PDA

View Full Version : ĐCSTQ quân sự hóa Lực lượng Hải cảnh để can thiệp vào các tranh chấp trên Biển Đông?



duyanh
03-30-2024, 12:55 PM
ĐCSTQ quân sự hóa Lực lượng Hải cảnh để can thiệp vào các tranh chấp trên Biển Đông?




https://img.ntdvn.net/2022/06/ntdvn_1-175.jpeg

Một tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (trên cùng) và một tàu tiếp nhiên liệu của Philippines tham gia vào cuộc cản phá khi thuyền của Philippines cố gắng tiếp cận Bãi cạn Thomas thứ hai (Bãi Cỏ Mây), một phần của Quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông xa xôi mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, hôm 29/3/2014. (Ảnh: Jay Directo/Getty Images)

Hoạt động xâm nhập của các tàu thuyền Trung Quốc vào vùng biển xung quanh Philippines và Đài Loan đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, bởi đây là lực lượng hải cảnh lớn nhất thế giới.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng chiến thuật "vùng xám" và tận dụng Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc để thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải chiếm ưu thế trên Biển Đông, cùng với các tàu cá, tàu tuần tra nghề cá và tàu chiến của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền và thể hiện tham vọng bá quyền.

Chiến thuật "vùng xám" này là một khái niệm bắt nguồn từ học thuyết chiến tranh phi hạn chế của họ, vốn đã nhiều lần gây ra các tranh chấp gay gắt về lãnh thổ.

Trong tháng qua, các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã nhiều lần xâm nhập vào vùng biển gần Philippines và Đài Loan, gây ra những căng thẳng trong khu vực.

Vào ngày 6/3, các quan chức Philippines cáo buộc tàu CCG và tàu hộ tống đã chặn tàu Hải cảnh Philippines và tàu tiếp tế gần Bãi cạn Thomas thứ hai. Hai vụ va chạm nhỏ đã xảy ra giữa tàu Trung Quốc và Philippines. Hai tàu CCG khác dùng vòi rồng tấn công một tàu tiếp tế nhỏ của Hải quân Philippines chở một đô đốc hải quân và thủy thủ đoàn.

Theo báo cáo của lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan, vào ngày 16/3, bốn tàu CCG đã đi vào vùng biển hạn chế xung quanh quần đảo Kim Môn trong hai ngày liên tiếp.

Vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 23/3. Khi đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ để tiếp tế cho tiền đồn xa xôi của Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp ở Biển Đông, một tàu Hải quân Philippines đã bị CCG tấn công bằng vòi rồng.

Quân đội Philippines đã công bố đoạn phim về vụ việc, cáo buộc tàu CCG “cố ý” nhắm vào tàu tiếp tế. Họ cho biết trước cuộc tấn công bằng vòi rồng này, CCG đã tiến hành đánh chặn và diễn tập “nguy hiểm” đối với tàu Philippines.

Hành vi hung hăng của ĐCSTQ trong các tranh chấp chủ quyền hàng hải đã dẫn đến việc quân sự hóa lực lượng Hải cảnh của nước này.

Vào tháng 3 năm nay, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung với hải quân và không quân Trung Quốc tại khu vực lân cận eo biển Đài Loan.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times dẫn lời một chuyên gia quân sự Bắc Kinh, "các cuộc tập trận chung gần đây cho thấy rằng trong trường hợp khẩn cấp, CCG sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA)".

Quyền kiểm soát CCG đã được chuyển từ Quốc Vụ viện sang Quân ủy Trung ương vào tháng 3/2018 và được tích hợp vào PLA. Điều 83 của Luật Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc giao nhiệm vụ phòng thủ trên biển cho CCG, một nhiệm vụ vốn chỉ dành cho hải quân nước này.

CCG cũng được trang bị vũ khí quân sự, bao gồm cả tàu chiến PLA với súng 76mm. Vượt xa nhiệm vụ thực thi pháp luật, khả năng hoạt động của CCG vượt trội so với hầu hết các lực lượng hải quân châu Á.

Ông Andrew Erickson, giáo sư về chiến lược tại Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, đã gọi CCG là lực lượng "hải quân thứ hai" của Trung Quốc.

Hải cảnh Trung Quốc sở hữu một lực lượng hùng hậu với 150 tàu tuần tra cỡ lớn, có trọng tải từ 1.000 tấn trở lên. Nhiều tàu trong số này được cải tiến từ tàu hộ tống hải quân cũ, cho phép hoạt động trên biển trong thời gian dài.

Chúng được trang bị bãi đáp trực thăng, pháo nước công suất mạnh, pháo có cỡ nòng tương đương xe tăng M1 Abrams, và một số từng được trang bị tên lửa hành trình chống hạm (có thể nhanh chóng lắp đặt trở lại).

So sánh với các quốc gia láng giềng, CCG tỏ ra vượt trội đáng kể: Nhật Bản sở hữu 70 tàu, Hoa Kỳ có 60 tàu, Philippines có 25 tàu và Đài Loan có 23 tàu.

Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu hai tàu CCG có trọng tải lên tới 10.000 tấn mỗi chiếc.

Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được trao quyền lực chưa từng có

Điều đáng chú ý là ĐCSTQ cho phép lực lượng Hải cảnh thực hiện các hành vi mang tính chiến tranh chống lại các quốc gia khác mà không cần bất kỳ tuyên bố chính thức nào.

Đây là sự thay đổi đáng kể so với vai trò truyền thống của lực lượng Hải cảnh, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược hàng hải của Trung Quốc.

Thông thường, trên thế giới, các lực lượng hải cảnh hoạt động trong khuôn khổ dân sự. Ví dụ điển hình là lực lượng Hải cảnh Hoa Kỳ thuộc Bộ An ninh Nội địa, tập trung vào các nhiệm vụ như tìm kiếm cứu nạn, an ninh cảng biển, ngăn chặn ma túy và bảo vệ môi trường.

Lực lượng Hải cảnh Canada hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Thủy sản và Đại dương, với vai trò chủ chốt trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo trì phao hiệu, ứng phó ô nhiễm môi trường biển và hỗ trợ phá băng.

Mô hình dân sự này được Trung Quốc áp dụng khi thành lập Lực lượng Hải cảnh vào tháng 3/2013, thông qua việc sáp nhập nhiều cơ quan khác nhau như: Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (State Oceanic Administration - SOA), Lực lượng Hải giám (China Marine Surveillance - CMS), Lực lượng Hải cảnh (China Marine Police - CMP, thuộc Bộ Công an), Bộ Chỉ huy Thực thi Luật Thủy sản (China Fishery Law Enforcement Command - CFLEC, thuộc Bộ Nông nghiệp), Cảnh sát chống buôn lậu hàng hải (Maritime Anti-smuggling Police - MAP, thuộc Tổng cục Hải quan) thành một thể thống nhất mang tên "Cục Cảnh sát Biển Trung Quốc".

Tuy nhiên, so với cấu trúc dân sự ban đầu, Trung Quốc đã có bước chuyển biến đáng kể khi ban hành "Luật Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc" vào năm 2021. Đạo luật này trao quyền cho Lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ lực sát thương đối với tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Việc ủy quyền cho lực lượng bảo vệ bờ biển thực hiện các hành động mang tính chiến tranh chống lại các quốc gia khác mà không cần tuyên bố chiến tranh chính thức đã tạo nên những hệ quả đáng quan ngại.

Điển hình là sự cố xảy ra vào năm 2023 khi Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sử dụng tia laser cấp quân sự, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác của các thủy thủ Philippines. Hành động này minh họa cho chiến lược "vùng xám" mà Trung Quốc đang áp dụng, sử dụng các chiến thuật mơ hồ nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược trong khu vực.

Theo chiến lược này, Trung Quốc có khả năng điều chỉnh cách thức phản ứng dựa trên mức độ phản đối mà họ gặp phải. Nếu đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ, họ có thể hạ thấp căng thẳng bằng cách mô tả cuộc xung đột là một "tranh chấp dân sự". Ngược lại, nếu đối thủ yếu thế hoặc có xu hướng thỏa hiệp, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội để thúc đẩy lợi ích của họ mà không bị kiềm chế.

Lực lượng Hải cảnh - Yếu tố then chốt trong chiến lược vùng xám của Trung Quốc

Trong thập kỷ qua, ĐCSTQ đã kết hợp các biện pháp quân sự và phi quân sự để củng cố sự thống trị trên các vùng lãnh thổ lân cận, đồng thời cẩn trọng tránh leo thang đến mức xung đột toàn diện.

Chiến lược của Trung Quốc được ví như "chiến lược bắp cải", bao gồm việc triển khai các lực lượng theo từng giai đoạn. Ban đầu, họ sử dụng tàu đánh cá để hiện diện thường xuyên, sau đó nâng cấp lên tàu tuần tra đánh cá, tàu bảo vệ bờ biển và cuối cùng là tàu chiến của lực lượng Hải quân.

Chiến lược bắp cải, hay còn gọi là chiến lược "lát cắt xúc xích", là một chiến lược chính trị và quân sự được Trung Quốc sử dụng để thực hiện các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Chiến lược này được ví như việc Trung Quốc sử dụng nhiều lớp "bắp cải" để bao bọc và dần dần chiếm lấy các khu vực tranh chấp.

Chiến lược bắp cải được cho là do Tướng Trương Triệu Trung, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Quảng Châu, đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013. Chiến lược này dựa trên học thuyết "Tằm ăn dâu", một chiến thuật quân sự cổ xưa của Trung Quốc, nhằm "ăn dần" lãnh thổ của đối phương.

Gần đây, Trung Quốc đã mở rộng chiến lược này bằng cách kết hợp lực lượng dân quân hàng hải có vũ trang, máy bay quân sự, tàu khảo sát của chính phủ và giàn khoan dầu. Họ cũng sử dụng các phương thức phi quân sự như chiến tranh mạng, can thiệp GPS và tuyên truyền trên mạng xã hội để tăng cường hiệu quả.

Sự linh hoạt của chiến lược vùng xám cho phép Trung Quốc điều chỉnh mức độ leo thang phù hợp với từng tình huống. Ví dụ điển hình là sự cố tại bãi cạn Scarborough vào tháng 3/2021, với sự tham gia của hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc.

Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc thường xuyên sử dụng máy bay quân sự để xâm nhập vào không phận Nhật Bản. Hành động quấy rối dai dẳng này buộc Nhật Bản phải giảm số lần chặn máy bay xâm nhập, chỉ đáp trả những hành động khiêu khích nghiêm trọng nhất.

Nhật Bản lo ngại rằng việc chấp nhận hành động của Trung Quốc trong thời gian dài có thể khiến các quốc gia khác ngầm thừa nhận các yêu sách lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc.

Cũng như ở Biển Đông, Trung Quốc áp dụng chiến lược vùng xám trên biên giới phía Tây với Ấn Độ. Vào tháng 5/2020, tại khu vực Ladakh, lực lượng PLA đã xâm phạm các khu vực do Ấn Độ kiểm soát, cản trở hoạt động tuần tra biên giới của Ấn Độ. Hành động này thể hiện phương thức "cắt xúc xích" của Trung Quốc, với các hành động khiêu khích gia tăng nhưng không dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, PLA bất ngờ tấn công quân đội Ấn Độ, khiến 20 binh sĩ thiệt mạng. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược vùng xám của Trung Quốc, cho thấy họ sẵn sàng sử dụng bạo lực gia tăng để đạt được mục tiêu lãnh thổ.

Chiến lược vùng xám của Trung Quốc phản ánh khái niệm chiến tranh không hạn chế

Theo quan điểm của cựu Thiếu tướng Không quân PLA Kiều Lương (Qiao Liang) và cựu Đại tá Vương Hướng Thuỵ (Wang Xiangsui), chiến tranh không hạn chế là một cách tiếp cận chiến tranh mới, sử dụng nhiều chiến thuật đa dạng, bao gồm chiến tranh kinh tế, tấn công mạng, khủng bố, và chiến tranh sinh thái. Khái niệm này vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống, huy động mọi phương tiện sẵn có để đạt được mục tiêu chiến lược.

Vào tháng 8/2016, trong cuốn sách "Unrestricted Warfare and Anti-Unrestricted Warfare” (tạm dịch: Chiến tranh không hạn chế và chiến tranh chống hạn chế), ông Kiều Lương đã mở rộng khái niệm này, bao gồm chiến tranh mạng, chiến tranh tài nguyên, chiến tranh truyền thông, chiến tranh tài chính và chiến tranh văn hóa. Ông mô tả chiến tranh không hạn chế là hoạt động vượt qua giới hạn chính trị, lịch sử, văn hóa và đạo đức, sử dụng mọi phương tiện cần thiết để giành chiến thắng.

Cuốn sách "Chín bài bình luận về ĐCSTQ" phân tích nguồn gốc lịch sử của ĐCSTQ, xác định chín đặc điểm chính, bao gồm "Tà ác, Lừa dối, Kích động, Đấu tranh, Cướp bóc, Côn đồ, Chia rẽ, Tiêu diệt và Kiểm soát". Hệ tư tưởng này đã ảnh hưởng đến cách thức Trung Quốc thực hiện chiến lược vùng xám và chiến tranh không hạn chế. Hệ tư tưởng của ĐCSTQ thể hiện sự bất chấp luật pháp quốc tế và gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho hòa bình khu vực.

Hơn nữa, cuốn sách “How The Specter of Communism Is Ruling Our World” (Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta) khẳng định rằng chín đặc điểm này vẫn tồn tại và được củng cố khi ĐCSTQ bành trướng ra toàn cầu. Do đó, khái niệm chiến tranh không hạn chế chính là biểu hiện tập trung của những đặc tính vốn có tính chất tà ác này.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch