PDA

View Full Version : Ukraina, những thành công thầm lặng của ngoại giao Vatican



duyanh
10-12-2024, 12:33 PM
Ukraina, những thành công thầm lặng của ngoại giao Vatican







https://s.rfi.fr/media/display/d7fc178e-87d5-11ef-8cd6-005056a90284/w:1280/p:16x9/2024-10-11T092230Z_1025417726_RC29IAABQ9VS_RTRMADP_3_UKRAI NE-CRISIS-ZELENSKIY-POPE.JPG

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky gặp giáo hoàng Phanxicô, tại Vatican, ngày 11/10/2024. via REUTERS - Simone Risoluti

Đúng vào ngày Giáo hoàng tiếp tổng thống Ukraina, báo công giáo La Croix nói đến một nền ngoại giao của tòa thánh Vatican " thầm lặng mà hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nhân đạo ". Đâu là những hồ sơ chính trong trong cuộc tiếp xúc lần thứ ba giữa tổng thống Volodymyr Zelensky và giáo hoàng Phanxicô từ khi Ukraina bị Nga xâm chiếm ?

Một nguồn tin từ phía Ukraina được tờ báo trích dẫn nhắc lại trong gần ba năm qua, Kiev thận trọng trước những nỗ lực của Giáo Hội Roma tìm kiếm " một giải pháp chính trị ". Trong mắt nhà sử học Antoine Nivière, đại học Lorraine (miền đông nước Pháp), vì muốn đóng vai trò trung gian, tức là có thể đối thoại với tất cả các bên, giáo hoàng Phanxicô tránh làm phật lòng nước Nga. Điều đó khiến công luận Ukraina bất bình …

Hiệu quả cụ thể từ chính sách ngoại giao thầm lặng

Đúng là Tòa Thánh không thành công vãn hồi hòa bình cho Ukraina, nhưng xét cho cùng, những sáng kiến hòa giải của Trung Quốc chẳng hạn cũng đã thất bại. Điều đó không cấm cản " Ukraina luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Vatican ". Nhưng giáo hoàng tập trung nỗ lực vào vế nhân đạo và đã gặt hái được khá nhiều " thành công cụ thể ".

Tháng 6/2023 sứ giả của giáo hoàng là hồng y Matteo Zuppi đã đến Kiev, rồi Matxcơva trước khi lên đường sang Washington và Bắc Kinh. Mục tiêu vòng công tác này là để chuẩn bị cho các chương trình trao đổi tù binh và đưa trẻ em Ukraina bị Nga bắt giữ trở về với gia đình : 388 trẻ em được " thả " qua nhiều " trung gian ", trong đó có tiếng nói của Tòa Thánh.

Tháng 6/2024 trong một đợt trao trả tù nhân giữa hai bên tham chiến, đích thân tổng thống Zelensky gọi điện cảm ơn Vatican. Cuối tháng 7/2024 ngoại trưởng của Giáo Hội Roma, hồng y Pietro Parolin đã trở lại Ukraina và đã tiếp đại diện của các giới chức tôn giáo vào dân sự Ukraina. Họp qua cầu truyền hình với các giới chức Nga hôm 16/09/2024 hồng y Parolin một lần nữa kêu gọi Matxcơva thả các tù nhân chiến tranh.

Cũng La Croix trong bài xã luận ghi nhận : " Vào lúc viễn cảnh hòa bình còn là điều bất khả, những hoạt động thầm lặng của Vatican cho phép đem lại một chút hy vọng. Giáo hoàng Phanxicô, một tiếng nói cá biệt, kiên trì kêu gọi hòa bình góp phần đem lại hy vọng " cho Ukraina.

Ukraina nhắm vào quyền lợi của Nga ở châu Phi

Về phần Volodymyr Zelensky, ông đang đôn đáo vận động các đối tác châu Âu cho " kế hoạch giành chiến thắng ". Trên chiến trường thì quân đội Ukraina " thua xiểng niểng " ở Toretsk, ở Vouledar , Marinka, Avdiivka … từ đầu năm đến nay. Le Figaro ghi nhận đội quân của Kiev phải lùi bước nhưng bắt đối phương trả giá đắt cho mỗi tấc đất chiếm được trên lãnh thổ Ukraina. Nhưng trong lúc bị quân Nga bao vây thì Ukraina bắt Matxcơva phải chia trí bằng cách " kín đáo " can thiệp vào Mali và một số quốc gia châu Phi khác, bởi đây là những mảnh đất màu mỡ Nga đang nhắm tới.

Bài báo trên Le Monde mang tựa đề ngắn gọn " Kiev kín đáo giúp phe nổi dậy ở Mali ". Phe nổi dậy ở Mali mang tên CSP thường xuyên sử dụng drone do Ukraina chế tạo để tấn công vào các cơ sở của tập đoàn quân sự đang cầm quyền tại Bamako.

Trong vụ tấn công hôm 04/10/2024 CSP dùng drone của Ukraina để thả thuốc nổ xuống căn cứu quân sự Goudam, nơi lực lượng Wagner của Nga đang đồn trú. Nhiều vụ tương tự cũng đã xảy ra trong những tháng gần đây. Phát ngôn viên tình báo quân sự Ukraina không che đậy mối hợp tác với phe nổi dậy ở Mali, CSP.

Le Monde tiết lộ : từ khi bị Nga xâm lược, Ukraina tìm mọi cách làm suy yếu đối phương, và đã tính tới việc " nhắm vào những lợi ích của Nga ở bất cứ nơi nào " trên thế giới. Năm 2023 Kiev đã " kín đáo tiến hành một số chiến dịch " tại Soudan, nơi mà lực lượng bán quân sự Wagner hoành hành. Cũng ngay từ 2023 Ukraina đã nhắm tới Mali, một nhịp cầu của Nga ở Châu Phi. Nhưng phải đợi đến đầu 2024 Kiev mới có thể thực hiện kế hoạch này. Hai đồng tác giả bài báo trên tờ Le Monde kết luận : Ukraina yểm trợ phe nổi dậy ở Mali đặt chính quyền quân sự Bamako trong thế bất an. Nhưng nếu như CSP được trang bị drone của Ukraina thì lực lượng Wagner đóng tại Mali được Nga cung cấp drone tự sát.



RFI