PDA

View Full Version : Indonesia có thể bình thường hóa quan hệ với Israel để gia nhập OECD



giavui
04-12-2024, 10:06 PM
Indonesia có thể bình thường hóa quan hệ với Israel để gia nhập OECD





https://trithucvn.co/wp-content/uploads/2021/04/tongthong-indonisia-446x295.jpg

Hôm thứ Năm (11/4), một quan chức Israel đã xác nhận một bài báo của giới truyền thông Israel đưa tin rằng Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel để gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Khả năng đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước lần đầu tiên được tờ nhật báo lớn nhất Israel, Yedioth Ahronoth, đưa tin hôm thứ Năm (11/4). Bài báo cho biết, “các cuộc đàm phán kín đáo” giữa Israel, Indonesia và OECD đã diễn ra trong ba tháng qua.

Hồi tháng Hai, Indonesia đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức OECD hiện có 38 quốc gia thành viên, nhưng Israel, thành viên hiện tại của tổ chức này, đã phản đối việc gia nhập của Jakarta với lý do OECD khuyến khích một cách không chính thức tất cả các quốc gia thành viên phải có quan hệ ngoại giao vững chắc với nhau để họ có thể hợp tác trong các quyết định về chính sách.

Indonesia hiện không có quan hệ ngoại giao với Israel, mặc dù hai nước đã có một số liên hệ không chính thức sau hậu trường và kim ngạch thương mại giữa hai bên là khoảng nửa tỷ đô la mỗi năm. Israel được cho là sẽ ủng hộ việc Indonesia trở thành thành viên của tổ chức OECD sau khi mối quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa.

Tờ Yedioth Ahronoth đưa tin rằng hai tuần trước, Tổng thư ký (TTK) OECD Mathias Cormann đã viết một bức thư cho Ngoại trưởng Israel Katz, trong đó ông cho biết, Indonesia đã được thông báo rằng nước này phải “thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia thành viên OECD trước khi bất kỳ quyết định nào được đưa ra để cho phép nước này gia nhập OECD.”

TTK Corman đảm bảo với Ngoại trưởng Katz rằng tư cách thành viên OECD của Indonesia sẽ không tiến triển nếu không đạt được “thỏa thuận nhất trí giữa tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả Israel.”

Sự đảm bảo này rất quan trọng vì ban đầu OECD đã yêu cầu Israel âm thầm cho phép Indonesia gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel đã phản ứng rằng điều đó không thể được nếu Indonesia vẫn chỉ trích gay gắt Nhà nước Do Thái trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza và ủng hộ những cáo buộc diệt chủng của Nam Phi đối với Israel tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở the Hague.

TTK Cormann đã đi xa hơn khi bỏ qua Ngoại trưởng Katz và khẩn cầu trực tiếp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tuy nhiên nhà lãnh đạo Israel ủng hộ ngoại trưởng của mình, đồng thời khẳng định rằng việc Indonesia bình thường hóa quan hệ với Israel là một điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên OECD.

Ngoại trưởng Katz đã nhiệt tình đáp lại bức thư mới nhất của TTK Corman, bày tỏ sự tin tưởng rằng Indonesia sẽ thực hiện “sự thay đổi tích cực trong chính sách của mình đối với Israel, đặc biệt là từ bỏ chính sách thù địch đối với Israel, hướng đến mối quan hệ ngoại giao toàn diện giữa tất cả các bên.”

Tờ Times of Israel đã trích dẫn lời của một quan chức Israel giấu tên, người đã xác nhận bài báo của tờ Yedioth Ahronoth, trong đó có chi tiết cho rằng các quan chức Indonesia đã xem xét bức thư của TTK Cormann trước khi nó được gửi đến Ngoại trưởng Kalz, và đã xác nhận mọi nội dung mà nhà lãnh đạo OECD đề cập trong bức thư.

Sự công nhận của Indonesia đối với Israel sẽ là một diễn biến gây chấn động thế giới trong thời điểm sự phẫn nộ của người Hồi giáo đang lan rộng trước chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas, nhóm chiến binh Palestine ở Gaza vốn đã thực hiện cuộc tấn công đẫm máu vào miền nam Israel khiến hơn 1.200 Israel thiệt mạng và hơn 240 người bị bắt làm con tin. Trước đây, các nhà lãnh đạo Indonesia từng tuyên bố sẽ không phát triển mối quan hệ với Israel cho đến khi người Palestine được trao một nhà nước độc lập.

Năm ngoái đã có tin đồn cho rằng Indonesia đang thảo luận về một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel trước khi cuộc tấn công đẫm máu của Hamas vào miền nam Israel diễn ra vào ngày 7/10. Tuy nhiên, phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Israel trước vụ tấn công này đã khiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo về mặt chính trị không thể thực hiện kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel. Đáng chú ý, theo một số bài báo, cuộc tấn công của Hamas diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Widodo chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel.

Một số quan sát tin rằng Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel chính xác là vì họ lo sợ Israel ngày càng trở nên thân thiện với các quốc gia Hồi giáo, vì vậy tổ chức chiến binh Palestine này muốn kích động phản ứng đáp trả của Israel, khiến cho quá trình đó không thể tiến thêm được nữa. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có quan điểm như vậy, ngay sau khi cuộc tấn công của Hamas diễn ra, ông nhận định rằng mục đích của cuộc tấn công này là nhằm cản trở mối quan hệ ngày càng tăng giữa Israel và Ả Rập Xê-Út.

Một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Israel và Indonesia có thể sắp diễn ra là việc Israel cho phép Indonesia hợp tác với Jordan thả hàng cứu trợ xuống Gaza hôm thứ Ba (9/4). Việc thả hàng cứu trợ này có ý nghĩa quan trọng bởi vì thứ Ba (9/4) là ngày bắt đầu của ngày lễ Hồi giáo Eid al-Fitr kéo dài ba ngày đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan.

Tổng thống sắp nhậm chức của Indonesia Prabowo Subianto có vẻ như dễ chấp nhận việc bình thường hóa quan hệ với Israel hơn là Tổng thống Widodo, có lẽ là vi ông muốn phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn Hoa Kỳ. Ông Subianto đã nói về chiến dịch theo đuổi việc nhập khẩu thêm công nghệ thực phẩm và nông nghiệp từ Israel. Khi bị chụp ảnh trong cuộc họp với các quan chức Israel vào tháng Mười Một, ông Subianto khẳng định rằng không có gì sai khi ông nói chuyện với người Israel về các vấn đề lợi ích quốc gia.

Thời gian biểu cho một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ trong tương lai giữa Indonesia và Israel vẫn chưa rõ ràng, mặc dù manh mối có thể là việc Nhật Bản sắp đảm nhận chức chủ tịch hội đồng bộ trưởng OECD vào tháng Năm. Nhật Bản đã và đang nỗ lực đưa Indonesia vào tổ chức này trong hơn một thập kỷ qua. Bởi vì năm nay là năm kỷ niệm 60 năm Nhật Bản trở thành thành viên OECD, đây sẽ là một thời điểm thuận lợi để Nhật Bản và Indonesia biến giấc mơ của họ thành hiện thực. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong các cuộc thăm dò dân ý về mức độ tín nhiệm, đang rất cần những thời khắc tốt lành.

Gia Huy