PDA

View Full Version : Nước mặn xâm nhập hàng chục cây số ở Tiền Giang, Kiên Giang



giahamdzui
02-13-2024, 01:59 AM
Nước mặn xâm nhập hàng chục cây số ở Tiền Giang, Kiên Giang





TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Theo Đài Khí Tượng Thủy Văn Tỉnh Tiền Giang, trên sông Tiền và sông Hàm Luông, độ mặn tại hầu hết các trạm “có xu thế tiếp tục tăng” vào những ngày đầu Tháng Giêng Giáp Thìn.

Nói với báo Tuổi Trẻ hôm 12 Tháng Hai (Mùng Ba Tết), ông Nguyễn Đức Thịnh, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Tỉnh Tiền Giang, cho biết mấy ngày qua, độ mặn 0.7g/lít đã xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 50km thuộc thành phố Mỹ Tho.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/02/VN-xam-nhap-man-1.jpg

Mặn xâm nhập đã gần 2g/lít đến tận vườn hoa Lạc Hồng, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Hình: Hoài Thương/Tuổi Trẻ)

Theo đó, cùng ngày độ mặn đo được tại vườn hoa Lạc Hồng, thành phố Mỹ Tho, đã gần 2g/lít. Mặn xâm nhập đến khu vực cống Xoài Hột, huyện Châu Thành là 0.1g/lít; cầu Kênh Xáng, huyện Châu Thành, là 0.06g/lít.

Chiều sâu ranh mặn 1-4‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Tiền phạm vi xâm nhập mặn 50-55km, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 60-65km.

“Độ mặn cao nhất xuất hiện vào hôm 11 và 12 Tháng Hai và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023, và cao hơn trung bình nhiều năm, sau đó độ mặn giảm dần theo triều,” ông Thịnh cho biết.

Để bảo vệ diện tích đấy sản xuất, toàn hệ thống cống ngăn mặn từ thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và hai huyện gần biển Gò Công Tây, Gò Công Đông đều đóng kín.

Hiện tại, nguồn nước ngọt trong kênh nội đồng ở tỉnh Tiền Giang còn khá dồi dào, toàn bộ diện tích trên 23,000 hécta lúa Đông Xuân ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông đều đủ nguồn nước ngọt.

Không riêng ở Tiền Giang, xâm nhập mặn cũng ngày càng lấn sâu vào đất liền ở tỉnh Kiên Giang.

Báo Tuổi Trẻ dẫn phúc trình về “Tình hình nguồn nước, hạn hán và xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” hôm 1 Tháng Hai, ông Nguyễn Huỳnh Trung, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi tỉnh này cho biết đến nay, độ mặn cao nhất xuất hiện trên sông Cái Bé là 4‰, luồng sâu vào khoảng 11km tại khu vực cống Cái Bé, xã Bình An, huyện Châu Thành.

Tương tự, trên sông Cái Lớn độ mặn 4‰, xâm nhập mặn sâu khoảng 27km vào xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao.

Trong khi đó, giới hữu trách huyện An Biên cho biết ven sông Cái Lớn hiện còn 10 cống chưa được xây dựng nên “khó khép kín.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/02/VN-xam-nhap-man-2.jpg

Lãnh đạo huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết ven sông Cái Lớn hiện còn 10 cống chưa được xây dựng nên khó khép kín. (Hình: Bửu Đấu/Tuổi Trẻ)

Hiện nông dân ở miền Tây Việt Nam đang lo lắng hàng triệu hécta lúa Đông Xuân, cây ăn quả… có thể mất trắng trước tình trạng hạn mặn “diễn biến phức tạp” như năm 2016.

Trước đó hồi mùa khô cách đây tám năm, cơn hạn hán kéo dài khiến 600,000 người dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt và 160,000 hécta đất nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5,500 tỷ đồng ($225.4 triệu), nhiều nhà vườn phá sản. (Tr.N)