PDA

View Full Version : Chùa Cầu Hội An trùng tu hết hơn 20 tỷ đồng đã hoàn thành



duyanh
07-27-2024, 12:18 PM
Chùa Cầu Hội An trùng tu hết hơn 20 tỷ đồng đã hoàn thành





Sau 2 năm trùng tu, di tích Chùa Cầu đã hoàn thành các hạng mục chính và dự kiến đón khách vào đầu tháng 8.


https://trithucvn.co/wp-content/uploads/2024/07/chua-cau-hoi-an-trung-tu-het-hon-20-ty-dong-da-hoan-thanh-1.jpg

Di tích chùa Cầu Hội An. (Ảnh: Chí Hùng/Facebook)

Ông Phạm Việt Tâm, Trưởng phòng tu bổ di tích thuộc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết di tích Chùa Cầu hiện đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình. Đơn vị đang tiến hành tháo dỡ giàn giáo, mái che, tu bổ cảnh quan, vệ sinh… bàn giao mặt bằng để tạo thuận lợi cho du khách tham quan.

Theo ông Tâm, di tích Chùa Cầu dự kiến khánh thành vào ngày 3/8, trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 20 năm 2024.

Hồi năm 2022, công trình xuống cấp nghiêm trọng, phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, lún, nhiều cột và kèo bị hỏng. Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý thực hiện; tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam (50%) và TP. Hội An (50%). Dự án có sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản.

Công trình khởi công vào ngày 28/12/2022, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 12/2023. Trong thời gian trùng tu, Chùa Cầu vẫn mở cửa song các hạng mục chính bị quây giàn giáo, du khách không tham quan chi tiết được.

Đáng chú ý, quá trình tu bổ gặp một số trở ngại, có thời điểm phải gián đoạn để tham vấn ý kiến chuyên gia về việc mặt sàn “cong hay thẳng”. Vì vậy, dự án đến nay mới hoàn thiện.

Theo hồ sơ dự án, di tích Chùa Cầu được trùng tu các hạng mục như: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, khung gỗ, mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và việc tu bổ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; mạng internet, hệ thống camera an ninh và nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích…


https://trithucvn.co/wp-content/uploads/2024/07/r_chua-cau-nhin-ngang.jpg

Chùa Cầu thời điểm chưa tu sửa. (Ảnh: hoianheritage.net)

Theo Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Chùa Cầu tương truyền do thương nhân Nhật Bản ở Hội An xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản. Hiện Chùa Cầu trở thành biểu tượng của TP. Hội An.

Chùa Cầu dài 20,4m, rộng hơn 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ “丁” (đinh) gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ, liền kề phía bắc là ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ (Huyền Thiên Đại Đế) – vị thần có chức năng trị thủy.

Cầu và miếu có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương, sàn lát ván dày, được đặt trên những trụ đá vững chãi bắc qua mương nước chảy từ khe Ồ Ồ phía bắc ra sông chính ở phía nam. Hệ mái chùa Cầu cong nhẹ nhàng, được trang trí nhiều đề tài, chi tiết giàu giá trị mỹ thuật như đề tài mặt nhật lưỡng long tranh châu, giao lá, các đĩa sứ men trắng vẽ lam, khuông hoa văn đất nung… Hệ vì kèo kiểu trính chồng trụ đội có kết hợp với kiểu đấu củng độc đáo.

Nội thất chùa Cầu thoáng rộng, được trang hoàng tôn nghiêm bởi những cặp liễn đối, bức hoành phi, bức chạm trổ trên vách và đặc biệt là cặp mắt cửa huyền bí đặt đố cửa vào ngôi miếu, đỡ bên trên là bức biển Lai Viễn Kiều do Quốc chúa Thiên túng đạo nhân Nguyễn Phúc Chu ban tặng. Trang trọng giữa nội thất ngôi miếu thờ là bàn thờ Bắc Đế Trấn Vũ đứng trên lưng con rùa, tay ấn trên thanh kiếm…. Ngoài ra, ở hai bên lối vào phía đông và phía tây chùa Cầu còn thờ cặp tượng chó (linh cẩu) và khỉ (thần hầu).

Chính vì sự đặc biệt, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật cũng như tín ngưỡng nên Chùa Cầu đã được triều Nguyễn liệt hạng cổ tích An Nam vào năm 1925. Đến năm 1990, Chùa Cầu là 1 trong 3 di tích riêng lẻ đầu tiên ở Hội An được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Theo các tư liệu, Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Minh Long