PDA

View Full Version : Liban rơi vào hỗn loạn vì cuộc chiến tranh mới



giahamdzui
09-26-2024, 12:39 AM
Liban rơi vào hỗn loạn vì cuộc chiến tranh mới






Cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hezbollah bùng nổ dữ dội là thời sự chính được các báo Pháp ra hôm nay tập trung phản ánh.


https://s.rfi.fr/media/display/79a24f3c-7b46-11ef-a4e7-005056bfb2b6/w:1280/p:16x9/AP24269398328119.jpg

Khói bốc lên từ các cuộc tấn công của Israel, nhắm vào làn Kfar Rouman, miền nam Liban, ngày 25/09/2024. © Hussein Malla AP

Cuộc chiến Israel -Hezbollah phủ kín trang nhất hầu hết các báo. Le Monde chạy tựa chính trang nhất : « Cuộc tấn công của Israel dìm Liban vào trong chiến tranh ». Le Figaro ghi nhận : « Chống lại Hezbollah, Israel chọn leo thang quân sự ». Phủ kín trang bìa của La Croix là bức ảnh một tòa nhà cao tầng ở Beyrouth bị tên lửa Israel phá hủy tan nát với hàng tựa lớn : « Beyrouth : tiếng bom nổ ». Nhật báo Libération trên nền bức ảnh người già và trẻ em Liban trong thùng xe tải chạy sơ tán khỏi cuộc tấn công của Israel là hàng tựa kêu gọi : « Hãy làm chiến tranh dừng lại ở Liban ».

Le Monde ghi nhận cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông vừa bùng lên đã vô cùng tàn khốc. Hôm thứ Hai Israel tập kích ồ ạt vào 1600 vị trí liên quan đế Hezbollah và các kho đạn của phong trào này ở Liban đã làm ít nhất 500 người thiệt mạng. « Cuộc xung đột ở cường độ thấp với Hezbollah dai dẳng từ 11 tháng qua giờ đã bùng lên thành cuộc chiến tranh cường độ cao, lan ra nhiều vùng dân cư ». Theo tờ báo, không loại trừ một cuộc chiến tranh trên bộ sắp tới khi mà Nhà nước Do Thái muốn tạo một vùng đệm ở miền nam Liban để cho 60 nghìn người dân Israel ở miền bắc có thể trở lại nhà họ. Trong một bối cảnh khác, miền bắc Israel đặt trong tình trạng báo động cao nhất, mọi hoạt đồng đều ngừng trệ để đối phó với tên lửa, rốc két của Hezbollah đáp trả.

Trong khi đó nhật báo Le Figaro dành nhiều trang bài phản ánh cuộc chiến mới ở Trung Đông. Ghi nhận của tờ báo : « Liban chết đứng trước sự leo thang hiếu chiến của Israel. Trong sự hỗn loạn do hàng trăm cuộc oanh kích trút xuống miền nam đất nước, các gia đình hoảng loạn không còn thời gian để thương tiếc người thân đã bị chết ». Yếu hơn về mọi mặt quân sự nhưng lực lượng Hezbollah vẫn bắn phá đáp trả vào miền bắc Israel. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột hạ nhiệt. Dù bị suy yếu đi nhiều sau loạt tấn công này, nhưng Hezbollah vẫn còn đủ tên lửa cho một cuộc xung đột kéo dài.

Xã luận của Le Figaro nhận định : « Ở giai đoạn này, chỉ có sự can thiệp ngoại giao mạnh mẽ mới có thể ngăn chặn được phản ứng dây chuyền hướng tới “chiến tranh toàn diện ».

Hầu hết các báo đều có chung nhận định, khó có thể biết được liệu chiến dịch tấn công dữ dội này hay khả năng một cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể đè bẹp Hezbollah hay không, nhưng hiện tại cuộc tấn công quân sự trên diện rộng của Israel lần này là một « chiến lược rủi ro cao » của Nhà nước Do Thái. Nguy cơ cuộc chiến tranh lan rộng khắp vùng Trung Đông là hoàn toàn có thể.

Liên Hiệp Quốc : Diễn văn cuối cùng của Joe Biden

Một sự kiện khác được các báo chú ý là phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra ở New York với tâm điểm là bài phát biểu cuối cùng của tổng thống Mỹ Joe Biden trước diễn đàn quốc tế này.

Libération có bài : « Tại Liên Hiệp Quốc : Biden bất lực trước xung đột » với ghi nhận, « phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ hạn chế nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn, ngay cả vào khi bom đạn của Israel đang đổ xuống Liban ».

Le Figaro cùng cái nhìn, ghi nhận qua tựa bài viết : « Biden né tránh đám cháy Trung Đông ». Cuộc xung đột Israel - Hezbollah hầu như không được tổng thống Mỹ đề cập tới. Trong bài phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba tại New York, Joe Biden chỉ tập trung đề cập kết quả nhiệm kỳ của mình nhiều hơn là nói về sự leo thang của chiến tranh ở Liban. Le Figaro nhận định, sự bùng phát của cuộc xung đột cho đến nay giữa Israel và lực lượng dân quân Shiite kiểm soát Liban rõ ràng là một thất bại trong nỗ lực của chính quyền của ông nhằm ngăn chặn cuộc chiến Gaza biến thành một cuộc xung đột khu vực. Sau bài phát biểu, Le Figaro cho biết, ông Biden rời diễn đàn Đại Hội Đồng với bước đi ngập ngừng mà không hề thuyết phục được thính giả về những thành công của mình.

Chiến tranh Ukraina : Đường dài để đến đàm phán với Nga

Một thời sự nóng khác cũng được các báo quan tâm theo dõi là cuộc chiến tranh Ukraina. Nhật báo Le Monde có bài nói về giả thuyết một cuộc đàm phán giữa Ukraina và Nga vừa hé ra đã cho thấy một con đường đầy cạm bẫy.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đến Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với kế hoạch nhằm cố gắng đặt đất nước mình trên thế mạnh trước nhà lãnh đạo Điện Kremlin Vladimir Putin, trong khi mà viễn cảnh các cuộc thương lượng vẫn còn ở đâu đó rất xa.

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga đã kéo dài hơn ba mươi tháng, cả hai bên tham chiến đều không tỏ dấu hiệu sẵn sàng ngừng chiến và ý tưởng đàm phán vẫn chỉ là ở trong trứng nước.

Tuy nhiên, viễn cảnh đàm phán đang được giới ngoại giao nhắc đến trong các cuộc trao đổi hành lang Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79, ( từ ngày 22 đến 27/09) tại New York.

Sau bài phát biểu tại diễn đàn hôm nay, tổng thống Ukraina sẽ được tới Nhà Trắng vào ngày mai (26/09) để trình bày với tổng thống Mỹ Joe Biden, “kế hoạch chiến thắng” mà ông đã bí mật thảo ra từ nhiều tuần qua. Theo Le Monde, với Kiev, vấn đề là thực hiện một nỗ lực quân sự mới với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để hy vọng buộc nước Nga của Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán. Trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC của Mỹ sẽ phát sóng ngày 14/09, ông Zelensky tuyên bố rằng Ukraine đang ở “gần với hòa bình hơn chúng ta nghĩ” và tin rằng mùa thu năm nay sẽ là “quyết định”.

Nhưng theo Le Monde, giả thuyết về việc mở ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên tham chiến vẫn rất không chắc chắn, vì con đường này dường như đầy cạm bẫy cho dù các đồng minh của Kiev cũng bắt đầu muốn nhưng vẫn chia rẽ về cách thức tìm lối thoát ngoại giao cho cuộc chiến. Trước mọi khả năng đàm phán, có ý kiến cho rằng cần phải làm tất cả để đặt Ukraina và thế mạnh. Thế nhưng, các yêu cầu của Ukraina cho hướng này lại khiến các đồng minh dè dặt. Một số nước như Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic, Rumani tỏ lập trường cứng rắn, muốn tiếp tục nỗ lực hậu thuẫn khiến Vladimir Putin hiểu được rằng ông ta không thể thắng trong cuộc chiến. Bên kia là Anh, Pháp và Đức, những nước từ đầu tỏ ra kiên định nhưng bắt đầu suy nghĩ về những hướng khác thoát khỏi xung đột. Tóm lại, con đường dẫn hai bên tham chiến đến bàn đàm phán vẫn còn xa vời và nhiều chông gai. Đến lúc này cuộc chiến vẫn tiếp diễn khốc liệt.

Ukraina : Tù nhân tăng viện mặt trận

Cũng liên quan đến tình hình Ukraina, nhật báo Công giáo la Croix có bài phóng sự có tựa đề đáng chú ý : « Những tù nhân Ukraina tăng viện trên mặt trận Pokrovsk ».

Bài báo của La Croix cho thấy, để đối mặt với tình trạng thiếu quân, Kiev bắt đầu tuyển mộ lính trong các nhà tù. Ít nhất 4.000 cựu tù nhân đã gia nhập quân đội Ukraina kể từ khi áp dụng biện pháp này từ mùa xuân vừa rồi. Theo la Croix, các binh sĩ đặc biệt này được đánh giá cao trên thực địa chiến trường, nhưng chắc chắn sẽ vẫn còn chưa đủ để xoay chuyển tình hình.

La Croix cho biết, cũng giống như tất cả những người đăng lính tình nguyện, các cựu tù nhân này đã ký một hợp đồng, theo đó họ sẽ có thể rời quân ngũ với tư cách là những người tự do nếu sống sót sau chiến tranh. Tuy nhiên, thật khó để nói họ cũng như những người lính khác. Họ bị cách ly trong tiểu đoàn hình sự, họ không có quyền nghỉ phép trong năm đầu tiên của hợp đồng và hầu như chỉ được triển khai cho các nhiệm vụ tấn công nguy hiểm.

La Croix nhận định, việc phải huy động đến các cựu tù nhân này chắc chắn không đảo ngược tình hình đang ngày càng khó khăn với Kiev. Nhưng trên mặt trận Pokrovsk, những người lính tù nhân cũ này cũng giúp quân đội Ukraina, thiếu nhân lực thường trực, có được chút thời gian nghỉ để lấy lại sức.

Phim Việt và Nam ra rạp tại Pháp

Tờ báo dành hai trang để giới thiệu bộ phim Việt và Nam của đạo diễn trẻ người Việt Trương Minh Quý đang được chiếu tại các rạp ở Pháp, trong khi vẫn chưa được phép chiếu tại Việt Nam

Bộ phim được Libération giới thiệu như là một hành trình đầy cảm xúc giữa thiên nhiên Việt Nam, bộ phim đan xen giữa những câu chuyện về cuộc tìm kiếm hài cốt của người cha bị chết hai mươi sáu năm trước trong chiến tranh và tình yêu nồng cháy buộc phải giữ kín của hai người yêu nhau làm việc trong hầm mỏ.

Tờ báo giới thiệu, Trương Minh Quý, nhà làm phim Việt Nam sinh năm 1990 tại Buôn Ma Thuột, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, học tại Fresnoy ở Tourcoing, hiện cư trú tại Bruxelles, Bỉ. Tiếp sau hai bộ phim điện ảnh đầu tiên, bộ phim mới đầy hấp dẫn của anh, Việt và Nam, đã được trình chiếu tại Cannes trong hạng mục phim « Nhãn quan độc đáo », vừa là sự khám phá về ký ức đau thương trong gia đình về Chiến tranh Việt Nam (1955-1975), vừa là sự gợi nhắc cách về thân phận người nhập cư và người lao động , một bộ phim tình cảm khác lạ về tình yêu, và còn nhiều ý nữa.



RFI