PDA

View Full Version : Hàng trăm ngàn cơ sở ở Việt Nam vi phạm an toàn thực phẩm



duyanh
01-04-2024, 03:08 PM
Hàng trăm ngàn cơ sở ở Việt Nam vi phạm an toàn thực phẩm


HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong năm 2023, hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến thực phẩm, ăn uống tại Việt Nam bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức.

Thông tin trên được nêu ra tại cuộc họp “Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm,” ở Hà Nội hôm 3 Tháng Giêng.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/01/VN-an-toan-thuc-pham-1.jpg

Các loại thực phẩm bán tại các chợ ở Việt Nam khó chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. (Hình: Uyên Phương/Tiền Phong)

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn phúc trình tại buổi họp, cho biết trong năm 2023, ngành Y Tế trong nước kiểm tra hơn 382,000 cơ sở, phát hiện 34,500 cơ sở vi phạm, trong đó xử lý 14,100 cơ sở, số tiền phạt khoảng 44.4 tỷ đồng ($1.82 triệu).


Tương tự, ngành Nông Nghiệp thanh tra hơn 19,300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hơn 1,600 cơ sở với số tiền 14.4 tỷ đồng ($591,695).


Trong khi đó ngành Công Thương kiểm tra hơn 8,300 vụ, xử lý hơn 6,770 vụ vi phạm, phạt 36.3 tỷ đồng ($1.49 triệu), trị giá hàng hóa tịch thu là 31.6 tỷ đồng ($1.29 triệu).

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát môi trường cũng phát hiện, xử lý hơn 7,100 vụ, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 2,100 người ngộ độc và 28 người chết. Đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum – một độc tố rất hiếm gặp.

Báo Tiền Phong dẫn báo cáo từ Ban Chỉ Đạo các ngành cho hay tình hình vận chuyển, chứa trữ, mua bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, không rõ nguồn gốc xuất, hết hạn sử dụng của nhóm hàng thực phẩm không có chiều hướng giảm.

Ngoài ra, còn hiện tượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ, ngành nghề truyền thống, mùa vụ… không đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng để đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.


Đồng thời, một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm nhằm tránh né hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho công tác kiểm soát.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/01/VN-an-toan-thuc-pham-2.jpg

Giới hữu trách ở Sài Gòn test nhanh thực phẩm tại chợ để kiểm tra độc tố. (Hình: Uyên Phương/Tiền Phong)

Phúc trình tại buổi họp cũng chỉ ra vẫn còn một số hạn chế liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Cụ thể, sau 13 năm thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật An Toàn Thực Phẩm không còn phù hợp, một số quy định còn nhiều điều bất cập về kiểm soát thực phẩm xuất cảng, ghi danh bản công bố, điều kiện về an toàn thực phẩm tại các chợ và làng nghề. Việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên môi trường Internet, thương mại điện tử còn khó khăn.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Hồng Hà, phó thủ tướng, chủ trì cuộc họp, thừa nhận tình hình an toàn thực phẩm ở Việt Nam vẫn “diễn biến phức tạp, đáng báo động.” Nhiều hình thức sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, quảng cáo thực phẩm mới xuất hiện rất phức tạp, đa dạng, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm của các bộ, ngành, địa phương. (Tr.N)