PDA

View Full Version : 29 trẻ em Nigeria có thể bị tử hình vì biểu tình chống đối khủng hoảng



giahamdzui
11-04-2024, 12:23 AM
29 trẻ em Nigeria có thể bị tử hình vì biểu tình chống đối khủng hoảng





ABUJA, Nigeria (NV) – Hai mươi chín đứa trẻ Nigeria có thể phải đối diện với án tử hình sau khi bị xét xử hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Mười Một vì tham gia biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cao kỷ lục tại quốc gia Tây Phi. Chưa kịp nhận tội thì đã có bốn đứa trẻ ngã quỵ tại tòa vì sức cùng lực kiệt.

Tổng cộng 76 người biểu tình bị buộc 10 trọng tội, gồm có phản quốc, phá hoại tài sản, gây rối trật tự trị an và nổi loạn, theo bản cáo trạng hãng tin AP thu thập được.

Những đứa trẻ vị thành niên bị xét xử có độ tuổi từ 14 tới 17, theo bản cáo trạng.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/GettyImages-2035176334-scaled.jpg

Người biểu tình trước Quốc Hội Nigeria ở Abuja ngày 27 Tháng Hai, 2024 (Hình: KOLA SULAIMON/AFP/Getty Images)

Ngán ngẩm vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt, dân Nigeria đổ ra đường biểu tình rầm rộ trong những tháng gần đây. Tháng Tám vừa qua, ít nhất 20 người bị bắn chết cùng hàng trăm người khác bị bắt giữ trong một cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ tạo ra thêm cơ hội và công ăn việc làm cho những người trẻ tuổi.

Trong những năm 1970, Nigeria từng đưa ra bản án tử hình, nhưng quốc gia Phi Châu này chưa từng chứng kiến vụ hành quyết nào từ 2016.

Akintayo Balogun, một luật sư tư nhân hành nghề tại Abuja, cho biết Đạo Luật Quyền Trẻ Em không cho phép chính phủ thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự và kết án tử hình bất kỳ trẻ em nào tại Nigeria

“Ngay từ đầu, hành động xét xử trẻ vị thành niên tại tòa án liên bang cấp cao đã là sai trái, trừ phi chính phủ có thể chứng minh rằng tất cả các nam thiếu niên đều trên 19 tuổi,” Balogun cho biết.

Cuối cùng, tòa án ban hành 10 triệu naira ($5,900) tiền bảo lãnh cho mỗi bị cáo và áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt nhưng họ vẫn chưa đáp ứng được, Cảnh Sát Tư Pháp Abubakar, cố vấn của một số bé trai, cho biết.

“Một quốc gia biết cách giáo dục trẻ em cũng sẽ biết cách đưa ra quyết định liệu có nên trừng phạt những đứa trẻ đó hay không. Những đứa trẻ này bị tống giam và đã nhịn đói nhịn khát suốt 90 ngày,” Abubakar cho biết.

Yemi Adamolekun, giám đốc điều hành Enough is Enough, một tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy phẩm chất quản trị tại Nigeria, cho biết các viên chức không có thẩm quyền truy tố trẻ em.

“Chánh án Nigeria nên biết xấu hổ, bà ấy không chỉ là một người phụ nữ mà còn là một người mẹ,” Adamolekun nói.

Mặc dù là một trong những quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu tại Phi Châu, Nigeria vẫn là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Tham nhũng kinh niên đồng nghĩa với lối sống của các viên chức công quyền hiếm khi phản ảnh phẩm chất cuộc sống của người dân nói chung. Các chuyên gia y tế thường bãi công để phản đối đồng lương bèo bọt.

Các chính khách và nhà lập pháp Nigeria thường bị tố cáo tham nhũng, lại là thành phần hưởng lương cao nhất Phi Châu. Ngay cả vợ của tổng thống, mặc dù văn phòng của bà không phải là cơ quan chính thức theo hiến pháp, cũng được hưởng quyền sử dụng xe SUV bảy chỗ cùng các tiện nghi xa xỉ khác từ tiền thuế của dân.

Với dân số hơn 210 triệu, đông đảo nhất lục địa, Nigeria cũng là một trong số các quốc gia có nạn đói nặng nề nhất thế giới và chính phủ cũng phải trầy vi tróc vẩy mới đủ sức tạo ra công ăn việc làm. Tỷ lệ lạm phát cũng ở mức cao nhất trong 28 năm qua và đồng naira địa phương có giá trị thấp kỷ lục so với đồng Mỹ kim.

Hôm Thứ Năm, trong một phúc trình do các cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc công bố, Nigeria được phân loại là “quốc gia có mức độ lo ngại rất cao,” do có số lượng lớn người dân đang phải đối diện hoặc được dự đoán là sẽ phải đương đầu với nạn đói nghiêm trọng ở quốc gia Tây Phi. (TTHN)