PDA

View Full Version : Tên lửa Thiên Long 3 phát nổ, chuyên gia phân tích bối cảnh



duyanh
07-06-2024, 01:08 PM
Tên lửa Thiên Long 3 phát nổ, chuyên gia phân tích bối cảnh




https://img.ntdvn.net/2024/07/ntdvn_id103893463-unknown.jpeg

Trung Quốc thử nghiệm phóng tên lửa thất bại, tên lửa rơi xuống núi và phát nổ ở thành phố Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam vào ngày 30 tháng 6. (Ảnh: Tổng hợp ảnh chụp màn hình video)

Một công ty tư nhân tại Bắc Kinh có tên gọi là ‘Thiên Binh Khoa học Kỹ thuật’ (Beijing Tianbing Technology Co., Ltd., gọi tắt là Space Pioneer) đã tiến hành thử nghiệm hệ thống động lực của tên lửa vận tải. Một tên lửa con bất ngờ tách khỏi bệ phóng, bay lên không trung và sau đó rơi xuống phát nổ. Giới chuyên gia phân tích cho rằng đây là một lỗi sơ đẳng. Trên thực tế, những công ty tư nhân trong ngành hàng không của Trung Quốc đều có mối quan hệ sâu sắc với quân đội Trung Quốc. Những công ty này sử dụng vỏ bọc là công ty tư nhân để lừa lấy công nghệ cao từ phương Tây. Nhưng dưới sự lãnh đạo toàn diện của chính quyền Bắc Kinh, việc gặp những sự cố như thế này chỉ là vấn đề sớm muộn.

Tên lửa Thiên Long 3 đã gặp sự cố khi thử nghiệm tĩnh, bất ngờ bay lên không trung rồi rơi xuống phát nổ

Vào ngày 30/6, tại Trung tâm Thử nghiệm Tổng hợp ở thành phố Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, tên lửa Thiên Long 3 do công ty hàng không vũ trụ tư nhân Trung Quốc Thiên Binh phát triển đã xảy ra sự cố trong quá trình thử nghiệm hệ thống động lực. Tên lửa con bất ngờ bay lên không trung và phát nổ, cuối cùng rơi xuống vùng núi sâu.

Thiên Long 3 là một loại tên lửa vận tải lớn sử dụng nhiên liệu lỏng, được Công ty Thiên Binh thiết kế riêng cho việc xây dựng hệ thống ‘Starlink phiên bản Trung Quốc’, với hiệu suất sản phẩm được so sánh trực tiếp với tên lửa Falcon 9 của công ty SpaceX của Mỹ.

Tên lửa thử nghiệm này có đường kính 3,8 mét, khối lượng cất cánh 590 tấn.

Sau khi thử nghiệm thất bại, Công ty Thiên Binh đã ra tuyên bố nói rằng: “Trong quá trình thử nghiệm, một tên lửa con đã được đốt cháy bình thường với lực đẩy đạt 820 tấn. Do cấu trúc kết nối giữa thân tên lửa và bệ thử nghiệm bị mất kiểm soát, tên lửa con đã tách khỏi bệ phóng. Sau khi bay lên không trung, máy tính trên tên lửa đã tự động tắt, tên lửa rơi xuống vùng núi sâu cách bệ thử nghiệm 1,5 km về phía Tây Nam và bị vỡ tung”.

Công ty Thiên Binh cho biết họ sẽ phân tích và giải quyết sự cố, đồng thời nhanh chóng tổ chức sản xuất và thử nghiệm sản phẩm mới.

Lỗi sơ đẳng của tên lửa Trung Quốc cho thấy khoảng cách công nghệ với Mỹ
Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn đã nói với phóng viên của The Epoch Times rằng, vụ tai nạn của Công ty Thiên Binh là một lỗi sơ đẳng.

Ông Đường Tĩnh Viễn nói: “Ban đầu, họ dự định thực hiện thử nghiệm tĩnh. Thử nghiệm tĩnh có một yêu cầu cơ bản là tên lửa phải được cố định tại chỗ, không thể di chuyển, chỉ thử nghiệm tình trạng của động cơ và những yếu tố khác”.

"Nhưng không ngờ lại xảy ra một sai sót sơ đẳng, nghĩa là họ đã không cố định tên lửa đủ chặt. Đây thực sự là một sự cố về chất lượng”.

Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng, khoảng cách lớn nhất trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và những cường quốc hàng không vũ trụ như Mỹ không chỉ là khoảng cách về một số khía cạnh kỹ thuật, mà còn bao gồm những phương diện như quản lý chất lượng, trách nhiệm của những nhân viên liên quan, đạo đức nghề nghiệp...

Doanh nghiệp tư nhân hay là doanh nghiệp nhà nước?

Từ năm 2014, Trung Quốc đã cho phép vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không vũ trụ. Theo tài liệu công khai, Công ty TNHH Công nghệ Thiên Binh Bắc Kinh được thành lập vào ngày 10/4/2019, là doanh nghiệp công nghệ cao cấp đầu tiên trong lĩnh vực hàng không vũ trụ thương mại của Trung Quốc. Họ phát triển động cơ tên lửa lỏng oxy-kerosene và tên lửa vận tải lỏng cỡ vừa và lớn. Tên lửa lỏng oxy-kerosene (hay còn gọi là tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng oxy và kerosene) là loại tên lửa sử dụng hỗn hợp oxy lỏng (LOX, Liquid Oxygen) và kerosene làm nhiên liệu.

Công ty Thiên Binh được mô phỏng theo các doanh nghiệp Mỹ, với tính năng sản phẩm được so sánh trực tiếp với tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Nhà bình luận thời sự Lam Thuật đã nói với phóng viên của The Epoch Times rằng, mặc dù trong một thời gian dài, Trung Quốc đã cho phép những doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động hàng không vũ trụ, nhưng tất cả những doanh nghiệp tư nhân này đều có nền tảng (gốc gác) chính phủ.

“Theo thông tin chúng tôi biết, nguồn vốn của họ và nhiều doanh nghiệp tư nhân thực ra được tách ra từ những chương trình hàng không vũ trụ quốc gia của Trung Quốc, sau đó những doanh nghiệp này nhận được sự hỗ trợ từ những ngân hàng chính phủ để phát triển những dự án hàng không vũ trụ”.

“Rất nhiều công ty hàng không vũ trụ tư nhân còn có nhân viên an ninh với nền tảng chính phủ, đây là một hiện tượng rất thú vị. Cho nên, rất khó để nói rằng, những công ty hàng không vũ trụ của Trung Quốc là những doanh nghiệp tư nhân”.

Ông Đường Tĩnh Viễn cũng cho biết, mặc dù Công ty Thiên Binh được so sánh với SpaceX của Mỹ (tức là so sánh với công ty của Elon Musk), nhưng trên thực tế ai cũng biết rằng, không thể có một doanh nghiệp tư nhân bình thường nào ở Trung Quốc có thể tham gia vào lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ.

Công ty Thiên Binh ban đầu phóng tên lửa vận tải tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Cửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Trung tâm Phóng Vệ tinh Cửu Tuyền thuộc lực lượng hàng không vũ trụ quân sự của Trung Quốc.

Ông Đường Tĩnh Viễn nói: “Trung tâm Phóng Vệ tinh Cửu Tuyền ở Cam Túc đều do quân đội Trung Quốc điều hành. Cho nên, Công ty Thiên Binh thực chất là sản phẩm của chiến lược quân dân hợp nhất của chính quyền Trung Quốc, tức là nó hoàn toàn do chính phủ kiểm soát”.

Ông Đường Tĩnh Viễn cho biết, mục đích của Bắc Kinh cũng rất rõ ràng, đó là mang vỏ bọc của một doanh nghiệp tư nhân, thông qua cách này mà muốn lấy cắp công nghệ từ phương Tây.

"Nhưng sản phẩm quân dân hợp nhất này không giống một doanh nghiệp hàng không vũ trụ tư nhân thực sự như SpaceX. Cho nên, nếu họ muốn sao chép thành công [mô hình] của SpaceX, thì tôi nghĩ điều này hoàn toàn không thể”.

Một nguyên nhân khiến những dự án hàng không vũ trụ của Trung Quốc liên tục gặp sự cố

Vụ tai nạn của tên lửa Thiên Long 3 trong cuộc thử nghiệm tĩnh là sự cố hàng không vũ trụ thứ hai gần đây của Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 22/6, Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên đã phóng tên lửa vận tải Trường Chinh 2C, nhưng không lâu sau khi phóng, một bộ phận trợ lực của tên lửa đã rơi xuống làng Tiên Kiều, tỉnh Quý Châu.

Ông Đường Tĩnh Viễn phân tích, những bước tiến nhanh chóng trong công nghệ hàng không vũ trụ này thực ra phản ánh tư duy của chính quyền Bắc Kinh, đó là ‘tập trung tinh lực làm đại sự’. Bản chất của việc ‘tập trung tinh lực làm đại sự’ là ‘cử quốc thể chế’ (舉國體制). ‘Cử quốc thể chế’ là một thuật ngữ tiếng Trung, dùng để mô tả một hệ thống quản lý hoặc một phương pháp điều hành mà trong đó toàn bộ quốc gia tập trung mọi nguồn lực và sức mạnh để đạt được những mục tiêu lớn hoặc những dự án quan trọng.

“Cử quốc thể chế phải chịu sự kiểm soát toàn diện của chính quyền Trung Quốc, mọi thứ đều phải được chính trị hóa, mọi thứ đều phải đáp ứng nhu cầu chính trị. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với bản chất của công nghệ, đó là cần tuân theo những quy luật khoa học”.

Ông Đường nói: “Không chỉ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, mà trong các lĩnh vực khác như chip, AI… tất cả các công nghệ cao đều cần tư duy và khả năng sáng tạo. Nhưng Trung Quốc dựa vào việc sao chép mà không có sự sáng tạo của riêng mình. Do đó, họ không thể đạt được thành công, và việc gặp sự cố chỉ là vấn đề thời gian”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Thuần Phong biên dịch