩ đến những đứa bạn mới ngồi bên cạnh và nghĩ đến những trò chơi mới đang đợi ở sân trường.
Gần tết năm ấy bố tôi về ở nhà vài hôm. Cả tôi và chị Thuý đang thích mê đi vì những món quà tết của bố cho và những bộ quần áo còn thơm mùi vải mới. Nhưng còn già nửa tháng nữa mới đến tết, chúng tôi lại cất tất cả những thứ đó vào tủ để dành. Đi học về, tôi quấn quýt với bố, kể cho bố nghe tất cả những chuyện của mình ở nhà, ở lớp nhưng bố cứ ậm ừ cho qua chuyện làm tôi thấy chán. Hình như bố đang có điều gì khó xử và giữa bố và mẹ có chuyện gì đó muốn giấu không cho cho chị em tôi biết nên hai người đang nói chuyện hễ thấy chúng tôi lại dừng. Mẹ như muốn nuốt tiếng thở dài vào bụng. Đêm ấy, chúng tôi đi ngủ đã lâu, tôi chợt thức giấc vì mót đi tiểu. Nhìn ra nhà ngoài thấy đèn vẫn sáng, tôi định gọi mẹ, bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng sụt sịt. Hình như mẹ khóc. Tôi ngạc nhiên. Sao mẹ lại khóc? Vẫn im lặng. Một lúc sau, mẹ hỏi:
- Thế mình định bao giờ đi?
Tiếng bố khàn khàn, nặng nhọc:
- Cũng không thể nấn ná được nữa... Cô ấy sắp đến ngày sinh... Đợt này lên chắc tôi không còn được làm việc ở cơ quan nữa... Tôi cũng không còn là đảng viên... Mình với các con tha lỗi cho tôi. Tôi không thể giấu mình và các con mãi được...
Tiếng mẹ run run nhưng có vẻ đã lấy lại được sự bình tĩnh:
- Tôi xin mình đừng nói cho các con biết. Cứ để sau này chúng lớn đã... Mình nói với tôi thế là được rồi...
Giọng nói của mẹ tắc nghẹn trong im lặng. Tôi nằm cứng đơ như khúc gỗ không phải vì mót tiểu mà vì ức lên tận cổ. Tôi đã lờ mờ đoán được chuyện gì sắp xảy ra. Thì ra, lâu nay bố không về với mẹ con tôi vì đã đi theo người đàn bà khác. Bố đã bỏ mẹ con tôi, không còn yêu thương chúng tôi vì bố sắp có một đứa con khác. Tất cả những điều tốt đẹp về bố bỗng vỡ oà trước mắt tôi. Thương mẹ bao nhiêu tôi lại căm bố bấy nhiêu. Trong tôi chợt bùng cháy dữ dội một ý nghĩ, không thể để cho ông ấy đi với người khác, không một đứa trẻ nào được làm con ông ấy nữa. Tôi phải giết ông ấy ngay đêm nay! Phải, ngay đêm nay!
Mãi lâu tôi mới nghe thấy tiếng mở mành, chắc ai đó đã đi ra sân, tôi vờ ngái ngủ gọi: Mẹ ơi! Mẹ chạy vào. Tôi vờ nhõng nhẽo đòi đi tiểu. Mẹ vén màn cho tôi ra. Tôi không đi tiểu mà lẻn vào bếp mò mẫm mãi mới nhặt được con dao tôi vẫn dùng thái các thứ lá để chơi bán hàng. Tôi vội giắt trong cạp quần đem vào giấu dưới gối rồi đi nằm. Tôi chờ cho ông ấy ngủ sau.
Sáng hôm sau, tôi giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng chị Thuý hỏi:
- Có chuyện gì thế mẹ? Sao mắt mẹ lại sưng mọng thế kia? Nhện nó đái vào mắt mẹ à?
Tôi chạy bổ ra ngoài thấy mẹ lắc đầu cười. Mẹ nói:
- Là bố con không thể ở nhà ăn tết cùng mẹ con mình được!
- Thế bố đâu rồi, mẹ?
- Bố đã đi cho kịp chuyến tàu.
Tôi sững sờ nhìn mẹ và chưa bao giờ thấy mẹ cười mà buồn đến vậy! Chị Thuý nhìn tôi, bịt mũi cười ngặt nghẽo:
- Mẹ! Mẹ nhìn nó kìa!
Tôi vội sờ tay xuống thấy quần mình còn ẩm và có mùi khai. Tôi không cười mà bật khóc nức nở vì đã để ông ấy đi mất. Mẹ không cười nữa, kéo tôi vào lòng, bảo:
- Thôi, để mẹ lấy quần khác thay cho con rồi còn đi học chứ!
Tôi vùng vằng:
- Con không đi học nữa đâu!
Mẹ dỗ dành:
- Ấy không. Không đi học sao được! Nào chị Thuý lấy bộ quần áo khác để mẹ thay cho em rồi dẫn em đi học kẻo muộn!
Tôi gào lên:
- Không đi học! Không đi học!
Tôi giằng lấy bộ quần áo từ tay chị Thuý đưa lên miệng nhe răng cắn xé. Chị Thuý lùi lại, kêu lên:
- Mẹ ơi! Nó điên thật rồi!
Lúc ấy, tôi điên thật. Trong tay tôi không phải là bộ quần áo mà là người đàn ông ấy. Mẹ bế tôi lên vỗ về âu yếm. Tôi ôm ghì lấy cổ mẹ và tấm tức khóc. Hôm ấy, ngồi trong lớp đầu óc tôi quay cuồng. Tôi không thể cầm bút viết nổi một con chữ nào trong giờ tập viết. Người tôi nóng hầm hập. Cô giáo phải dừng giờ dạy ở lớp để đưa tôi sang trạm xá. Đợt ấy, tôi ốm đến qua tết mới khỏi. Những ngày nằm bẹp trên giường, tôi chỉ mơ thấy cầm dao đuổi theo người đàn ông ấy.
Bẵng đi gần chục năm, tôi đã coi như quên người ấy. Trong cuộc sống của mẹ con tôi, tôi cố tìm mọi cách để không còn hình bóng gì của người ấy nữa. Tôi đã cố xoá nhoà những kỷ niệm buồn trong quá khứ. Chị Thuý đã đi làm ở phòng nông nghiệp huyện và đã có người yêu. Người yêu của chị Thuý phải công nhận là đẹp trai, có tài kể chuyện, lại rất khéo tay, làm việc gì cũng được. Chị Thuý yêu anh, ngưỡng mộ anh như thần tượng. Chị luôn thấy mình nhỏ bé trước anh. Còn tôi, tôi cứ thấy có gì gờn gợn trong ánh mắt, nụ cười của con người hào hoa ấy.
° ° °
Nồi cơm sôi trào xuống bếp gio, tôi vội lấy que cời xâu vào quai vung xoong để mở ra cho khỏi trào. Một mùi thơm giống như hương cốm mới ngào ngạt cả gian bếp. Mùi thơm của gạo tám. Tôi bỗng nhớ đến những bữa cơm thời xa xưa, khi mà tôi còn bé tí. Những lúc ấy tôi được ngồi trong lòng người đàn ông còn trai trẻ và thoả sức thò tay bốc nhón những thứ mình thích trong mâm mà không sợ bị mẹ đánh vào tay. Mùi thơm này lâu lắm rồi tôi không được ngửi, bởi vì sức mẹ chỉ đủ nuôi chị em tôi bằng hạt gạo khô xác, nở như bông, không còn cả mùi của cám. Nhìn những hạt gạo trắng bóng cười trong nồi tôi bỗng thấy tủi thân, nước mắt giàn giụa trên má. Những giọt nước mắt xót thương cho chính ba mẹ con tôi. Đến trưa, chị Thuý đi làm về cũng ngạc nhiên, ô a kêu lên như tôi khi thấy mâm cơm thịnh soạn đặt trên bàn. Chị còn thò tay nhón một miếng thịt gà rang bày trên đĩa bỏ vào miệng vừa nhai vừa cười khúc khích khi bị mẹ mắng. Lúc biết người khách về nhà mình là ai, chị chỉ thốt lên: "Thế ư mẹ?". Hình như chị còn chạy vào nhà chào người ấy. Về sau, tôi trách chị, chị bảo: "Là tao muốn xem ông ấy bây giờ thế nào thôi". Lúc sắp cơm ra tôi mới biết, ông ấy không về một mình mà còn đem theo một đứa con trai chừng sáu bảy tuổi. Thằng bé gày gò, ngơ ngác, vẻ sợ sệt hiện rõ trên nét mặt của nó và lúc nào nó cũng nép sau lưng ông ấy. Tôi nhìn nó bằng ánh mắt căm thù. Chính nó là kẻ đã cướp mất bố của tôi. Tôi căm nó và chỉ muốn tiện chân cho nó một cú đá "thọt dái lên cổ" mới bõ hận. Sắp xong bữa, mẹ vào nhà dắt thằng bé ra giếng, lấy khăn mặt của mình rửa ráy cho nó. Thằng bé có vẻ sợ hãi cứ cúi gằm mặt nhìn xuống đất. Mẹ vừa rửa vừa tỉ tê nói với nó điều gì đó như dỗ dành. Tôi đi ra giếng định sẽ cho nó một câu gì để bõ tức, nhưng gặp ánh mắt đau đáu như van xin của mẹ nhìn tôi nên lại thôi. Mẹ vén ống quần của thằng bé lên. Khiếp, chân với cẳng gì mà như hai cái ống nứa tép. Tôi chỉ gạt mạnh một cái là gãy. Những ngón tay mẹ nhè nhẹ kỳ vết đất bám quanh cổ chân thằng bé đầy vẻ xót xa. Ngày xưa, mẹ cũng kỳ cọ chân cho tôi như vậy. Sao bây giờ mẹ lại cũng rửa chân cho thằng bé như đã rửa cho tôi? Mẹ đang san sẻ tình thương của tôi sang cho nó. Cho cái thằng đã cướp mất bố của tôi. Uất ức tôi huỳnh huỵch chạy vào trong bếp.
Bữa trưa hôm ấy tôi định không ăn cùng mọi người. Tôi kêu đau bụng. Mẹ năn nỉ mãi tôi mới miễn cưỡng ngồi xuống góc chiếu. Mẹ xới cơm cho cả nhà, ân cần giục mọi người ăn cho nóng. Tôi để ý thấy mẹ vẫn điềm đạm như mọi ngày. Mẹ với tay sang phía bên kia mâm lấy chai rượu rót ra chén nâng bằng cả hai tay đặt xuống trước mặt ông ấy. Đã lâu lắm trong nhà tôi mới có hơi rượu cay nồng ngào ngạt trong bữa ăn. Mẹ gắp cái đầu gà luộc đặt vào bát cho ông ấy rồi giục khẽ:
- Mình uống rượu đi! Rượu nhà nấu đấy mà. Mình uống thử xem có ngon không?
Chị Thuý thật thà:
- Lâu lắm rồi mẹ chỉ nấu rượu để bán mà không để lại chai nào.
Tôi không cần giữ ý, sẵng giọng:
- Để lại cho ai uống mà để!
Ông ấy vừa nhấc chén rượu lên lại run run đặt xuống mâm. Hình như ông ấy khóc. Khóc mà không hề có nước mắt chảy ra như tôi vẫn khóc. Làm như không có chuyện gì, mẹ đưa tay đón thằng bé đang ngồi nép cạnh ông ấy sang để cho nó ngồi vào lòng mình, xé thịt gà cho nó ăn. Thằng bé muốn chết ngẹn nhưng thi thoảng nó vẫn liếc nhìn tôi đầy vẻ sợ sệt. Mỗi lần thấy nó nhìn mình, tôi lại trợn mắt thầm dọa: "Đợi đấy, rồi tao sẽ cho mày biết tay!". Thằng bé vẫn lén nhìn trộm tôi và vẫn nuốt vội những miếng thịt gà to tướng. Chắc lâu lắm nó mới được ăn bữa cơm như thế này. Nó có biết đâu rằng chị em tôi cũng không hơn gì nó.
Hôm sau, lúc ngồi xem mẹ cất rượu, tôi hỏi:
- Bao giờ ông ấy đi, mẹ?
- Cũng lâu lâu, con ạ!
Tôi giận dỗi:
- Giữ ông ấy lại làm gì? Đây không còn là nhà của ông ấy nữa!
Mẹ giận dữ vung tay mạnh về phía tôi. Tôi nhắm mắt chờ đội một cái tát nhưng mẹ lại buông thõng bàn tay xuống và ghé mắt vào cửa bếp thổi lửa. Tôi đứng dậy ấm ức bỏ ra ngoài. Nếu tôi là mẹ, tôi đã kéo chà rào rấp ngõ từ lâu. Đằng này... Tự nhiên, từ thương mẹ, tôi đâm giận lây cả mẹ. Chị Thuý thì cứ vô tư vùi đầu vào công việc và say mê với tình yêu của mình để mặc cho mỗi mình tôi với nỗi ấm ức không có cách nào giải toả. Ông ấy thì hầu như suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong nhà, thằng bé cứ bám riết lấy ông ấy như con chó trung thành với chủ. Nó luôn nhìn mọi người với con mắt sợ sệt. Mẹ lúc nào cũng ngọt ngào với nó mà nó có vẻ vẫn sợ. Còn tôi, chỉ chờ dịp là tìm cách hăm doạ nó, chí ít là tôi cũng trợn mắt lên. Có lần tôi vờ vô ý dẫm chân lên nó. Nó đau đến chảy nước mắt mà không dám hé răng kêu một tiếng. Nhưng thực ra tôi cũng chẳng khoái gì với việc đó. Ánh mắt của thằng bé và sự lặng lẽ của ông ấy chỉ làm tôi cảm thấy nặng nề thêm. Tôi thấy mình cô đơn ngay trong nhà mình. Tôi nhìn ai cũng với vẻ cảnh giác, xa lạ. Gặp ánh mắt say đắm của ông anh rể tương lai nhìn chị Thuý, tôi cũng thấy đằng sau đó có ẩn chứa một điều gì đó đầy sự bất trắc. Dì Xuyến thì mãi vẫn không lấy chồng làm cho bà ngoại lo lắng đến phát bệnh. Bà mắng, dì cười trừ nói là sợ đàn ông. Tôi thì không sợ mà tôi ghét, tôi hận họ.
Chiều thứ bảy, tan học, tôi tìm đến chỗ dì Xuyến làm. Tôi ở với dì suốt ngày chủ nhật và xin dì cho tôi ở với dì ít hôm. Dì phải nhờ người nhắn về nhà cho mẹ khỏi lo. Dì còn hứa cho tôi mượn xe đạp để đi học. Tôi hỏi dì bao nhiêu là chuyện. Chỉ riêng chuyện về ông ấy là tôi tránh. Là người tế nhị, dì cũng không hề đả động đến chuyện trở về của ông ấy, chuyện mà cả làng tôi ở chỗ nào cũng thấy người ta xì xào bàn tán. Từ chỗ dì Xuyến làm đến trường học của tôi cách khoảng sáu bảy cây số. Dì Xuyến bảo nếu tôi đủ sức đạp xe hơn chục cây số đi về mỗi ngày thì tôi có thể muốn ở với dì bao lâu cũng được, dì sẽ xin mẹ cho. Tôi ôm lấy cổ dì. Dì đẩy tôi ra, dí ngón tay vào trán tôi, mắng: "Còn bé lắm đấy!". Tôi cười, dụi mặt vào ngực dì. Tôi thấy mùi dì cũng thơm như mùi mẹ. Tối tối, tôi ngồi học bài, bên cạnh dì Xuyến ngồi loay hoay may vá. Tôi khoái chí nghĩ, không lấy chồng như dì Xuyến lại hoá hay. Sau này, tôi cũng sẽ sống như dì Xuyến. Có tôi, dì có vẻ vui hơn. Lúc rảnh rỗi hai dì cháu tôi lại kéo nhau đi chợ, dù đi chả để mua sắm thứ gì. Tôi cũng nguôi dần chuyện ông ấy nên hàng tháng liền dì cháu tôi không nghĩ đến chuyện về nhà. Tôi lại chuyên tâm cho việc học và thi thoảng lại có thể khe khẽ cất lên những câu hát vu vơ.
Một hôm đi học về, tôi thấy mảnh giấy để trên bàn. Dì Xuyến dặn: "Cơm trong chạn, cháu cứ ăn rồi học bài. Dì có việc về qua nhà. Tối sẽ lên!". Đọc xong, tự dưng tôi thấy nao nao. Tôi nhớ mẹ. Tôi chẳng muốn ăn cơm, cũng chẳng muốn học bài. Suốt buổi chỉ ngồi bó gối ngóng ra đường chờ dì Xuyến. Tôi chờ mãi đến quá giờ cơm chiều dì Xuyến mới về. Hai dì cháu tôi hâm lại cơm nguội và ngồi ăn với nhau không một chút hào hứng. Tối hôm ấy, không hiểu sao tôi học mãi mà chẳng thuộc được chữ nào. Ngồi bên cạnh, dì Xuyến cứ mải làm cái gì đó như chẳng hề có tôi tồn tại trong phòng. Không hiểu ở nhà có chuyện gì không mà từ lúc về đến giờ dì chẳng nói với tôi một câu làm tôi đoán già đoán non mãi. Cuối cùng, tôi đành hỏi:
- Ở nhà có chuyện gì không hở dì?
Không ngẩng lên, dì hỏi lại:
- Chuyện gì là làm sao?
- Là bà ngoại, ông bà nội cháu, mẹ cháu có khoẻ cả không?
- Khoẻ.
- Chị Thuý có hay về không?
- Có.
Như những câu hỏi của tôi không làm dì bận tâm nên dì vẫn cắm cúi với công việc của mình. Hồi lâu, tôi lại hỏi:
- Dì, mẹ không nhắn gì cháu sao?
- Có đấy! - Dì đáp.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao dì không nói với cháu?
Dì Xuyến chậm rãi:
- Nhưng cháu không muốn nghe điều này.
- Sao dì biết?
- À, vì cháu đã không thích ở nhà mà lên đây với dì.
Tôi hiểu và im lặng. Dì Xuyến cũng im lặng. Tôi vờ như không quan tâm đến điều đó nên cúi đầu xuống trang vở nhưng rồi mãi cũng chẳng có chữ nào đọng lại trong đầu. Tôi chỉ nghe tiếng con mọt nghiến kèn kẹt trong một cái chân giường phía sát tường. Chắc con mọt này đã già lắm rồi nên tiếng nghiến gỗ rời rạc đứt ra thành từng đoạn ngắn, lúc to, lúc nhỏ. Tôi có cảm giác tiếng con mọt cứ chậm rãi, nhẫn nại nghiến tôi đứt dần ra từng đoạn làm tôi phải vén áo của mình lên xem. Cứ mãi như vậy, tôi không thể chịu nổi.
- Cháu muốn nghe, dì Xuyến ạ!
Dì Xuyến đến ngồi cạnh tôi, khe khẽ thở dài:
- Bố cháu, à ông ấy đang ốm. Nặng lắm! Chắc khó qua khỏi. Mẹ cháu muốn cháu về...
Dì chỉ nói vậy và đặt tay lên vai tôi bóp nhẹ rồi đứng dậy đi ra ngoài để lại tôi ngồi một mình với những con chữ nhảy múa lung tung trên trang vở.
Ông ấy ốm! Làm sao mà ốm! Lại còn chắc khó qua khỏi! Nghĩa là ông ấy đang phải cận kề bên cái chết. Ngay từ hôm về, ông ấy trông lọm khọm như người sáu bảy mươi tuổi, da dẻ lúc nào cũng vàng ệch như xát nghệ. Mẹ chăm mãi cũng chỉ có mỗi thằng bé là phổng phao lên được tí chút. Nó đã gần chín tuổi mà trông không bằng con người ta lên năm, lên sáu. Sao mà tôi ghét nó thế! Cho dù chưa lúc nào nó dám nhìn thẳng vào tôi. Đêm nằm cạnh dì Xuyến, tôi hỏi:
- Mẹ thằng bé có về không?
- Nó không còn mẹ! Nó chẳng có cậu, cũng chẳng có dì và cũng không còn ông bà ngoại...
Tôi bỗng thấy lạnh toát một bên người.
Hôm sau, tôi dạy sớm gói ghém bộ quần áo cho vào túi. Dì Xuyến lấy xe đạp lai tôi về. Nhà tôi có đông người qua lại. Tôi len lén lách moi người vào trong nhà sao cho không ai để ý đến sự có mặt của mình. Mẹ đang ngồi cạnh giường bón cho người ốm thìa nước cháo. Thằng bé đứng ở phía cuối giường. Nó như cũng đang cố thu nhỏ người lại. Thấy tôi vào, nó từ từ ngồi nép xuống đất như lẩn trốn. Người ốm chợt nhìn thấy tôi. Lần đầu tiên kể từ hôm ông ấy về, tôi nhìn thẳng vào mặt ông ấy với ánh mắt không giận dữ. Một vẻ gì bỗng bừng lên làm rạng rỡ gương mặt u tối, người ốm cố vươn cánh tay về phía tôi, nặng nhọc nói từng lời rời rạc:
- Thanh... con... tha... lỗi... cho... bố...
Nước mắt tôi bỗng túa ra. Người ốm vẫn nhìn tôi như cầu khẩn. Tôi khẽ gật đầu. Người ốm ngả hẳn đầu xuống gối, miệng hơi nhếch lên như mỉm cười rồi từ từ nhắm mắt. Ai đó kêu lên: "Thôi, ông ấy đi rồi!". Mẹ như đổ gục xuống cạnh giường. Thằng bé vụt qua mặt tôi, chồm lên giường ôm chặt lấy người ốm. Không ai nghe thấy tiếng nó khóc. Không ai giằng được nó ra khỏi giường. Một phút sững sờ, tôi bổ đến, ôm ghì lấy nó. Thằng bé bỗng quay hẳn người lại, rúc mặt vào ngực tôi. Nó khóc. Tiếng "Bố!" nghẹn đắng trong cổ tôi không sao thoát ra được.
° ° °
Sau đấy, mẹ vẫn lầm lụi sống nuôi ba chị em tôi. Thằng bé bắt đầu đi học. Về nhà, tôi dạy kèm cho nó để đuổi kịp bọn trẻ cùng tuổi. Tối đến, tôi rửa chân tay cho nó. Nó tin cậy chìa bàn chân ra cho tôi mà không sợ tôi bẻ gãy. Càng ngày, tôi càng thấy gắn bó với nó và nó cũng dần dần sống cởi mở với mọi người.
Dù muộn màng nhưng rồi dì Xuyến cũng lấy chồng. Chồng dì là một bác bộ đội trong ngày 22-12 hàng năm có huân huy chương đeo nặng cả ngực áo. Hình như dì chờ người ấy vì đấy không phải là ai xa lạ mà chính là bác Đông cùng làng. Chẳng hiểu bác là gì mà đi biền biệt mãi đến bây giờ mới về làng để làm đám cưới.
Tôi hỏi dì Xuyến:
- Sao người ta lại cứ phải lấy chồng, dì nhỉ?
Ôm ngang lưng tôi, dì Xuyến thở dài:
- Phận đàn bà, con ạ!