PDA

View Full Version : Tác giả công trình Thụ thai trong ống nghiệm



Nhan
10-06-2010, 06:05 AM
đoạt giải Nobel Y Khoa 2010

PSN - 5.10.2010 | Tin tổng hợp
Giải Nobel Y Khoa đã được trao tặng cho nhà khoa học người Anh đi tiên phong trong lĩnh vực thụ thai trong ống nghiệm, tức in-vitro fertilization (gọi tắt là IVF), một thủ tục đã giúp đưa đến sự thụ thai và ra đời của 4 triệu người trên khắp thế giới, kể từ khi Louise Brown, thai nhi đầu tiên hình thành trong ống nghiệm, ra đời năm 1978.


Giáo sư Robert Edwards, khoa học gia người Anh đi tiên phong trong lĩnh vực thụ thai trong ống nghiệm,
ngồi cùng hai em bé ra đời nhờ phương pháp này, Sophie và Jack Emery,
tại sinh nhật thứ hai của họ ở London, 20/7/1998. (AP).

“Đại Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska hôm nay quyết định trao Giải Nobel 2010 về sinh lý học hoặc y khoa cho ông Robert Edwards về công lao của ông trong việc phát triển lĩnh vực thụ thai trong ống nghiệm.”

Robert Edwards là giáo sư của trường đại học Cambridge, năm nay 85 tuổi, bắt đầu dò dẫm kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm (gọi tắt IVF) từ đầu thập niên 1950 - ông Edwards phát triển phương pháp này với sự hợp tác của chuyên gia sản phụ khoa Patrick Steptoe (cùng là công dân Anh, đã qua đời năm 1988), lấy trứng của phụ nữ, cho thụ tinh bên ngoài cơ thể, rồi đưa vào buồng trứng.

Ngày 25-7-1978, Louise Brown là người đầu tiên ra đời bằng phương pháp này, đánh dấu 1 cuộc cách mạng trong phương pháp chữa bệnh hiếm muộn.

Ủy ban Nobel ghi công IVF như là giải pháp chữa bệnh hiếm muộn, là điều kiện y khoa ảnh hưởng trên 10% các cặp vợ chồng khắp thế giới - bản tuyên dương của ủy ban cho hay khoảng 4 triệu người đã chào đời bằng phương pháp IVF - viễn kiến của giáo sư Edwards là hiện thực đã mang lại niềm vui cho những người hiếm muộn khắp thế giới.

2 khoa học gia Edwards và Steptoe đã thành lập 1 dưỡng đuờng IVF tại Bourn Hall (Cambridge) năm 1980. Ngày nay, khả năng có con sau 1 chu kỳ IVF là 1/5, tương đương cơ hội đậu thai tự nhiên của những đôi vợ chồng bình thường.

Năm 2005, khi Louise Brown mừng sinh nhật thứ 25, ông Edwards tuyên bố "Sự ra đời của cô có ý nghĩa rất nhiều - chúng tôi đã phải đấu tranh chống lại nhiều phản đối - nhưng chúng tôi có những ý niệm tin là hiệu quả, và đúng là hiệu quả". Cô Brown, nay 32 tuổi, đang làm việc bưu điện tại Bristol, năm 2007 đã sinh đưá con đầu, là trai, thụ thai tự nhiên.

Vatican đã chỉ trích Ủy ban trao giải Nobel của Thụy Điển đã trao giải Y học cho nhà khoa học người Anh đi đầu về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Liên đoàn các Hiệp hội Y khoa Công giáo, đặt trụ sở ở Vatican, hôm thứ Ba nói rằng công trình của ông Robert Edwards đã dẫn đến tàn phá và buôn bán các phôi. Vatican đã phổ biến thông cáo của liên đoàn này, tỏ vẻ thất vọng trước sự chọn lựa của ủy ban trao giải, vì trao giải như vậy chẳng khác nào xem các phôi là “món hàng hóa”.

Nhà khoa học Edwards nói rằng công việc của ông là một dấu mốc trong y khoa hiện đại. Tại trường đại học Lund (Thụy Điển), trưởng ban nghiên cứu tái sinh sản Aleksander Giwercman cho biết IVF cũng là công cụ hữu ích cho các lãnh vực khác, gồm nghiên cứu về ung thư và tế bào gốc, bởi nhiều bệnh có nguồn gốc từ giai đoạn đầu của sự sống, là lúc thụ tinh.

Tại Pháp, các cặp đồng tính nữ không được phép sử dụng tinh trùng của người hiến tặng. Tại Anh, phụ nữ không được trả nhiều hơn 384 đôla để hiến trứng của mình. Đức và Ý cả hai nước đều cấm việc đông lạnh phôi đã thụ tinh.

Sau loan báo của Đại hội đồng Nobel, ông Christer Hoog, một thành viên của ủy ban Giải Nobel Y Khoa, đã nhắc nhở đến vụ tranh cãi kéo dài nhiều thập niên nay. “Đây là một phương pháp có hiệu quả. Nó được quy định theo những hướng dẫn nghiêm ngặt về đạo đức và những cuộc nghiên cứu dài hạn đã chứng minh rằng những đứa trẻ sinh ra qua phương pháp IVF, cũng mạnh khỏe như những đứa trẻ khác.”

Giải Y Khoa là một trong những giải Nobel năm 2010 đầu tiên được loan báo. Trong những ngày tới, các giải khác sẽ được loan báo, như Giải Nobel Vật Lý vào ngày thứ Ba, Giải Hóa Học ngày thứ Tư, Giải Văn Học sẽ được loan báo vào ngày thứ Năm, Giải Nobel Hòa Bình vào ngày thứ Sáu, và Giải Nobel Kinh Tế vào ngày thứ Hai, 11 tháng 10.



Nguồn: Phusa