PDA

View Full Version : Nhật Bản bác bỏ chỉ trích 'bài ngoại' của ông Biden



duyanh
05-06-2024, 01:10 PM
Nhật Bản bác bỏ chỉ trích 'bài ngoại' của ông Biden




https://img.ntdvn.net/2023/09/ntdvn_1-3.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington vào ngày 8/6/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Hôm thứ Sáu (3/5), Đại sứ quán Nhật Bản đã lên tiếng phản bác những bình luận gần đây của Tổng thống Joe Biden khi cáo buộc Nhật Bản, cùng với ba quốc gia khác, có hành vi ‘bài ngoại’. Phía Nhật Bản cho rằng nhận xét của ông Biden là ‘đáng tiếc’.

Tại một sự kiện gây quỹ ở Washington (Mỹ) hôm 01/5, Tổng thống Biden đã nhóm các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Ấn Độ cùng với các đối thủ của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga, nói rằng những thách thức kinh tế của họ nảy sinh từ việc họ từ chối chấp nhận người nhập cư.


"Nền kinh tế của chúng ta phát triển mạnh mẽ một phần là nhờ vào sự đóng góp của những người nhập cư, bao gồm cả quý vị tại đây. Vì sao? Bởi vì Hoa Kỳ chào đón những người nhập cư".

"Hãy cùng suy xét vấn đề này. Tại sao nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ đáng kể? Tại sao Nhật Bản gặp khó khăn? Tại sao Nga và Ấn Độ cũng vậy? Bởi vì họ đang áp dụng chính sách bài ngoại, không hoan nghênh người nhập cư".

Tuy nhiên, Đại sứ quán Nhật Bản đã bác bỏ quan điểm này. Theo tờ Politico, Đại sứ quán Nhật Bản cho rằng ‘thật đáng tiếc khi một số bình luận không dựa trên sự hiểu biết chính xác về chính sách của Nhật Bản’. Cơ quan này cũng cho biết họ đã trao đổi với chính phủ Mỹ để làm rõ lập trường và chính sách của Nhật Bản”.

Tiếp theo diễn biến trước đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã đưa ra giải thích chi tiết hơn về phát ngôn của Tổng thống Biden. Bà Jean-Pierre nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ mong muốn truyền tải thông điệp mang tính bao quát hơn rằng Hoa Kỳ là quốc gia của người nhập cư.

Bà Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ hùng mạnh hơn nhờ bản sắc là một quốc gia của những người nhập cư. Đồng thời, bà tin tưởng rằng "hầu hết các nhà lãnh đạo và đồng minh trên toàn cầu" sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa đằng sau phát ngôn của Tổng thống Biden.

Phía Nhật Bản đã ghi nhận lời giải thích của Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định rằng bình luận của Tổng thống Biden không nhằm mục đích làm suy yếu mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu đời giữa hai nước.

Nhận định trên của ông Biden được đưa ra chỉ một tháng sau chuyến công du chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Washington. Trong chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo hai nước đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác.

Tại buổi yến tiệc cấp nhà nước dành cho Thủ tướng Kishida, Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ và Nhật Bản chia sẻ những nguyện vọng, giá trị và cam kết chung về dân chủ, tự do và phẩm giá cho tất cả mọi người.

Nhà Trắng tuyên bố rằng quân đội hai nước sẽ hợp tác trong khuôn khổ cơ cấu chỉ huy chung và phối hợp cùng Úc trong việc phát triển mạng lưới phòng thủ tên lửa phòng không mới.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Để đảm bảo an ninh và hòa bình khu vực, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp răn đe nhằm đáp trả các hành vi leo thang hoặc khiêu khích xung quanh Nhật Bản".

Hoa Kỳ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, đang tăng cường năng lực quân sự nhằm đối phó với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ hoạt động bành trướng phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong buổi họp báo hôm 10/4, diễn ra sau các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo về tình hình an ninh ngày càng phức tạp ở khu vực Thái Bình Dương, Tổng thống Biden cho biết, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận quân sự ba bên với Vương Quốc Anh trong khi quan hệ đối tác quốc phòng AUKUS đang nghiên cứu "cách thức Nhật Bản có thể tham gia vào trụ cột thứ hai của AUKUS, tập trung vào các năng lực tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống tự động".

Tổng thống Biden nhận định về các kế hoạch mới: "Nhìn chung, đây là bước ngoặt mới cho hợp tác quân sự của chúng tôi trên nhiều lĩnh vực”.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Biden đưa ra nhận định về xu hướng bài ngoại của Trung Quốc. Trong chuyến thăm trụ sở United Steelworkers tại Pennsylvania vào ngày 17/4, ông đã nêu ra những quan điểm tương tự về Bắc Kinh.

“Khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới khác, tôi thường hỏi họ: ‘Liệu các vị có muốn đổi chỗ cho Trung Quốc? Liệu các vị có muốn đối mặt với những vấn đề mà họ đang gặp phải không?’ Hiện nay, dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng, số người [trong độ tuổi] nghỉ hưu vượt quá số người đang [trong độ tuổi] lao động", ông Biden phân tích.


“Họ đang thể hiện xu hướng bài ngoại, hạn chế giao lưu quốc tế. Rõ ràng họ đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng”, ông Biden nhận định.

Đây là một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất mà Mỹ dành cho Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài sản, nhu cầu nội địa suy yếu và gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương ngày càng tăng. Những thách thức kinh tế nội tại của Trung Quốc góp phần thúc đẩy làn sóng hàng hóa giá rẻ xuất khẩu tràn vào thị trường quốc tế, gây ra nhiều lo ngại cho các quốc gia phương Tây.

Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch